Bắt đầu mùa ra biển làm ‘bà đỡ’ cho những mẹ rùa
Vào hè, nhiều bãi biển trên cả nước lại chào đón những cá thể rùa lên đẻ trứng, đây cũng là thời điểm nhiều người chọn làm tình nguyện viên ‘đỡ đẻ’ và bảo vệ trứng cho những rùa mẹ này.
Hàng năm, vào mùa hè, nhóm “Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam” (nhóm hoạt động cộng đồng thành lập hướng đến bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học) và nhóm “Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển” lại phối hợp với Vườn Quốc gia Núi Chúa ( Ninh Thuận), thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, tổ chức cho các tình nguyện viên, nhiều nhất là thiếu niên, thiếu nhi tham gia công tác bảo tồn rùa biển.
Năm nay, số lượng người đăng ký tham gia tình nguyện ở Vườn Quốc gia Núi Chúa là 222 tình nguyện viên. Trong số các tình nguyện viên tham gia, có tình nguyện viên mới vừa học xong lớp 6 đã được bố, mẹ cho tham gia và đi cùng.
Đợt tình nguyện đầu tiên đã bắt đầu từ ngày 4-5, dự kiến kết thúc cho đợt tình nguyện này là vào cuối tháng 9. Mỗi đợt 1 tuần, từ 6 – 16 thành viên. Ngoài việc tham gia vào công tác bảo tồn rùa biển như hộ sinh, di dời trứng về tổ ấp… các tình nguyện viên còn thực hiện một số hoạt động khác như dọn rác, trồng rừng ngập mặn, dạy tiếng Anh, tin học cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại đây…
Các tình nguyện viên bảo tồn rùa biển ở Núi Chúa đang trồng cây xanh. Ảnh: Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam.
Video đang HOT
Các tình nguyện viên bảo tồn rùa biển ở Núi Chúa đang tham gia nhặt rác nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Ảnh: Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam.
Một bãi đẻ khác cũng là điểm đến của nhiều “mẹ rùa” khi vào mùa đẻ trứng là Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn. Nơi đây hàng năm cũng đón tiếp các tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển.
Trong năm ngoái, Vườn Quốc gia Côn Đảo đón 91 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên đã cùng nhân viên kiểm lâm vườn di dời 837 tổ trứng đến những nơi an toàn với 81.207 trứng, thả được 35.366 rùa con. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên còn hướng dẫn và giới thiệu công tác cứu hộ rùa cho hơn 3.192 lượt khách tham quan. Thu gom, xử lý khoảng 109,8 m rác tại các đảo ở vườn quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.
Đội tình nguyện viên bảo tồn rùa biển ở Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo
Năm nay, Vườn Quốc gia Côn Đảo tiếp tục phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN), tổ chức cho 175 tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển. Chương trình tình nguyện ở Côn Đảo sẽ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8, chia làm 7 đợt, mỗi đợt sẽ có 22 tình nguyện viên tham gia.
Một tình nguyện viên đang lấy trứng từ ổ rùa mẹ vừa đẻ xong. Ảnh: Vinh Gấu
Các tình nguyện tham gia bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo có độ tuổi 21 – 45 tuổi, với nhiều ngành nghề khác nhau. Chị Nguyên Nhi (24 tuổi, TPHCM) từng tham gia làm tình nguyện viên ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, chia sẻ: “Để trở thành tình nguyện viên, các ứng viên cần trả lời các câu hỏi kiến thức về rùa biển, đề xuất kế hoạch truyền thông hoặc gây quỹ sau khi tham gia chương trình. Bí quyết để trúng tuyển có thể tùy thuộc vào sự phù hợp về tinh thần tham gia và ý tưởng hỗ trợ công tác tuyên truyền thể hiện qua bản đăng ký. Chuyến tình nguyện kéo dài 12 ngày và chi phí cho chuyến đi do tình nguyện viên tự túc chi trả”.
Chị Nguyên Nhi bên sân chơi tuyên truyền mà chị cùng nhóm tình nguyện đã đóng góp cho Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh Vinh Gấu, nam tình nguyện viên đến từ TPHCM đã có 12 ngày làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, tâm sự: “Được làm tình nguyện viên trong hành trình bảo tồn rùa biển ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, tôi đã có những kỷ niệm khó quên. Tôi được hòa mình vào thiên nhiên, được học hỏi những kiến thức quý giá về rùa biển và được chung tay góp sức bảo vệ loài động vật quý hiếm này. Mỗi ngày tại đây là những trải nghiệm mới mẻ và đầy thú vị”.
Anh Vinh Gấu (người ngồi hàng đầu từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm khi tham gia hoạt động tình nguyện tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Vinh Gấu
Đến với bãi biển đẹp Bình Tiên
Biển Bình Tiên thuộc địa phận của tỉnh Ninh Thuận, là ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Nằm ở vịnh Cam Ranh, phía trên là dãy núi Chúa của tỉnh Ninh Thuận. Biển Bình Tiên đẹp, cát trắng trải dài, biển trong xanh và khá sạch. Do bị che bởi nhiều quả núi nên biển khá yên lặng... thích hợp cho trẻ em và người lớn, những bạn trẻ có thể cắm trại qua đêm tại đây.
Đến Bình Tiên thú vị nhất là sau khi tắm biển, du khách có dịp ngồi thưởng thức những món hải sản tươi và rẻ như ốc, mực và ghẹ tươi luộc... ngay dưới những rặng dừa xanh mát, tràn đầy gió biển. Bình minh trên bãi Bình Tiên khá độc đáo, nhất là bãi biển phía Nam có tên gọi Cà Tiên. Bãi Cà Tiên cách bãi chính chỉ khoảng 1km. Nếu du khách lên đến đỉnh núi vào lúc mặt trời vừa hé mở giữa biển khơi thì sẽ choáng ngợp trước cảnh bình minh trên biển. Những tia nắng vàng chiếu thẳng vào bãi cát trắng mịn được bao quanh bởi những mỏm đá chồng có nhiều hình kỳ lạ khiến cho du khách choáng ngợp với cảnh sắc nơi đây.
Xuôi dòng Thu Bồn, thăm Hòn Kẽm - Đá Dừng Mạn trung lưu của dòng sông Thu Bồn có nhiều đỉnh núi cao như núi Cà Tang, núi Chúa..., nhưng bao đời nay khi nhắc đến núi, dân gian chỉ nhớ đến hai ngọn núi thấp hơn hẳn, đó là núi Hòn Kẽm và núi Đá Dừng (hay còn gọi là Đá Dựng, vì núi có các vách đá dựng đứng). Danh thắng...