Bất ngờ về cuộc chiến của… tinh trùng
Tại sao mỗi lần xuất tinh, cơ thể của người đàn ông lại phải tung ra ít nhất 300 triệu tinh trùng trong khi chỉ cần một tinh trùng cũng đủ tạo nên bào thai.
Điều gì đã xảy ra giữa những con tinh trùng với nhau? Những nghiên cứu của nhà sinh hóa Robin Baker được công bố mới đây về thế giới bí ẩn của tinh trùng đã khiến cho công luận ngạc nhiên.
Chiến tranh tinh trùng
Video đang HOT
Trong cuốn sách Chiến tranh tình dục, Robin Baker đã kể lại một câu chuyện có thật: Pierre và Helene cưới nhau đã được 10 năm. Họ có hai con. Từ khi sinh đứa thứ hai, chuyện tình dục của họ trở nên nhàm chán và em bé thứ ba cứ chờ mãi mà không thấy. Bất ngờ, Helene gặp lại Henri, người yêu cũ. Sau một đêm nồng thắm, Helene cảm thấy hối hận và quyết định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Henri để trở lại cuộc sống hàng ngày. Đến cuối tháng đó nàng phát hiện ra mình có bầu. Helene lo sợ, không biết đứa con trong bụng là của ai?
Bằng câu chuyện cụ thể trên, Robin Baker đã giải thích về “cuộc chiến tranh giữa các tinh trùng” – khám phá được coi là lý thú và độc đáo nhất trong cuộc nghiên cứu của ông. Theo Robin Baker, trong một lần gặp gỡ với chồng, người phụ nữ nhận được ít nhất khoảng 300 triệu tinh trùng. Phần lớn chúng bị đẩy ra ngoài bằng nhiều cách. Dù vậy vẫn có một số tồn tại được mấy ngày. Ngay sau đêm ân ái với chồng, nếu Helene gặp Henri với một đam mê cuồng nhiệt thì giữa hai phe tinh trùng của hai người đàn ông chắc chắn sẽ diễn ra một trận chiến ác liệt để giành lấy cái trứng. Khả năng tác chiến của mỗi phe sẽ tùy thuộc vào vị trí ẩn nấp và ý muốn trong vô thức của người phụ nữ: muốn có con với ai! Dĩ nhiên, tinh trùng của Henri sẽ hung bạo hơn, chúng gây chiến tức khắc. Trong khi đó, tinh trùng của chồng Helene chỉ lo phòng thủ thụ động bởi vì đó là “tình dục bình thường”, nhàm chán. Chúng không có thái độ sẵn sàng để tấn công kẻ khác. Thêm nữa, trong tiềm thức của Helene, luôn có ý thức lựa chọn tinh trùng khỏe mạnh nhất để cho ra đời đứa con tốt nhất. Vì vậy, kẻ chiếm ưu thế thường thuộc phe đội quân “xâm lược” đầy hào hứng và hiếu chiến của Henri.
Điểm mặt các tinh binh
- Tinh trùng sát thủ: dài ngoằng và “lực lưỡng”, loại tinh trùng này không có nhiệm vụ sinh đẻ. Nó chỉ lang thang trong tử cung để lùng sục kẻ thù và tiêu diệt chúng. Mỗi khi sát thủ gặp tinh trùng của người đàn ông khác, đầu tiên nó “làm phép thử” bằng cách tiết ra một thứ hóa chất nằm ở “đầu mũ”. Nếu nhận ra có sự không trùng hợp, lập tức chúng sẽ ra tay ngay. Nếu cùng loại, đó là phe ta. Nó sẽ bỏ đi và tiếp tục “tuần tra” trong tử cung.
- Tinh trùng phá băng: Dùng để tiêu diệt đối thủ trên đường chạy đua đến tử cung. “Cái mũ” của nó có khả năng phân biệt mùi kẻ thù. Tinh trùng này có đuôi xoắn, thân mình cũng xoắn, với một cái lưng gù, có thể xuyên qua bất kỳ loại nước nhờn âm đạo nào ngăn cản đường tiến quân của chúng.
- Tinh trùng săn trứng: Lý thú nhất vì có khả năng sinh sản. Loại này chỉ chiếm 1% tổng số. Tinh trùng sát thủ và săn trứng rất giống nhau. Cơ thể trơn láng và lực lưỡng. Sát thủ có đầu trung bình, săn trứng to hơn. Người đàn ông nào có tỉ lệ tinh trùng săn trứng cao nhất sẽ thắng cuộc. Hơn nữa, tùy theo hoàn cảnh, một người đàn ông có thể gia tăng trong vô thức tỷ lệ tinh trùng phá băng hay sát thủ cao hơn, nếu y cảm thấy mình có nguy cơ bị… cắm sừng.
Tất nhiên, đó là “đội quân” được sinh ra từ những cơ thể đàn ông khỏe mạnh. Trong trường hợp cơ thể đó bị ảnh hưởng bởi stress, thuốc trừ sâu, dược phẩm, tuổi già… thì chất lượng cũng như số lượng tinh binh sẽ khác, đó có thể là một đội quân yếu đuối, chậm chạp, ít ỏi, dị dạng bất thường, thậm chí là chẳng có lấy một tinh binh nào. Đội quân này dĩ nhiên là sẽ “chào thua” ngay từ đầu chẳng cần đợi cuộc chiến diễn ra.
Điều gì quyết định kẻ chiến thắng?
Rõ ràng, quá trình tiến hóa đã chuẩn bị cho đội quân tinh trùng của người đàn ông khả năng đấu tranh để giành giật cái trứng trong trường hợp có mặt hơn một phe tinh trùng trong tử cung. Theo nhà sinh học Baker, cuộc chiến tranh này phụ thuộc khá nhiều vào thái độ tình dục của người phụ nữ, ví dụ như người phụ nữ thích thú ân ái với ai hơn, mong muốn có con với người nào. Thái độ này một phần là ý thức, nhưng phần khác là vô thức.
Các mệnh lệnh sinh lý của đàn ông và đàn bà không giống nhau. Thoạt đầu trong tiềm thức ai ai cũng muốn sinh sôi nảy nở khiến người đàn ông bằng mọi giá phải cấy cho được “tinh hoa” của mình vào cơ thể người phụ nữ. Ngược lại người phụ nữ chỉ muốn chọn lấy cái tốt nhất. Chính Baker đã phát hiện ra yếu tố tiềm ẩn trong thái độ tình dục của người phụ nữ mà trước đó các nhà khoa học không chú ý đến. Đó là người phụ nữ có rất nhiều phương tiện tinh vi để chọn lựa tinh trùng tốt nhất khi trong cơ thể của họ có đến 2 loại. Sự bất thường kinh nguyệt là một biện pháp, bởi vì nó xóa mất dấu vết của giai đoạn có thể thụ thai tốt nhất. Chất nhờn là một rào chắn khác, có thể bao vây một số tinh trùng và để cho một số khác khỏe hơn, tinh ranh hơn vượt qua ải vòng vây! Nước âm đạo cũng thế, độ pH thấp tạo nên môi trường có tính axit nhẹ, nó cho phép người phụ nữ từ trong vô thức tiêu diệt hàng trăm triệu tinh trùng và chỉ giữ lại một số khác hợp ý mình.
Quả vậy, trong cơ thể người phụ nữ đã được lập chương trình để có con với những người đàn ông theo hai tiêu chuẩn: tài sản di truyền của cha tốt nhất và môi trường sống tốt nhất mà cha có thể dành cho con. Tuy nhiên, đàn ông không phải hoàn toàn thúc thủ vì những rào chắn đó. Họ có thể thay đổi số lượng cũng như chất lượng tinh trùng, tùy theo họ cảm thấy mình có bị người đẹp cắm sừng hay không.
Kết quả nghiên cứu và lý thuyết mà nhà sinh hóa Robin Baker đưa ra đã làm đảo lộn quan điểm của giới khoa học từng tồn tại trong suốt nhiều thế kỷ qua, cho thấy cuộc sống trong thế giới tinh trùng cũng vô cùng phong phú và phức tạp. Thế mới biết, tạo hóa quả là rất tuyệt vời!
Theo VNE