Báo Trung Quốc: ASEAN có mối quan hệ yêu ghét rõ ràng với Trung Quốc
Singapore là hiện thân của một chế độ chính trị có các tiếp cận khôn khéo nhất trong số các nước ASEAN. Singapore có các nỗ lực nhằm tìm kiếm sự cân bằng chiến lược giữa các nước lớn.
Tạp chí South Reviews có trụ sở ở Quảng Châu, Trung Quốc vừa có bài bình luận về tình hình chính trị, kinh tế ở khu vực Nam Á trong đó nhấn mạnh khối các quốc gia Đông Nam Á.
Bài viết cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á đang phải đấu tranh tư tưởng giữa lợi ích từ đầu tư của Trung Quốc và sự cân bằng sức mạnh cường quốc trong khu vực khi đang được Bắc Kinh vẫy chào bằng “cành olive” từ sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.
Cờ một số nước ASEAN (ảnh minh hoạ)
South Reviews đưa ra nhận định rằng các quốc gia Đông Nam Á có mối quan hệ xen lẫn giữa cảm giác yêu và ghét khá rõ với Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc đã nhìn thấy được các lợi ích và kết quả của sáng kiến kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 kể từ khi nó bắt đầu được giới thiệu vào tháng 10 năm 2013.
Video đang HOT
Trung Quốc cũng đã xúc tiến các cuộc đàm phán với Việt Nam, Lào về các dự án xây dựng những khu vực hợp tác kinh tế dọc biên giới.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã bắt đầu làm việc với Indonesia về việc phát triển các dự án khu công nghiệp, tăng cường đầu tư vào các dự án siêu cảng với cả Indonesia, Campuchia, Myanmar.
South Reviews cho rằng Trung Quốc đã gặt hái được nhiều “tiến bộ” trong dự án xây dựng tuyến đường sắt nối Trung Quốc, Lào cũng như hình thành một dự án vận tải dọc sông Mê Kông và việc hợp tác vốn giữa ASEAN và đối tác Trung Quốc.
Tờ tạp chí của Bắc Kinh tự tin khi nhận định rằng “mặc dù ổn định và thịnh vượng của các nước ASEAN phụ thuộc vào “Trung Quốc hùng mạnh” nhưng ASEAN cũng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi quan hệ với một Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng. Ở một số nước Đông Nam Á có tình cảm ghét Trung Quốc rõ ràng xuất phát từ vấn đề lịch sử và tâm lý dư luận đương thời”.
Tạp chí này cho biết, vì Đông Nam Á từ lâu vẫn là khu vực cạnh tranh của các siêu cường nên từ thời thực dân đến Chiến tranh thế giới lần II các nước ASEAN cũng vẫn đang tìm kiếm thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các thế lực bên ngoài.
Bản thân ASEAN cũng quan ngại về sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Họ tin rằng xung đột lợi ích kinh tế, chính trị giữa Bắc Kinh và Washington sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh.
Ông Lý Quang Diệu – cố Thủ tướng Singapore
Ông Lý Quang Diệu – cố Thủ tướng Singapore là hiện thân của một chế độ chính trị có các tiếp cận khôn khéo nhất trong số các nước ASEAN. Singapore có các nỗ lực nhằm tìm kiếm sự cân bằng chiến lược giữa các nước lớn.
Singapore vẫn tận dụng được hiệu quả từ hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong khi vẫn thể hiện được sự ủng hộ đối với chiến lược xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương của siêu cường Mỹ.
Với sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Bắc Kinh, dự án này chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh kinh tế, tăng cường các dự án cơ sở hạ tầng nơi Mỹ có ít ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, Washington đã cố tạo ra căng thẳng để lấn lướt Trung Quốc và duy trì sự thống trị của mình ở khu vực.
Chính vì lẽ đó, theo khuyến nghị của South Reviews, “Trung Quốc cần điều chỉnh một cách tiếp cận thực tế và linh hoạt để “giúp đỡ” các nước ASEAN từ bỏ được sự cạnh tranh cân bằng giữa các siêu cường”.
“Từ năm 2012 đến 2014, thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng từ 8,45 tỷ USD lên 63,8 tỷ USD nhưng Bắc Kinh cần phải hiểu rằng các “thành tích” này được xây dựng dựa trên “nhiều sự mất mát” của các nước ASEAN và Trung Quốc nên tránh hâm nóng cạnh tranh thương mại hai chiều” – báo TQ khuyên chính quyền Bắc Kinh.
Hơn nữa, báo này cho biết, Trung Quốc cần giữ khoảng các với các nhóm “cộng đồng người Hoa” ở các nước ASEAN trong quá trình mời chào các dự án ở khu vực này ( bởi điều đó có thể sẽ gây quan ngại thực sự cho các nước khi họ cân nhắc về ý đồ thực của Bắc Kinh -PV).
Cuối cùng, South Reviews khuyên Bắc Kinh tránh được cái bẫy mà các cường quốc đang nổi hay gặp phải đó là một khi bành trướng hợp tác kinh tế thường phát sinh xung đột và đối đầu và “điều Bắc Kinh cần làm là xây dựng và cải thiện một quan hệ tin cậy chung khi thiết lập các cơ chế an ninh với Đông Nam Á.
Nội dung của bài phân tích đăng trên South Reviews về cơ bản phản ánh được những khía cạnh, toan tính mà giới hoạch định chính sách của Bắc Kinh có thể đã và sẽ áp dụng trong tương lai trong xây dựng các mối quan hệ song phương và đa phương với cộng đồng ASEAN.
Thực tế tình hình khu vực những năm gần đây cho thấy, bản thân từng nước Đông Nam Á nói riêng và cả khối ASEAN nói chung cũng đã được Trung Quốc tìm cách tiếp cận một cách khác biệt.
Trung Quốc vốn luôn có chủ trương đàm phán tay đôi trong các vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh, chủ quyền, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải để dễ bề áp đảo.
Với những nước có thể sử dụng chiêu bài kinh tế, Bắc Kinh sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của mình. Còn đối với những nước có ảnh hưởng lớn từ chính trị, Trung Quốc đã và sẽ có những chiêu bài và toan tính không ai có thể đoán định trước -PV.
Theo Người Đưa Tin