Bảo vật quốc gia 700 năm nằm giữa rừng phong
Chùa Thanh Mai (tỉnh Hải Dương) nằm dưới quần thể rừng cây lá phong độc đáo của miền Bắc với diện tích hơn 100 ha, là nơi lưu giữ bia “ Thanh Mai Viên thông tháp bi” vừa được công nhận bảo vật quốc gia.
Chùa Thanh Mai ở xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Giang Chinh
Những ngày đầu năm, đứng dưới chân núi Tam Bảo (tỉnh Hải Dương) nhìn lên, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi non với sắc đỏ của rừng phong. Toạ lạc trên sườn núi là chùa Thanh Mai, nơi có bia “Thanh Mai Viên Thông pháp bi” vừa được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
Theo nhiều tài liệu, chùa Thanh Mai xây dựng dưới thời Trần, rồi trở thành một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của đệ nhị Trúc Lâm Thiền phái Pháp Loa tôn giả (1284-1330).
Trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh ngôi chùa cổ đã sụp đổ, các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế và bị lãng quên. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được khôi phục, trùng tu trong nhiều năm sau đó.
Đến nay chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong Chùa cũng còn một số tấm bia thời Trần, Lê, và bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” là quý giá nhất.
Tấm bia bảo vật quốc gia này cao 131 cm, rộng 82 cm, dày 14 cm, được đặt trên lưng rùa. Hai mặt bia khắc khoảng 5.000 chữ nho, được cho là dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) đời vua Trần Dụ Tông, do Thị giả Trung Minh soạn và được Huyền Quang là môn đệ nối nghiệp Pháp Loa khảo đính. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, có thể phần văn bia đã được viết từ trước vì năm dựng bia thì cả Pháp Loa và Huyền Quang đã qua đời.
Ngoài nội dung về thân thế và sự nghiệp của Pháp Loa, nội dung tấm bia còn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm tam tổ: Trần Nhân Tông; Pháp Loa; Huyền Quang.
Văn bia còn cho biết năm, tháng xây dựng những công trình tôn giáo lớn lúc bấy giờ.
Video đang HOT
Bia ” Thanh Mai Viên thông tháp bi”. Ảnh: Giang Chinh
Căn cứ theo tấm bia, người đời sau được biết Pháp Loa tên thật là Đồng Kim Cương, sinh ngày 7/5/1284, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6, người thôn Đồng Hoà, hương Cửu La, Nam Sách Giang (nay thuộc phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông là học trò đầu tiên của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cũng là người nối nghiệp thiền phái trúc lâm Yên Tử sau khi Phật hoàng qua đời.
Nhà bia lưu giữ bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” tại chùa Thanh Mai. Ảnh: Giang Chinh
Trong thời gian tu hành, Pháp Loa đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn nhỏ; xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Quỳnh Lâm. Ông còn cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Địa Tạng và dành nhiều thời gian thuyết pháp, giảng kinh…
Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền Việt Nam hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ).
Giang Chinh
Theo VNE
Rừng phong nơi cửa chùa được bảo vệ nghiêm ngặt
Mỗi độ đông về, xuân sang, rừng phong chùa Thanh Mai (Hải Dương) thay lá đỏ, tạo cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đây vẻ đẹp quyến rũ độc đáo.
Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa xây dựng trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo. Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.
Chùa xây dựng từ thế kỷ 13. Đây là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả - vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua năm tháng mưa nắng, chiến tranh, chùa cổ đã sụp đổ. Thời gian gần đây, chùa được khôi phục từng phần trên nền móng của một số công trình lớn.
Chùa Thanh Mai nằm dưới quần thể rừng cây lá phong trải rộng trên diện tích hơn 100 ha, trong đó hơn 50 ha nằm trọn trong đất chùa.
Ông Lê Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám, cho biết rừng phong chùa Thanh Mai được nhà chức trách địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, "không chỉ dưới góc độ bảo vệ rừng đơn thuần, mà đây còn là nơi tạo phong cảnh đẹp độc đáo, là tài sản thiên nhiên quý giá của địa phương".
Để bảo vệ rừng phong quý hiếm trên cả miền Bắc, chính quyền địa phương vận đồng người dân không được chặt phá, giao công an xã phối hợp với đơn vị kiểm lâm cắt cử lực lượng tuần tra thường xuyên.
Mỗi độ đông về, rừng phong chùa Thanh Mai bắt đầu thay lá, chuyển từ màu xanh sang màu vàng, rồi màu đỏ. Mùa đông càng lạnh thì lá cây càng chuyển màu đỏ, tạo cảnh sắc tự nhiên quyến rũ.
Những cây phong có tuổi đời cả trăm năm thường rụng lá sớm hơn các cây còn lại.
Trên những cành cây xù xì mốc thếch tưởng như không còn sự sống là những mầm non đang nhú. Lá non của cây phong cũng có màu đỏ đặc trưng.
Lá phong đỏ mỏng manh in trên nền trời xanh, một hình ảnh quen thuộc nhìn từ sân chùa Thanh Mai.
Người dân đia phương gọi nhưng cây phong là táo hậu. La cây táo hậu thường được các thầy lang dùng làm thuốc.
Nhiều cây phong có đường kính thân 60-70 cm, mọc từ lưng chừng núi lên tới đỉnh. Trên con đường nhỏ quanh co men theo triền núi là thảm lá phong khô rụng.
Dịp cuối năm, cảnh đẹp rừng phong chùa Thanh Mai thu hút nhiều bạn trẻ.
Giang Chinh
Theo VNE
Chiêm ngưỡng 16 bảo vật quốc gia lần đầu ra mắt công chúng Lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày 16 bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại đây. Đây là các bảo vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, gắn liền với quá trình hình thành quốc gia, dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm kể từ thời kỳ văn hoá Đông...