Bất ngờ bé trai 14 tuổi ở Bình Dương đã tiêm vaccine Covid-19
Khi đến điểm tiêm vaccine Covid-19 tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bé trai được lực lượng chức năng phát hiện đã tiêm mũi một từ ngày 1/9, thời điểm Bộ Y tế chưa cho phép tiêm cho trẻ em.
Mới đây, phóng viên Dân trí nhận được phản ánh từ điểm tiêm vaccine cộng đồng ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương về việc liên tục phát hiện một số trẻ đã tiêm vaccine Covid-19 trước thời điểm Bộ Y tế cho phép thực hiện tiêm chủng với người ở độ tuổi từ 12-17.
Bé trai được tiêm vaccine Covid-19 từ tháng 9
Gần đây nhất là trường hợp của bé T.T.H. (14 tuổi, ngụ phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một). Ngày 17/10, bé được cha đưa đến một điểm tiêm cộng đồng tại TP Thủ Dầu Một. Trong quá trình sàng lọc, cán bộ y tế phát hiện bé chưa đủ 18 tuổi nên báo với lực lượng dân quân phường.
Lúc này qua trao đổi, người nhà bất ngờ cung cấp giấy xác nhận tiêm mũi một vaccine Covid-19 của bé, với thời điểm tiêm vào ngày 1/9, loại vaccine của hãng Pfizer. Đơn vị tiến hành tiêm chủng cho H. theo giấy xác nhận là Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2, đóng tại TP Thuận An (tỉnh Bình Dương).
“Gần đây cũng có một bé trai 17 tuổi đến xin tiêm mũi 2. Nhưng thời điểm đó theo quy định, trẻ dưới 18 tuổi không được tiêm vaccine Covid-19 nên chúng tôi không thể giải quyết” – nguồn tin tại điểm tiêm nói.
Giấy xác nhận đã tiêm mũi một vaccine Covid-19 của bé H. từ ngày 1/9 (Ảnh: CTV).
Phóng viên đã liên hệ lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Vạn Phúc 2 để tìm hiểu chi tiết sự việc. Sau khi kiểm tra thông tin, ông Phạm Tuấn Thanh, Giám đốc bệnh viện xác nhận, có việc nhân viên phụ trách tiêm chủng của cơ sở này tiêm vaccine Covid-19 cho bé H.
Theo ông Thanh, trong các ngày 30/8, 31/8 và 1/9, đội tình nguyện viên của bệnh viện đã đến hỗ trợ tiêm vaccine tại điểm trường THCS Bình Chuẩn (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An). Theo danh sách nhân sự, có 32 nhân viên y tế tham gia tiêm chủng, trưởng đoàn là TS.BS Phan Thanh Hiếu.
Video đang HOT
Giám đốc bệnh viện khẳng định, việc tiến hành tiêm như trên là theo yêu cầu từ UBND phường Bình Chuẩn. Bệnh viện này đến nay không có chủ trương tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi.
Chủ tịch phường: Mong chia sẻ với lực lượng tuyến đầu
Phóng viên tiếp tục liên lạc với bác sĩ Phan Thanh Hiếu, người chịu trách nhiệm trong giấy xác nhận tiêm chủng của bé H. Bác sĩ Hiếu cho biết, ngày 1/9, ngoài trường hợp bé trai 14 tuổi, đội tiêm của ông còn được UBND phường Bình Chuẩn gửi danh sách một số bé khác (khoảng hơn 10 bé), được cho biết là con em của lực lượng chống dịch.
Trước khi tiến hành, vì biết quy định chưa cho phép tiêm vaccine Covid-19 với trẻ em, bác sĩ Hiếu có hỏi lại lãnh đạo phường Bình Chuẩn, nhưng vẫn được yêu cầu thực hiện.
“Tôi nói mình nghỉ hưu rồi, anh còn đương chức, anh có chắc chưa. Anh Vinh (Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn) nói mình tiêm miễn phí chứ đâu lấy tiền, nên không có gì phải ngại” – bác sĩ Hiếu kể.
Người dân đến tiêm vaccine tại một điểm tiêm ở phường Bình Chuẩn, TP Thuận An (Ảnh: Đoàn phường Bình Chuẩn).
Phản hồi với chúng tôi về thông tin trên, ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn thừa nhận có sự việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em vào ngày 1/9. Ông Vinh lý giải, thời điểm trên, tiểu ban vaccine của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Thuận An có cấp một số liều để tiêm cho con em lực lượng tuyến đầu chống dịch, trực tiếp làm việc, tiếp xúc với F0, nguy cơ cao.
Theo ông Vinh, danh sách chỉ có một số ít trường hợp, còn địa phương chưa tổ chức tiêm đại trà. Sau đợt này vì có chỉ đạo mới, yêu cầu chờ tổ chức điểm tiêm ở trường học, việc tiêm mũi 2 bị tạm hoãn.
Khi được đề nghị cung cấp danh sách trẻ tiêm chủng cụ thể của ngày 1/9, ông Vinh trả lời không nắm rõ vì không thống kê. Chủ tịch phường Bình Chuẩn khẳng định, có biết thời điểm trên quy định Bộ Y tế chưa cho phép tiêm cho trẻ, nhưng mong được chia sẻ.
“Trong điều kiện đi chống dịch, anh em tuyến đầu vất vả lắm. Mong cộng đồng chia sẻ với công tác chống dịch của Bình Chuẩn” – ông Vinh nói.
Ngày 14/10, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Theo đó, mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Loại vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ em là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.
Trước mốc thời gian trên, Bộ Y tế không cho phép tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em. Vào tháng 9, Giám đốc Trung tâm y tế quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã bị đình chỉ công tác vì liên quan đến vụ tiêm vaccine cho trẻ 13 tuổi.
Vì sao tình trạng tiêm vaccine COVID-19 sai đối tượng vẫn liên tiếp tái diễn?
Thời gian qua đã liên tiếp phát hiện các trường hợp tiêm vaccine COVID-19 sai đối tượng, mặc dù đã có nhiều vụ việc bị xử lý, tuy nhiên vì sao hành vi này vẫn liên tục tái diễn?
Sau khi xảy ra vụ việc một bé gái tên P.K.T. (13 tuổi, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer vào các ngày 11/8 và 4/9, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra sự việc.
Sau đó, Thường trực UBND quận Thốt Nốt họp và thống nhất đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Kim Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt vì tự ý tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi khi chưa xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Hình ảnh phiếu tiêm vaccine của bé gái 13 tuổi ở Cần Thơ.
Trong thời gian này, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp. Ngoài ông Nguyễn Kim Hải, bà D.K.Q (nhân viên y tế phường Tân Lộc) - dì ruột của bé gái 13 tuổi cũng đã bị bị đình chỉ công tác do nhờ giúp để cháu bé được tiêm vaccine.
Trước đó, cũng tại TP Cần Thơ, một cô gái ở quận Ninh Kiều đã lên mạng xã hội khoe được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer "nhờ xin ông anh". Ông anh này được xác định là một Phó Chủ tịch phường An Phú nhưng không phải người thân cô gái. Sau khi xác minh, cán bộ phường cũng thừa nhận đã đưa người ngoài, không thuộc diện là người trong gia đình được ưu tiên vào danh sách tiêm vaccine COVID-19.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ thì nhu cầu tiêm vaccine là cấp thiết với nhiều người dân. Tuy nhiên, với nguồn vaccine còn hạn chế nên chỉ ưu tiên tiêm cho các đối tượng theo quy định.
Đã có những trường hợp đối tượng ngoài danh sách ưu tiên được tiêm. Có thể quen biết, người thân gia đình cán bộ công chức tranh thủ, nhờ vả được tiêm. Thực tế này đặt ra câu hỏi tại sao không có trong danh sách vẫn được tiêm? Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần phải kiểm tra, làm rõ thông tin, tại sao có sự lọt lưới, để chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm và ngăn ngừa kịp thời tình trạng xin cho.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông cho rằng cần nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức tự giác của người có thẩm quyền, cơ quan có trách nhiệm, gắn với cơ chế kiểm tra, thanh tra rõ ràng, cụ thể, công khai minh bạch để ngăn chặn tình trạng tiêm sai đối tượng.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư Hà Nội) thời gian qua, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sai đối tượng đã diễn ra tại nhiều địa phương. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến chính sách tiêm chủng, tác động đến dư luận xã hội, khiến nhiều người dân bức xúc mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của người được tiêm vaccine nếu ở trong độ tuổi chưa được phép tiêm.
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hành chính, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các văn bản pháp luật liên quan.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 - Bộ luật Hình sự năm 2015
Cụ thể, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm.
Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 15 năm. Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy, cán bộ công chức vi phạm còn bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ công chức và viên chức sửa đổi, với một trong các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, cho thôi việc.
TP.HCM: Quận 1 phản hồi clip người dân bỏ về không tiêm vaccine Sinopharm Đại diện quận 1 (TP.HCM) vừa phản hồi chính thức về clip một số người bỏ về không tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm. Trưa 13/8, mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip dài 1 phút 20 giây ghi lại cảnh một số người bỏ về không tiêm vaccine sau khi được nhân viên điểm tiêm thông báo sẽ tiêm vaccine Vero...