Bầu cử Mỹ bước vào tuần then chốt
Còn một tuần nữa đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ và 2 ứng viên đang bung hết sức để vượt lên trong cuộc bầu cử đầy kịch tính và chia rẽ.
Theo dữ liệu của dự án Election Lab của Đại học Florida (Mỹ), tính đến hôm qua, đã có gần 42 triệu cử tri bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Trong khi ngày bầu cử chính thức đang đến gần, hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đang trình bày những thông điệp chính nhằm thuyết phục những cử tri chưa quyết định.
Thông điệp cuối
Cuối tuần qua, cựu Tổng thống Trump đưa ra trước tầm nhìn của ông cho nhiệm kỳ tổng thống lần 2. Tại sự kiện ở New York, ứng viên đảng Cộng hòa đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng nhập cư trái phép và tuyên bố “sẽ khởi động chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ ngay ngày đầu nhiệm kỳ”, theo Reuters. Bài phát biểu cũng tập trung về cáo buộc cho rằng chính quyền đương nhiệm, trong đó bà Harris là Phó tổng thống, đã phá hỏng nền kinh tế và chính sách nhập cư, và ông Trump sẽ khắc phục sau khi tái nhậm chức.
Bầu cử Mỹ: Bà Melania Trump bất ngờ xuất hiện, phát biểu cổ vũ chồng
Bên cạnh đó, ông Trump công bố chính sách mới nhằm cung cấp một hạn mức tín dụng thuế cho những người là trụ cột gia đình, cam kết giảm một nửa giá năng lượng và giảm thuế doanh nghiệp. Ông không trình bày rõ kế hoạch kinh tế bởi việc thay đổi quy định về thuế cần được quốc hội thông qua, trong khi chưa có gì đảm bảo đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện sau kỳ bầu cử này. Ngoài ra, sự kiện tại New York còn gây tranh cãi bởi những phát biểu bị cho là mang tính phân biệt chủng tộc, thô tục từ những đồng minh của vị cựu tổng thống.
Sô cô la có hình hai ứng viên tổng thống Mỹ trong cửa hàng tại New York. ẢNH: REUTERS
Trong khi đó, bà Harris có các sự kiện vận động tại Philadelphia, thành phố lớn nhất tại bang chiến trường quan trọng bậc nhất là Pennsylvania, để thu hút cử tri gốc Puerto Rico, vùng lãnh thổ bị một đồng minh tại sự kiện của ông Trump miêu tả là “đảo rác”.
Trong ngày 29.10, bà Harris sẽ có cuộc vận động quan trọng tại công viên Ellipse ở Washington D.C, nơi mà vào ngày 6.1.2021 ông Trump có bài phát biểu trước khi người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội để cản trở việc phê chuẩn chiến thắng của ông Joe Biden. NBC News dẫn lời các trợ lý của bà Harris cho hay phó tổng thống sẽ tập trung vào việc miêu tả ông Trump là mối đe dọa cho nền dân chủ, đồng thời nêu bật tầm nhìn và kế hoạch trong nhiệm kỳ tương lai của bà.
Bầu cử Mỹ: Tại sao kết quả chung cuộc có thể không được công bố ngày 5.11?
Lo ngại hậu bầu cử
Hiện tại, đã xuất hiện những lo ngại từ trong và ngoài nước Mỹ về cả 2 kịch bản ông Trump thua hoặc thắng. Theo AFP, một bộ phận người Mỹ lo rằng với bản tính không chấp nhận thua cuộc của ông Trump, tình trạng bạo lực có thể sẽ lại tái diễn như sau cuộc bầu cử 4 năm trước. Sự cân bằng trong các cuộc khảo sát báo hiệu kết quả cuộc đua có thể được phân định bởi vài chục ngàn phiếu bầu và là cơ sở cho những tranh cãi, kiện tụng sau bầu cử. Nhà phân tích chính trị Adrienne Uthe của Hãng truyền thông Kronus Communications (Mỹ) dự báo mâu thuẫn pháp lý có thể kéo dài nhiều tuần và tùy vào mức độ có thể dẫn đến biểu tình, thậm chí bạo lực. Theo khảo sát của Scripps News/Ipsos mới đây, gần 2/3 người Mỹ dự đoán sẽ có bạo lực sau bầu cử.
Trong khi đó, tại các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington D.C tuần qua, giới chức tài chính các nước bày tỏ lo ngại về tác động tiềm tàng của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2. Theo Reuters, trong số những lo ngại lớn là hệ thống tài chính toàn cầu bị thay đổi bởi việc tăng thuế mạnh, gia tăng phát hành nợ và đảo ngược nỗ lực chống biến đổi khí hậu để ưu tiên sản xuất năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Trái lại, một chiến thắng cho bà Harris được xem là sự tiếp nối chính sách hợp tác đa phương của chính quyền Biden trong 4 năm qua về các lĩnh vực khí hậu, thuế doanh nghiệp, giảm nợ.
“Mọi người có vẻ lo ngại đối với sự không chắc chắn cao về việc ai sẽ trở thành tổng thống kế tiếp và chính sách nào sẽ được thực thi”, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Ueda Kazuo cho hay.
Tổng thống Biden bỏ phiếu sớm
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ bỏ phiếu sớm trong ngày 28.10 tại TP.Wilmington, bang Delaware. Đây là quê hương của ông Biden, nơi ông làm thượng nghị sĩ đại diện từ năm 1973 – 2009, và cũng là lãnh địa của đảng Dân chủ.
Khảo sát chót của NYT trước bầu cử tổng thống Mỹ: ông Trump bằng điểm bà Harris
Báo The New York Times và Đại học Siena vừa công bố kết quả khảo sát cuối cùng trước kỳ bầu cử Mỹ cho thấy hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris có tỷ lệ ủng hộ cân bằng.
Kết quả cuộc khảo sát từ 20-23.10 vừa được The New York Times công bố cho thấy Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có 48% phiếu phổ thông, bằng với cựu Tổng thống Donald Trump.
Đây là khảo sát toàn quốc cuối cùng của The New York Times và Đại học Siena trước ngày bầu cử 5.11. Hiện tại, hàng chục triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm.
Bầu cử Mỹ: Kỷ lục về cử tri bỏ phiếu sớm, ông Trump và bà Harris chạy nước rút
Kết quả nói trên là tín hiệu không mong muốn đối với bà Harris bởi trong các cuộc bầu cử gần đây, các ứng viên đảng Dân chủ thường có ưu thế về phiếu phổ thông ngay cả khi họ thua đối thủ xét về lượng phiếu đại cử tri, vốn đóng vai trò quyết định cuộc đua.
Đáng chú ý, trong cuộc khảo sát gần nhất trước đó, được công bố vào đầu tháng 10, bà Harris dẫn trước với 49% sự ủng hộ so với 46% của ông Trump.
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump theo khảo sát của The New York Times và Đại học Siena đã cân bằng với bà Harris sau nhiều lần bị dẫn trước. ẢNH: AFP
Kết quả khảo sát mang lại một số tín hiệu tích cực cho cả hai ứng viên. Về phía ông Trump, có 15% người trả lời cho rằng nhập cư là vấn đề quan trọng nhất, cao hơn so với 12% của lần khảo sát trước. Lượng người tin tưởng ông Trump về việc xử lý vấn đề nhập cư cao hơn của bà Harris 11 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ có 28% người trả lời cho rằng đất nước, hiện do chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Harris điều hành, đang đi đúng hướng.
Có 41% người trả lời cho rằng ông Trump (78 tuổi) quá lớn tuổi để làm tổng thống, không thay đổi so với tỷ lệ hồi tháng 7, bất chấp bà Harris (60 tuổi) đã dành nhiều thời gian nêu bật vấn đề cách biệt tuổi tác.
Về phía bà Harris, tín hiệu đáng mừng là bà đã thu hẹp khoảng cách với ông Trump về vấn đề kinh tế, yếu tố quan trọng nhất của cuộc bầu cử. Cụ thể, lượng cử tri cho rằng ông Trump sẽ quản lý nền kinh tế tốt hơn nhiều hơn 6 điểm phần trăm so với bà Harris, thấp hơn mức 13 điểm phần trăm của tháng 9. Bà Harris cũng dẫn trước 16 điểm phần trăm về việc bảo vệ quyền phá thai.
Trong số 15% người trả lời còn phân vân, có 42% nghiêng về bà Harris trong khi chỉ 32% nghiêng về ông Trump. Cách đây 2 tuần, ông Trump chiếm 36% trong khi bà Harris chiếm 35% trong nhóm này.
Theo The New York Times, kết quả khảo sát mới nhất hé lộ khái quát tình hình song cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay sẽ chỉ được quyết định tại 7 bang chiến trường, nơi hai ứng viên đã dành hầu hết thời gian và nguồn lực để vận động. Hầu hết các cuộc khảo sát tại 7 tiểu bang chiến trường, gồm Arizona, Bắc Carolina, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin, gợi ý cuộc đua sẽ rất cân bằng.
Gần 25 triệu người bỏ phiếu sớm bầu cử tổng thống Mỹ Gần 25 triệu cử tri đã bỏ phiếu, thông qua hình thức bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc gửi qua thư, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Ngày Bầu cử. Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại điểm bầu cử ở Atlanta, bang Georgia. Ảnh: Getty Images/TTXVN Theo hãng tin Reuters, một số bang, bao gồm...