Bắt Chu Vĩnh Khang, ông Tập ‘thay đổi luật chơi’
Quyết định bắt giữ cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang đã “thay đổi tận gốc luật chơi trong giới tinh hoa chính trị Trung Quốc”, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sáng nay, Tân Hoa Xã thông báo Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đã thảo luận và thông qua báo cáo của Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra Trung ương về vấn đề vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng của ông Chu Vĩnh Khang, một trong những người từng có quyền lực nhất quốc gia này. Ông Chu nguyên là ủy viên thường vụ Bộ Chính trí, bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật đầy quyền lực.
Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang khi còn tại chức. Ảnh:Reuters
Thông báo cũng cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã quyết định chính thức bắt giữ và tiến hành lập án điều tra các hành vi phạm pháp với ông Chu. Theo Wall Street Journal, Chu Vĩnh Khang có thể sẽ là thành viên đầu tiên trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đối diện với tố tụng hình sự.
Quyết định điều tra trong đảng với Chu được công bố từ hồi tháng 7. Thông báo bắt giữ và chuyển sang cơ quan tư pháp được cho là bước đệm để tiến hành tố tụng hình sự với cựu chính trị gia này. Chu bị cáo buộc “tiết lộ bí mật quốc gia; lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước; có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền”.
Cáo buộc chưa từng có
Video đang HOT
Chuyên gia gốc Hoa Bùi Mẫn Hân thuộc Học viện Claremont McKenna, Mỹ, nhận định rằng, chưa có quan chức cấp cao nào như Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia. “Điều này cho thấy quyền lực của Tập Cận Bình. Tội danh này sẽ rất thu hút sự chú ý của công chúng”, ông nói.
Tội danh của Chu nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận của cộng đồng mạng Trung Quốc. “Tiết lộ bí mật, có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ và liên quan đến các vụ việc khác, những tội danh này muốn nói lên điều gì”, một người dùng mạng xã hội Weibo viết.
Thời điểm công bố quyết định bắt cũng được cho là bất thường, bởi thông báo được đăng tải vào lúc nửa đêm. “Thời gian công bố thông thường là vào 5 hoặc 6 giờ chiều. Việc này quá nhạy cảm nên cần thời gian dài bàn bạc, thống nhất các ý kiến khác nhau”, một người dùng Weibo khác viết.
Wall Street Journal dẫn lời các nhà phân tích cho rằng sự kiện Chu Vĩnh Khang cho thấy mức độ tập trung quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong kết cấu quyền lực của giới tinh hoa chính trị Trung Quốc hiện nay. Ông Tập được cho là đang thay đổi luật chơi trong giới chính trị thượng tầng của quốc gia này.
Chủ tịch Tập từng tuyên bố công cuộc chống tham nhũng do ông phát động là nhằm khôi phục niềm tin vào năng lực lãnh đạo đất nước của đảng, với đối tượng bao gồm cả “hổ và ruồi”. Hổ và ruồi là cách nói hình tượng để chỉ quan chức ở tất cả cấp bậc ở Trung Quốc và họ đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra.
“Tham nhũng là căn bệnh ung thư đã xâm hại các tế bào khỏe mạnh của đảng. Chúng ta phải tận dụng việc điều tra và xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của Chu Vĩnh Khang, để thúc đẩy triệt để cuộc đấu tranh chống tham nhũng”, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay đăng xã luận viết.
Diễn biến tiếp theo
Chu Vĩnh Khang (thứ hai từ phải sang trái) và Bạc Hy Lai (ngoài cùng bên phải) tại hội nghị của đoàn Trùng Khánh bên lền kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2012. Ảnh: Xinhua
Các dự báo về việc Chu Vĩnh Khang bị bắt và điều tra nổi lên từ cuối năm 2012, khi chống tham nhũng trở thành quốc sách hàng đầu của Trung Quốc. Một loạt quan chức cấp cao hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, ngành công an và tỉnh Tứ Xuyên bị bắt và điều tra, dấy lên hoài nghi về số phận cựu trùm an ninh quốc gia này.
Trước khi bước lên đỉnh cao quyền lực, Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu ngành dầu khí Trung Quốc trong suốt 30 năm, rồi được thăng chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên (2000-2002) và bộ trưởng Công an (2002-2007). Năm 2007, Chu được bầu vào thường vụ bộ Chính trị, phân quản các vấn đề an ninh và tư pháp.
Con trai, con dâu, em trai của Chu đều đã bị bắt, với các cáo buộc trục lợi bất chính trong lĩnh vực mà cựu chính trị gia này từng quản lý. Reuters từng có báo cáo cho rằng tổng tài sản nhà họ Chu nắm giữ có giá trị khoảng 90 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 14,5 tỷ USD.
“Việc một loạt các quan chức có liên quan đến Chu Vĩnh Khang bị bắt cho thấy ông Tập Cận Bình có kế hoạch chống tham nhũng rõ ràng nhằm vào Chu”, Ngiên cứu viên cao cấp Vương Chính Tự thuộc Đại học Nottingham bình luận.
Trong hệ thống chính trị Trung Quốc, đảng tiến hành điều tra nội bộ với quan chức, rồi trình kết quả điều tra lên bộ Chính trị. Bộ Chính trị có quyền quyết định cuối cùng về việc có khởi tố hay không. Đối với các vụ án nghiêm trọng, giới lãnh đạo cao nhất sẽ có chỉ thị, ngay cả khi vụ việc được chuyển sang cơ quan tư pháp.
Giới phân tích cho rằng nếu như Chu Vĩnh Khang bị đưa ra xét xử, có thể sẽ tồn tại nguy cơ tiết lộ những chi tiết làm tổn hại đến hình tượng và uy tín của đảng cầm quyền.
Vụ án Bạc Hy Lai năm 2011 được cho là chấn động chính trường Trung Quốc. Bạc từng là ủy viên Bộ Chính trị, bí thư thành ủy Trùng Khánh, chức vụ thấp hơn Chu Vĩnh Khang một bậc.
“Chu Vĩnh Khang là một bài học phản diện”, chuyên gia về Trung Quốc Joseph Fewsmith thuộc Đại học Boston cho biết. Nhưng chuyên gia cũng cho rằng việc thanh lọc các quan tham ở diện rộng không phải là cách làm chống tham nhũng lâu dài.
Trong Hội nghị Trung ương 4 tổ chức hồi tháng 10, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thừa nhận sự yếu kém của nền tư pháp nước này, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành cải cách để khôi phục niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp.
Giới luật sư Trung Quốc cho rằng Chu Vĩnh Khang phải chịu trách nhiệm rất lớn cho sự yếu kém của nền tư pháp nước này, với chính sách duy trì ổn định bằng mọi giá.
“Giới luật sư tin rằng ông ấy (Chu Vĩnh Khang) đã kéo lùi nền tư pháp Trung Quốc ít nhất 10 năm”, luật sư Lý Hiểu Lâm bình luận. “Nay ông ấy đã trở thành đối tượng của chính hệ thống mà mình xây dựng nên”.
Đức Dương
Theo VNE