Bắt đầu thu phí tải nhạc: Ai sẽ móc ví?
Từ ngày 1/11/2012, những người muốn sở hữu một bài hát yêu thích trên mạng sẽ phải cân nhắc và động não khi nhấn chuột download, đồng ý trả tiền mua.
Quyền sở hữu trí tuệ = xã hội trí tuệ?
16 ngày trôi qua sau tọa đàm “ Nhạc số Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” (15/08) với những bàn tán từ mọi đối tượng có liên quan, việc thu phí tải nhạc từ một số website ( Zing.vn Nhaccuatui.com Nhac.vui.vn Keeng.vn Music.vnn.vn Yeucahat.com) sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Các nghệ sĩ muốn người nghe “ Nghe có ý thức”
Động thái này rõ ràng là đã tìm lại quyền lợi cho những người làm nhạc, cụ thể là các nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất album – đồng thời, thu hẹp tiện ích của người nghe. Nếu như trước đây, người nghe được thưởng thức và sở hữu một tác phẩm âm nhạc miễn phí, thì nay, họ chỉ còn lại quyền được thưởng thức.
“Thu hẹp tiện ích” không có nghĩa là xóa sổ mọi tiện ích của người nghe nhạc trên các website trực tuyến. Dù còn rất nhiều tranh cãi cần được điều chỉnh trong tương lai về mức phí, hình thức thu tiền và phân chia lợi ích, nhưng rõ ràng việc thu phí tải nhạc là một cứu cánh cho ngành sản xuất băng đĩa đang chết chìm bởi sự miễn phí sở hữu sức lao động.
Quyền sở hữu trí tuệ thực sự cần phải được xem xét một cách nghiêm túc nếu công dân muốn cộng đồng của mình tồn tại và phát triển nhờ tri thức – thứ chất xám hữu dụng, dồi dào và bảo đảm không hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, để nhìn xa hơn quá trình thực hiện quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, việc thu phí từ các website nghe nhạc kể trên, có lẽ là không đủ.
Bài học từ Youtube
Youtube có rất nhiều lý do để trở thành kênh truyền thông quan trọng, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Google và Facebook ( theo chỉ số trên Alexa T10/2012). Không chỉ bởi người thụ hưởng được thỏa mãn yếu tố thưởng thức, liên kết, mà còn là việc Youtube đã đảm bảo cho người sản xuất đầy đủ quyền sở hữu ở mức cao nhất.
Với một video được tải lên, các công cụ số của Youtube đã ngay lập tức nhận dạng âm thanh, hình ảnh và gửi một bản thông báo tới người upload về sự trùng lắp thông tin. Nếu sau đó có bất kì phản hồi nào từ phía tài khoản sở hữu gốc, ngay lập tức video sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ.
Video đang HOT
Trong trường hợp người upload ngoan cố không tự gỡ bỏ, Youtube sẽ làm điều này và hạ mức tín nhiệm của chủ tài khoản. Sau vài lần vi phạm bản quyền, tài khoản sẽ bị xóa trên kênh.
Thông báo của Youtube về việc video có khả năng chứa đựng nội dung thuộc quyền sở hữu của tài khoản khác
Cả người nghe và nghệ sĩ đều hài lòng với sự nghiêm túc của Youtube. Họ được thụ hưởng những lợi ích khác nhau ở trên kênh ( như nghe nhạc, lưu trữ, chia sẻ, quảng bá, tiếp cận khán giả… đều miễn phí) mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Điều đó khiến Youtube thu hút mạnh mẽ người dùng trong nhiều năm qua và bản thân người dùng cũng trở thành những người sáng tạo trên Youtube.
Nếu điều tương tự sẽ được diễn ra ở Việt Nam, có nghĩa là một ca sĩ/nhạc sĩ/nhà sản xuất băng đĩa có quyền yêu cầu gỡ bỏ bất cứ album hay ca khúc nào do mình sản xuất ra được upload miễn phí trên mạng, dù để nghe hay tải nhạc. Vì vậy, đầu mối của việc đảm bảo quyền sở hữu âm nhạc tại Việt Nam thực ra đang nằm trong tay những website âm nhạc trực tuyến. Câu hỏi lớn nhất cho sự sinh tồn của họ là làm thế nào để thu hút người dùng mạnh mẽ mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho những người sáng tạo.
Vân Sam
Theo Vietnamnet
'1/11 mới thu phí tải nhạc là đã muộn'
Ca sĩ Hiền Thục cho rằng, lẽ ra thị trường âm nhạc trực tuyến trong nước phải sớm tuân thủ luật chơi công bằng về tác quyền hơn. Cô cùng các nghệ sĩ khác đón nhận tin thu phí download nhạc như tín hiệu vui.
Ngày 1/11 tới, 5 trang web lớn ở Việt Nam thu phí tải nhạc trực tuyến với mức 1.000 đồng cho mỗi lần tải. Giới ca sĩ trong nước đã đón nhận thông tin này như là một điều vui mừng, một thay đổi tích cực cho hoạt động làm nghề.
Ca sĩ Hiền Thục cho biết, vừa về nước sau chuyến đi nước ngoài, chị rất phấn khởi khi biết tin. "Đến bây giờ chúng ta mới làm điều này thì theo tôi đã là quá muộn. Nếu thực hiện được, cả ca sĩ, nhà sản xuất sẽ có động lực tốt để yên tâm làm nghề. Nhiều năm nay, người ta hay nghe những lời than phiền từ nhà sản xuất là làm đĩa nhạc giờ không thể nào đủ vốn. Nghe mà buồn! Vì vậy, nếu có sự thay đổi, người nghệ sĩ có thể tái đầu tư sức lao động, cho ra những sản phẩm chất lượng hơn", Hiền Thục nói.
Ca sĩ Hiền Thục vừa biết tin về việc thu phí và rất hào hứng.
Hầu hết ca sĩ đều cho rằng, nếu như khán giả được thưởng thức một sản phẩm xứng đáng đồng tiền bát gạo thì mức phí 1.000 đồng cho mỗi lần tải nhạc không cao. " Tôi tin khán giả sẽ vui vẻ chấp nhận điều đó nếu họ cảm thấy thỏa mãn", Hiền Thục nhận định. Còn ca sĩ Nam Cường cho rằng, từ trước đến nay, mọi người vẫn làm rất tốt việc trả tiền cho tải nhạc chuông nhạc chờ. "Ngày trước 3.000 đồng một bài, bây giờ đã lên giá 5.000 đồng rồi mà lượng người tải nhạc chuông, nhạc chờ không có dấu hiệu giảm. Vì thế, tôi không lo ngại mức giá 1.000 đồng tải nhạc là quá sức khán giả", anh nói.
Từ trước khi thông tin thu phí xuất hiện , đời sống nhạc Việt còn tồn tại một nghịch lý: Hầu hết ca sĩ đều có hành động gần như "đồng lõa" với việc tạo thói quen xài chùa cho người nghe, khán giả. Họ ấp ủ ý tưởng cho sản phẩm âm nhạc, tạo êkíp, bỏ tiền đầu tư và sau đó quăng lên mạng Internet để công chúng thưởng thức miễn phí. Việc làm này như là một cách ca sĩ, nhà sản xuất chịu mất công, mất tiền để đổi lại được PR cho sản phẩm âm nhạc, được giới thiệu hình ảnh. Không ít người cũng nhận ra làm như thế chỉ đem lại cái lợi trước mắt, còn lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhạc sĩ và cả ngành công nghiệp âm nhạc trong nước.
Nam Cường ủng hộ sự công bằng trong tác quyền của thị trường nhạc số.
Ca sĩ Nam Cường bộc bạch, làm việc chẳng đặng đừng nói trên nhiều khi cũng chuốc nỗi buồn. Vì có tình trạng, khi ca sĩ nào trong nước tung ra MV mới trên Internet thì thường bị cư dân mạng "ném đá", đem ra so sánh với sản phẩm của các nước như: Thái Lan, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc... "Tôi thấy đó là sự so sánh khập khiễng vì các bạn đang thưởng thức gần như là miễn phí chất xám của cả một êkíp. Thật sự về ý tưởng thì chúng ta hoàn toàn có thể làm ngang bằng hoặc hơn các nước khác, chỉ vì chúng ta chưa đủ vốn để làm thôi", anh nói.
Theo nguồn Hiệp hội ghi âm quốc tế IFPI (2012), hiện nay, trên thế giới có 500 dịch vụ nhạc trực tuyến có thu phí và trong năm 2011 có 3,6 tỷ downloads được bán ra toàn thế giới mạng. Chỉ cần so với các nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan... vốn đã thu phí tải nhạc, việc miễn phí của thị trường nhạc trực tuyến trong nước khiến ca sĩ, nhà sản xuất bị mất nguồn thu từ thị phần này và lại cũng khó thu được tiền từ bán băng đĩa.
Vì thế, chuyện ca sĩ chăm chỉ chạy sô bên ngoài và lo làm nghề tay trái để kiếm tiền cũng dễ hiểu. "Chạy sô nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của nghệ sĩ chứ. Thêm nữa, ca sĩ chỉ kiếm tiền từ chạy sô hay làm khác nghề để kiếm tiền đầu tư âm nhạc thì không dễ cho ra đời sản phẩm chất lượng", Nam Cường vạch ra thực trạng.
Ngay trước thông tin thu phí ít lâu, ca sĩ Maria Đinh Phương Ánh tung MV Như một giấc mơ hoàn toàn miễn phí nghe, tải. "Trước giờ cuộc chơi chưa có luật. Nay nếu có một quy tắc chung rõ ràng, hiệu quả, tôi sẵn sàng tham gia cuộc chơi thu phí", cô nói.
Ca sĩ mới này không lo sợ việc buộc khán giả mất tiền tải nhạc sẽ hạn chế mình quảng bá hình ảnh. Bởi cô cho rằng, người dùng chỉ mất tiền khi tải còn nếu chỉ nghe online vẫn không hề tốn phí. "Việc download nhạc mất phí sẽ chứng minh được phần nào chất lượng của sản phẩm cũng như sự yêu mến của khán giả đối với tác phẩm của ca sĩ", cô nói.
Là một gương mặt mới, Maria Đinh Phương Ánh vẫn chấp nhận luật chơi công bằng hơn là miễn phí sản phẩm âm nhạc của mình hòng quảng bá cho tên tuổi. Ảnh:Hoàng Miên.
Thói quen nghe nhạc và tải nhạc trên mạng hiện nay từ lâu đã lấn át thói quen nghe đĩa CD. Những nhà sản xuất nhạc nhiều khi bị thâm vốn đến 90% trên sản phẩm họ làm ra cho ca sĩ. Vì thế, không chỉ ca sĩ mà các nhà sản xuất đều đồng ý rằng, việc thu phí giúp họ có thêm đầu ra đầu vào, duy trì công việc sáng tạo, kinh doanh.
Tuy nhiên, như ông Hoàng Tuấn, bầu của ca sĩ Đan Trường, chia sẻ để làm được kế hoạch này là cả một quá trình kiên nhẫn, một lộ trình dài, nhiêu khê, không phải ngày một ngày hai mà có thể thu được trái ngọt. Ngay cả bản thân các trang web cũng phải lập trình lại toàn bộ để đưa ra tính năng tiện dụng cho khán giả. "Phải làm sao để giúp khán giả ở vùng sâu xa, thôn quê lẫn thành phố đều có thể thưởng thức, tải nhạc được trên mạng Internet xứng đáng với 1.000 đồng họ bỏ ra mỗi lần download", ông Tuấn nói.
Thêm nữa, theo kế hoạch của các nhà mạng, chỉ còn hơn hai tháng để việc thu phí diễn ra nhưng đến nay, nhiều ca sĩ, nhà sản xuất vẫn chưa nắm rõ thông tin và cách thức hợp tác với các nhà mạng như thế nào. Hiền Thục cho biết, cô và các đối tác mạng cũng chưa có cuộc gặp chính thức nào để bàn về vấn đề này.
Nhiều ca sĩ, nhà sản xuất đều muốn hiểu thêm về cách thu phí, cơ chế thanh kiểm tra và đối chiếu doanh số minh bạch và chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi cho ca sĩ và nhất là với nhạc sĩ, những người rút ruột "đẻ" ra tác phẩm.
Thúy Vinh, bà chủ của Music Box, chia sẻ niềm vui với thông tin có sự thay đổi ở thị trường nhạc trực tuyến nhưng hiện giờ chưa biết cụ thể sẽ làm việc với các nhà mạng như thế nào nên chưa thể nói trước được điều gì.
Ngoài ra, vấn đề quan tâm nhất của giới làm nhạc là, trong tương lai việc thu phí cần được thực hiện đồng loạt ở tất cả webiste âm nhạc chứ không thể chỉ riêng ở 5 trang web đã công bố. Bởi nếu không diễn ra đồng loạt thì sẽ rất khó thay đổi được thói quen cố hữu của người dùng. Và cũng khiến bản thân ca sĩ, nhạc sĩ lúng túng trong việc tuân thủ luật chơi tác quyền một cách công bằng.
Thoại Hà
Theo VNE
Khán giả 'dậy sóng' vì tải nhạc trực tuyến bị thu phí Ngạc nhiên, buồn vì không còn được "xài chùa" vui vì thị trường nhạc trong nước dần chuyên nghiệp hay cuống quýt tải nhạc trước 1/11... là phản ứng trái chiều của nhiều người khi 5 website ở VN dự kiến thu phí download. Sau khi đăng tải thông tin MV Corp và 5 website âm nhạc lớn ký thỏa thuận hợp tác,...