Báo Mỹ tiết lộ mạng lưới bí mật các biệt kích và tình báo phương Tây đang giúp Ukraine
Ngày 26/6, tờ Thời báo New York của Mỹ đã đăng tải thông tin về một mạng lưới các lính biệt kích và nhân viên tình báo phương Tây đang hỗ trợ Chính phủ Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Binh sĩ Ukraine tại Novopil ở miền Đông Ukraine. Ảnh: NYT
Hãng tin RT dẫn thông tin của báo Thời báo New York cho biết Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang bố trị các mật vụ tại thủ đô Kiev để hỗ trợ thông tin tình báo cho các lực lượng vũ trang Ukraine.
Thời báo New York dẫn lời các quan chức đương nhiệm, cựu quan chức Mỹ và châu Âu cho biết một mạng lưới bí mật các lính biệt kích và nhân viên tình báo tới từ Mỹ và các đồng minh của Washington đang hoạt động để cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và huấn luyện cho các lực lượng Ukraine.
Theo nguồn tin trên, dù nhiều hoạt động hỗ trợ này diễn ra ở các căn cứ tại Anh, Đức và Pháp, song một số mật vụ CIA lâu nay đã được triển khai bên trong lãnh thổ Ukraine, hầu hết tại thủ đô Kiev. Nhiệm vụ của lực lượng ngầm này là chia sẻ các bức ảnh vệ tinh và thông tin tình báo với binh sĩ Ukraine.
Vào cuối tháng 2, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã tuyên bố sơ tán các huấn luyện viên quân sự khỏi Ukraine. Ngay sau khi xung đột nổ ra, Nhóm Lực lượng Đặc nhiệm Số 10 của Quân đội Mỹ đã thành lập một tổ tác chiến ở Đức để điều phối hoạt động viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Nhóm này được cho là đã vươn tới 20 quốc gia.
Tờ báo nổi tiếng của Mỹ đưa tin rằng “vài chục lính biệt kích” từ các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), như Canada, Anh, Pháp và Litva cũng đang hoạt động tại Ukraine.
Từ đầu xung đột tới nay, các nước NATO đã cung cấp một số lượng lớn viện trợ quân sự cho Chính phủ Ukraine bao gồm cả vũ khí hạng nặng, trong đó có các hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu không người lái, xe thiết giáp, pháo tự hành. NATO đồng thời tiến hành huấn luyện binh sĩ Ukraine cách thức sử dụng vũ khí-khí tài của phương Tây.
Thời gian gần đây, Lầu Năm Góc cũng chuyển giao cho Kiev các hệ thống rocket phóng loạt hiện đại M142 HIMARS và pháo tự hành M777. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Ukraine đang đối mặt với “thời điểm then chốt trên chiến trường” và kêu gọi các đồng minh tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Thông tin về sự hiện diện và hoạt động của lực lượng biệt kích phương Tây và nhân viên tình báo Mỹ CIA bên trong lãnh thổ và xung quanh Ukraine xuất hiện đúng ngày Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ở Đức. Các thành viên G7 – bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản – là những quốc gia đi tiên phong trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới xung đột ở Ukraine.
Video đang HOT
Nga từng tuyên bố nước này coi vũ khí của nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp. Moskva nhiều lần phản đối phương Tây “bơm” vũ khí cho Ukraine, đồng thời cáo buộc điều đó sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” xung đột, phá hủy tiến trình đàm phán. Nga cảnh báo sẵn sàng nhắm mục tiêu vào các đoàn xe chở vũ khí của nước ngoài đi qua lãnh thổ Ukraine.
Ngày 8/5, hãng thông tấn TASS đưa tin Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thông báo: “Lượng lớn vũ khí, khí tài từ Mỹ và các nước phương Tây gửi cho Ukraine đã bị phá hủy bằng hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander gần các ga tàu của thành phố Krasnograd và Karlovka, thuộc tỉnh Kharkov”.
Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, cho rằng Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Nga đã công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là Donetsk và Lugansk.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.
Uy lực của hệ thống HIMARS mà Mỹ sắp gửi cho Ukraine
Động thái gửi hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao tới Ukraine của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ Điện Kremlin với cáo buộc Washington đang đổ thêm "dầu vào lửa" xung đột.
Theo đài Al Jazeera, hôm 1/6, Nhà Trắng đã xác nhận Mỹ sẽ gửi hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) tới Ukraine nhằm hỗ trợ nước này bảo vệ lãnh thổ trong cuộc xung đột với Nga. Washington tuyên bố các hệ thống này là một phần của gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Kiev, bao gồm máy bay trực thăng, hệ thống vũ khí chống tăng Javelin, phương tiện chiến thuật, phụ tùng thay thế và nhiều loại khí tài khác.
Các hệ thống tên lửa tầm trung từ lâu luôn đứng đầu danh sách những loại vũ khí mà Kiev đã đề nghị phương Tây hỗ trợ, khi Nga chuyển hướng chiến lược, tập trung dồn lực tấn công các khu vực phía đông của quốc gia này.
Trong thông cáo hôm 1/6, Tổng thống Biden tuyên bố: "Hôm nay, tôi tuyên bố dành gói hỗ trợ an ninh mới đầy ý nghĩa nhằm cung cấp các khoản viện trợ quan trọng và đúng thời điểm cho quân đội Ukraine. Gói hỗ trợ mới này sẽ trang bị cho lực lượng Ukraine các năng lực mới và vũ khí hiện đại, trong đó có hệ thống HIMARS để nước này bảo vệ lãnh thổ". Ông cho rằng các vũ khí này sẽ giúp Ukraine "chiến đấu trên chiến trường và ở vị thế mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán".
Gói viện trợ quân sự mới được công bố là gói viện trợ thứ 11 mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự vào ngày 24/2. Tổng cộng, Mỹ đã chi khoảng 4,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, bao gồm pháo phản lực vào tháng 4, loại pháo mạnh nhất trước HIMARS.
Uy lực của hệ thống HIMARS
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ. Ảnh: Military News
HIMARS là bệ phóng tên lửa hạng nhẹ, công nghệ cao được đặt trên khung gầm bánh lốp, nhẹ hơn, nhanh hơn và cơ động hơn trên chiến trường. Mỗi hệ thống HIMARS có thể mang theo 6 tên lửa dẫn đường bằng GPS, có thể được nạp lại trong khoảng 1 phút chỉ với một kíp vận hành nhỏ.
Các nhà phân tích cho rằng hệ thống này tin cậy hơn đáng kể so với các hệ thống tên lửa khác mà lực lượng Ukraine đang sử dụng.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao do Washington cung cấp cho Ukraine có tầm bắn khoảng 80 km, xa hơn gần gấp đôi tầm bắn của các loại pháo M777 do Mỹ cung cấp và được đưa vào chiến trường Ukraine hồi tháng 5. Đặc điểm này giúp nó có thể triển khai ở vị trí ngoài tầm hoạt động của pháo Nga, mặt khác có thể đe dọa các tổ hợp của Nga. Ngoài ra, nó cũng đe dọa các kho hậu cần của Moskva.
Quân đội Mỹ đã triển khai một số hệ thống HIMARS ở châu Âu và các đồng minh NATO gồm Ba Lan và Romania cũng sở hữu các hệ thống này. Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ gửi bao nhiêu hệ thống HIMARS tới Ukraine.
Song một số nhà phân tích nhận định HIMARS sẽ là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" ở thời điểm lực lượng Ukraine dường như đang gặp khó khăn trước hỏa lực của pháo binh Nga. Song các ý kiến khác cho rằng hệ thống nay sẽ không thể đột ngột lật ngược tình thế trong cuộc chiến đã bước sang tháng thứ tư.
Tại sao HIMARS được coi là yếu tố giúp "thay đổi cuộc chơi" ở Ukraine?
Một bệ phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad của Ukraine bắn về phía quân Nga ở khu vực Donbas. Ảnh: AFP
Giới chức Ukraine từ lâu đã kêu gọi Mỹ và phương Tây chuyển giao các hệ thống pháo tầm xa giúp nước này đẩy lùi bước tiến của Nga về phía đông, khu vực cánh đồng trải dài, được coi là khó bảo vệ hơn các khu vực đô thị đông đúc.
Hôm 28/5, khi các lực lượng Nga tiến vào thành phố chiến lược quan trọng Severodonetsk, Cố vấn Tổng thống Ukraine, nhà đàm phán hòa bình Mykhailo Podolyak, một lần nữa đã kêu gọi Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa giúp nước này lật ngược tình thế.
Theo giới chuyên gia, HIMARS sẽ mang tới cho lực lượng Ukraine khả năng tấn công xa hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga. Họ cũng sẽ có thể phát động các cuộc tấn công từ khoảng cách được bảo vệ tốt hơn. Ông Samuel Cranny-Evans, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nhận định: "Nói rộng ra, kho vũ khí pháo binh của Ukraine có tầm bắn xa hơn và nhiều hơn Nga". Trong khi nếu được nâng cấp, các hệ thống mà Nga đang sử dụng, đặc biệt là BM-30 Smerch, có thể cung cấp hỏa lực bền vững và hủy diệt ở khoảng cách lên tới 90 km hoặc 120 km.
"Trước hết, HIMARS sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng tiếp cận các hệ thống của Nga nếu chúng hoạt động ngoài tầm bắn của lựu pháo. Ngoài ra, các hệ thống tầm xa hơn có thể được sử dụng để can dự vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Nga. Điều này vô cùng quan trọng đối với khả năng duy trì cuộc chiến của Nga", ông nhận định.
Chuyên gia Cranny-Evans nói thêm rằng hiệu quả của các hệ thống mới cuối cùng sẽ "phụ thuộc vào khả năng của Ukraine trong việc thực hiện các chức năng do thám và thu thập thông tin tình báo từ Nga, đồng thời phối hợp hệ thống đó với các khí tài pháo binh mới khi chúng đi vào hoạt động".
Tại sao Mỹ gửi HIMARS cho Ukraine vào thời điểm này?
Mỹ đã đau đầu cân nhắc liệu có nên cung cấp loại vũ khí có nguy cơ làm leo thang xung đột ngoài biên giới Ukraine hay không. Từ trước đến nay, Washington đã không công khai hậu thuẫn bất kỳ cuộc tấn công tầm ngắn nào của Ukraine vào trong lãnh thổ Nga - bằng tên lửa, máy bay không người lái hoặc máy bay trực thăng.
Mặc dù về mặt lý thuyết, HIMARS có thể tiếp cận Nga nếu bắn từ khu vực gần biên giới. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết "người Ukraine đã đưa ra cam kết rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này tấn công vào lãnh thổ Nga". Song Điện Kremlin thẳng thừng tuyên bố Nga không tin cam kết này của chính quyền Kiev.
Mỹ đã tuyên bố họ sẽ không cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao có tầm bắn 300 km. Thay vào đó, loại tên lửa mà Washington cấp cho Ukraine chỉ có tầm bắn khoảng 80 km. Với tầm bắn trên, HIMARS được coi là hệ thống tên lửa tầm trung. Song Lầu Năm Góc thông báo Mỹ không loại trừ khả năng sẽ cung cấp thêm cho Kiev nhiều hệ thống HIMARS nữa sau khi có phản hồi về việc vận hành.
Nga cho biết quyết định chuyên giao HIMARS cho Ukraine của Mỹ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực diện Nga-Mỹ. Điện Kremlin đã chỉ trích gay gắt quyết định của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington đang đổ thêm "dầu vào lửa".
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí vì hành động đó sẽ chỉ kéo dài sự các hoạt động thù địch chứ không thay đổi được kết quả, do đó gây thêm thiệt hại cho Ukraine và người dân nước này. Moskva cũng tuyên bố các kho vũ khí từ phương Tây ở Ukraine là "mục tiêu hợp pháp" của các lực lượng Nga.
Tướng Mỹ lần đầu thừa nhận cử lực lượng đến Ukraine để tấn công mạng internet của Nga Tướng Paul Nakasone cho biết Bộ Chỉ huy Không gian mạng Mỹ đã tham gia "đi săn" ở Kiev. Ông Paul Nakasone. Ảnh: RT Các chuyên gia của Bộ Chỉ huy Không gian mạng của Mỹ đã được triển khai tới Ukraine và tiến hành các chiến dịch tấn công nhằm vào Nga, theo tiết lộ từ chỉ huy Paul Nakasone của lực...