Bão số 9: Cần Thơ cấm Chủ tịch quận huyện rời địa bàn
Trước tình diễn biến phức tạp của bão số 9, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, chủ tịch UBND các quận, huyện không được rời khỏi địa bàn vào 2 ngày cuối tuần.
Văn bản nêu, bão số 9 được xác định là cơn bão có cường độ mạnh, do tác động của không khí lạnh diễn biến của bão còn rất phức tạp, hướng di chuyển, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão có thể còn có những thay đổi.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ tăng cường cập nhật thông tin, diễn biến của bão số 9 (về hướng di chuyển, tốc độ di chuyển, cường độ của bão và vùng nguy hiểm) để tham mưu kịp thời cho Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố chỉ đạo ứng phó.
Tình hình thời tiết ở Trung tâm TP Cần Thơ trưa nay.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các Sở, Ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện; UBND phường, xã, thị trấn phân công tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão. Tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão gây ra trong địa bàn; thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố.
Đồng thời, các nơi phải khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm (trên các cồn, các cù lao, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, khu vực trũng thấp, các lồng bè nuôi thủy sản…). Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản khi bão đổ bộ vào.
Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão. Kiểm tra kỹ hệ thống lưới điện, đảm bảo an toàn, tránh sự cố về điện làm ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất (thông báo cho người dân tạm thời ngưng xuống giống lúa Đông Xuân 2018-2019 để tránh thiệt hại do mưa lớn do bão gây ra). Chủ động tiêu nước chống úng ngập bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê kè đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố.
Chú ý, Chủ tịch UBND quận, huyện không đi khỏi địa bàn vào ngày thứ Bảy (24-11) và ngày Chủ nhật (25-11), theo dõi sát biễn biến bão số 9, chuẩn bị phương án bảo vệ dân và tài sản ở cấp độ bị ảnh hưởng theo phương châm “Bốn tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Giám đốc Công an thành phố thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến của Cơn bão số 9, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng để kịp thời cứu hộ, cứu nạn theo lệnh điều động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố-Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố….
Ghi nhận thời tiết tại TP Cần Thơ đến trưa 24-11, trời âm u, nhiều mây, có gió.
HẢI DƯƠNG
Theo PLO
Bão Usagi chệch xuống phía Nam, đảo Phú Quý đang mưa to
Sáng sớm nay huyện đảo Phú Quý mưa lớn, bão Usagi có xu hướng vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre.
Theo UBND huyện Phú Quý, Bình Thuận, đến 8h ngày 24.11 chưa ghi nhận thiệt hại nào từ cơn mưa rất lớn, gió mạnh cấp 8, kéo dài nhiều giờ qua. Tàu thuyền đã được neo đậu trong cảng, một số cũng được kéo lên bờ để tránh hư hại khi bão đổ bộ.
Huyện đảo Phú Quý được dự báo là khu vực đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 (Usagi).
Trong khi đó, theo báo cáo của UBND xã Tam Thanh, Phú Qúy, tổng số hộ phải di dời tại xã là 54 hộ với 235 người trong đó trẻ dưới 14 tuổi có 56 cháu, có 9 người già và 3 người khuyết tật. Những hộ dân này sẽ được đưa đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Phú Qúy, Điện Lực Phú Qúy và nhà các hộ dân xây dựng kiên cố.
Tuy nhiên tại thôn Mỹ Khê có hai hộ dân không chịu di dời và tại thôn Hội An có 16 người không chịu rời khỏi nhà. UBND xã đã cho những người này ký cam kết.
Hướng đi của bão theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương là thẳng vào TP HCM.
Các đơn vị của Công an Bình Thuận đều sẵn sàng mỗi đơn vị 1 trung đội gồm 30 người và 1 trung đội dự phòng từ 15-20 người, để giúp dân bảo vệ tài sản, cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra lập đội cứu hộ gồm 20 người, giải quyết ách tắc giao thông. Các đơn vị trinh sát, an ninh phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau bão, không để trộm cắp, cướp giật tài sản, xuyên tạc... xảy ra. Sẵn sàng ca nô, xe chữa cháy, xe chở quân để làm nhiệm vụ. Đối với Quân sự tỉnh cũng đã phân công theo kế hoạch, để ứng phó bão số 9 .
Sở GTVT Bình Thuận cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 10 xe ca chở khách (trên 30 chỗ ngồi), 10 xe ô tô tải (trên 3,5 tấn), 3 xe tải các loại, 1 xe đầu kéo, 2 xe đào và 1 xe xúc lật; rọ đá 200 cái, dầm cầu Bailey 150m và biển báo các loại theo phân công, đảm bảo nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng nay cho biết, tâm bão Usagi cách đảo Phú Quý khoảng 110 km, cách Phan Thiết khoảng 210 km, cách Vũng Tàu 300 km, cách Ba Tri (Bến Tre) 340 km. Sức gió tối đa 100 km/h (cấp 10), giật tăng hai cấp.
Trong hôm nay, bão đi theo hướng Tây với tốc độ 10-15 km/h. Đến16h, tâm bão trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre, cấp độ gió vẫn giữ nguyên 75-100 km/h.
Tiếp đó, bão giữ nguyên tốc độ, đi theo hướng Tây và vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8, trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4h ngày 25.11, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre. Sức gió tối đa 50-60 km/h. Áp thấp nhiệt đới chủ yếu đi theo hướng Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.
Sài Gòn và các tỉnh phía Nam mưa, giông lốc rất lớn.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 gây ra, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền, thông tin liên lạc với ngư dân trên biển; đồng thời tổ chức, sắp xếp bến bãi để tàu thuyền neo đậu chắc chắn và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng giúp người dân di dời, chằng chống tàu thuyền khi bão đổ bộ theo kịch bản xấu nhất.
Bão sẽ đổ bộ vào dịp cuối tuần, lượng khách du lịch đông, các địa phương trọng điểm du lịch không được chủ quan, phối hợp với chủ cơ sở du lịch chủ động trong việc cảnh báo và đảm bảo an toàn cho du khách, có phương án sơ tán du khách.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu (gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-8. Biển động rất mạnh, sóng vùng gần tâm bão cao 4-6 m, gần bờ cao 3-5 m.
Từ trưa và chiều nay, trên đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, khu vực ven biển gió mạnh hơn một cấp. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có thời tiết tương tự.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-500 mm mỗi đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ mưa tầm 100-200 mm.
Một đợt lũ sẽ xuất hiện trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên trong những ngày tới. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các địa phương này.
Theo Danviet
Cư dân đảo Phú Quý: 'Từ 2006 đến nay mới đối mặt cơn bão mạnh thế này' Tại tâm điểm dự báo bão số 9 (Usagi) sẽ đổ bộ, người dân trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cho biết đã di dời tàu bè, chằng chống nhà cửa chuẩn bị ứng phó với bão. Ông Phạm Hai (một chủ tàu cá ở xã Long Hải, đảo Phú Quý) nói rằng từ hôm qua các tàu đánh bắt xa bờ...