Báo Pháp: Mỹ-Trung gườm nhau tại Châu Á
Chiêu bài kinh tế của Bắc Kinh đang tạo ra “một bộ mặt dễ mến” cho sự bành trướng và che đậy những mưu đồ chiến lược khác của Trung Quốc, trong đó có những đòi hỏi chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thái độ thân thiện giữa hai lãnh đạo Mỹ- Trung tại APEC. Ảnh ngày 11/11/2014. Reuters
Chiêu bài kinh tế của Bắc Kinh đang tạo ra “một bộ mặt dễ mến” cho sự bành trướng và che đậy những mưu đồ chiến lược khác của Trung Quốc, trong đó có những đòi hỏi chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Video đang HOT
APEC 2014 tại Bắc Kinh tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp, RFI ghi nhận. Nhật báo Le Monde phân tích về quan hệ chiến lược giữa hai nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương qua bài viết: “Mỹ-Trung gườm nhau tại Châu Á”.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc tổ chức Thượng đỉnh APEC, lần trước là tại Thượng Hải năm 2001. Le Monde cho rằng, Bắc Kinh muốn nhân cơ hội lần này để phô trương với thế giới về hình ảnh một nước Trung Quốc “hùng mạnh, có trách nhiệm và hiện đại”.
Thượng đỉnh Bắc Kinh huy tụ 21 nguyên thủ quốc gia. Bài viết tập trung phân tích sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại APEC và viễn cảnh quan hệ Trung-Mỹ.
Tổng thống Obama đã được đón tiếp trọng thị khi đến Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc đã đón ông Obama tại chân cầu thang máy bay. Hôm 11/11, Tổng thống Obama hội kiến chính thức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tờ báo nhắc lại, vào năm 2013, hai vị nguyên thủ cũng đã hội kiến tại California và khi ấy người ta hi vọng hai bên sẽ thiết lập được mối giao hảo cá nhân để làm nền phát triển quan hệ giữa hai nước. Thế nhưng, cuộc gặp lần đó là không thể giúp hai bên thiết lập được một mối quan hệ đủ mạnh để có thể vượt qua “sự so kè giữa một cường quốc đang lên và một siêu cường đang bị ám ảnh bởi sự suy giảm về sức mạnh”.
Trước đó, vào năm 2012, trong chuyến thăm Mỹ với tư cách là người sắp lên nắm quyền lực tối cao tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đề nghị với ông Obama về mô hình phát triển quan hệ song phương: “Một mối quan hệ theo một hình thức mới giữa hai cường quốc của thế kỉ 21.
Thế nhưng, hình thức mới đó dường như không hấp dẫn Mỹ và quan hệ song phương đã vướng phải cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích cốt lõi. Và cái lợi ích cỗt lõi đó của Trung Quốc cũng đã chạm trán với các nước láng giềng trong khu vực vốn là đồng minh của Mỹ, mà khởi đầu là Nhật Bản.
Trong lần Thượng đỉnh APEC này, đối diện với một Tổng thống Mỹ đang vừa bị yếu thế về chính trị trong nước, chủ tịch Tập Cận Bình đã tập trung nhấn mạnh và phô trương sức mạnh kinh tế Trung Quốc.
Le Monde nhận định, Trung Quốc ý thức được vai trò quan trọng của nền kinh tế của mình trong khu vực. Bởi vậy mà trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp vào hôm chủ nhật trong khuôn khổ APEC 2014, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước trong khu vực cùng nhau hiện thực hóa “giấc mơ về một Châu Á hòa bình” thông qua những “cơ hội to lớn và những lợi ích mà nền kinh tế Trung Quốc có thể mang lại “.
Để thực thi chiêu bài cùng thịnh vượng đó, Bắc Kinh chủ trương một chiến lược “ngoại giao đường Tơ Lụa”. Và ông Tập cũng đã thông báo thành lập quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 40 tỷ đô la để kết nối các nước nằm dọc tuyến đường Tơ Lụa cũ.
Ngoài ra, tại APEC lần này, Trung Quốc cũng ra sức thúc đẩy một hiệp ước tự do thương mại theo kiểu Trung Quốc, một động thái được cho là nhằm đáp trả nỗ lực thúc đẩy Hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đang tiến hành đàm phán với 11 nước trong khu vực mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng mặn mà với cái gọi là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Á Châu, một cách đáp trả lại Ngân hàng phát triển Châu Á vốn dưới sự ảnh hưởng của Mỹ.
Le Monde nhận định, chiêu bài kinh tế đó của Trung Quốc đang tạo ra “một bộ mặt dễ mến” cho sự bành trướng của nước này và che đậy những mưu đồ chiến lược khác: tức là những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tờ báo kết luận: trước các đại biểu APEC, Bắc Kinh ra sức tạo hình ảnh là “một nước chủ nhà hào hiệp và biết huy động sức mạnh tập thể”.
Theo NTD/Bizlive