Bất chấp lệnh cấm, hàng trăm người tụ tập đấu giá đất giữa dịch Covid-19
Mặc dù UBND tỉnh có văn bản đề nghị không tụ tập đông người nhưng một cơ quan nhà nước ở Huế vẫn thản nhiên tổ chức đấu giá đất thu hút hàng trăm người tham gia.
Video: Bất chấp lệnh cấm, hàng trăm người tụ tập đấu giá đất giữa dịch Covid-19
Ngày 27/3, trả lời PV VTC News, ông Phan Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên – Huế (đường Nguyễn Văn Linh, tỉnh Thừa Thiên – Huế) thừa nhận việc sáng cùng ngày, đơn vị có tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực định cư Hương Sơ đợt 2, giai đoạn 4.
Đáng nói, việc đấu giá trên được tổ chức đúng lúc cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 26/3, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có văn bản hỏa tốc đề nghị đóng cửa tất cả các hàng quán, dịch vụ không cần thiết, cấm tụ tập đông người.
Ghi nhận của PV lúc 9h sáng 27/3 tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, một hàng dài ô tô đậu kín đường, phía trong hàng trăm người đang tụ tập để tham gia đấu giá 24 lô đất ở khu vực tái định cư nói trên.
Trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19 lây lan thì cơ quan nhà nước ở Thừa Thiên – Huế vẫn tổ chức đấu giá đất thu hút hàng trăm người tham gia.
Địa điểm tổ chức buổi đấu giá nói trên nằm cách UBND phường An Hòa (TP Huế) không xa nhưng lực lượng tuần tra tuyên truyền của phường không phát hiện được địa điểm đông người này. Mãi đến khi PV phản ánh thì Chủ tịch phường này mới bố trí người đến để ghi nhận báo cáo lên UBND TP Huế.
Lý giải việc tổ chức buổi đấu giá nói trên, người đứng đầu Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên – Huế nói: “Ngày 26/3, Trung tâm có báo cáo xin ý kiến của tỉnh; Trung tâm Phát triển quỹ đất… đưa ra các phương án, trong đó có phương án đề xuất dừng. Trong trường hợp đấu giá thì lên phương án tổ chức thế nào, thay đổi cách đấu để hạn chế đông người trong phòng đấu giá sao cho không quá 20 người và các vấn đề vệ sinh, kiểm dịch được phía Trung tâm thực hiện đầy đủ… “
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết thêm, chiều 26/3, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng trực tiếp về kiểm tra công tác chuẩn bị và đồng ý tổ chức phiên đấu giá diễn ra sáng 27/3.
“Việc tụ tập đông người là chủ yếu nằm ở ngoài còn phía trong phòng đấu giá vẫn bảo đảm số lượng người. Việc đấu giá chỉ thực hiện đấu giá theo từng lô. Nói chung, chúng tôi cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa tối đa dịch bệnh… Biết là trong tình hình hiện nay là như vậy nhưng đây là công việc của đơn vị và cũng được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh”, ông Phan Tiến Dũng chia sẻ.
Cần nói thêm rằng, sáng 27/3 hầu hết các quán cà phê, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, giải trí… đều thực hiện viện đóng cửa sau công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Thế nhưng, việc cơ quan nhà nước vẫn tổ chức buổi đấu giá đất thu hút hàng trăm người tham gia trong lúc cả nước đang gồng mình ngăn chặn Covid-19 lây lan khiến dư luận ở Thừa Thiên – Huế bức xúc và cho rằng, việc tổ chức buổi đấu giá không thực sự quan trọng vào thời điểm này là không nên.
NGUYỄN VƯƠNG
Thủ tướng chỉ thị tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ đến 15/4
Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Kỷ luật nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3 năm 2020, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai rộng khắp, chúng ta đã và đang kiềm chế và kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở nước ta, trong tháng 2 chỉ có 16 ca mắc, nhưng chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 6 đến 26 tháng 3), đã có 137 ca mắc mới tại 23 tỉnh, thành phố, gấp trên 8,5 lần số ca mắc trước đó, đưa tổng số ca mắc lên 153 ca; đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn, gây lo lắng trong nhân dân. Nước ta đã bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28 tháng 3 đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020:
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh ở các tuyến biên giới trên bộ
Thủ tướng giao các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc đối với các trường hợp đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 08 tháng 3 năm 2020 không thuộc diện cách ly tập trung để áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát phù hợp.
Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, cảnh sát khu vực, công an xã, thanh niên xung kích trên địa bàn, tổ dân phố, thôn bản... tăng cường việc giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình, hạn chế tối đa việc giao tiếp của các đối tượng bị đề nghị cách ly y tế; thực hiện cưỡng chế cách ly y tế đối với các trường hợp chống đối cách ly theo quy định.
Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới trên bộ (nhất là biên giới với Lào, Campuchia), đường thủy, đường biển, các cảng hàng không.
Tăng cường năng lực cả về nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh; chú trọng việc bảo đảm an toàn cho các lực lượng quản lý nhập cảnh, làm việc tại các cửa khẩu, các khu cách ly tập trung và các cơ sở cách ly dân sự khác.
Có phương án điều tiết hợp lý việc tiếp nhận, phân loại sàng lọc người nhập cảnh bảo đảm không quá tải các cơ sở cách ly tập trung trên tuyến biên giới đường bộ.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Y tế tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch; tập trung thông tin về việc không tập trung đông người, khuyến khích và hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện, phát hiện sớm và thông báo cho chính quyền về các trường hợp nghi mắc bệnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo phân luồng, phân tuyến khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân; có phương án chăm sóc tốt hơn, bảo vệ tốt nhất an toàn cho lực lượng bác sỹ, cán bộ y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện điều trị người mắc dịch Covid-19; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho các tỉnh giáp Lào, Campuchia.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch, kể cả việc huy động cơ sở vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng; xây dựng phương án về áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28 tháng 3 năm 2020.
Các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư mở rộng việc xét nghiệm. Các thành phố lớn tăng công suất xét nghiệm, thực hiện chiến lược xét nghiệm sớm để cách ly.
Nhân dân bình tĩnh, yên tâm, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch
Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sỹ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.
Các cấp, các ngành tích cực đổi mới, cải tiến cách làm việc nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, học tập, thực hiện thủ tục hành chính; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Dịch COVID-19: Khánh Hòa tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ Kể từ 0 giờ ngày 26/3, tỉnh Khánh Hòa sẽ đóng cửa tạm thời các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết cho đến khi có thông báo mới, nhằm hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Phía trước Khu di tích Tháp Bà Ponagar. Đây là một trong những nội dung trong công văn khẩn, số 2736/UBND-KGVX, do...