Bất chấp cảnh báo, dòng tiền vẫn đổ vào trái phiếu “3 không”
Theo cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ( HNX), trong tháng 10, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục nhộn nhịp kẻ bán người mua. Đặc biệt, trong đó có nhiều thương vụ không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành.
Rủi ro từ trái phiếu “3 không”
Số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, tổng số vốn các doanh nghiệp huy động được qua kênh phát hành trái phiếu lên tới hơn 179.084 tỷ đồng.
Theo cập nhật của HNX, trong tháng 10, thị trường này tiếp tục nhộn nhịp kẻ bán người mua. Trong số thương vụ phát hành thành công, có nhiều thương vụ do doanh nghiệp niêm yết phát hành với mức lãi suất cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp ngoài sàn phát hành trong cùng thời gian (chi tiết xem bảng).
CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) đã chấp nhận trả mức lãi suất 13%/năm để huy động 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, tuy đây là loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo, nhưng 100% lượng phát hành đã được bán hết cho nhà đầu tư cá nhân.
Trong tháng 10, CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG) phát hành được 136 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11,5%/năm.
Hoạt động phát hành trái phát riêng lẻ của các doanh nghiệp ngoài sàn chứng khoán cũng không kém phần sôi động.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lãi suất khá cao để phát hành được trái phiếu không có tài sản đảm bảo, điển hình là CTCP Bất động sản Sài Gòn Vi Na phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 11,5%/năm.
Đáng chú ý là dòng tiền tiếp tục đổ vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều loại trái phiếu ở trạng thái “3 không”: không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành…
Trên thực tế, ngay từ giữa năm 2019, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo về sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu, lãi suất huy động tăng cao tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo rủi ro và yêu cầu các ngân hàng thương mại siết hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Câu chuyện phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao, tiềm ẩn những rủi ro khó lường cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ là một chủ đề được quan tâm tại diễn đàn Quốc hội.
Từng ở vị trí quản lý doanh nghiệp khi làm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM, ông Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quan ngại, tình trạng chạy đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp làm nóng thị trường, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, trong khi các yêu cầu về tài sản đảm bảo không được đặt ra, các công cụ bảo hiểm rủi ro về thị trường xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa được hình thành sẽ tạo rủi ro, tiềm ẩn nợ xấu mới và ảnh hưởng đến mục tiêu điều tiết lãi suất ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước…
Theo một chuyên gia Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, việc nhà đầu tư cá nhân với khả năng tài chính có hạn, hiểu biết hạn chế về bản chất trái phiếu của doanh nghiệp nhưng vẫn lao vào đầu tư sản phẩm này là đáng cảnh báo. Hơn bao giờ hết, nhà đầu tư phải ý thức được những rủi ro của hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các loại trái phiếu có lãi suất cao, không có tài sản đảm bảo để có biện pháp bảo vệ chính mình…
Bảo vệ nhà đầu tư, cách nào?
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng có lý do từ hệ thống cơ chế hiện tại chưa phân luồng từ xa đầu tư vào trái phiếu nói chung, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nói riêng là dành cho nhà đầu tư tổ chức, với khả năng chịu đựng được rủi ro lớn.
Và để khắc phục tình trạng này, theo đề xuất của Bộ Tài chính, cần sửa đổi nội dung bất cập tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP: trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Video đang HOT
Trưởng bộ phận pháp chế một công ty quản lý quỹ phân tích, thời gian hạn chế một năm kể từ khi phát hành là quá ngắn.
Trong thời gian này, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành có thể thay đổi theo chiều hướng xấu đi, trong khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không có khả năng và hiểu biết để nắm được các rủi ro có thể xảy ra.
Bởi vậy, Nghị định 63/2018/NĐ-CP cần sửa đổi theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong suốt kỳ hạn của trái phiếu, loại trái phiếu này chỉ được phép mua bán giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức với nhau.
Điều này nhằm khắc phục bất cập của quy định hiện hành là sau khi hết thời gian bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, trái phiếu doanh nghiệp được bán rộng rãi ra đại chúng như hiện tại, ẩn họa những rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ…
Giải pháp quan trọng nữa, theo một chuyên gia ở Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), là Bộ Tài chính cần có cơ chế và thúc đẩy phát triển thị trường xếp hạng định mức tín nhiệm. Trong đó, nên nghiên cứu đưa ra điều kiện trái phiếu muốn được phát hành ra thị trường thì phải qua xếp hạng định mức tín nhiệm, để nhà đầu tư phần nào tiên lượng được mức độ rủi ro của sản phẩm trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành, tránh “tốt xấu lẫn lộn” như hiện tại.
Về phần mình, đại diện Bộ Tài chính cho hay, việc thúc đẩy phát triển thị trường xếp hạng định mức tín nhiệm đã được nỗ lực triển khai, nhưng kết quả mang lại chưa như kỳ vọng, do đây là thị trường quá mới tại Việt Nam, nên chưa hấp dẫn các nhà cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tham gia đầu tư.
Mặt khác, việc khắc phục tình trạng này cũng như bất cập của quy định hiện hành đang gặp khó khăn do chưa có sự thống nhất giữa các bên.
Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ thay vì được quy định tại Luật Chứng khoán như thông lệ các nước, do đây là một loại chứng khoán lại đang được tính toán để quy định tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Một trong những lý do của quan điểm xây dựng chính sách theo định hướng này là nếu quy định tại Luật Chứng khoán sẽ khiến cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có khả năng theo dõi, giám sát các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ.
“Tuy nhiên, thông lệ các nước cho thấy, với các công ty không đại chúng, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không trực tiếp quản lý, giám sát các tổ chức phát hành, mà đặt trọng tâm giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu là các công ty chứng khoán.
Một khi các tổ chức này vi phạm trong tư vấn cho doanh nghiệp không đại chúng phát hành ra thị trường những sản phẩm trái phiếu với những thông tin không trung thực, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư thì chính nhà tư vấn phải chịu trách nhiệm.
Do đó, chỉ cần thúc đẩy các công ty chứng khoán nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính liêm chính trong hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, đồng thời cơ quan quản lý tăng cường quản lý, giám sát, xử lý vi phạm các tổ chức tư vấn là sẽ góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư…”, ý kiến từ Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho hay.
Nguyễn Hữu
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Trái phiếu doanh nghiệp 'phát triển nóng': Cơ hội lớn, rủi ro cao
Tính đến ngày 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,5% GDP (vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020), tăng 19,2% so với cuối năm 2018.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có bước phát triển nhanh và khá 'nóng.' (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có bước phát triển nhanh và khá "nóng" đã tạo cơ hội lớn cho giới đầu tư nhưng cũng gây ra rủi ro lớn. Điều cần thiết lúc này là các nhà quản lý, xây dựng chính sách cần có định hướng phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phát triển nóng
Tính đến ngày 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,5% GDP (vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020), tăng 19,2% so với cuối năm 2018.
Bẩy tháng năm 2019, tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018; trong đó, doanh nghiệp ngành tài chính-ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.
Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2019 cao hơn so với năm 2018, nguyên nhân do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019; trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng qua ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%).
Đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Công ty cổ phần bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất khá cao (từ 12-14,5%), đây là một trong những doanh nghiệp có mức cao nhất.
Lý giải về việc lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng cao, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng cũng phổ biến mức 10%. Tính chung, lãi suất phát hành trái phiếu trong 7 tháng qua dao động ở mức 10-12%
Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Chẳng hạn với các ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mức lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng từ 6,8-7%. Còn với các ngân hàng nhỏ hơn, lãi suất tiền gửi khoảng từ 8-8,7%.
[Yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt đầu tư trái phiếu doanh nghiệp]
Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 6 tháng đầu năm 2019, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 20% GDP. Cá biệt, một số quốc gia có quy mô trái phiếu doanh nghiệp lớn, thậm chí đạt cao hơn trái phiếu chính phủ như Hàn Quốc (xấp xỉ 80% GDP).
Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù đã có xu hướng mở rộng về quy mô trong 5-7 năm trở lại đây, nhưng vẫn còn khá nhỏ và chưa đáp ứng được vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý thêm, ở một số nước phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp lớn với mức độ minh bạch thông tin và có đánh giá tín nhiệm thay vì các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn.
Chủ tịch VBMA cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có giai đoạn phát triển khá nóng trong khoảng 1 năm trở lại đây khi đã vượt 3,5% mục tiêu năm 2020. Điều cần thiết trong giai đoạn thị trường đang có bước phát triển nhanh và khá nóng, các nhà quản lý, xây dựng chính sách cần có định hướng phát triển thị trường một cách bền vững.
Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin, qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá mức huy động lãi suất và chưa có xu hướng biến động đáng ngại.
Bộ Tài chính vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá, phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp.
Cốt lõi là cải thiện tính minh bạch
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín - Giám đốc điều hành Trường doanh Nhân BizLight cho rằng hiện nay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ có lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, thậm chí lãi suất này cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Khi nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp tốt hoàn toàn có thể sử dụng để thế chấp, cầm cố, bảo lãnh cho các hoạt động vay vốn, giao dịch trên thị trường thứ cấp của trái phiếu...
Tuy nhiên, chắc chắn lãi suất cao đi kèm với rủi ro lớn. Nhà đầu tư cần phải tìm hiểu rõ, đặc biệt lãi suất của các trái phiếu lớn hơn 12%/năm thì rủi ro sẽ rất lớn.
"Những thông tin trong quá trình phát hành trái phiếu nhà đầu tư đã có đầy đủ hay chưa? Thông thường là thông tin này rất ít và chủ yếu công bố trên Website của doanh nghiệp, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường ít có cơ hội tiếp cận thông tin thật sự của doanh nghiệp," vị chuyên gia lo ngại.
Theo vị chuyên gia này, đầu tư trái phiếu thực chất là kênh đầu tư tài chính nên cần chuyên nghiệp. Muốn chuyên nghiệp thì phải biết phân tích, đo lường triển vọng của doanh nghiệp. Bản chất của việc mua trái phiếu là cho doanh nghiệp vay vốn mà trường hợp này là vay vốn không thế chấp. Vì vậy, khi doanh nghiệp phá sản nhà đầu tư có thể mất trắng vốn.
Theo Luật Phá sản, doanh nghiệp phá sản sẽ phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, trả nợ ngân hàng... Vậy sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ nợ, doanh nghiệp còn gì cho nhà đầu tư, ông Tín đặt câu hỏi.
Ông Tín khuyến cáo nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kiến thức về tài chính doanh nghiệp không nên tham gia thị trường này. Nhà đầu tư chỉ tham gia khi có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và có khả năng phân tích, dự báo các chỉ số tài chính.
Theo Chủ tịch VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh, hiện nay tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 6,1%.
Bà Oanh cũng cho rằng rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phần đông số họ trong giai đoạn này vẫn chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ về trái phiếu doanh nghiệp họ đang nắm giữ và thiếu kỹ năng, nghiệp vụ để đánh giá, phân tích rủi ro.
Hiện có khoảng 70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng khó có thể kiểm soát mục đích huy động vốn của doanh nghiệp.
Theo quan sát trên thị trường, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp một phần có thể được lý giải bởi việc nhà đầu tư đang coi đây giống như một kênh tiền gửi với mức lãi suất lớn hơn trong khi chưa có sự quan tâm đầy đủ với các thông tin quan trọng liên quan như bản chào trái phiếu (OC); loại hình trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu có bảo đảm, không bảo đảm hay trái phiếu kèm chứng quyền) hay đặc tính trái phiếu.
Do vậy có thể khẳng định, không giống Quỹ đầu tư trái phiếu hay nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn bất lợi trong việc tiếp cận, xử lý thông tin hay trong quá trình đàm phán, bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp hoặc rủi ro vỡ nợ.
Chủ tịch VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng chủ trương phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, từng bước giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, để đảm bảo thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững thì điều cốt lõi là cải thiện tính minh bạch; trong đó, phải kể đến nhóm giải pháp cơ chế giám sát thị trường rõ ràng.
"Về phía cơ quan quản lý, tôi cho rằng sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan phát triển thị trường trái phiếu trong mối liên kết với thị trường tiền tệ cũng sẽ được chú trọng hơn. Việc trao đổi, tham vấn giữa cơ quan quản lý với các nhà tạo lập thị trường theo định kỳ về diễn biến thị trường và tình hình phát hành trái phiếu cần được tăng cường," Chủ tịch VBMA kiến nghị.
Theo bà Oanh, nhu cầu cấp thiết hiện nay là phải có tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập về các đơn vị phát hành, từ đó, phân loại trái phiếu để nhà đầu tư có cơ sở đưa ra các lựa chọn.
Cũng theo Chủ tịch VBMA, về kênh thông tin, một trung tâm quản lý thông tin tập trung sẽ là cần thiết để hạn chế sự mất cân xứng thông tin trong bối cảnh tỷ trọng của nhà đầu tư cá nhân đang tăng lên đáng kể./.
Theo Vietnamplus
CII hé lộ đang đàm phán thương vụ 4.780 tỷ đồng và dự kiến sắp hoàn tất Theo ước tính của CII, thương vụ nói trên sẽ hoàn tất trong tháng 12/2019, tuy nhiên, thời gian cũng có thể bị kéo dài qua đầu tháng 1/2020. Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đã có công bố thông tin về việc thực hiện đàm phán thương vụ ước tính 4.780 tỷ đồng. Theo đó, trên...