Bầu cử Anh gay cấn đến phút chót
Khoảng 48 triệu cử tri Anh ngày 7.5 đã bỏ phiếu chọn lãnh đạo mới để dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong 5 năm tới.
Người dân ở thành phố Glasgow, Scotland đi bỏ phiếu ngày 7.5 – Ảnh: AFP
Đây là cuộc tổng tuyển cử khó dự đoán kết quả nhất trong nhiều thập niên tại Anh, khi các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy không chính đảng nào có thể chiếm thế đa số tại Hạ viện gồm 650 ghế. Cả đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron và Công đảng đối lập đều bám nhau sát nút trong các cuộc thăm dò. Cụ thể, trong 7 cuộc thăm dò dư luận được công bố một ngày trước bầu cử, 3 cuộc cho thấy 2 chính đảng đều có tỷ lệ ủng hộ tương đương nhau; 3 cuộc thể hiện đảng Bảo thủ chiếm ưu thế và 1 cuộc thiên về Công đảng. “Đây là cuộc đua sít sao nhất chúng ta từng thấy”, lãnh đạo Công đảng Ed Miliband phát biểu trước đám đông ủng hộ tại vùng Pendle, miền bắc nước Anh khi đến đây vận động tranh cử.
Theo Reuters, cuộc thăm dò dư luận của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu tại Anh là YouGov cho thấy đảng Bảo thủ sẽ giành 284 ghế so với 263 ghế của Công đảng… Nếu kết quả cuộc thăm dò thành hiện thực, cả hai chính đảng đều sẽ cần liên minh với ít nhất 2 đảng nhỏ hơn để huy động được số ghế quá bán là 326 trong Hạ viện.
Khoảng 50.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Anh đã mở cửa từ 7 giờ sáng đến 22 giờ tối 7.5 (giờ địa phương, tức 13 giờ ngày 7.5 cho đến 4 giờ sáng hôm sau, giờ VN). Kết quả cuộc bầu cử dự kiến công bố ngày 8.5. Theo BBC, nếu cả Công đảng lẫn đảng Bảo thủ không giành chiến thắng áp đảo thì các cuộc đàm phán thành lập liên minh với những đảng nhỏ sẽ bắt đầu ngay trong ngày 8.5 và nhiều khả năng các cuộc thương lượng có thể kéo dài nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tháng.
Video đang HOT
Trong những ngày chạy đua nước rút nhằm lôi kéo cử tri, lãnh đạo đảng Bảo thủ đã cam kết sẽ khôi phục kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, giảm thuế thu nhập cho 30 triệu người và đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu nhằm loại bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách. Công đảng thì nhấn mạnh sẽ giảm dần thâm hụt ngân sách theo từng năm, tăng thuế thu nhập nhiều nhất là 1%, bảo vệ quyền lợi của người nghèo và duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu. Tuy Liên minh châu Âu (EU) chỉ là vấn đề nhỏ trong cuộc đua tranh vì đa số cử tri đều quan tâm đến các vấn đề khác như kinh tế, y tế, giáo dục, song kết quả cuộc bầu cử lần này ít nhiều có thể ảnh hưởng tới tương lai của khối. Thủ tướng Cameron từng tuyên bố sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2017 nếu làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa. BBC cho hay Công đảng cũng không loại bỏ khả năng tổ chức trưng cầu dân ý tương tự khi trở lại cầm quyền.
Danh Toại
Theo Thanhnien
Cử tri Anh bước vào cuộc tổng tuyển cử định đoạt tương lai
Ngày 7/5, cử tri khắp nước Anh sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được dự báo khó lường nhất trong nhiều thập niên qua, và được xem như sẽ định đoạt tương lai của đảo quốc sương mù tại Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc tổng tuyển cử tại Anh năm nay được đánh giá khó lường (Ảnh: Guardian)
Theo hãng tin AFP, nhiều nhà quan sát dự báo rất có thể đây sẽ là lần đầu tiên từ năm 1974, một chính phủ thiểu số tại Anh được thành lập và khả năng nước này rời EU cũng như Scotland tuyên bố độc lập sẽ càng cao hơn.
Đảng Bảo thủ theo đường lối trung hữu của thủ tướng David Cameron, vốn giữ vai trò lãnh đạo trong chính phủ liên minh từ năm 2010, sẽ phải đấu tranh quyết liệt để tiếp tục giữ vị thế tại quốc hội, trước sự cạnh tranh ngày một lớn từ Công đảng theo đường lối trung tả của ông Ed Miliband. Kết quả các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy tương quan đang là 50-50.
Trong khi lãnh đạo cả hai đảng khẳng định họ có thể thắng với đa số rõ ràng tại Hạ viện, vốn gồm 650 ghế, hầu như chắc chắn họ sẽ phải liên minh với các đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ.
Câu hỏi lớn nhất lúc này đó là ai sẽ liên minh với ai. "Vào thời điểm hiện tại, tôi không hề có ý tưởng nào về việc ai sẽ là thủ tướng sau một tháng nữa", Peter Kellner, chủ tịch công ty khảo sát YouGov chia sẻ. "Không có cuộc khảo sát hay nhà tiên tri chính trị nào có thể đảm bảo điều gì chắc chắn sẽ diễn ra vào thứ Năm".
Các điểm bầu cử mở cửa từ 6 giờ sáng (giờ GMT) và đóng cửa lúc 21 giờ cùng ngày. Kết quả khảo sát cử tri cuối ngày sẽ được công bố ngay sau đó. Nhiều khả năng cục diện sẽ rõ ràng ngay trong đêm, mặc dù số lượng ghế cụ thể mỗi đảng giành được sẽ không thể biết chắc cho tới ngày thứ Sáu.
Với việc cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng đều được nhận định không đủ sức giành đa số ghế, họ sẽ cần nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần để thương thảo với các đảng nhỏ hơn, nhằm tập hợp cho đủ 326 ghế tại Hạ viện.
Đảng dân tộc Scotland (SNP), vốn muốn Scotland tách khỏi vương quốc Anh, nhiều khả năng giành được nhiều ghế nhất tại khu vực phía Bắc biên giới và có vị thế tốt trong các cuộc thương thảo.
Khả năng cao SNP sẽ ủng hộ Công đảng và quay lưng với đảng Bảo thủ, bởi đảng của cố thủ tướng Margaret Thatcher không được cư dân Scotland ủng hộ, sau những cải cách kinh tế từ thời "bà đầm thép" còn nắm quyền, vốn bị cho là nguyên nhân khiến ngành công nghiệp nặng tại vùng này đi xuống.
Đảng Dân chủ tự do theo đường lối ôn hòa, một đối tác trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Cameron, cũng giữ vị trí then chốt trong các cuộc đàm phán liên minh sau bầu cử. Hiện đảng này đang tỏ ra sẵn sàng hợp tác với cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng.
Chính phủ mới tại Anh, dù do Công đảng hay đảng Bảo thủ lãnh đạo, sẽ phải đối mặt với thử thách lớn đầu tiên khi các nghị sỹ bỏ phiếu về chương trình lập pháp sau bài phát biểu của Nữ hoàng vào ngày 27/5 tới.
Cuộc bầu cử tại Anh được dư luận quốc tế quan tâm, bởi nó có thể ảnh hưởng tới vị thế của Anh, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là thành viên sở hữu vũ khí hạt nhân của NATO.
Ngoài ra, cuộc bầu cử còn đáng chú ý bởi Thủ tướng Cameron từng hứa sẽ trưng cầu dân ý về khả năng Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, rời khỏi EU năm 2017 nếu đảng Bảo thủ chiến thắng.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ AFP
Dân Anh bầu cử, EU hồi hộp chờ kết quả Nếu Thủ tướng Anh David Cameron tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 7.5, nước Anh sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017 quyết định London sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Việc Anh tách khỏi EU có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong liên minh 28 quốc gia này....