Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020: Ẩn số chưa có lời giải
Bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử kịch tính nhất từ trước tới nay tại Mỹ bởi nó diễn ra trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử với một loạt diễn biến khó lường cũng như có nhiều yếu tố tác động.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử tại Fayetteville, bang North Carolina ngày 2/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhìn lại lịch sử Mỹ, chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào mà không gay cấn và trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri Mỹ cũng như dư luận thế giới.
Việc ứng cử viên nào trở thành tổng thống Mỹ 4 năm tới sẽ không chỉ chi phối đời sống chính trị, kinh tế và xã hội Mỹ, mà còn tác động mạnh mẽ tới cục diện khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, có thể khẳng định cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử kịch tính nhất từ trước tới nay tại Mỹ bởi nó diễn ra trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử với một loạt diễn biến khó lường cũng như có nhiều yếu tố tác động.
Chính vì vậy, dù chỉ còn vài giờ nữa là diễn ra tổng tuyển cử, vẫn khó có thể đưa ra nhận định chắc chắn ai sẽ trở thành chủ nhân thứ 46 của Nhà Trắng.
[Infographics] Khác biệt về chính sách của hai ứng viên Tổng thống Mỹ
Tính tới thời điểm này, nếu như chỉ dựa vào kết quả của hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, mọi yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” dường như đang nghiêng về phía ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ.
Kết quả thăm dò mới nhất của RealClearPolitics cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden nhận được 51% ý kiến ủng hộ, dẫn 6,7% so với tỷ lệ 44,3% cử tri ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump.
Theo dự đoán của FiveThirtyEight, ông Biden hiện có 85% cơ hội thắng cử vào ngày 3/11 khi trong một thời gian dài, vị cựu phó tổng thống này không chỉ bỏ xa Tổng thống Donald Trump về tỷ lệ ủng hộ trong hầu hết các cuộc thăm dò trên toàn quốc, mà còn dẫn trước tại một số bang “chiến địa” quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn tới kết quả bầu cử cuối cùng, thậm chí cả ở một số bang Tổng thống Trump từng giành chiến thắng trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton năm 2016.
Hiện ứng cử viên Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump tại hầu hết các bang dao động như Pennsylvania, Michigan, Florida, Wisconsin và Georgia, dù tỷ lệ cách biệt rất sít sao.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden vẫy chào những người ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử tại bang Pennsylvania. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong bầu cử Mỹ, phần lớn các bang thường có truyền thống bỏ phiếu cho một đảng (Dân chủ hoặc Cộng hòa). Tuy nhiên, có một số bang không nằm trong xu hướng này.
Đây là những bang có tính cạnh tranh cao do sự thay đổi trong việc bỏ phiếu cho các đảng khác nhau xuyên suốt các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Những bang này có số lượng lớn cử tri chưa rõ quan điểm ủng hộ ứng cử viên nào.
Theo thống kê, hiện có khoảng 10% số cử tri của Mỹ vẫn chưa thể quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử năm nay. Đây là tỷ lệ không lớn, nhưng cũng đủ để có thể tạo ra bất ngờ và xoay chuyển cục diện bầu cử.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong các cuộc thăm dò dư luận, cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành được sự ủng hộ cao của người dân trong một loạt các vấn đề như xử lý đại dịch COVID-19, cách thức giải quyết nạn phân biệt chủng tộc, đoàn kết nước Mỹ hay một số vấn đề khác.
Ứng cử viên này cũng thu hút được nhiều lá phiếu ủng hộ của các cử tri nữ da trắng có bằng đại học, phụ nữ độc thân, người cao tuổi, cử tri trẻ trong độ tuổi từ 18-29, cử tri phi tôn giáo, nhóm cử tri không phải là người da trắng, hay người da trắng có trình độ đại học.
Với những lợi thế cũng như tín hiệu lạc quan trong các cuộc thăm dò, thật dễ hiểu nếu như ông Biden được dự đoán có khả năng cao trở thành người chiến thắng.
Thế nhưng, trong cuộc bầu cử năm nay, kết quả thăm dò dư luận không còn được coi là chỉ dấu hay là yếu tố then chốt để đưa ra dự đoán kết quả bầu cử.
Trong lịch sử, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận của những tổ chức có uy tín của Mỹ đều phản ánh khá chính xác kết quả bầu cử cuối cùng trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Như trong năm bầu cử 1948, các cuộc thăm dò đều dự báo rằng ứng cử viên đảng Cộng hòa Thomas Dewey sẽ chiến thắng trước đương kim Tổng thống đảng Dân chủ Harry Truman, hay lần gần đây nhất là cuộc bầu cử 2016, hầu như mọi kết quả khảo sát chính thống đều xướng tên cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đánh bại tỷ phú Donald Trump để trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Kết quả khảo sát đối với một số bang “chiến địa” trong cuộc bầu cử năm 2016 cũng không cho thấy tính chính xác.
Ví dụ, tại Pennsylvania, bang vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ từ năm 1992, cuộc thăm dò toàn quốc năm 2016 cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump gần 6% vào tháng 10, nhưng trong ngày bầu cử, ông Trump lại giành chiến thắng bất ngờ tại bang này.
Theo thăm dò của hãng Quinnipiac Poll, hiện ông Biden đang có lợi thế hơn Tổng thống Trump tại bang Pennsylvania với cách biệt 7%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử tại bang Pennsylvania ngày 31/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Còn đối với bang Florida, nơi Tổng thống Trump cũng giành chiến thắng 4 năm trước với cách biệt chỉ 1%, thì hiện tỷ lệ ủng hộ ông Biden cao hơn so với Tổng thống Trump khoảng 5% trong số các cử tri đã đăng ký, theo kết quả thăm dò của Monmouth University.
Số liệu từ RealClearPolitics cho thấy bình quân toàn quốc, ông Biden đang dẫn trước tỷ phú Trump 8,5% về mức ủng hộ của cử tri.
Từ thực tế đó, có thể nói cuộc đua năm nay mang một số yếu tố giống như cuộc bầu cử năm 2016, thậm chí cơ hội chiến thắng của ông Biden được đánh giá cao hơn hẳn ứng cử viên đảng Dân chủ cách đây 4 năm.
Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ vẫn có thể xảy ra một lần nữa bởi có một lượng lớn cử tri dao động tại các bang “chiến địa” không thể hiện quan điểm thật của mình, hay im lặng hoặc bị bỏ sót trong các cuộc thăm dò dư luận, và họ chính là một bộ phận quan trọng, âm thầm ủng hộ Tổng thống Trump.
Theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận do Rasmussen thực hiện, hiện có xu hướng ngày càng nhiều cử tri là người da màu, cử tri gốc Mỹ Latinh, nông dân, công nhân, người lao động nói chung chuyển hướng ủng hộ Tổng thống Trump.
Dưới thời Tổng thống Trump, tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi thấp kỷ lục (thời điểm trước khi đại dịch xảy ra). Do đó, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump trong khối cử tri da màu – khối cử tri quan trọng của đảng Dân chủ, tăng lên 30% so với 8% năm 2016, mang lại lợi thế cho vị tỷ phú này.
Một yếu tố khác, tại các bang dao động mà Tổng thống Trump giành chiến thắng, tỷ lệ cử tri ghi danh đảng Cộng hòa trong 4 năm qua, từ năm 2016-2020, tăng lên đáng kể, rút ngắn được khoảng cách đối với đảng Dân chủ. Điều đó cũng là một yếu tố giúp đảm bảo Tổng thống Trump dễ có khả năng chiến thắng tại các tiểu bang này hơn.
Một điều cần khẳng định Tổng thống Trump có số lượng cử tri trung thành vững chắc và trong hoàn cảnh nào, tỷ lệ ủng hộ của khối cử tri này đối với ông vẫn không thay đổi.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, ông đã giành được 94% phiếu bầu, cao hơn 4 triệu phiếu so với cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016.
Ngoài ra, Tổng thống Trump vẫn nhận được mức tín nhiệm cao của cử tri đối với điều hành nền kinh tế đất nước, cũng như mức độ nhiệt tình của cử tri.
Tỷ lệ người da trắng không học đại học tại hơn 30 khu vực đăng ký bầu cử ở các bang chiến địa đã tăng lên gần 2 chữ số, đồng thời cũng có thêm một số lượng đáng kể cử tri da trắng không bằng đại học lần đầu tham gia bỏ phiếu trong năm nay.
Đây cũng là một tín hiệu có lợi cho ông Trump, bởi cộng đồng người da trắng không có bằng đại học được cho là ủng hộ ông rất nhiệt tình.
Cử tri bỏ phiếu sớm bầu Tổng thống Mỹ 2020 tại điểm bầu cử ở North Charleston, bang Nam Carolina ngày 16/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng loạt các yếu tố khác như bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao Amy Coney Barret, số lượng các cử tri đảng Dân chủ bỏ phiếu qua đường bưu điện tăng vọt dẫn đến khả năng sẽ có nhiều phiếu bầu không được tính vì không hợp lệ, cũng có thể gây nguy cơ cho ứng cử viên Biden.
Đặc biệt, năm nay, đã có hơn 95 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tương đương với 69% tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc.
Bên cạnh đó, kết quả các cuộc thăm dò dư luận giống như con dao hai lưỡi. Nó có thể khích lệ bộ phận cử tri trung thành truyền thống của Tổng thống Donald Trump đi bỏ phiếu để giúp ông có thể xoay chuyển tình thế và tái đắc cử. Nó cũng còn có thể tạo cho cử tri ủng hộ ông Joe Biden cảm nhận là vì đã chắc thắng nên không còn cần phải đi bỏ phiếu.
Trong chặng đường nước rút, cả hai ứng cử viên cùng ê kíp tranh cử của mình đã nỗ lực tăng tốc với các sự kiện tranh cử và tung ra nhiều chiến thuật để giành giật cử tri.
Điều này khiến cuộc đua trở nên sít sao và quyết liệt cho tới phút cuối cùng. Trước giờ G, tên của vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vẫn là một ẩn số khó đoán./.
Đây là người có thể tặng Trump chiến thắng ngoạn mục trước Biden vào ngày 3/11
Con đường để Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử đòi hỏi ông phải tối đa hóa sự ủng hộ của các cử tri trung thành - những cử tri da trắng không có bằng đại học - ở các bang chiến trường quan trọng nơi ông từng giành chiến thắng vào năm 2016.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dựa vào tầng lớp lao động da trắng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020.
Điều này là do sự ủng hộ đối với ông Trump trong nhóm các cử tri khác đã giảm. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ông Trump vẫn dẫn trước với tỷ lệ 60%-34% so với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden ở nhóm cử tri da trắng không có bằng đại học, nhưng ông Biden lại dẫn đầu cách biệt với Trump ở nhóm các cử tri da trắng có trình độ đại học, cũng như các cử tri da đen, Tây Ban Nha và châu Á.
Kết quả là, ông Trump có một con đường rất hẹp để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Để chiến thắng, ông cần tỷ lệ đi bỏ phiếu cao ở nhóm cử tri trung thành - những người da trắng thuộc tầng lớp lao động - ở các bang chiến trường Pennsylvania, Ohio, Florida, Wisconsin và Michigan. Dựa trên các cuộc thăm dò hiện tại, con đường này này càng thu hẹp. Nhưng không có nghĩa là không thể.
Tầng lớp lao động da trắng là ai?
Người da trắng không có bằng đại học ở Mỹ thường được gọi là "tầng lớp lao động da trắng".
Theo các nhà khoa học chính trị Mỹ, tầng lớp lao động ngày nay được xác định không chỉ bởi ngành nghề, mà cả trình độ học vấn và mức thu nhập hàng năm. Những người không có bằng đại học, có mức thu nhập hộ gia đình hàng năm thấp hơn mức trung bình (ví dụ, vào năm 2016, thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm là gần 60.000 USD) được xếp vào nhóm tầng lớp lao động. Theo định nghĩa này, kể cả các chủ doanh nghiệp nhỏ, lao động "cổ trắng" (những người làm công việc phục vụ), cổ hồng (những công việc vốn do phụ nữ đảm nhận như y tá, bảo mẫu, giúp việc...) cũng thuộc tầng lớp lao động Mỹ.
Ảnh hưởng của tầng lớp lao động da trắng đến bầu cử Mỹ
Các cử tri thuộc tầng lớp lao động từ lâu đã đóng một vai trò rất lớn trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, mặc dù thực tế họ là một nhóm thiểu số trong số những người làm công ăn lương từ những năm 1920.
Các cử tri thuộc tầng lớp lao động, đặc biệt là những người thuộc các công đoàn, đã từng là những người ủng hộ kiên định đối với các ứng cử viên cánh tả.
Tuy nhiên, ngày nay cánh tả cảm thấy gần như bị bỏ rơi bởi những cử tri này, trong khi cánh hữu ngày càng phụ thuộc vào họ để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump đã giành được số lượng lớn phiếu bầu của tầng lớp lao động da trắng so với đối thủ Hillary Clinton, nhưng các chuyên gia nói rằng không rõ bao nhiêu cử tri ở nhóm này đã tiếp cận các cuộc thăm dò.
Theo Identity Crisis, một cuốn sách được yêu thích về cuộc bầu cử năm 2016, lý do giúp ông Trump thu hút được nhóm cử tri này là vì Trump đã sử dụng thành công chiến thuật "phân biệt chủng tộc" bằng cách khuyến khích người Mỹ da trắng tin rằng các nhóm dân cư không xứng đang đáng dẫn đầu (trong xã hội Mỹ) trong khi nhóm của họ bị bỏ lại phía sau.
Trong khi đó, theo Phó giáo sư Brendon O'Connor, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden mặc dù thể hiện sự đồng cảm với các cử tri thuộc tầng lớp lao động, nhưng có ít ý tưởng mới để thu hút họ. Hầu hết các chính trị gia đảng Dân chủ gần đây chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu, thuyết phục để giải quyết tình trạng lương bất bình đẳng và điều kiện làm việc kém trong lĩnh vực dịch vụ để thu hút tầng lớp lao động ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông O'Connor cho rằng, ông Biden có thể không cần phải thắng ở nhóm cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động mới đánh bại được Trump. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dự kiến sẽ cao, và ít phụ nữ da trắng cũng như cử tri cao tuổi ủng hộ Trump, cơ hội giành chiến thắng của đương kim Tổng thống đảng Cộng hòa khi "chỗ dựa" ngày càng bị thu hẹp đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Ký ức đau thương hằn sâu dân Mỹ trước thềm bầu cử Cận kề ngày bầu cử tổng thống 3/11, nhiều người dân Mỹ vẫn lo sợ khi nhớ lại hình ảnh nước Mỹ "bầm dập" trong những năm qua. Đằng sau lớp khẩu trang để ngăn Covid-19, Patra Okelo, 29 tuổi, rưng rưng khi nhớ lại cuộc tuần hành của hàng trăm người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Charlottesville, bang Virginia...