Bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XIV: Nhiều đổi mới thiết thực
Theo đánh giá của bà Ngô Thị Doãn Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, kỳ họp thứ 6 đã diễn ra dân chủ, tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao. Thông qua các hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp và hoạt động tại kỳ họp cũng cho thấy, hoạt động của HĐND TP tiếp tục có những đổi mới theo hướng tích cực và hiệu quả thiết thực.
Chủ tịch HĐND TP yêu cầu các Ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP tăng cường phối hợp để tổ chức tốt việc thực hiện các nghị quyết mà HĐND TP đã thông qua. Trong đó, cần đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện Nghị quyết của HĐND theo hướng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch HĐND TP tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, nỗ lực chỉ đạo, điều hành của UBND TP, cùng với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, kinh tế – xã hội của thành phố sẽ thu được nhiều kết quả tốt trong năm 2013.
Trước đó, Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2013 đã được HĐND TP thông qua trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP khóa XIV, sáng 7-12.
Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND TP năm 2013 cũng đã được HĐND TP thông qua với 84,2% phiếu tán thành. Theo đó, trong năm 2013, HĐND TP sẽ thực hiện giám sát chuyên đề với 4 nội dung, gồm: giám sát việc thực hiện nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp của thành phố Hà Nội; giám sát việc thực hiện Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ năm 2009 đến nay; giám sát tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2013 của thành phố.
Theo ANTD
Sẽ không phải sống chung với rác...
Hôm qua (6-12), phiên làm việc thứ 4 của HĐND TP Hà Nội đã thảo luận, biểu quyết và thông qua một số nghị quyết quan trọng.
17 khu xử lý rác thải sẽ góp phần làm xanh, sạch, đẹp Thủ đô
Quy hoạch 17 khu xử lý chất thải
Nhìn đâu cũng thấy tình trạng quá tải về rác tại Hà Nội. Chỉ cần đi một vòng các huyện: Từ Liêm, Thanh Trì, Sóc Sơn... bất kỳ chỗ nào có thể vứt là thấy rác, một khoảng đất trống ở bất kỳ đâu, ngay lập tức sẽ trở thành đống rác lớn. Bài toán rác thải ngoại thành đã có từ khi Hà Nội mở rộng, song tới nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Một lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội đã từng thừa nhận, công tác xử lý, thu gom rác thải nông thôn còn chưa chuyên nghiệp, chủ yếu mang tính tự phát. Chính vì vậy, trong Nghị quyết về quy hoạch xử lý chất thải rắn Hà Nội được HĐND TP thông qua với 85,3% phiếu tán thành đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, chất thải rắn được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến góp phần giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, chất thải nguy hại được xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường. Thành phố dự kiến quy hoạch 17 khu xử lý chất thải rắn cho toàn thành phố và 29 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải. Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2020, thành phố sẽ xây dựng 13 bãi đổ bùn thải thoát nước xây mới hoặc mở rộng 15 khu xử lý chất thải rắn.
Dự kiến, tổng mức đầu tư để thực hiện Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là khoảng 107.573 tỷ đồng. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND khi góp ý vào dự thảo Nghị quyết này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, những nội dung được các đại biểu góp ý sẽ được UBND TP bổ sung, hoàn thiện vào quy hoạch trước khi trình Chính phủ thông qua.
Còn theo quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 được HĐND TP thông qua, đến năm 2020, toàn thành phố sẽ có 32 nhà tang lễ, tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Thành phố sẽ mở rộng các nghĩa trang tập trung như Thanh Tước, Vĩnh Hằng, Yên Kỳ. Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đến năm 2030 cũng xác định mỗi huyện phải có một nghĩa trang tập trung.
Phổ cập công nghệ thông tin
Là địa phương xếp thứ 3 cả nước về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), thế nhưng thực trạng sử dụng CNTT của thành phố lại khá hạn chế, chỉ đứng thứ 7 cả nước. Trong đó chỉ tiêu về ứng dụng xếp thứ 23, về hạ tầng nhân lực CNTT xếp thứ 32,... thấp hơn cả những tỉnh, thành lân cận như Ninh Bình, Bắc Ninh. Trong phiên làm việc chiều 6-12, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển CNTT của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu rõ ràng là phải phát triển CNTT của thành phố đi đầu trong cả nước, hướng tới xây dựng xã hội thông tin vào năm 2020.
Cụ thể, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn có máy tính cho giáo viên ứng dụng CNTT trong chuyên môn nghiệp vụ 70% dân số có thể sử dụng các ứng dụng CNTT và khai thác Internet Phát triển và phổ cập hệ thống quản lý điện tử đến trên 80% số BV, phổ cập sử dụng tin học cho trên 70% cán bộ y tế... Về lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2030, Nghị quyết chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2012-2015 phải cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT bước đầu xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị thông minh (ưu tiên phát triển các lĩnh vực giao thông, xử lý nước thải, và an toàn thực phẩm) phát triển ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp, trường học, BV, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn phát triển các mô hình phổ cập CNTT trong xã hội.
Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 7 loại phí
Với 77,9% đại biểu tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Theo đó, Nghị quyết quy định bãi bỏ 3 loại phí, lệ phí gồm: phí dự thi, dự tuyển phí thẩm định kết quả đấu thầu lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 3 loại phí này được quy định tại các Nghị quyết trước đó của HĐND TP, đến nay đã hết hiệu lực nên HĐND TP không quy định lại mà sẽ áp dụng theo các quy định của Trung ương.
Có 2 loại phí được HĐND TP ban hành mức thu mới thay cho mức thu cũ do có sự thay đổi về chính sách tại các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương. Đó là phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và phí đấu giá, phí tham gia đấu giá tài sản. Cụ thể, mức phí đấu giá, phí tham gia đấu giá tài sản được HĐND TP áp dụng bằng mức tối đa theo quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-BTC. Tương tự, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cũng được đề xuất mức thu tối đa theo khung quy định tại Nghị định 74-CP đối với tất cả các loại khoáng sản, riêng than bùn sẽ thu ở mức tối thiểu.
Có 2 loại phí được HĐND TP quyết định sửa đổi, bổ sung là phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và phí sử dụng hè, lề đường, bến bãi, mặt nước. Cụ thể, bổ sung mức phí tham quan Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trong đó vé tham quan với người lớn là 30.000 đồng/ người/ lượt, riêng học sinh - sinh viên từ 15 tuổi trở lên, người cao tuổi có mức vé là 15.000 đồng/ người/ lượt.
Về phí sử dụng hè, lề đường được điều chỉnh tăng khá cao, chia theo các khu vực: địa bàn quận Hoàn Kiếm, các tuyến phố có mức thu cao nhất hiện nay là 45.000 đồng/m2/ tháng sẽ điều chỉnh tăng lên 80.000 đồng/m2/tháng, các tuyến phố đang áp dụng mức thu cũ 25.000 đồng/m2/ tháng sẽ tăng lên 60.000 đồng/m2/tháng. Các tuyến phố trên đường vành đai 1 và phía trong đường vành đai 1 hiện đang áp dụng mức thu 25.000 - 45.000 đồng/m2/ tháng sẽ tăng lên 60.000 đồng/m2/tháng...
Cũng trong chiều 6-12, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND TP Hà Nội năm 2013.
Hôm nay, 7-12, kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XIV dự kiến sẽ bế mạc, sau 5 ngày làm việc với rất nhiều nội dung quan trọng. Dự kiến trong phiên bế mạc, HĐND TP sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính sự nghiệp của TP Hà Nội năm 2013 xem xét, thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND TP Hà Nội năm 2013. Cũng tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo sẽ phát biểu về những nội dung quan trọng đã được HĐND xem xét, quyết định thông qua tại kỳ họp này. Cuối cùng, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh sẽ kết luận toàn bộ kỳ họp và phát biểu bế mạc.
Theo ANTD
Không bao che vi phạm trong quản lý, sử dụng đất Liên quan tới việc xử lý các dự án chậm triển khai để đất hoang hóa, lãng phí, sáng 5-12, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng) băn khoăn: "Khi thu hồi đất của các hộ dân giao cho dự án thì làm rất quyết liệt. Còn việc thu hồi các dự án vi phạm pháp luật lại ì ạch. Phải...