Báo Nhật chê sĩ khí quân đội Trung Quốc
Nikkei cho rằng tinh thần binh sĩ thấp là điểm yếu khiến Trung Quốc phải tăng đầu đạn tên lửa hạt nhân và tăng tỷ lệ sinh để bù đắp.
Trung Quốc gần đây xây dựng loạt giếng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới trong vùng sa mạc nội địa. Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của người dân, bao gồm đề ra các biện pháp giúp giảm gánh nặng nuôi dưỡng, giáo dục con cái.
“Những động thái này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tìm cách giải quyết lo ngại liên quan đến sĩ khí của binh sĩ và khả năng chiến đấu của quân đội trong một cuộc chiến kéo dài”, Tetsuro Kosaka, biên tập viên của Nikkei, nhận định trong bài viết ngày 19/9.
Trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động trái phép ở Biển Đông như bồi đắp đảo nhân tạo và triển khai radar cùng tên lửa ra đây để ngăn máy bay và chiến hạm nước ngoài tiếp cận khu vực. Trung Quốc sau đó triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo tới khu vực này.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) là loại vũ khí tối tân, cho phép quốc gia sở hữu chúng không bị đặt vào thế bất lợi do tàu ngầm có thể ẩn nấp ở vùng nước sâu và có khả năng răn đe đối phương rất cao.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 trong lễ duyệt binh tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 10/2019. Ảnh: PLA .
Tuy nhiên, Trung Quốc lại gấp rút xây dựng thêm hàng trăm giếng phóng ICBM mới ở vùng sa mạc nội địa. Kosaka nhận định dù Trung Quốc quân sự hóa một số thực thể ở Biển Đông, nước này không còn tự tin về khả năng bảo vệ các vị trí họ chiếm đóng trái phép nếu xảy ra xung đột vũ trang.
Một tàu ngầm Trung Quốc hồi tháng 1/2018 thể hiện năng lực yếu kém khi di chuyển ở đáy biển tại khu vực tiếp giáp nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát hiện.
Theo luật quốc tế, Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản khi đó có thể nhận định đây là một tàu ngầm không xác định “xâm nhập lãnh hải” trong trạng thái lặn và có quyền tiến hành các biện pháp đối phó. Tàu ngầm này nhanh chóng nổi lên và treo quốc kỳ Trung Quốc, dường như lo ngại bị tấn công bằng bom chìm.
Nhiều quan chức Nhật Bản và Mỹ coi việc thủy thủ đoàn tàu ngầm Trung Quốc nhanh chóng cho tàu ngầm nổi lên “thể hiện tinh thần yếu kém” của binh sĩ nước này, Kosaka cho biết.
Video đang HOT
Trung Quốc gần đây tăng chi tiêu quân sự và không ngừng đầu tư cho các khí tài hiện đại. Tuy nhiên, Kosaka cho rằng tên lửa, xe tăng chỉ đóng một phần trong sức mạnh quân sự quốc gia, những yếu tố vô hình còn lại bao gồm sĩ khí quân nhân.
Hải quân Trung Quốc đang đẩy nhanh chương trình chế tạo tàu sân bay, nhưng một cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản dự đoán tàu sân bay Trung Quốc sẽ không rời quân cảng trong trường hợp nổ ra xung đột do lo bị tấn công và đánh chìm.
Binh sĩ Trung Quốc trong Duyệt binh Chiến thắng tại thủ đô Moskva, Nga tháng 6/2020. Ảnh: Reuters .
Một số chuyên gia cho rằng tinh thần của binh sĩ Trung Quốc ở mức thấp do chính sách một con lâu năm của nước này, khiến quân đội Trung Quốc trở thành “đạo quân con một” lớn nhất thế giới.
“Hơn 70% binh sĩ Trung Quốc là con một”, Kinichi Nishimura, một cựu sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, cho biết. Các bậc phụ huynh Trung Quốc luôn muốn con cháu sum vầy khi về già, đặc biệt những gia đình chỉ sinh một con.
Chính phủ Trung Quốc ngày 1/8 ban hành luật bảo vệ địa vị, quyền và lợi ích của quân nhân, động thái cho thấy quân đội nước này có thể không giải quyết được những khó khăn về nguồn tuyển quân trong bối cảnh tỷ lệ sinh suy giảm.
“Quân đội Trung Quốc tăng cường triển khai chiến hạm và tiêm kích từ vài năm trước”, Nishimura nói. “Tuy nhiên, tần suất hoạt động của chúng không cao, có thể do Trung Quốc chưa thể đào tạo đủ binh sĩ để vận hành và bảo dưỡng đúng cách các loại khí tài công nghệ cao”.
Các chuyên gia nhận định đây là một phần lý do Trung Quốc những năm qua phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay không người lái ( UAV) và tên lửa đạn đạo. Trung Quốc được cho đã triển khai thêm vài nghìn tên lửa đạn đạo các cỡ, các tầm.
Một trong các học thuyết của quân đội Trung Quốc cho rằng cần phóng số lượng lớn tên lửa ngay trong giai đoạn đầu của trận đánh và lập tức rút khỏi chiến tuyến sau đó.
Khu trục hạm Ninh Ba, Thái Nguyên và hộ vệ hạm Nam Thông tham gia diễn tập tại biển Hoa Đông hồi tháng 1. Ảnh: PLA .
Quân đội Trung Quốc trong vài năm qua gấp rút bổ sung thêm nhiều tiêm kích, UAV, chiến hạm mặt nước và tàu ngầm, động thái cho thấy ý định tăng số lượng tên lửa phóng ra khi trận chiến bắt đầu. Học thuyết này sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt khi Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đảm bảo số lượng binh sĩ.
Để phòng thủ trước mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác cần nghĩ đến tăng cường các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, Kosaka viết.
“Các biện pháp này bao gồm phát triển và triển khai vũ khí thế hệ tiếp theo gồm vũ khí laser năng lượng cao và pháo điện từ”, Kosaka cho biết. “Nhật Bản đã sở hữu nền tảng công nghệ để phát triển các loại vũ khí này, dù chưa được biết rộng rãi trong nước”.
Động lực thúc đẩy Anh điều chiến hạm trực chiến ở châu Á
Việc điều hai chiến hạm thường trực ở châu Á sẽ giúp Anh muốn mở rộng ảnh hưởng và san sẻ gánh nặng "đối phó Trung Quốc" với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 20/7 cho biết nước này sẽ điều hai chiến hạm tới trực chiến tại các vùng biển châu Á. Các chiến hạm Anh dự kiến hỗ trợ các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng động thái trên của London có thể góp phần mở rộng ảnh hưởng của liên minh tình báo Ngũ Nhãn, gồm Anh, Australia, Canada, Mỹ và New Zealand.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh cho biết hai chiến hạm Anh trực chiến tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ không làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự trong khu vực, song có thể khiến Trung Quốc đứng trước áp lực lớn từ dư luận quốc tế.
"Đây là động thái chính trị mạo hiểm của liên minh Ngũ Nhãn, vốn tập trung vào việc chia sẻ thông tin tình báo. Liên minh này đang mở rộng hợp tác sang các hoạt động quân sự chung", Lý Kiệt cho biết.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth di chuyển trên vịnh Aden ngày 12/7. Ảnh: US Navy .
Australia từng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Canada gần đây kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế nhân dịp kỷ niệm 5 năm PCA ra phán quyết.
"Anh là một trong 5 cường quốc thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, do đó động thái này có nghĩa hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đang tham gia đối phó một Trung Quốc đang trỗi dậy và điều đó có thể cản trở ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trên trường quốc tế", chuyên gia Lý nói thêm.
Bộ trưởng Wallace cho biết các chiến hạm Anh sẽ nhận lệnh trực chiến tại châu Á sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, dự kiến diễn ra tháng 9.
Trong hải trình của mình, nhóm tác chiến Queen Elizabeth sẽ đi qua Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và Nhật Bản.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 21/7 cho biết nước này tôn trọng quyền tự do hàng hải của tất cả quốc gia trong vùng biển xung quanh theo luật pháp quốc tế.
"Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào xâm phạm chủ quyền của đất nước, cũng như hòa bình và ổn định của khu vực", ông Triệu nói.
Chiến hạm Anh và Mỹ diễn tập trên khu vực vịnh Aden ngày 12/7. Ảnh: US Navy .
Chu Thần Minh, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết năng lực tác chiến của tàu sân bay Queen Elizabeth "không tạo ra mối đe dọa trực tiếp trong khu vực với quân đội Trung Quốc".
Tuy nhiên, bất cứ hoạt động hải quân chung tiềm năng nào giữa các lực lượng Anh và Nhật Bản có thể giúp Mỹ san sẻ một phần gánh nặng cùng chi phí cho những nỗ lực lâu dài nhằm đối phó quân đội Trung Quốc.
"Lời hứa của Anh về việc triển khai hai chiến hạm thường trực cho thấy quân đội Mỹ đang đối mặt tình trạng thiếu binh sĩ và chiến hạm trong khu vực", Chu Thần Minh nói. "Hải quân Mỹ chỉ còn một nhóm tàu đổ bộ tiến công trong khu vực, trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan được điều tới Trung Đông để hỗ trợ hoạt động rút quân khỏi Afghanistan".
Cheung Mong, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Tự do Quốc tế thuộc Đại học Waseda ở Nhật Bản, nhận định cam kết triển khai tàu chiến cho thấy Anh muốn nhắc nhở các quốc gia châu Á rằng họ có thể tạo ra một số ảnh hưởng trong khu vực.
"Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ do Nhật Bản đứng đầu. Việc điều chiến hạm tới châu Á sẽ gia tăng ảnh hưởng của Anh trong khu vực", Cheung nói.
Trung Quốc ghi nhận 86 ca mắc COVID-19 mới Ngày 28/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc ghi nhận 86 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 27/7, trong đó có 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 24/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN Theo số liệu của NHC, trong số...