Bầu cử quốc hội Đức – Cuộc bầu cử định hình tương lai châu Âu
Cuộc bầu cử quốc hội liên bang Đức ngày 24/9 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng hàng đầu tại châu Âu trong năm 2017, bên cạnh cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan hồi tháng Ba và cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi tháng Năm.
Ứng cử viên CDU/CSU, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại một sự kiện ở Berlin. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Không chỉ quan trọng đối với nước Đức, cuộc bầu cử này còn có ý nghĩa quyết định số phận của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai, nhất là khi những vấn đề mà EU đang phải đương đầu cũng tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị- xã hội của nước Đức và sẽ là thách thức của mọi liên minh cầm quyền ở nước này sau cuộc bầu cử sắp tới.
Kết quả tất cả các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sát bầu cử đều “xướng tên” liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), vốn đã liên tiếp cầm quyền qua ba nhiệm kỳ kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức từ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vào năm 2005.
Nhìn vào tương quan lực lượng trên chính trường Đức, có thể thấy việc liên đảng CDU/CSU của đương kim Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục giành sự ủng hộ cao là điều dễ hiểu. Trong suốt 12 năm qua, chính phủ do CDU/CSU dẫn dắt, dù liên minh với đảng nào thì cũng đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa nước Đức vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, cũng như “cú sốc” nước Anh rời khỏi EU năm 2016.
Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thặng dư thương mại, tỷ lệ thất nghiệp, phúc lợi xã hội… của nước Đức hiện đều rất ấn tượng, cho thấy nước Đức đang ở vào giai đoạn thịnh vượng và trở thành đầu tàu quan trọng nhất của EU.
Cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát từ năm 2015, vốn gây xáo trộn đối với xã hội Đức nói riêng và châu Âu nói chung, là biến cố lớn khiến CDU và cá nhân Thủ tướng Angela Merkel bị sứt mẻ uy tín nhiều nhất trong suốt 12 năm cầm quyền.
Việc nước Đức mở cửa đón hơn một triệu người tị nạn trong các năm 2015 và 2016 đã khiến cuộc sống của người dân Đức bị đảo lộn, kèm theo đó là những nguy cơ về khủng bố và tội phạm. Nhưng rồi, nhờ vào thỏa thuận ngăn chặn người di cư bất hợp pháp giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các biện pháp thắt chặt an ninh, vấn đề cũng dần được kiểm soát, và uy tín của bà Merkel cũng như CDU đã phần nào được phục hồi.
Trong khi đó, dù đã có hàng loạt giải pháp quyết liệt chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm nay, SPD, vốn được xem là đối thủ chính của CDU/CSU, vẫn tỏ ra bế tắc. Trên thực tế thì uy tín của SPD đã giảm mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nếu như trong cuộc bầu cử năm 2005, SPD dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Gerhard Schrder còn giành được 34,2% phiếu bầu, chỉ kém 1% so với CDU/CSU, thì đến năm 2013, tỷ lệ ủng hộ SPD tụt xuống còn 25,7% so với 41,5% của CDU/CSU, buộc SPD phải tham gia chính phủ “đại liên minh” với CDU/CSU.
Cuối tháng 1/2017, quyết định lựa chọn ông Martin Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu, làm Chủ tịch đồng thời là ứng cử viên thủ tướng của đảng, đã mang lại một “luồng gió mới” cho SPD. Tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho SPD qua các cuộc thăm dò dư luận tăng chóng mặt, có thời điểm đảng này đã bắt kịp, và thậm chí vượt lên, so với liên minh CDU/CSU ở mức khoảng 33-34%.
Tuy nhiên, “hiệu ứng Martin Schulz” cũng dần qua đi khi SPD không đưa ra được cương lĩnh tranh cử đủ sức thuyết phục khiến cử tri Đức có thể thay đổi, còn CDU/CSU nhìn chung vẫn đang đảm đương tốt nhiệm vụ lãnh đạo đất nước. Tỷ lệ ủng hộ SPD giảm dần, và duy trì ở mức khoảng 23-24% thời điểm hiện nay.
Phải nói rằng việc SPD tham gia vào chính phủ “đại liên minh” với CDU/CSU phần nào đã khiến tiếng nói của đảng này trở nên yếu ớt dưới “cái bóng” quá lớn của Thủ tướng Merkel. Điều này được phản ánh rõ nét qua quá trình vận động tranh cử của các đảng, và đặc biệt qua cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng cử viên thủ tướng là bà Merkel và ông Schulz. Bởi vậy, SPD tuyên bố sẽ không tham gia vào “đại liên minh” với CDU/CSU nữa, trừ khi SPD giành được quyền dẫn dắt liên minh này. Thay vì tham gia vào chính phủ liên minh, trở thành đảng đối lập có thể là con đường đưa SPD trở lại thời hoàng kim.
Video đang HOT
Các đảng khác nhỏ hơn ở Đức, như đảng Dân chủ Tự do (FDP) có tư tưởng tự do, đảng Grne (đảng Xanh) hay đảng Die Linke (Cánh tả) đều đang nuôi hy vọng có ghế tại quốc hội liên bang sau cuộc bầu cử này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ các đảng này đang dao động ở mức từ 7-10%, đủ vượt qua mức 5% tối thiểu để có ghế tại quốc hội liên bang.
Đặc biệt, khả năng đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), một đảng theo đường lối dân túy và có tư tưởng bài ngoại, lọt vào quốc hội năm nay, cũng đang là vấn đề gây lo ngại, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang có nguy cơ trỗi dậy ở châu Âu, với sự xuất hiện của các đảng theo đường lối dân túy và chủ nghĩa dân tộc, phản đối EU và việc sử dụng đồng tiền chung châu Âu, như đảng “Vì tự do” (PVV) trước cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan, hay đảng Mặt trận Quốc gia (FN) trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Ông Martin Schulz phát biểu sau khi kết quả bầu cử tại Saarland được công bố. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tại Đức, việc chỉ trích mạnh mẽ chính sách tiếp nhận người di cư của chính phủ đã có thời điểm mang lại cho AfD khoảng 15% sự ủng hộ của cử tri. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, nhiều khả năng AfD không những lần đầu tiên có ghế mà có thể trở thành đảng lớn thứ ba tại quốc hội Đức, sau CDU/CSU và SPD. Nếu vậy, đây sẽ là thành công mang tính lịch sử đối với chính đảng mới thành lập vào năm 2013 này. Tuy nhiên, AfD cũng khó có thể làm thay đổi cán cân lực lượng trong quốc hội nhiệm kỳ tới.
Nếu như việc đảng nào giành chiến thắng dường như sẽ ít có bất ngờ khi mà CDU/CSU tỏ ra quá vượt trội, thì kịch bản hậu bầu cử ở Đức vẫn là một dấu hỏi lớn. SPD đã lên tiếng từ chối tham gia liên minh với CDU/CSU và ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay thay thế SPD trong chính phủ liên minh là FDP. Liên minh CDU/CSU và FDP có thể lôi kéo thêm đảng Xanh, nếu đảng này có ghế.
Tuy nhiên, đảng Xanh và FDP đang bất đồng trong nhiều các vấn đề, nên khó có thể hợp tác. Trong trường hợp liên đảng CDU/CSU không có khả năng thành lập một chính phủ, hoàn toàn có thể xảy ra kịch bản SPD, nếu làm tốt hơn kỳ vọng trong cuộc bầu cử tới, sẽ đứng ra tập hợp một chính phủ đa số tại Quốc hội với sự ủng hộ của các đảng nhỏ.
Dù thế nào thì liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử tới sẽ không chỉ dẫn dắt nước Đức trong bốn năm tới, mà còn dẫn dắt cả EU trong bối cảnh môi trường quốc tế bất ổn và khủng hoảng như hiện nay. Với vai trò là đầu tàu của EU và ngày càng can dự tích cực vào nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, Đức, cùng với đồng minh Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron, đang tìm cách củng cố và làm mới EU để chống lại nguy cơ tan rã hay khủng hoảng kinh tế-tiền tệ, mà việc nước Anh rời khỏi liên minh (Brexit), cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, vấn đề tự do thương mại hay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump là những thử thách trước mắt cần phải vượt qua.
Theo TTXVN/VIETNAM
Mỹ lấy thỏa thuận hạt nhân Iran mặc cả về Syria
Nga, Đức, Trung Quốc, Ý đồng loạt lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh Mỹ đang muốn thương lượng lại hoặc hủy bỏ.
Theo thỏa thuận được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5 1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) và được thực hiện bắt đầu từ tháng 1-2016 (JCPOA), Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân tranh cãi của mình đổi lấy giảm nhẹ trừng phạt.
Chính phủ Trump nhiều lần đề cập muốn thương lượng lại, cho rằng thỏa thuận hiện tại quá nhân nhượng Iran, không phục vụ quyền lợi an ninh Mỹ, hạn chế khả năng làm áp lực lên Iran của Mỹ. Phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ ngày 19-9, Tổng thống Trump nói thỏa thuận là "nỗi xấu hổ" của Mỹ. Trước đó ông Trump nói với báo chí rằng ông đã có quyết định sẽ làm gì với thỏa thuận, nhưng không cho biết cụ thể.
Mỹ muốn ép Iran bỏ ủng hộ Hezbollah, Syria
ABC News dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster rằng quyết định của ông Trump về thỏa thuận là một phần của việc tái sắp xếp chính sách của Mỹ với Iran. Ý ông Trump là nếu Iran muốn thỏa thuận này được duy trì thì phải đánh đổi sự hỗ trợ của Iran với lực lượng vũ trang Hezbollah (Lebanon) và với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tổng thống Mỹ Trump phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ngày 19-9. Ảnh: BLOOMBERG
Theo quy định, cứ mỗi 3 tháng chính phủ Mỹ phải báo cáo Quốc hội về quá trình tuân thủ thỏa thuận của phía Iran. Các thanh sát viên hạt nhân LHQ xác nhận Iran tuân thủ tốt thỏa thuận. Tuy nhiên ông Trump từng đe dọa sẽ không chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận trong lần báo cáo tiếp theo vào tháng 10 tới. Nếu điều này xảy ra, Quốc hội Mỹ có 60 ngày để quyết định có khôi phục các lệnh trừng phạt Iran vốn đã được ngưng theo nội dung thỏa thuận hay không. Một khi như thế, thỏa thuận xem như bị hủy bỏ.
Đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ thông báo trừng phạt kinh tế nhắm vào 11 cá nhân và công ty Iran bị cáo buộc ủng hộ quân đội Iran và liên quan đến các vụ tấn công mạng các ngân hàng Mỹ. Bước đi này được xem là một nỗ lực của chính phủ Trump trong vận động thương lượng lại thỏa thuận.
Ngày 21-9, hàng loạt lãnh đạo ngoại giao các cường quốc, trong đó có nhiều nước trong nhóm P5 1 từng ký thỏa thuận hạt nhân với Iran đồng loạt lên tiếng bảo vệ thỏa thuận trước sự công kích và vận động của Mỹ phải thương lượng lại hoặc hủy bỏ.
Nhiều nước P5 1 tách Mỹ, đứng về phía Iran
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích việc Mỹ đơn phương trừng phạt Iran sẽ hủy hoại thỏa thuận hạt nhân Iran.
"Đơn phương trừng phạt là không đúng luật và hủy hoại nỗ lực tập thể của thế giới. Mỗi người đều đang thấy Mỹ đang có các hạn chế mới với Iran. Điều này đe dọa việc thực hiện Kế hoạch hành động chung toàn diện - tức thỏa thuận hạt nhân Iran" - ông Lavrov phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ ngày 21-9.
Trước đó, ngày 20-9, ông Lavrov cho biết Nga "cực kỳ quan ngại" về quan điểm của ông Trump với thỏa thuận, tuyên bố Nga sẽ bảo vệ thỏa thuận vì nó có được sự ủng hộ từ cả khu vực và quốc tế.
Phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ, Phó Thủ tướng - Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố các nước phải tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran hiện có, nếu muốn khuyến khích các nước khác đặc biệt là Triều Tiên suy nghĩ lại về chương trình hạt nhân của mình.
"Làm sao chúng ta có thể thuyết phục các nước như Triều Tiên rằng các thỏa thuận quốc tế mang lại an ninh cho họ, để họ đồng ý hợp tác với chúng ta, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran - ví dụ duy nhất về sự thành công trong thương lượng quốc tế không còn hiệu lực?" - Ngoại trưởng Gabriel đặt câu hỏi.
Ngoại trưởng Nga Lavrov phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ngày 21-9. Ảnh: REUTERS
Theo ông Gabriel, các thỏa thuận đa phương là con đường tốt nhất đảm bảo an ninh toàn cầu.
"Chúng ta cần tăng sự hợp tác quốc tế và bớt đi sự cố chấp quốc gia, không có đường nào khác" - ông Gabriel nói, ám chỉ đến tư tưởng "Ưu tiên nước Mỹ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng không thỏa thuận nào hoàn hảo, và nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực không phát triển vũ khí hạt nhân.
Sau một cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ ngày 21-9, Đại sứ Ý tại LHQ Sebastiano Cardi lên tiếng rằng tình hình căng thẳng ngày càng tăng ở Triều Tiên là một ví dụ cho thấy không nên từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo ông, cần so sánh sự gia tăng hạt nhân không thể kiểm soát của Triều Tiên và khả năng kiểm soát chương trình hạt nhân Iran nhờ thỏa thuận để thấy được tính cần thiết của thỏa thuận này.
Iran nhất quyết không thương lượng lại
Trong khi đó, trở về từ kỳ họp Đại Hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 21-9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận hạt nhân Iran không thể thương lượng lại.
Tổng thống Iran Rouhani phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ ngày 20-9. Ảnh: REUTERS
"Có ý kiến rằng thỏa thuận không tệ lắm nhưng không nên duy trì, rằng thỏa thuận cũng tốt nhưng nên ngồi lại lần nữa và xem thử có thể cải thiện gì không, rằng nếu nó bị lỗi gì đó thì có thể sửa lại. Các ý kiến này đã được chúng tôi đáp trả một cách rõ ràng và dứt khoát rằng thỏa thuận hạt nhân không thể thương lượng lại" - Tổng thống Rouhani nói trong cuộc họp báo tại Tehran.
TheoPháp luật TP. Hồ Chí Minh
Nước Đức trước thềm tổng tuyển cử Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và đối đầu giữa hai ứng viên Thủ tướng Đức là đương kim Thủ tướng Angela Merkel - đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) và ông Martin Schulz - Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đã kết thúc...