Bầu Hiển: Công Vinh – chuyện cũ, ‘thôi đừng nhắc lại’
Ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ về các vấn đề của bóng đá Việt Nam cùng câu chuyện ra đi của tiền đạo Công Vinh hồi năm 2012.
- Lý do lâu nay thấy ông im tiếng, không nói về bóng đá?
- Tình yêu bóng đá trong máu tôi, gắn vào máu rồi. Khi nào máu còn chảy, tình yêu bóng đá còn. Tôi phát biểu ít, một là vì công việc kinh doanh bận rộn, hai là cũng tuỳ chỗ tuỳ lúc, tuỳ nơi, không phải lúc nào cũng nói về nó được. Quan điểm của tôi khi nào phát biểu của mình đóng góp được cho sự phát triển thì hãy nói.
Mối quan hệ của bầu Hiển và Công Vinh vẫn tốt đẹp sau cú lật kèo năm 2012. Ảnh: TP.
- Người ta nhắc đến ông nhiều với câu chuyện “một ông chủ, hai đội bóng”. Ông chịu áp lực thế nào khi rút vốn khỏi hai công ty thể thao Đà Nẵng và Hà Nội T&T?
- Tôi không chịu áp lực nào cả. Theo mô hình các nước, CLB bóng đá phải thành công ty, hoạt động như doanh nghiệp trong lĩnh vực thể thao. Họ phải tự quản trị, điều hành cả tài chính và chuyên môn. Doanh nghiệp chỉ đứng bên cạnh làm nhà tài trợ thôi. Đây cũng là lộ trình bóng đá Việt Nam vừa qua hướng tới.
- Thế chuyện của ông với Đà Nẵng và Hà Nội T&T phải nghĩ như thế nào?
- Bóng đá là môn thể thao của xã hội, muốn phát triển được cần sự quan tâm của xã hội, doanh nghiệp. Nhất là lúc này khi kinh tế khó khăn, kêu gọi được doanh nghiệp, doanh nhân tài trợ thì rất là quý. Nên trân trọng, đánh giá cao họ. Có doanh nhân cung cấp tài chính cho CLB thì bóng đá mới phát triển được. Các đội bóng lớn trên thế giới như MU, Manchester City, Barcelona… cũng cần ông chủ có tài chính mạnh thì mới có thành tích. Tôi nghĩ là một ông chủ, hai đội bóng không phải vấn đề lớn. Khi các ông chủ, doanh nhân đầu tư vào bóng đá thì trước hết người ta mong muốn cho bóng đá phát triển. Họ cũng phải làm nghiêm túc để giữ uy tín, danh dự, chứ không muốn vào bóng đá để làm mất uy tín. Uy tín của một doanh nghiệp, doanh nhân phải xây dựng hàng chục, hàng trăm năm bằng công sức hàng chục, hàng nghìn cán bộ, nhân viên.
- VPF ra đời được đánh giá là một bước ngoặt của bóng đá Việt Nam. Ông bình luận gì về chuyện này?
Video đang HOT
- VPF ra đời là sự cần thiết, như một ban tổ chức giải theo mô hình Nhật Bản. Nhưng vấn đề đặt ra là cơ chế và thể chế cần hoàn thiện, để phát triển cả trước mắt cũng như lâu dài sau này. Tôi cho rằng cần tiếp tục tham khảo các mô hình cụ thể. Tuy nhiên để chuyên nghiệp thì không chỉ VPF. Tôi thấy chúng ta cứ hay nói tới đào tạo bóng đá trẻ. Chuyện đó cần thiết, nhưng cái cần thiết bây giờ nữa là phải có nhà quản lý giỏi. Quản lý ở đây phải từ cấp vĩ mô, quản trị đến cấp CLB, rồi cả ban huấn luyện. Chúng ta muốn có học trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Theo tôi, chúng ta hiện nay cần có đề án đào tạo nhà quản lý, huấn luyện viên giỏi và chuyên nghiệp.
- Ông đánh giá như thế nào về năng lực của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam hiện nay?
- Tôi không đánh giá về năng lực cá nhân mà đánh giá về cơ chế điều hành một cách chuyên nghiệp, được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Bao lâu nay chúng ta chưa có chương trình, lớp đào tạo cho các nhà quản lý về bóng đá. Tôi nghĩ là không phải học đâu xa, cứ học Nhật Bản là đủ. Nếu mình yêu rồi, mà lại có hiểu biết nữa thì sẽ càng giúp cho bóng đá được nhiều hơn.
Công Vinh – Thủy Tiên vừa tổ chức đám cưới đình đám. Ảnh: TP.
- Vừa rồi có người nói ông ngăn Công Vinh yêu Thủy Tiên và đấy là lý do khiến Công Vinh quyết định chọn đội bóng của bầu Kiên?
- Công Vinh cũng như các cầu thủ khác, việc họ muốn ở CLB nào, tôi luôn luôn tôn trọng. Cầu thủ thích chỗ nào thì cống hiến chỗ đấy. Khi cầu thủ không còn muốn ở lại mà cứ giữ họ, tôi phản đối chuyện đấy, vì tư tưởng, tinh thần không toàn tâm, toàn ý thì ở lại cũng không có tác dụng.
- Tôi muốn hỏi về trường hợp cụ thể của Công Vinh với Thuỷ Tiên. Người ta nói ông ngăn họ?
- Tôi có đọc một số báo rồi. Chuyện riêng tư của mỗi cầu thủ là quyền của họ. Tôi nếu có tham gia góp ý thì là sự quan tâm, chứ không can thiệp. Đời tư cá nhân của người khác, mình nên tôn trọng. Tôi chỉ có ý kiến khi cầu thủ trong tập luyện, sinh hoạt và thi đấu không nghiêm túc.
- Từ khi chuyển sang CLB Hà Nội, Công Vinh có liên lạc hay gặp lại ông không?
- Tôi vẫn gặp Vinh trong các trận đấu. Vừa rồi ở Malaysia cũng gặp, rất vui vẻ. Tôi cũng chúc mừng Công Vinh, vì cứ cống hiến hết mình cho bóng đá Việt Nam là tôi rất trân trọng. Tôi thực sự là có nhiều cầu thủ, người nào tôi cũng xem trọng, quý như nhau.
- Khi Công Vinh chuyển sang CLB Hà Nội, bầu Kiên nói mọi chế độ từ lót tay đến tiền lương đều không cao hơn ở Hà Nội T&T. Sau này, nhiều người nói Vinh nhận 14 tỷ đồng. Ông có thể tiết lộ chế độ cho Công Vinh khi chuẩn bị gia hạn với Hà Nội T&T không?
- Chuyện qua rồi, tôi nghĩ là cũng không cần nói lại nữa. Bây giờ nên động viên Công Vinh thi đấu thì tốt hơn.
- Công Vinh vừa mới kết hôn với Thuỷ Tiên, phong độ mùa giải vừa qua cũng tốt. Ông có thấy mừng không?
- Công Vinh nói riêng và các cầu thủ khác nóichung, nếu cuộc sống của họ ổn định thì lúc nào tôi cũng mừng cho họ.
- Quay lại chuyện của ông một chút, làm bóng đá lâu nay, ông thấy mình được gì, mất gì?
- Trước đây cũng có người hỏi tôi rồi. Quan điểm của tôi, đã yêu thì đừng nói chuyện được, mất. Yêu mà tính toán thì thành vụ lợi, không thể lâu dài. Đấy không phải tình yêu mà chỉ là một cuộc mua bán. Cái được của tôi, trước hết là thoả lòng đam mê. Mà thực ra gọi tôi là ông bầu cũng không phải. Tôi đúng nghĩa là nhà tài trợ.
Theo Tiền Phong
Bầu Hiển trước nguy cơ tay trắng ở mùa giải 2014
Hà Nội T&T và Đà Nẵng chịu sự cạnh tranh gay gắt của Bình Dương, trong khi CLB Hà Nội cũng không hoàn thành mục tiêu lên hạng.
Bầu Hiển thoái toàn bộ vốn khỏi bóng đá nhưng ông vẫn đứng ra tài trợ và có tầm ảnh hưởng tới hai đội bóng Hà Nội T&T và Đà Nẵng. Năm nay, một đội bóng khác cũng có liên quan đến bầu Hiển là Quảng Nam xuất hiện trên bản đồ V-League.
Ở mùa giải 2013, cả Hà Nội T&T và Đà Nẵng đều được đánh giá rất cao trong cuộc đua tới ngôi vô địch. Thực tế đã chứng minh, hai "đứa con" của bầu Hiển thay nhau dẫn đầu cuộc đua, trước khi Hà Nội T&T đăng quang, còn đội bóng sông Hàn về đích ở vị trí á quân.
Hai đội bóng của bầu Hiển có thể thêm một lần để lọt chức vô địch V-League. Ảnh: Kỳ Lân.
Sau khi xuất hiện ở sân chơi V-League từ năm 2009 tới nay, Hà Nội T&T cùng Đà Nẵng tạo thành thế hợp tung và chưa năm nào cuộc đua đến chức vô địch lại vắng mặt đội bóng của bầu Hiển. Trong khoảng thời gian đó, chỉ có một lần danh hiệu vô địch lọt khỏi tay bầu Hiển là tại V-League 2011 khi SLNA đăng quang, sau khi đánh bại Hà Nội T&T trong trận chung kết lịch sử trên sân Vinh. Còn 4 năm còn lại, Hà Nội T&T và Đà Nẵng chia nhau mỗi đội hai chức vô địch.
Ngoài thế "liên thủ" hai đánh một, sự ổn định về lực lượng và những khoản thưởng nóng hậu hĩnh của ông bầu chịu chơi luôn là liều doping với các cầu thủ. Hà Nội T&T và Đà Nẵng là những đội bóng có lối chơi thuyết phục, có những HLV tài năng dẫn dắt như Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức.
Mùa giải 2014 khởi tranh, một lần nữa quân bầu Hiển lại thể hiện sự vượt trội so với phần còn lại. Một đội bóng khác cũng được cho là "người nhà" bầu Hiển vừa lên hạng mùa này là Quảng Nam cũng có sự khởi đầu ấn tượng. Ngay vòng đầu tiên của mùa giải, bầu Hiển là người vui nhất khi hoàn tất hat-trick chiến thắng của Hà Nội T&T, Đà Nẵng và Quảng Nam. Thế nhưng, cuộc đua tới ngôi vô địch chẳng dễ dàng với bầu Hiển ở mùa giải năm nay, nhất là khi có tới 4-5 đội đặt mục tiêu giành vị trí cao nhất. Bình Dương chính là đối trọng đáng kể nhất với nhà bầu Hiển. Trong khi đó, cuộc đua tới ngôi vô địch sẽ không thể bỏ Thanh Hóa và những đội bóng khó chơi như SLNA hay thậm chí là Than Quảng Ninh. Những đội bóng nhà bầu Hiển đã có sự khởi đầu ấn tượng, nhưng ở cuối mùa giải lại có sự hụt hơi. Hà Nội T&T sau khi để thua đối thủ cạnh trạnh trực tiếp là Bình Dương, đã bị chia điểm khó hiểu trên sân nhà trước đội áp chót bảng xếp hạng Đồng Tâm, rồi sau đó tiếp tục là trận hòa trước SLNA ở trận đấu bù vòng 8.
Vẫn đứng đầu bảng xếp hạng nhưng lợi thế của Hà Nội T&T chỉ hơn đội đứng sau Bình Dương đúng một điểm. Chiều nay, Hà Nội T&T sẽ có chuyến làm khách khó khăn trên sân Vinh. Ở những vòng tiếp theo, Hà Nội T&T còn gặp các đối thủ khó chơi như HAGL hay Thanh Hóa. Với phong độ không ổn định, Hà Nội T&T hoàn toàn có thể bị lỡ nhịp.
Trong khi đó, đứng ở vị trí thứ 4 với 32 điểm, Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn để bảo vệ được danh hiệu á quân. Còn Quảng Nam càng không có cơ hội vào top 3 mùa giải năm nay.
Các đội bóng của bầu Hiển đều đã sớm bỏ Cup quốc gia để tập trung cho mục tiêu V-League, nhưng cú nước rút lại không đạt kết quả như mong muốn. Sau khi CLB Hà Nội ở giải hạng Nhất không thể lên hạng, các đội bóng ở V-League cũng gặp khó khăn lớn, nguy cơ một mùa giải trắng tay đang hiện lên trước mặt bầu Hiển.
Theo VNE
Hà Nội T&T là khách VIP ở V-League Trong khi Hàng Đẫy lạnh lẽo mỗi chiều cuối tuần, đội bóng thủ đô lại luôn là hàng hot khi tới sân khách thi đấu. Sân Cẩm Phả sẽ đông kín khán giả khi Than Quảng Ninh tiếp Hà Nội T&T chiều nay. Ảnh: VTC. Chiều nay (23/3), đội bóng của bầu Hiển sẽ có chuyến làm khách trên sân của tân binh...