Bầu Đức: ‘Chưa ai dám nói bóng đá Việt Nam hơn Thái Lan’
“Đến thời điểm này, chưa ai dám nói bóng đá Việt Nam hơn Thái Lan. Ở một giai đoạn nào đấy, các đội tuyển Việt Nam có thể thắng Thái Lan…”.
Bầu Đức cho rằng bóng đá Việt Nam có thể thắng Thái Lan ở cấp ĐTQG chỉ mang tính thời điểm, còn hệ số chung của cả nền bóng đá thì chưa ai dám nói vượt mặt người Thái.
“Đến thời điểm này, chưa ai dám nói bóng đá Việt Nam hơn Thái Lan. Ở một giai đoạn nào đấy, các đội tuyển Việt Nam có thể thắng Thái Lan. Chứ cả nền bóng đá Việt Nam chưa thể so sánh với Thái Lan được. Cách đây 10 năm, chúng ta chưa đá đã biết thua Thái Lan rồi.
Nhưng giờ cầu thủ Việt Nam không còn sợ Thái Lan nữa, gặp là “chiến”. Cứ như thế, cùng với việc cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu, cỡ 10 năm nữa chúng ta có thể coi Thái Lan… bình thường.
Bóng đá cũng cần phải có thời gian chứ. Chúng ta từng bước rút ngắn khoảng cách với họ. Bóng đá Việt Nam muốn tiến bộ phải hội nhập. Hội nhập thì phải cho đi nước ngoài”, bầu Đức nói thẳng về sự phát triển của bóng đá Thái Lan và Việt Nam trong ngày Công Phượng đi Bỉ.
Nhiều chuyên gia bóng đá Việt Nam cũng cùng quan điểm với bầu Đức. Họ cho rằng bóng đá Thái Lan có sự phát triển khác biệt so với Việt Nam, từ sự đầu tư về cơ sở vật chất đến sự phát triển chung.
Bóng đá Việt Nam chưa thể nói đã vượt mặt Thái Lan.
Gần nhất, Thái Lan đã bổ nhiệm cựu HLV trưởng Nhật Bản làm HLV trưởng ĐTQG. Họ sẵn sàng trả mức lương cao gấp 4 lần lương HLV Park Hang Seo. Đó cũng là sự khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan về điều kiện phát triển của hai Liên đoàn bóng đá. Vì người đang trả tiền cho HLV Park là bầu Đức.
Từ nhận xét của bầu Đức đến quan điểm của những HLV nội về hai nền bóng đá để thấy rằng, tuyển Việt Nam thắng tuyển Thái Lan chỉ là tính thời điểm, không thể lấy làm thước đo cho hai nền bóng đá.
Thực tế, bóng đá Thái Lan trong nhiều năm qua tiến bộ xa so với bóng đá khu vực. Chính vì tạo ra khoảng cách lớn ở Đông Nam Á nên Liên đoàn bóng đá Thái Lan vạch ra chiến lược tìm vé dự World Cup 2022. Một tham vọng lớn của người Thái nhưng các bước đi có sự sai số khiến cho họ chững lại so với thời điểm Kiatisak còn dẫn dắt ĐTQG.
Bản ngã của câu chuyện về bóng đá Thái Lan cần được nhìn rộng hơn ở chuyện vạch ra kế hoạch đi World Cup 2022. Đó là tham vọng và dám nghĩ đến những điều lớn lao, thay vì cứ sống trong cảnh “làm Vua xứ mù”. Còn sự sa sút là hệ quả của quá trình thực hiện, bởi có những thất bại thì người Thái mới đúc kết, nhìn lại mọi thứ để điều chỉnh cho hợp lý.
Xét ở một chừng mực nào đó, Liên đoàn bóng đá Thái Lan rõ ràng đang nhìn xa hơn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Điều này có thể giải thích từ sự phát triển của hai nền bóng đá, Thái Lan từng thống trị xuyên suốt AFF Cup, đi đến bán kết ASIAD 17 (năm 2014) thì họ định hướng ra châu lục là hợp lý. Ngược lại, bóng đá Việt Nam cần từng bước cải thiện tầm vóc ở Đông Nam Á, sau đó mới nghĩ đến mục tiêu xa hơn.
Tại vòng loại World Cup 2022, tuyển Việt Nam và Thái Lan cùng chung bảng đấu. Hai cuộc so kè này chắc chắn mang đến sự kịch tính lớn, đó cũng là bản đánh giá tốt nhất cho mục tiêu và tham vọng của hai nền bóng đá đang muốn hướng ra châu lục. Vì bóng đá Việt Nam sau 1 năm thành công đã được xem cùng đẳng cấp với bóng đá Thái Lan.
Kết quả bốc thăm vòng loại World Cup 2022:
Bảng A: Guam, Maldives, Philipines, Syria, Trung Quốc.
Bảng B: Nepal, Kuwait, Đài Loan, Jordan, Australia.
Bảng C: Campuchia, Hong Kong, Bahrain, Iraq, Iran.
Bảng D: Singapore, Yemen, Palestine, Uzbekistan, Saudi Arabia.
Bảng E: Bangladesh, Afghanistan, Ấn Độ, Oman, Qatar.
Bảng F: Mông Cổ, Myanmar, Tajikistan, Kyrgyzstan, Nhật Bản.
Bảng G: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, UAE.
Bảng H: Sri Lanka, Turkmenistan, Triều Tiên, Lebanon, Hàn Quốc.
Theo SaoStar
CLB HAGL không còn riêng của bầu Đức
Có một CLB HAGL không còn đúng nghĩa của riêng bầu Đức, mà có sự chung sức rất lớn từ người hâm mộ.
Trách nhiệm với tình yêu
"Các bạn không thay đổi, chúng tôi sẽ từ bỏ". Đó là thông điệp của Hội CĐV HAGL miền Bắc giăng trên sân Hàng Đẫy trong trận đấu giữa CLB Hà Nội và HAGL vào tối 17/7.
Thông điệp ấy đi kèm với hình ảnh CĐV HAGL bịt khẩu trang trong 10 phút đầu tiên, sau đó lại quẩy tưng bừng cổ vũ cho các chàng trai phố Núi.
Hình ảnh của CĐV HAGL trên sân Hàng Đẫy nói lên điều gì?
CĐV HAGL yêu ghét rõ ràng. Có yêu sâu đậm thì mới có sự tức giận về thành tích bết bát của đội nhà. Vì họ bỏ công sức, tiền bạc và tình yêu đến sân cổ vũ cho CLB HAGL (có những người lặn lội từ các tỉnh lân cận để theo chân CLB HAGL) thì đội bóng phải có trách nhiệm với tình yêu bằng kết quả thi đấu xứng đáng nhất.
Mọi thứ bị đẩy lên cao trào khi bầu Đức phát biểu: "CLB HAGL chỉ đá vui thôi". Bản chất của vấn đề thì không phải thông điệp gửi đi của bầu Đức gói gọn như thế, mục đích chỉ muốn nhấn mạnh cuộc chơi ở V.League chưa sòng phẳng, đến mức ông cũng không muốn đầu tư mạnh để HAGL đua vô địch. Còn mục đích sâu xa là bầu Đức đang muốn đầu tư để HAGL bay cao, vấn đề khi bỏ thêm tiền thì VPF, VFF phải có trách nhiệm tạo ra tính công bằng chứ không thể "ném tiền" mà chẳng thu về kết quả.
Thực ra, bầu Đức đang muốn đầu tư lớn để HAGL vô địch V.League nên có "cú đề ba" nói về tính công bằng.
CĐV HAGL có lẽ chưa hiểu hết sự sâu xa từ phát ngôn của bầu Đức nên câu chuyện trở nên cao trào sau màn đá bạc nhược trước Quảng Ninh. Đây cũng được xem là một phần toan tính của ban huấn luyện HAGL với mục đích dồn sức đá với Hà Nội, một trận cầu nhận được sự quan tâm cực lớn từ truyền thông đến người hâm mộ.
Thế nhưng, CĐV HAGL trách đội nhà là không hề sai. Đó là một điều đáng quý khi khán giả yêu mến và quan tâm đến tình cảnh của đội bóng. Họ muốn mọi thứ phải tốt hơn thay vì gặm nhấm nỗi buồn sau những buổi chiều đến sân cổ vũ.
Đây sẽ là bài học lớn cho đội bóng phố Núi trong việc có trách nhiệm với tình yêu của khán giả. Họ nhận được sự tin yêu lớn thì cần phải thể hiện cho xứng đáng với tình yêu!
Có một HAGL không còn riêng... bầu Đức
CLB HAGL là đứa con tinh thần được bầu Đức cho ra đời gần 20 năm. Ông chủ phố Núi "thai nghén" tình yêu bóng đá, sau đó bắt tay làm bóng đá chuyên nghiệp. Di sản bóng đá lớn nhất của bầu Đức chính là Học viện bóng đá HAGL - JMG.
Ít người biết rằng, Học viện bóng đá HAGL - JMG nằm trong Top 10 nơi được du khách đến thăm quan của tỉnh Gia Lai. Mỗi ngày có rất nhiều người đến Gia Lai ghé thăm Học viện bóng đá của bầu Đức. Thế nên, Học viện được tu sửa rất kỹ lưỡng vào đầu năm nay, trong đó có mục đích tạo nên sự ấn tượng đẹp cho những ai đến thăm Học viện.
Đến Học viện, người hâm mộ được chụp ảnh chung với các cầu thủ HAGL, thăm quan các căn phòng, sân tập của cầu thủ mà họ thần tượng trong nhiều năm qua. Họ cũng có cơ hội gặp ông chủ phố Núi. Ví dụ hồi tháng 3 năm nay, một đoàn kỹ sư bày tỏ niềm hạnh phúc lớn khi tình cờ gặp bầu Đức ở Học viện. Tất cả đều tươi cười mời bầu Đức chụp những tấm ảnh để làm kỷ niệm.
Từ khía cạnh tinh thần vượt ra khỏi địa hạt bóng đá ở Học viện HAGL - JMG đến hình ảnh CĐV HAGL trải đều cả nước, hay sự hờn dỗi ở sân Hàng Đẫy, tất cả cho thấy CLB HAGL bây giờ không còn thuộc riêng về bầu Đức. Khi hàng triệu người yêu đội bóng phố Núi đang có ý thức và mong muốn giữ gìn bản sắc, vẻ đẹp của đội nhà. Vì chính những con người đó từng vượt hàng nghìn cây số để đến Gia Lai với mong ước duy nhất được xem "đám trẻ" của bầu Đức chơi bóng. Tức thứ tình yêu đó đã được gieo mầm từ lúc những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn mới chập chững trình làng.
Bầu Đức chụp hình chung với một đoàn kỹ sư đến thăm Học viện HAGL - JMG.
Đó chính là giá trị lớn nhất mà bầu Đức làm bóng đá trong 20 năm qua khi CLB HAGL tạo dựng được sự liên kết với khán giả theo cách gần gũi nhất. Bởi làm cách nào đưa bóng đá ra khỏi bóng đá trong mắt người hâm mộ là chủ đề không có lời giải nếu xét ở môi trường bóng đá Việt Nam, quá khứ có lẽ duy nhất Thể Công làm được điều này.
Xu hướng vận động của bóng đá thế giới cũng thế. Bóng đá thuộc về người hâm mộ, vì không có khán giả thì bóng đá sẽ chết. Chính khán giả là những người góp phần lớn phát triển hình ảnh và đem về những nguồn thu cho CLB. Người Đức là một ví dụ. Họ xây dựng các CLB dựa trên công thức gồm: kết cấu nhà nước, kết cấu cộng đồng, kết cấu đối tác và kết cấu đội bóng. Ở đó, kết cấu cộng đồng đặt trên kết cấu đội bóng nên Hội CĐV được biểu quyết những vấn đề lớn của đội bóng. Nhờ vậy, Bundesliga chật cứng khán giả và trở thành niềm mơ ước cho mọi nền bóng đá về sự sôi động trên khán đài.
Dĩ nhiên, khi CLB HAGL không còn đúng nghĩa thuộc riêng về bầu Đức bởi rất nhiều CĐV đã và đang muốn chung tay phát triển hình ảnh đội bóng thì ông chủ phố Núi, ban huấn luyện đội bóng cần phải biết làm gì để xứng đáng với tình yêu ấy. Đúng hơn, đó là trách nhiệm của bầu Đức và CLB HAGL với người hâm mộ.
Theo SaoStar
Bầu Đức có sốc vì fan HAGL căng băng rôn "dọa" tẩy chay đội bóng? Phản đối cách chơi bóng theo kiểu "vui là chính" của HAGL, các CĐV đội bóng phố Núi đã có phản ứng bằng những thông điệp mạnh mẽ trên sân Hàng Đẫy ở trận Hà Nội đón tiếp "quân, tướng" nhà bầu Đức. Trước trận đấu với Hà Nội ở vòng 16 V-League, HAGL đã trải qua 7 trận liên tiếp không biết...