Bavar-373 – “Truyền nhân” hay “kỳ phùng địch thủ” của S-300?
Tổ hợp tên lửa phòng không Bavar-373 của Iran được quảng cáo là mạnh hơn S-300 (Nga), và thậm chí, một số đặc tính có thể so sánh với S-400.
Bavar-373 – hệ thống tên lửa S-300 “Iran hóa”
Giữa bối cảnh căng thẳng trong khu vực không ngừng leo thang sau khi Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay tại Trung Đông, các vụ tấn công và giam giữ tàu chở dầu cũng như bắn rơi máy bay không người lái, Tehran đã liên tục hé lộ nhiều thiết bị quân sự và vũ khí mới mà nước này tự nghiên cứu phát triển do không thể nhập khẩu khí tài vì lệnh cấm vận quốc tế. Một trong số các vũ khí tối tân được chú ý nhiều là hệ thống tên lửa Bavar-373 được chính thức công bố với sự hiện diện của Tổng thống Iran ngày 22/8/2019.
Hệ thống Bavar-373 mới được Iran công bố. Nguồn: dailysabah.com
Bavar-373 (tiếng Ba Tư có nghĩa là “Niềm tin”) là một hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm xa nội địa của Iran. Hệ thống tên lửa này có khả năng phóng đi nhiều loại tên lửa khác nhau, đồng thời có thể chặn đứng các đợt tấn công từ các mục tiêu di động thông thường như máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, cũng như các tên lửa đạn đạo tốc độ cao… ở khoảng cách rất xa và độ cao lớn.
Tehran bắt đầu phát triển Bavar-373 từ năm 2010, sau khi Nga hủy bỏ một thỏa thuận Nga-Iran trị giá 900 triệu USD được ký kết vào năm 2007, về hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 nhằm thực thi lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tháng 4/2015, Nga nối lại các cuộc đàm phán về hợp đồng tên lửa S-300 và tới năm 2016, cung cấp cho Iran bốn hệ thống tên lửa S-300PMU2 – một phiên bản nâng cấp của S-300 dành cho xuất khẩu.
Mặc dù vậy, Iran vẫn ngấm ngầm phát triển hệ thống tên lửa Bavar-373. Được Bộ Quốc phòng Iran hợp tác với các tập đoàn công nghiệp và một số trường đại học không rõ danh tính chủ trì dự án, Bavaria-373 lần đầu được ra mắt vào tháng 8/2016 và được phóng thử vào năm 2017, và hiện đã sẵn sàng để được giao cho các lực lượng vũ trang Iran. Theo giới quan sát, Bavaria-373 được cho là phiên bản “Iran hóa” của hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất.
Bavar-373 – “kỳ phùng địch thủ” của nhiều hệ thống phòng không?
Không có thông tin chính thức nào được đưa ra về hệ thống tên lửa mới này nhưng từ các bức ảnh có thể thấy, Bavar-373 có ít nhất 2 cấu hình, bao gồm bệ phóng ở chế độ x2 và x4, với các thùng chứa tên lửa, tương tự hệ thống Patriot của Mỹ, được gắn trên xe tải Zoljanah 1010. Tổ hợp này sử dụng tên lửa Sayyad-4, có cấu tạo tương tự Sayyad-3 ở cánh và bề mặt điều khiển, tuy có thay đổi nhẹ ở hình dạng phía trước.
Video đang HOT
Bệ phóng Bavar-373 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Nguồn: presstv.com
Bavar-373 sử dụng radar mảng pha để theo dõi các mục tiêu khí động học và tên lửa đạn đạo tầm trung đến tầm xa, gắn trên xe tải hạng nặng ZAFAR. Một trong những radar được sử dụng trong Bavar-373 là Meraj (Thăng thiên) – radar mảng pha có tầm quét 450km sử dụng các kỹ thuật logic mờ để phát hiện mục tiêu, có thể theo dõi tới 200 mục tiêu cùng một lúc.
Press TV cho biết, Bavar-373 là hệ thống tên lửa phòng không được thiết kế để đánh chặn và phá hủy những mục tiêu của kẻ thù bay ở độ cao 65km. Hệ thống này sử dụng tên lửa có tầm bắn tối đa 300km, và có khả năng phát hiện 100 mục tiêu cùng lúc và bắn hạ 6 mục tiêu, từ tên lửa đạn đạo cho đến UAV. Bavar-373 mạnh hơn nhiều S-300, cơ động, linh hoạt và có thời gian phóng ngắn hơn so với S-300, và thậm chí, một số đặc tính có thể so sánh với S-400.
Tên lửa Bavar khai hỏa. Nguồn: almanar.com.lb
Theo một viên tướng Iran, hiện phạm vi tối đa của các tên lửa phòng không thế hệ mới nhất được sử dụng trên S-300 của Nga đã lên tới gần 300km, nhưng phạm vi tấn công của tên lửa Bavar-373 còn vượt quá S-300 khoảng 1,5 lần, như vậy, phạm vi tấn công của Bavar-373 lên tới 450km, vượt quá tầm phóng của S-400 Nga là 400km (trong khi theo một số nguồn khác, tên lửa Bavar-373 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 200km ở độ cao 27km).
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hatami cho biết: “Với hệ thống phòng không tầm xa này, chúng tôi có thể phát hiện các mục tiêu hoặc máy bay cách xa hơn 300km, chặn chúng ở phạm vi khoảng 250km, và vô hiệu hóa chúng ở phạm vi 200km”. Theo những thông tin chưa được kiểm chứng, radar của Bavar-373 có thể “tóm sống” máy bay tàng hình và đạt hiệu quả chiến đấu chống lại các tiêm kích F-22 và F-35 – những máy bay quân sự được phát hiện lượn lờ gần biên giới Iran trong thời gian gần đây.
Theo các chuyên gia, với khoảng cách diệt mục tiêu đạt được, hệ thống Bavar-373 chỉ có thể sánh ngang với MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất và phiên bản xuất khẩu S-300 của Nga chứ không thể so sánh với hệ thống S-400 như những gì được Tehran tuyên bố trước đó. Mặc dù vậy, đây vẫn là hệ thống phòng thủ cực mạnh cùng với S-300PMU2, Talaash-3 (Iran tự phát triển có tầm bắn tương đương Bavar-373) và những vũ khí khác tạo thành chiếc ô phòng thủ đáng sợ với bất kỳ đối thủ nào. Theo Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Iran Vahidi, với sức mạnh của Bavar-373 cùng S-300PMU2, phòng không Iran không cần mua thêm S-400 của Nga.
Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng, Iran thường phóng đại năng lực vũ khí của mình dù những quan ngại về chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa của Tehran đã góp phần thúc Mỹ hồi năm ngoái rút khỏi hiệp ước hạt nhân mà Iran đã ký với 6 nước vào năm 2015. Nhiều người ban đầu tỏ ra không tin tưởng năng lực của tên lửa Iran, song các nhận xét này được rút lại sau vụ Tehran hôm 20/6 bắn rơi máy bay trinh sát tàng hình không người lái MQ-4C Triton giá 180 triệu USD của Mỹ bằng tên lửa tự chế.
Nhận định về Bavar-373, một số chuyên gia quân sự cho rằng, cũng giống như những lần biểu dương vũ khí, trang bị khác, đây có thể là chiêu đánh bóng tên tuổi của Tehran bởi rất khó để nước này khó có thể chế tạo được một loại tên lửa sánh ngang S-300 chứ đừng nói là sánh bằng S-400. Và rất có thể vị tướng Iran đã có nhầm lẫn về tính năng của S-300, bởi hiện tại, các phiên bản tối tân nhất của các hệ thống này chưa được trang bị tên lửa nào có tầm phóng lên tới 300km ngoại trừ phiên bản S-300VM.
Theo Lê Ngọc/VOV
Tổng thống Trump: Tôi muốn giúp Iran và Triều Tiên trở nên giàu có
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông muốn làm Iran và Triều Tiên trở nên giàu có nếu họ chấp nhận thỏa thuận với Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định hôm 26/8 rằng Iran và Triều Tiên có những "tiềm năng vô cùng lớn", đồng thời bày tỏ rằng ông hy vọng có thể giúp họ đạt được những tiềm năng này nếu họ tiến tới một thỏa thuận với Washington.
Tổng thống Trump đã đưa ra các bình luận trên hôm 26/8 tại Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ở thành phố Biarritz của nước Pháp - nơi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo đến từ Canada, EU, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và một số quốc gia khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng Pháp Emmanuel Macron bên lề thượng đỉnh G-7. (Ảnh: Getty)
" Tôi nhận thấy Iran thực sự mạnh. Chúng tôi muốn biến Iran giàu có trở lại. Chúng tôi sẽ để họ trở nên giàu có, để họ làm tốt mọi thứ nếu họ muốn hoặc họ sẽ tiếp tục nghèo túng như hiện nay", Tổng thống Trump nhận định với người đồng cấp Ai Cập.
Ông Trump cũng đưa ra bình luận tương tự trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi tuyên bố rằng ông có "cảm giác vô cùng tốt" về một thỏa thuận tiềm năng với Iran. Tổng thống Trump cũng cho biết thêm: " Đó là một quốc gia giàu tiềm năng. Tôi cũng từng nói điều này về Triều Tiên".
Tổng thống Trump có lập trường cứng rắn với cả Triều Tiên và Iran mà nhà lãnh đạo Mỹ gọi đó là chiến lược gây sức ép tối đa.
Mặc dù không đạt được thỏa thuận với Triều Tiên trong 2 cuộc gặp Thượng đỉnh song ông Trump vẫn khen ngợi những cam kết đàm phán của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Nhận định vị trí chiến lược của Triều Tiên ở gần Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, Tổng thống Trump cho rằng: " Triều Tiên có tiềm năng kinh tế lớn và tôi nghĩ ông Kim Jong Un hiểu điều đó. Ông ấy là một nhà lãnh đạo nên ông ấy sẽ hiểu được những tiềm năng lớn mà Triều Tiên có thể đạt được".
Ông Trump cũng cho rằng việc ngồi xuống đàm phán với Tổng thống Iran Hassan Rouhani là một khả năng "thực tế" có thể xảy ra trong một vài tuần nữa.
" Tôi nghĩ ông ấy sẽ muốn cuộc gặp này. Tôi nghĩ Iran muốn tình hình giảm bớt căng thẳng".
Tổng thống Rouhani cũng ám chỉ rằng nước này sẽ chấp nhận một đề xuất như trên nếu nó đem lại những lợi ích tốt nhất cho Iran. Dù không đề cập trực tiếp đến ông Trump song nhà lãnh đạo Iran khẳng định ngày 26/8 rằng: " Nếu tôi gặp ai đó và cuộc gặp này giải quyết được các vấn đề của đất nước, tôi sẽ không ngần ngại làm vậy bởi điều này nằm trong nguyên tắc lợi ích quốc gia."
Trung Quốc, EU, Pháp, Đức và Anh vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 song chính quyền Tổng thống Trump muốn một thỏa thuận mới nhằm ngăn cản Iran ủng hộ các nhóm phiến quân và phát triển tên lửa đạn đạo. Nhà Trắng luôn hoài nghi về những tuyên bố không sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran.
Tổng thống Trump cũng thể hiện sự quan tâm tới một Hội nghị Thượng đỉnh nữa với ông Kim song không có kế hoạch nào về cuộc gặp sắp tới được thông báo. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp lần thứ 3 ở biên giới liên Triều hồi tháng 6/2019 cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In song việc Mỹ - Hàn tập trận chung đã khiến Triều tiên phản ứng bằng cách tiến hành 7 vụ phóng tên lửa trong tháng qua.
Ông Trump tuyên bố hôm 25/8 rằng " Chúng ta đang sống trong một thế giới tên lửa" khi được hỏi về phản ứng của ông trước các vụ phóng tên lửa gần đây, trong khi Thủ tướng Nhật Bản gọi việc Triều Tiên phóng các tên lửa tầm ngắn là "vô cùng đáng tiếc".
(Nguồn: Newsweek)
Theo KIỀU ANH/VOV.VN
Quốc hội Mỹ thúc ép Tổng thống Trump trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400 Quốc hội Mỹ có kế hoạch thúc ép Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. "Chúng tôi sẽ phải thông qua đạo luật xóa sạch mọi sự nguy hại đến an ninh quốc gia - điều mà chúng tôi đã cố không làm vì muốn...