Bạo lực tại bệnh viện: Bác sỹ phải được bảo vệ
Ngay cả những bệnh viện lớn, có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp thì tình trạng côn đồ xông vào làm náo loạn vẫn thường xuyên diễn ra. Nhẹ thì lăng mạ, đập phá đồ đạc, nhiều trường hợp còn cướp dụng cụ y tế để truy sát bác sỹ.
Cảnh côn đồ truy sát nhau tại bệnh viện Việt Tiệp-Hải Phòng được camera ghi lại
Dọa bắn cả bệnh viện
Có một thực tế là ở hầu hết các bệnh viện dù lớn, nhỏ đều xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân đe dọa, tấn công bác sỹ. Như tại bệnh viện Saint Paul (Hà Nội), tuần nào cũng có ít nhất 1-2 vụ côn đồ hoặc người nhà bệnh nhân hung hăng, làm náo loạn bệnh viện. Theo các bác sỹ làm việc tại đây thì trong những ca trực vào ban đêm thường dễ “giáp mặt” với những tình huống như thế này. Lý do được đưa ra là vì phần lớn các ca cấp cứu sau 23h có liên quan đến những vụ giải quyết mâu thuẫn giữa các băng nhóm côn đồ. Nhiều trường hợp chỉ có một người nhập viện nhưng có hàng chục người kéo theo. Đám đông này không chỉ gây mất trật tự mà còn dùng hung khí đe dọa, thậm chí tấn công nhân viên y tế.
Trong khi đó tại bệnh viện Việt Đức – bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội, do côn đồ thường xuyên “ghé thăm” nên tháng nào bệnh viện cũng phải thay kính, sửa chữa bàn ghế. Không có con số thống kê chính xác nhưng mỗi năm ở đây xảy ra hàng trăm vụ ẩu đả và tấn công bác sỹ. “Đao, phớ thậm chí cả súng cũng được các đối tượng côn đồ mang vào bệnh viện. Và trong hoàn cảnh này, không chỉ tính mạng những bệnh nhân đang cấp cứu bị đe dọa mà ngay cả những cán bộ mặc áo blue gặp hiểm nguy – PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp (bệnh viện Việt Đức)cho biết.
Cách đây 2 tháng, khoa Ngoại bệnh viện Việt Đức tiếp nhận một nam thanh niên bị đánh trọng thương ở đầu. Khi các bác sỹ đang làm thủ tục để đưa nạn nhân vào phẫu thuật thì 2 đối tượng xăm trổ đầy mình xông vào phòng mổ đe dọa: “Nếu bạn tao có vấn đề gì thì tao sẽ gọi đồng bọn đến bắn cả bệnh viện”. Và cũng chỉ vài ngày sau đó, 1 đối tượng côn đồ khác đã mang súng vào truy sát một bệnh nhân. “May mắn viên đạn chỉ làm một bác sỹ bị thương nhẹ, chứ nếu bắn trúng bệnh nhân đang chụp X-quang thì hậu quả không biết sẽ thế nào…” – một y tá tên Hương bàng hoàng nhớ lại.
Chạy để bảo toàn tính mạng
Theo bác sỹ Bùi Thanh Doanh – Phó Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), dù các bệnh viện đều có phương án đảm bảo an ninh trật tự như thuê vệ sỹ, bảo vệ chuyên nghiệp, lắp camera hay xây dựng lối thoát hiểm… tuy nhiên, khi phát sinh sự cố, các nhân viên y tế cũng chỉ biết tự tháo chạy để bảo toàn tính mạng. “Như trong vụ đại náo bệnh viện Việt Tiệp xảy ra ngày 19-4 vừa qua, tất cả bệnh nhân, bác sỹ gặp phen hú vía phải trốn vào các dãy nhà liền kề để tránh bị tấn công. Đó là lựa chọn duy nhất của họ” – Phó Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp băn khoăn.
Có cùng mối quan tâm, bác sỹ Nguyễn Đức Tâm – Trưởng phòng Hành chính, quản trị (bệnh viện Việt Đức) cũng cho rằng, trong những tình huống khẩn cấp, các y bác sỹ chỉ có sự lựa chọn duy nhất là tìm đường thoát thân. Theo ông Tâm thì những biện pháp như xây dựng tốt đội ngũ nhân viên y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sẽ là không đủ. Bởi thực tế những vụ việc như thế này diễn ra bất ngờ nên rất cần những cơ chế, biện pháp đảm bảo an ninh tại chỗ; trong đó quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện với lực lượng công an.
“Sẽ có phương án bảo vệ bác sỹ”
Đó là khẳng định của ông Trần Đức Long – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Theo ông Long, đến thời điểm này vẫn chưa có các văn bản pháp luật cụ thể quy định về việc bảo vệ cán bộ, nhân viên ngành y tế khi hành nghề (mới chỉ có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ứng xử trong khám chữa bệnh). Do đó, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, phương án đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; trong đó đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đội ngũ y bác sỹ. Hiện vẫn chưa có những biện pháp đặc thù để bảo vệ nhân viên y tế khi hành nghề.
Theo ANTD