Bất động sản Đà Nẵng: Cảnh báo nước ngoài… mua chui
Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 24, tình trạng người nước ngoài mua các dự án ven biển theo kiểu thâu tóm, tập trung ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, khu vực Sân bay Nước Mặn… đã được báo động.
Khu vực sát sân bay Nước Mặn – nơi đang dấy lên nhiều lo ngại vì người Trung Quốc “núp bóng” mua đất
Đáng báo động
Theo ông Nguyễn Điểu – Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng thì đây là vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị núp bóng trong hoạt động chuyển dịch, mua bán đất đai mà mặc dù chúng tôi đã nhiều lần báo cáo thành phố, và không chấp nhận những hồ sơ chuyển dịch mang yếu tố nước ngoài. Theo đó, chuyện mua bán đất ven biển, nhất là tại khu vực đối diện với Crowne Plaza Đà Nẵng (tiếp giáp với Sân bay Nước Mặn – PV) là vấn đề hết sức nhạy cảm về an ninh, nên TP Đà Nẵng hết sức thận trọng trong việc cấp phép đầu tư, xây dựng, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở ven biển có diện tích đất không lớn nhưng chủ đầu tư “cố đẩy lên 30 – 40 tầng”.
Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cũng cho biết thêm, toàn bộ những hồ sơ “có vấn đề” đều được gửi qua Sở KH – ĐT xem xét cẩn trọng nguồn gốc, vốn đầu tư. Lưu ý tình trạng các DN, cá nhân VN đứng tên, nhưng sau lưng đó là người nước ngoài, mà cụ thể ở đây là người Trung Quốc, để có kế hoạch chủ động kiểm soát. Tuy nhiên, cái khó là những chuyển dịch này thông qua rất nhiều cấp, thực hiện thỏa thuận với chủ đầu tư, người dân, chủ khách sạn, nhà hàng ven biển. “Luật pháp không cấm người VN mua nhà, đất. Nhưng trên thực tế đã có người nước ngoài thông qua người VN đứng tên để mua bất động sản”, vị này nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị nêu trên, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết đã giao cho Sở TN-MT, Sở KH-ĐT kiểm tra, đánh giá đầy đủ, báo cáo chính xác thực tế chuyển dịch các dự án nhà ở dân sự, lẫn các dự án lớn ven biển để có biện pháp phòng ngừa. Trong khi đó, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm, phải đặc biệt lưu tâm. Bên phía Công an thành phố cũng cần phối hợp, làm sao đảm bảo đúng luật, nhưng vẫn phải hạn chế cho được tình trạng này”.
Giải pháp nào hiệu quả?
Video đang HOT
Các số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng cho thấy, hiện có gần 200 lao động là người Trung Quốc đang sống và làm việc tại TP Đà Nẵng. Những người này làm việc chủ yếu ở các Cty, DN có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đóng trên địa bàn thành phố. Số liệu là như vậy, tuy nhiên, quan sát của PV cho thấy khu vực đường Võ Nguyên Giáp, đoạn nằm sát sân bay Nước Mặn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và đối diện với khu resort, giải trí casino cao cấp Silver Shores đã mọc lên nhiều nhà hàng, khách sạn do người Trung Quốc làm chủ. Điều đáng nói là tại đây, trên các biểu hiệu phần lớn là chữ Trung Quốc còn tiếng Việt thì chiếm một vị trí rất “khiêm tốn”. Tình trạng này phổ biến đến nỗi nhiều người dân, du khách vẫn nhắc đến đây là “phố” Trung Quốc tại Đà Nẵng.
Trao đổi về vấn đề nêu trên, Giám đốc một DN Bất động sản (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: Từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Tương tự, cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được phép sở hữu nhà ở. Đặc biệt, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép đầu tư, xây dựng nhà ở theo dự án để cho thuê. Tuy nhiên, với trường hợp người Trung Quốc mua nhà đất tại khu vực nhạy cảm (sân bay Nước Mặn) với số đông nhưng đăng ký dưới tên đại diện VN thì theo tôi, nhà nước cần có những biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng này bởi . “Trước đó, đã từng xảy ra những vụ việc đáng báo động như người Trung Quốc thuê nuôi cá bè trong cảng Cam Ranh, thuê đất trồng rừng ở Quảng Ninh… Tại sao chúng ta mắc nhiều sai lầm liên tục vậy? Phải chăng do thiếu hiểu biết hay vì lợi ích cá nhân?”, vị này nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, theo nhiều chuyên gia, để hạn chế tình trạng nêu trên, Đà Nẵng phải cùng với Bộ Quốc phòng rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp phép, hoặc mua, bán trên địa bàn. Theo đó, những dự án nào đang triển khai cần được đình chỉ. Dự án nào đã được triển khai hoặc được cấp giấy phép đầu tư ở những vùng nhạy cảm về quốc phòng ngay lập tức phải thu hồi và chấp nhận bồi thường.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Cảnh báo người nước ngoài núp bóng người Việt mua đất ven biển
Tại Đà Nẵng, tình trạng người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển đã được nêu ra và cảnh báo tại Hội nghị thành ủy Đà Nẵng lần thứ 24 tổ chức sáng nay 24/9.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài - Nguyên môi trường TP Đà Nẵng cho biết, hiện có tình trạng đáng lưu ý, đó là hoạt động mua bán, chuyển dịch đất đai cho người nước ngoài nổi cộm lên ở các quận ven biển Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà. Việc mua bán do người Việt đứng tên nhưng sau lưng là người nước ngoài.
"Chúng ta cần phải cẩn trọng khi cho phép việc mua bán, chuyển dịch đất đai đối với doanh nghiệp nước ngoài", ông Điểu cảnh báo.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài - Nguyên môi trường TP Đà Nẵng cảnh báo tình trạng người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển tại hội nghị Thành ủy sáng 24/9
"Đất bán cho người Việt Nam nhưng sau lưng đó là người nước ngoài, cực kỳ nguy hiểm", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ nói.
Ông Thọ cũng yêu cầu các cơ quan đơn vị lưu ý làm sao cho đúng luật mà hạn chế được tình trạng này.
Ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, tình trạng mua bán đất "nguy hiểm" như nêu trên đang diễn ra chủ yếu trên đoạn đường Võ Nguyên Giáp ngang qua khu vực sân bay Nước Mặn.
Ông Bằng cho biết thêm, do hoạt động mua bán giấu mặt này mà đất ven biển Đà Nẵng đang tăng giá, thị trường bất động sản ở đây trở nên "sôi động".
Nhiều dự án ven biển chậm triển khai nhưng việc thu hồi vẫn còn chậm
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra Đà Nẵng, chuyện này không phải đến bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ cách đây 2 - 3 năm. Khi đó, với tư cách Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng, ông đã báo cáo với lãnh đạo thành phố; đồng thời yêu cầu các Phòng Công chứng hạn chế tình trạng này bằng cách "tra vấn" gia cảnh người đứng tên mua như thế thì tiền đâu mà mua miếng đất hàng mấy tỉ bạc.
Tuy nhiên cách làm này cũng chỉ được thời gian đầu và hiện nay, việc người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển Đà Nẵng vẫn tiếp tục diễn ra.
Tại hội nghị, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng thông tin, hiện tại TP Đà Nẵng đang tiến hành các thủ tục thu hồi đất và giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Khu công nghệ thông tin tập trung và các dự án chậm triển khai ven biển. Tuy nhiên, việc thu hồi vẫn chậm triển khai.
Lý giải việc chậm thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai, ông Nguyễn Điểu cho biết, cần phải xin ý kiến các cơ quan bộ ngành trung ương. Tuy có chậm nhưng cần phải làm kỹ để tránh tình trạng kiện tụng sau này.
Ông Trần Thọ yêu cầu, xin ý kiến các bộ ngành trung ương thì vẫn cứ xin và phải làm quyết liệt. Vì việc thu hồi các dự án này đã đưa vào nghị quyết của HĐND, Thành ủy.
"Chủ trương của Thường vụ Thành ủy là tới đây sẽ thành lập một đoàn thanh kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu là bí thư, chủ tịch và giám đốc các sở có liên quan về vấn đề này. Nếu không làm xong sẽ có kiểm điểm về trách nhiệm. Nói gì thì nói chứ phải làm", ông Thọ nhấn mạnh
Khánh Hồng
Theo Dantri
Công nhân môi trường đô thị Đà Nẵng kéo đến Thành ủy kêu cứu Trưa 10.8, một số công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.Đà Nẵng đã kéo đến trụ sở Thành ủy Đà Nẵng để 'kêu cứu' về việc công ty này giam tiền mua cổ phần của họ, trì hoãn quá trình cổ phần hóa. Công nhân tập trung trước trụ sở Thành ủy Đà Nẵng trưa 10.8 - Ảnh: Nguyễn...