Bất ngờ ra giá phải trả cho Đức nhưng Mỹ vẫn không thể “đè bẹp” Huawei vì lý do chính này?
Mỹ đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch toàn cầu kêu gọi cấm sử dụng thiết bị của Huawei cho các mạng lưới 5G mới.
CNN đưa tin, mới đây Mỹ đã cảnh báo Đức liên quan tới việc chia sẻ thông tin tình báo với các nước đang sử dụng thiết bị của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei để xây dựng mạng lưới truyền thông 5G.
Một quan chức Mỹ tiết lộ, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi một lá thứ tới chính phủ Đức vào tuần tước, trong đó đe dọa sẽ không cho Berlin tiếp cận nguồn tình báo của Mỹ nếu quốc gia châu Âu quyết định làm ăn với Huawei.
Huawei đang đối mặt với sức ép từ Mỹ (ảnh: getty)
“Bộ Các vấn đề kinh tế và năng lượng Liên bang đã nhận được một lá thư; không có bình luận gì về nội dung của nó từ phía bên kia. Lời phúc đáp sẽ nhanh chóng được đưa ra”, Matthias Wehler, phát ngôn viên của Đại sứ quán Đức tại Washington DC, cho hay. Trước đó, ngày 7/3, Đức thông báo sẽ không cấm bất kỳ công ty nào tham gia đấu thầu cho các hợp đồng 5G.
Theo CNN, lá thư trên là tiếp nối của một loạt các động thái cảnh báo đến từ giới chức cấp cao nước Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pences – người từng cáo buộc Huawei có quan hệ với tình báo Trung Quốc, cũng như các nguy cơ về an ninh quốc gia từ việc tập đoàn này cung cấp thiết bị có thể dẫn tới tình trạng giám sát phi pháp.
Hôm thứ Hai (11/3), một bài viết trên trang CNN chỉ ra, ngay cả khi các tập đoàn mạng không dây lớn và chính phủ Mỹ né tránh Huawei vì những e ngại an ninh, thiết bị của “gã khổng lồ” Trung Quốc vẫn đang được triển khai trong các công ty nhỏ, được chính phủ trợ cấp tại Mỹ. Những công ty này thường mua các phần cứng sản xuất tại Trung Quốc và có giá thành rẻ hơn, để lắp đặt cho các tháp phát tín hiệu của mình. Và trong một số trường hợp, họ còn độc quyền phủ sóng tại các khu vực hẻo lánh, nhưng lại rất gần với một số căn cứ quân sự Mỹ.
Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei Mạnh Vãn Chu (ảnh: Reuters)
Việc Mỹ liên tục gây áp lực chống lại Huawei – hiện đang là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và một vài đồng minh trở nên căng thẳng. Nó cũng là một trong những vấn đề lớn nhất trong quan hệ song phương Mỹ – Trung, vốn không ngừng tụt dốc trong những tháng gần đây vì xung đột thương mại.
Bắc Kinh và Huawei kiên quyết phủ nhận những cáo buộc của Washington, và tập đoàn Trung Quốc thậm chí còn khởi kiện chính phủ Mỹ liên quan tới Đạo luật ủy quyền quốc phòng 2019. Theo đạo luật này, các cơ quan chính phủ Mỹ bị cấm mua và sử dụng sản phẩm của Huawei. Mạng lưới 5G là hệ thống mạng không dây thế hệ tiếp theo được kỳ vọng là có tốc độ nhanh gấp 100 lần và đáng tin cậy hơn so với công nghệ hiện đại. Đây là một thị trường hứa hẹn trị giá hàng tỷ USD, do 5G đòi hỏi phải có điện thoại và thiết bị mới tương ứng.
Giới phân tích và điều hành trong ngành đánh giá, Huawei đã xây dựng và mở rộng vị thế như một tên tuổi dẫn đầu trong công nghệ 5G. Đối với nhiều nhà mạng không dây, Huawei cũng là cái tên rất khó để thay thế. Các nhà điều hành di động trên thế giới không ít lần phàn nàn rằng, chiến dịch của Mỹ đang làm phức tạp hóa những nỗ lực nâng cấp mạng lưới của họ.
Thông báo ngày 7/3 của Đức cũng tương tự như một quyết định trước đó của Anh. Cả hai nước đều cho rằng, họ có thể giảm thiểu tối đa bất kỳ nguy cơ nào (nếu có); và điều này chắc chắn sẽ khiến Washington gặp khó khăn hơn khi thuyết phục các nước nhỏ hơn.
Video đang HOT
Mạng 5G mà các đồng minh của Mỹ mua sẽ không phải là mạng lưới mà họ thực sự vận hành, bởi vì phần mềm có thể thay đổi theo nền tảng từng thời điểm một và do nhà sản xuất điều khiển.
Garrett Marquis
Garrett Marquis, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã vạch ra lý do tại sao mạng lưới 5G của Huawei có thể đem tới những nguy cơ liên tục thay đổi và khó đoán trước.
“Bởi vì mạng 5G hầu như dựa vào phần mềm, những cập nhật của nhà sản xuất cho mạng lưới có thể thay đổi đáng kể cách nó vận hành,” ông Garrett nói. “Mạng 5G mà các đồng minh của Mỹ mua sẽ không phải là mạng lưới mà họ thực sự vận hành, bởi vì phần mềm có thể thay đổi theo nền tảng từng thời điểm một và do nhà sản xuất điều khiển”.
Chiến dịch của Mỹ kêu gọi các nước như Anh, Australia, Ba Lan, EU, Philippine… cấm sử dụng công nghệ của Huawei. Trong một bài phát biểu tại Hungary hồi tháng 2/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, nếu các đồng minh của Mỹ chọn thiết bị Huawei, và nó “cùng tồn tại ở những địa điểm mà chúng ta có các hệ thống quan trọng của Mỹ, việc hợp tác giữa chúng tôi và đối tác sẽ trở nên khó khăn hơn”.
Vào tháng 3, nói chuyện trước các sinh viên tại Iowa, ông Pompeo cho biết, “mọi nơi tôi đi”, ông đều nhìn thấy “các quốc gia đang cân nhắc việc đưa công nghệ Huawei vào hạ tầng cơ sở chính phủ của mình”.
Theo ông, đang tồn tại một nguy cơ thật sự là “người Trung Quốc sẽ sử dụng điều này cho các mục đích phi thương mại, không liên quan tới lợi ích cá nhân mà vì lợi ích quốc gia”. “Và tôi nghĩ những nước trên nên suy nghĩ một cách rất, rất cẩn thận trước khi thực hiện”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà sáng lập Huawei, Ren Zhengfei tỏ ra không quá sợ hãi trước những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập tập đoàn trên thị trường quốc tế cũng như khởi tố con gái ông, CFO Huawei là bà Mạnh Vãn Châu. “Mỹ không thể đè bẹp chúng tôi”, ông Ren nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC phát sóng hôm thứ Ba (12/3). “Thế giới cần Huawei bởi vì chúng tôi có trình độ cao hơn”.
Minh Đức
Theo toquoc
Trung Quốc, Canada và Mỹ đẩy căng thẳng Huawei lên nấc thang mới
Dẫn độ, khởi kiện, gián điệp là ba từ khóa mới nhất tóm tắt diễn biến chính căng thẳng giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ liên quan tới tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei trong mấy ngày gần đây.
Trung Quốc trả đũa Canada
Theo tờ The Guardian, bất chấp việc Trung Quốc yêu cầu thả Giám đốc Tài chính Huawei là bà Mạnh Vãn Chu, Canada vẫn thông qua quy trình dẫn độ bà này về Mỹ. Bà Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ ở Vancouver tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran và đang bị quản thúc tại gia. Bà là con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei lừng danh Trung Quốc. Bà sẽ phải xuất hiện trước tòa án ở Vancouver để bắt đầu tiến trình dẫn độ.
Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà ở Vancouver. Ảnh: Bloomberg
Động thái của Chính phủ Canada diễn ra khi Trung Quốc liên tục kêu gọi trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu, đồng thời phản đối quyết định của Canada về việc dẫn độ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 2/3 tuyên bố rằng Bắc Kinh lấy làm tiếc và cương quyết phản đối động thái của phía Canada. Ông nói: "Đây là một vụ việc bị chính trị hóa nghiêm trọng. Chúng tôi một lần nữa yêu cầu phía Mỹ ngay lập tức rút lệnh bắt giữ và yêu cầu dẫn độ với bà Mạnh Vãn Chu, đồng thời kêu gọi Canada ngay lập tức thả Mạnh Vãn Chu, đảm bảo bà trở về Trung Quốc an toàn và khỏe mạnh".
Trước đó, các chuyên gia pháp lý đã dự đoán Chính phủ Canada sẽ đồng ý thực hiện quy trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu vì nước này có quan hệ tư pháp chặt chẽ với Mỹ. Mặc dù vậy, có thể mất hàng năm để dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu tới Mỹ do hệ thống tư pháp của Canada cho phép kháng cáo nhiều quyết định. Quyết định cuối cùng sẽ nằm trong tay Bộ trưởng Tư pháp. Canada cũng ở thế "giữa đường": sẽ chọc giận Mỹ nếu từ chối dẫn độ hoặc chọc giận Trung Quốc nếu đồng ý cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu.
Vài ngày sau diễn biến trên, Chính phủ Trung Quốc thông báo hai người Canada, gồm một cựu nhà ngoại giao và một doanh dân, bị cáo buộc làm gián điệp. Cáo buộc này tập trung vào nhà ngoại giao Michael Kovrig, còn doanh nhân Michael Spavor bị coi là nguồn tin quan trọng của ông Kovrig. Theo tờ New York Times, cáo buộc này có thể làm gia tăng rạn nứt chính trị giữa Trung Quốc và Canada.
Hai công dân Canada nói trên đều bị bắt giam ở Trung Quốc hồi tháng 12/2018, chưa đầy một tuần sau khi Chính phủ Canada thông báo vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Ông Kovrig bị cáo buộc đánh cắp và làm gián điệp để lấy bí mật nhà nước và thông tin tình báo nhạy cảm của Trung Quốc, do đó vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc.
Michael Spavor (trái) và Michael Kovrig bị giam ở Trung Quốc từ tháng 12/2018. Ảnh: AFP
Từ khi bị bắt, hai công dân Canada bị giam ở một nơi bí mật, không được luật sư và gia đình thăm nom. Các nhà ngoại giao Canada được thăm họ một tháng một lần.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông rất lo ngại về diễn biến mới và khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ những công dân Canada này.
Ông Charles Burton, thành viên cấp cao Viện MacDonald-Laurier ở Ottawa và là cựu nhà ngoại giao Canada ở Trung Quốc, nhận định do Canada đã đồng ý cho bắt đầu quy trình pháp lý để dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ nên sẽ không còn cơ hội cho can thiệp chính trị. Ông nói: "Ngay cả Trung Quốc tiếp tục trả đũa, bà Mạnh Vãn Chu cũng sẽ không được thả".
Về phần mình, bà Mạnh Vãn Chu đã nộp đơn kiện Chính phủ Canada với lý do họ bắt giữ bà trái phép, thẩm vấn bà trong ba tiếng mà không quan tâm tới quyền theo hiến pháp của bà, lục soát hành lý và thiết bị điện tử trước khi bà được thông báo chính thức về việc bắt giữ.
Luật sư của bà Mạnh Vãn Chu đã nộp đơn ngày 1/3 và công bố tài liệu cho báo chí ngày 3/3. Bà Mạnh Vãn Chu đòi bồi thường thiệt hại do vụ bắt giữ gây ra.
Huawei định kiện Chính phủ Mỹ
Trong khi đó, tình hình thêm căng thẳng khi Huawei có kế hoạch kiện Chính phủ Mỹ dựa trên cơ sở liên quan tới một dự luật quốc phòng. Theo đó, Huawei sẽ kiện Mỹ vì đã bổ sung một điều vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ (NDAA) 2018. Phần bổ sung này được đưa vào để kiểm soát các hợp đồng của Chính phủ Mỹ với các công ty Trung Quốc và tăng cường vai trò của một ủy ban rà soát các hợp đồng đầu tư nước ngoài. Trung Quốc chỉ trích NDAA là nhằm vào mình.
Một cửa hàng Huawei ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký luật này để hạn chế Huawei và tập đoàn ZTE tiếp cận các hợp đồng quân sự và hợp đồng với Chính phủ Mỹ. Đây là nỗ lực toàn diện của Mỹ nhằm chặn đường hai công ty trên tiếp cận không chỉ thị trường Mỹ mà còn các thị trường viễn thông lớn trên thế giới - nơi mà thế hệ mạng tiếp theo 5G đang được thiết kế và xây dựng.
Các nghị sĩ Mỹ đầu năm 2019 đã đưa ra các dự luật cấm bán con chip Mỹ hoặc thiết bị khác cho các công ty viễn thông Trung Quốc nếu các công ty này vi phạm biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu. Giới chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc các nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc sản xuất thiết bị cho phép chính phủ do thám người dùng ở nước ngoài. Cáo buộc này luôn bị Trung Quốc và công ty Trung Quốc bác bỏ.
Tổng thống Trump thậm chí còn cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cấm công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do Huawi và ZTE sản xuất. Trong tháng 2, ông Trump cho biết ông có thể đưa hoặc không đưa vấn đề Huawei và ZTE vào đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, những động thái mới nhất của các bên dự báo tình hình quan hệ giữa Canada và Trung Quốc, Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới. Các động thái đều có thể tác động tới tiến trình đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chiến lược của Mỹ
Tổng thống Trump muốn cấm Huawei vào thị trường Mỹ. Ảnh: eleconomista
Tờ Financial Times bình luận chiến lược của Mỹ hiện nay không phải là cách tốt nhất để xử lý vấn đề Huawei. Nếu mục đích chiến lược của Mỹ chỉ là kiềm chế Huawei thì những động thái của Mỹ chống Huawei có thể được quốc tế ủng hộ. Ví dụ như Huawei vi phạm luật Mỹ về xuất khẩu, tập đoàn này đáng bị trừng phạt. Còn khi mà Huawei sẵn sàng đáp ứng các quy định, thì không có lý do gì cho Mỹ hành động chống lại Huawei. Trong thực tế, Huawei là một trong những công ty tốt nhất trong đáp ứng tiêu chuẩn phương Tây.
Mặc dù Mỹ lo ngại Huawei nhưng có nhiều cách thực tế hơn để xử lý vấn đề. Ví dụ như cách tiếp cận của Đức. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tuyên bố không cấm Huawei đấu thầu mạng 5G của Đức miễn là tập đoàn này đảm bảo tuân thủ quy định Đức. Giám đốc Cơ quan tình báo Anh Jeremy Fleming cũng cho rằng không nên lấy xuất xứ của một nhà cung cấp làm cơ sở để tự động cấm. Trong khi đó, Mỹ lại thúc giục châu Âu phớt lờ Huawei khi mục tiêu chính của Mỹ chỉ là muốn xóa sổ một trong những công ty toàn cầu thành công nhất của Trung Quốc.
Theo Financial Times, nỗ lực này sẽ thất bại và sẽ bị Trung Quốc đấu tranh tới cùng. Do đó, chiến lược với Huawei của Mỹ cần phải nhất quán với chiến lược chung của Mỹ với Trung Quốc.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức
Đức cam kết tăng ngân sách quốc phòng theo yêu cầu của NATO Chính quyền Đức vừa khẳng định với NATO rằng, nước này sẽ đạt được kế hoạch dành ít nhất 1,5% GDP cho quân sự vào năm 2024. Những kế hoạch tăng cường quốc phòng của Đức bị hoài nghi sau khi một tài liệu của Bộ Tài chính nước này được đăng tải vào hôm 4-2 cho thấy nguồn thu từ thuế của...