Báo Mỹ: Tại sao Trung Quốc diễn tập tấn công dinh lãnh đạo Đài Loan?
Đoạn video cũng được cho là một lời nhắc nhở Đài Loan và các lãnh đạo của nó rằng Trung Quốc vẫn không từ bỏ kế hoạch dùng vũ lực
Hồi đầu tháng này, Đài truyền hình trung tương Trung Quốc (CCTV) cho công bố đoạn video ghi lại cảnh binh sĩ Trung Quốc được trang bị kỹ lưỡng tham gia tập trận tấn công mục tiêu giả là một tòa nhà nhỏ màu đỏ trông giống như trụ sở của lãnh đạo tối cao đảo Đài Loan, tờ Wall Street Journal đưa tin cho biết.
Đoạn video ngay sau đó đã gây ra phản ứng bất bình trong giới truyền thông và chính trị Đài Loan. Ngày 25/7, phát ngôn viên Ủy ban Đại lục nói với hãng tin AFP rằng, Đài Bắc đã gửi “công hàm” phản đối hành động trên của Trung Quốc.
Ảnh binh sĩ Trung Quốc tập trận tấn công mục tiêu giả giống dinh thự của lãnh đạo tối cao Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, cuộc tập trận của Trung Quốc có thể gây tổn thương tới tình cảm của nhân dân hai bên bờ eo biển Đài Loan và là động thái “không thể chấp nhận được” đối với Đài Loan cũng như cộng đồng quốc tế.
Video đang HOT
Phản ứng sau các tuyên bố trên của Đài Bắc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ mức quan trọng của sự kiện khi nói rằng đó chỉ là một cuộc diễn tập thường niên, không nhằm vào một mục tiêu cụ thể.
Tờ Business Insider ngày 27/7 bình luận, việc quân đội Trung Quốc tiến hành lật đổ chính phủ dân cử thân Mỹ tại Đài Loan có thể rất khó có thể xảy ra vì nó có thể đẩy môi trường an ninh toàn cầu vào hỗn loạn do Washington và Đài Bắc đã ký kết hiệp ước an ninh, trong đó một cuộc tấn công vào đảo này sẽ đồng nghĩa với việc tấn công vào nước Mỹ.
Tuy nhiên điều này cũng không phải là không thể xảy ra. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng sẵn sàng “thống nhất” Đài Loan về một mối bằng vũ lực nếu điều đó cần thiết cho lợi ích của mình.
Dinh thự lãnh đạo tối cao Đài Loan trong thực tế.
Hậu quả của một cuộc tấn công lật đổ chính phủ thân Mỹ tại Đài Loan như vậy có thể làm nản lòng các nước láng giềng trong khu vực vốn đang quan ngại về các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong việc củng cố những tuyên bố bá chủ trên biển.
Nó cũng sẽ phá vỡ chính sách trục cân bằng chiến lược châu Á của chính quyền Obama vốn được thiết kế để chuyển trọng tâm quân sự và ngoại giao đến Đông Á như một đối trọng đối với sự tăng cường sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Một cuộc tấn công vào Đài Loan có thể sẽ khiến Bắc Kinh mất vài ngàn binh sĩ và bị cộng đồng quốc tế lên án, nhưng sẽ có rất ít khả năng một lực lượng bên ngoài hoặc thậm chí là Mỹ sẽ can thiệp vào vấn đề này vì không ai muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh với quân đội Bắc Kinh đang phát triển rất nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp “trừng phạt cứng rắn” đối với Bắc Kinh sau một cuộc tấn công như vậy, nó sẽ là động lực thúc đẩy Trung Quốc ngang ngược hơn nữa trong việc xưng bá ở Biển Đông.
Tấn công Đài Loan hay không, Trung Quốc đều phải trả một cái giá nhất định. Chính sự mâu thuẫn này khiến Bắc Kinh đến nay vẫn để ngỏ khả năng dùng vũ lực để “thống nhất” đảo Đài Loan.
Video: Quân đội Trung Quốc diễn tập tấn công dinh thự lãnh đạo tối cao Đài Loan.
Nhưng Trung Quốc vẫn cần tiếp tục phải đưa ra những lời cảnh báo tới giới chính trị Đài Bắc, đặc biệt là phe đối lập tại Đài Loan, đảng Dân Tiến. Theo Wall Street Journal, việc CCTV cho công bố đoạn video về cuộc tập trận hồi đầu tháng này có thể là nhằm để gửi tín hiệu đến đảng Dân Tiến vốn ủng hộ chính sách Đài Loan độc lập khỏi Bắc Kinh trong bối cảnh lãnh đạo đảng này đang được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất của cuộc bầu cử tháng 1/2016.
Đoạn video cũng được cho là một lời nhắc nhở Đài Loan và các lãnh đạo của nó rằng Trung Quốc vẫn không từ bỏ kế hoạch dùng vũ lực để đưa hòn đảo nằm dưới sự kiểm soát của mình ngay cả khi không có biểu hiện sẵn sàng và tưởng như là không thể xảy ra.
“Trong những năm qua, mối đe dọa Trung Quốc tấn công Đài Loan đã trở nên trừu tượng hơn… Do đó, đoạn phim được đưa ra nhằm mục đích phá vỡ sự tự mãn (của Đài Loan) và khôi phục lại tính răn đe của các dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan”, J. Michael Cole, một học giả Đài Bắc tại trường Đại học Nottingham, nói với The Wall Street Journal.
Tuy nhiên, Business Insider cho rằng quan điểm này có thể là quá lạc quan, nhất là dưới lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc – Tập Cận Bình, người được coi là một trong những nhà lãnh đạo tôn sùng chủ nghĩa dân tộc nhất trong lịch sử Trung Quốc hậu Mao Trạch Đông./.
Nguyễn Hường
Theo giaoduc