Bảo tồn và lan tỏa văn hóa Việt Nam tại Thái Lan
Dự án nâng cấp chùa Một Cột tại Khon Kaen không chỉ tái hiện biểu tượng Hà Nội tại đất Thái mà còn củng cố mối quan hệ sâu sắc giữa hai dân tộc.
Với sự chung tay của kiều bào và chính quyền, công trình này sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa đặc sắc tại Thái Lan.
Lễ khởi công công trình nâng cấp chùa Một Cột ở Khon Kaen, Thái Lan. Ảnh: TLSQ
Mới đây, tại Công viên Hữu nghị Thái-Việt thuộc thành phố Khon Kaen, Thái Lan, đã diễn ra lễ khởi công sửa chữa và nâng cấp khuôn viên chùa Một Cột.
Đây là công trình mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan. Cụ thể, dự án này tăng cường mối liên kết giữa thành phố Khon Kaen và Thủ đô Hà Nội.
Video đang HOT
Chia sẻ về sự kiện trên, ông Monty Xinhha Punnaphắt – Phó Thị trưởng TP. Khon Kaen nhấn mạnh rằng chùa Một Cột tại thành phố này không chỉ là biểu tượng tinh thần mà còn là cầu nối gắn kết tình cảm giữa nhân dân hai nước.
Về phần mình, ôn Trần Thanh Trung – Phụ trách Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen
đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Thái Lan, chính quyền Thành phố Khon Kaen và cộng đồng người Việt vì những nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam trên đất bạn.
Chùa Một Cột được xây dựng trong khuôn viên hồ Ken Nakhon, một trong những hồ nước đẹp nhất của Khon Kaen. Công trình được khởi dựng từ năm 2007, dựa trên nguyên mẫu di tích chùa Một Cột ở Hà Nội. Năm 2023, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen đã thúc đẩy việc hoàn chỉnh đồng bộ khuôn viên chùa với việc xây dựng hồ sen dưới chân chùa.
Tổng kinh phí dự án là gần 4,8 triệu baht (hơn 3,3 tỷ đồng). Trong đó, cộng đồng kiều bào tại Khon Kaen, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng tập thể cán bộ Tổng Lãnh sự quán đã đóng góp khoảng 1 triệu baht. Số tiền còn lại được chính quyền Khon Kaen đầu tư xây dựng.
Sau khi hoàn thành, chùa Một Cột sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn, góp phần phát triển Khon Kaen trở thành một trung tâm văn hoá quan trọng của vùng Đông Bắc Thái Lan.
Chùa Một Cột gốc tại Hà Nội là ngôi chùa linh thiêng, có kiến trúc độc đáo với lịch sử hơn 1000 năm, nằm ở trung tâm Thủ đô, gần Lăng Bác. Gần 100 năm qua, di tích này gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và mang ý nghĩa sâu sắc trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc Thái Lan.
Việc xây dựng bản sao chùa Một Cột tại Khon Kaen giúp bà con kiều bào có cơ hội gần gũi với không gian văn hóa quê hương, như được trở về Thủ đô Hà Nội và gần gũi với Bác Hồ kính yêu.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa Việt Nam tại Thái Lan
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, trong chuyến công tác tới tỉnh Chanthaburi từ ngày 10-11/07, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng đã có cuộc gặp với Hội người Việt Nam tại tỉnh Chanthaburi và thăm một số cơ sở tôn giáo của cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Đại sứ Phạm Việt Hùng mong muốn nhà thờ cùng với cộng đồng tiếp tục xây dựng cuộc sống hạnh phúc, hướng về quê hương, đất nước. Ảnh: TTXVN phát
Trong không khí gần gũi, Đại sứ Phạm Việt Hùng đã thông tin một số nét mới về tình hình phát triển đất nước, cũng như mối quan hệ ngày càng phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam - Thái Lan.
Đại sứ bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt trên địa bàn tỉnh tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, gìn giữ và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, hoà nhập và đóng góp cho sở tại, góp phần vào việc phát triển quan hệ hai nước.
Tại buổi gặp, Hội người Việt Nam tỉnh Chanthaburi đã thông tin về tình hình hoạt động của hội và của cộng đồng người Việt tại tỉnh, chia sẻ một số ý kiến về công tác của Hội thời gian tới, nhất là trong việc gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt Nam tại Thái Lan.
Đến thăm Chùa Khet Na Bunyarem - Chùa Phước Điền, Đại sứ Phạm Việt Hùng đã cảm ơn Hòa thượng trụ trì, các tăng ni và phật tử đã góp phần nỗ lực bảo tồn, duy trì di sản phật giáo An Nam Tông tại chùa.
Theo Hòa thượng trụ trì và Ban quản lý chùa, Chùa Phước Điền được cộng đồng người Việt sinh sống tại Thái Lan thành lập vào năm 1834 dưới thời trị vì của Vua Rama 3. Vào thời trị vì của Vua Rama V, Nhà vua đã ban tặng tên của ngôi chùa là Chùa Khet Na Bunyarem. Hoà thượng trụ trì chùa nhấn mạnh ngày càng có nhiều phật tử, du khách biết và đến với chùa, góp phần bảo tồn, phát triển Phật Giáo An Nam Tông tại Thái Lan.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng gặp gỡ Hội người Việt Nam tại tỉnh Chanthaburi. Ảnh: TTXVN phát
Ngoài ra, trong chuyến công tác, Đại sứ Phạm Việt Hùng cũng đã đến thăm Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội với tuổi đời hơn 300 năm. Nhà thờ được cộng đồng người Việt đến định cư trên địa bàn tỉnh xây dựng vào khoảng năm 1730-1752. Đây được coi là một trong những nhà thờ đẹp nhất ở Thái Lan, nổi bật nhất với hai đỉnh tháp chuông, cửa sổ mang phong cách Gothic, bên trong nhà thờ có ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh được trang trí bằng hơn 200.000 viên đá quý, phần đế được đúc bằng bạc nguyên chất.
Sau khi được Cha xứ chia sẻ về lịch sử hình thành và phát triển của Nhà thờ, tình hình đời sống và sinh hoạt tôn giáo cộng đồng người Việt theo Công giáo tại tỉnh, Đại sứ Phạm Việt Hùng đã bày tỏ mong muốn Nhà thờ cùng với cộng đồng tiếp tục xây dựng cuộc sống hạnh phúc, hướng về quê hương, đất nước.
Hợp ca Quê hương tại Pháp: 15 năm ngân vang cùng các giai điệu của Tổ quốc Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cuối tuần qua, tại Trung tâm văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris, một chương trình nghệ thuật đặc sắc đã được tổ chức nhằm kỷ niệm 15 năm thành lập Hợp ca Quê hương, dàn hợp xướng hát tiếng Việt có quy mô lớn nhất và duy nhất ở hải ngoại. Một số tiết mục...