Bão số 3 sẽ tăng lên cấp 15-16, dự báo 5 tỉnh – thành chịu tác động mạnh nhất
Bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất đi vào vịnh Bắc Bộ trong 10 năm nay. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là 5 tỉnh, thành phố được dự báo chịu tác động mạnh nhất của bão
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 4-9, vị trí tâm bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc, 116,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam – Trung Quốc khoảng 650 km về phía Đông. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10 km/giờ; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 17.
Khoảng chiều 6-9, bão số 3 đạt cường độ mạnh nhất là cấp 15-16, gần khu vực phía Đông đảo Hải Nam.
Sau đó, do ma sát, tiếp xúc đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu – Trung Quốc, bão sẽ suy yếu trước khi vào vịnh Bắc Bộ. Khả năng bão số 3 vào vịnh Bắc Bộ là rất cao, khoảng 70-80%.
Đánh giá nguyên nhân trong 24 giờ qua bão số 3 liên tục tăng cấp, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết điều kiện môi trường ở khu vực Bắc Biển Đông đang thuận lợi cho quá trình phát triển bão, với nền nhiệt cao 31 độ C duy trì nhiều ngày qua.
Bên cạnh đó, khu vực này trong thời gian dài chưa xuất hiện bão nên năng lượng tích tụ, độ ẩm, hoàn lưu khí quyển và khí áp dòng dẫn liên tục tăng cấp…
Thời tiết oi nóng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ không phải là điều kiện thuận lợi cho bão phát triển nhưng lại gây nguy cơ dông lốc trước bão.
Dự báo chiều 6-9, khi bão cách đất liền 400-500 km, Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội sẽ có mưa dông kèm lốc sét, tập trung ở Đông Bắc Bộ.
Về diễn biến cơn bão số 3, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết khoảng đêm 6 ngày 7-9, bão sẽ đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ với cường độ gió cấp 12-13, giật cấp 15.
Vùng ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12. Từ ngày 7 đến 9-9 sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
“Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là 5 tỉnh, thành phố được dự báo chịu tác động mạnh nhất của bão” – ông Lâm cho hay
Gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 9-11, giật cấp 13. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 7 đến 9-9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to, nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Bão số 3 được nhận định có thể đạt cấp 15-16, giật cấp 17, tức là cấp siêu bão trên khu vực Biển Đông.
Khi vào vịnh Bắc Bộ, bão đã đi qua đảo Hải Nam và phía Bắc bán đảo Lôi Châu nên đã giảm cấp và không còn là siêu bão.
“Bão số 3 có thể được coi là cơn bão mạnh nhất đi vào vịnh Bắc Bộ trong 10 năm trở lại đây. Cường độ và quỹ đạo bão số 3 có thể tương đương cơn bão năm 2014 và 2016″ – ông Lâm nhấn mạnh. Theo ông, các đài khí tượng quốc tế đều có chung nhận định với cơ quan khí tượng Việt Nam về quỹ đạo và xu hướng của bão số 3, về cường độ phổ biến từ cấp 15-17.
Vì sao bão số 3 mạnh thành siêu bão khi vào Biển Đông?
Theo chuyên gia, nhiệt độ mặt nước biển 31 độ C duy trì trong nhiều ngày và nhiều yếu tố về khí áp, độ ẩm là nguyên nhân khiến bão số 3 tăng cấp nhanh.
Bão số 3 tăng 5 cấp trong hơn 1 ngày
Chiều 4.9, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 17 giờ chiều nay, bão số 3 đã mạnh lên cấp 12 - cấp 13.
Đường đi dự kiến của bão số 3. Ảnh NCHMF
Ông Lâm cho rằng, các dự báo, quỹ đạo, xu hướng tăng cấp nhìn chung giống như các bản tin đã ban hành. Tuy nhiên, cường độ bão số 3 sẽ tăng hơn một chút so với trước đây. Cụ thể, trong 48 giờ tới (khoảng 16 giờ ngày 6.9) bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất, cấp 15 - cấp 16 (cấp siêu bão) khi đang ở gần phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, do ma sát với đảo Hải Nam, bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cường độ bão sẽ giảm.
Khi vào vịnh Bắc bộ, bão sẽ tăng cấp trở lại so với thời điểm trên đảo Hải Nam nhưng không đạt cấp siêu bão.
Bão số 3 có thể mạnh lên thành siêu bão
Theo ông Lâm, khả năng bão vào vịnh Bắc bộ khoảng 70 - 80%, còn lại là khả năng bão đi cao lên bán đảo Lôi Châu, vào lục địa Trung Quốc.
Trước câu hỏi của Báo Thanh Niên về việc bão tăng cấp rất nhanh, ông Lâm cho hay, nguyên nhân là do các điều kiện môi trường ở bắc Biển Đông rất thuận lợi như nhiệt độ mặt nước biển 31 độ C duy trì trong nhiều ngày vừa qua.
Ông Hoàng Phúc Lâm (giữa) và các chuyên gia chia sẻ về tình hình bão số 3. ẢNH: NGUYÊN QUANG
Cạnh đó, khu vực này lâu mới có bão nên năng lượng nhiệt, độ ẩm thuận lợi cho bão phát triển. Các điều kiện khác về khí quyển như khí áp, dòng dẫn, áp cao cận nhiệt đới cũng rất thuận lợi.
Dự báo thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng, từ tối và đêm 6.9 bão có thể vào vịnh Bắc bộ, từ thời gian này, khu vực ven biển có gió mạnh, mưa tăng rõ rệt. Chiều và đêm 7 - 8.9 có mưa to. Từ chiều 8.9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc bộ.
"Cơn bão này có khả năng ảnh hưởng toàn Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Gió mạnh nhất, mưa to nhất là các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Do bão di chuyển rất nhanh nên mưa, gió cũng kết thúc nhanh. Lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất từ tối 6-9", ông Lâm nói và cho hay đây là cơn bão mạnh tương đương những cơn bão từ năm 2014 trở lại đây.
Mắt bão đã dần được hình thành. ẢNH: WINDY
Theo ông Lâm, ảnh hưởng của gió mạnh cấp siêu bão chủ yếu ở phần tây bắc Biển Đông. Vịnh Bắc bộ từ 5 - 6.9 có thể có gió mạnh dần lên, sóng cao từ 5 - 7 m, từ ngày 6.9 tăng lên 10 - 12 m.
Không chủ quan khi bão xa đất liền
Trước đó, sáng 4.9, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp về công tác dự báo, cảnh báo bão số 3 và các tác động.
Tại cuộc họp, ông Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ TN-MT chú trọng việc ưu tiên cho công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp các thông tin nhanh, kịp thời và chính xác về cơn bão số 3.
Bộ trưởng khuyến nghị các đơn vị tăng cường phối hợp nhịp nhàng hơn trong thông tin cảnh báo bão, đặc biệt là các cảnh báo về giông lốc trước bão và mưa lũ, sạt lở đất do hoàn lưu sau bão...
Cạnh đó, yêu cầu các cơ quan chuyên môn đưa ra các khuyến nghị, thông tin chuyên môn để Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có những chỉ đạo kịp thời về các công tác liên quan đến vận hành liên hồ chứa, xả lũ, ứng phó với sạt lở...
Ông Duy cũng đề nghị đưa ra các kịch bản khác nhau để các địa phương theo dõi và chủ động ứng phó với bão số 3. Đặc biệt, không chủ quan khi bão còn xa đất liền.
Bão số 3 tăng tốc nhanh hơn và có diễn biến rất phức tạp Tổng hợp các trung tâm dự báo quốc tế đều thống nhất bão số 3 có thể độ bộ vào Việt Nam, tâm bão nhiều khả năng đi vào khu vực các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Bão số 3 có thể diễn biến rất phức tạp. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ...