Bao lâu sau tiêm vắc xin Covid-19 cơ thể được bảo vệ?
Bộ Y tế có thông tin mới nhất về ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 cũng như lưu ý về các mũi tiêm cần thiết để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 để có hiệu quả bảo vệ tối ưu – ẢNH: NGỌC THẮNG
Các trường hợp phản vệ đều đã phục hồi
Ông Lê Tiến Cương, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, cho hay vắc xin Covid-19 là vắc xin mới, triển khai tiêm lần đầu nên người tiêm có chút tâm lý lo lắng, nhưng đến nay, các mũi tiêm đều an toàn.
Là người được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 đợt đầu tại tỉnh Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Thu H., một cán bộ làm công tác tiêm chủng tại tỉnh Bắc Giang, cho biết: “45 phút sau tiêm vắc xin Covid-19 có cảm giác “bồng bềnh” như say xe, hơi nôn nao”.
Còn BS Đỗ Hữu H., công tác tại Khoa Gây mê hồi sức, Trung tâm y tế H.Yên Thế, cho hay: “Sau tiêm, tôi thấy bình thường và không lo lắng gì. Vắc xin quan trọng trong phòng bệnh, nhưng vẫn cần thực hiện 5K để phòng dịch tốt nhất”.
Với kinh nghiệm làm tiêm chủng, chị H. bày tỏ: “Mong muốn có thêm thông tin về hiệu quả của vắc xin, có thể bảo vệ trong bao lâu sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Có cần tiêm mũi 3 không; nếu có, khi nào cần tiêm thêm”.
Bộ Y tế thông báo, từ ngày 8.3 (thời điểm bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam) đến nay, đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường như: sốt, ớn lạnh, sưng đau tại vị trí tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy… và 5 trường hợp phản vệ độ 2, đều đã hồi phục.
Tiếp tục thu thập dữ liệu
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, các triệu chứng thường gặp sau tiêm chủng như đau, đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm, sốt nhẹ, đau mỏi toàn thân, đau đầu hoặc cảm thấy không khỏe… được đánh giá là những phản ứng thông thường, vì đây là dấu hiệu hệ thống miễn dịch đang phản ứng với các kháng nguyên được đưa vào cơ thể và hệ thống miễn dịch đang chuẩn bị để chiến đấu. Đó là điều phổ biến, nhưng thường kéo dài không quá 2 hoặc 3 ngày, và sau đó bạn cảm thấy hoàn toàn ổn.
Tuy nhiên, sau 3 – 4 ngày đầu tiên, nếu gặp bất kỳ điều gì bất thường hoặc nếu bất kỳ triệu chứng thông thường nào kéo dài hoặc có các triệu chứng bất thường khác mà bạn thường không có, nên thông báo cho cơ sở y tế nơi đã tiêm vắc xin.
WHO cho biết đang tiếp tục thu thập cơ sở dữ liệu toàn cầu. Đến nay, với khoảng 100 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được triển khai trên toàn thế giới trong 2 tháng qua, chưa ghi nhận dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại nào, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi và cập nhật dữ liệu. Vì vậy, người đã tiêm nên thông báo nếu có bất kỳ điều bất thường nào xảy ra.
Theo Bộ Y tế, AstraZeneca vừa công bố mới nhất về hiệu quả bảo vệ của vắc xin Covid-19 là 79% trong việc phòng ngừa Covid-19 có triệu chứng, và 100% trong việc phòng ngừa bệnh nặng.
Sau mũi tiêm thứ 1 khoảng 12 tuần thì sẽ tiêm mũi thứ 2. Cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin để có được hiệu quả bảo vệ đối với SARS-CoV-2.
Một số nghiên cứu đánh giá cho thấy, sau tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 của AstraZeneca từ 3 – 4 tuần, một tỷ lệ nhất định người được tiêm có kháng thể, được bảo vệ.
Vắc xin Covid-19 mới đưa vào sử dụng, cần thêm thời gian đánh giá hiệu lực sau tiêm, nồng độ kháng thể đủ bảo vệ cơ thể trước vi rút sẽ duy trì trong bao lâu.
Hiện không thấy tăng nguy cơ huyết khối hoặc các biến cố đặc trưng do huyết khối trong số 21.583 người đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 tại các nước, và Việt Nam cũng chưa ghi nhận.
Chưa có vắc xin nào hiệu quả bảo vệ đạt 100%. Sau tiêm vắc xin Covid-19 vẫn cần tiếp tục thực hiện đầy đủ thông điệp 5K phòng chống dịch Covid-19.
(Nguồn: Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia)
Phản vệ do vắc xin có đáng sợ không?
Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vắc xin. Hầu hết đều ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ).
Ông Lê Tiến Cương, Phó giám đốc CDC Bắc Giang, thăm sức khỏe nhân viên y tế sau tiêm vắc xin Covid-19, tại Trung tâm y tế H.Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, ngày 16.3 - ẢNH: LIÊN CHÂU
Theo Bộ Y tế, phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút, đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên (yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, như: thức ăn, thuốc/vắc xin và các yếu tố khác), gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể diễn biến rất nhanh chóng trong vài phút, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn, sau khi có biểu hiện dị ứng ban đầu chỉ là sổ mũi, ngạt mũi, khàn tiếng.
Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do tình trạng đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong chỉ trong vòng một vài phút.
Chiều 16.3: Thêm 1 ca mắc Covid-19 ở Hải Dương
Nhận biết dị ứng phản vệ
Có thể nghĩ đến phản vệ khi một người sau khi tiếp xúc dị nguyên, xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng sau: nổi mề đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức.
Tuy nhiên, phản vệ cần được chẩn đoán phân biệt với các trường hợp sốc (sốc tim, sốc nhiễm khuẩn); tai biến mạch máu não; các nguyên nhân đường hô hấp (cơn hen phế quản, khó thở thanh quản do dị vật, viêm); các bệnh lý ở da (mề đay, phù mạch)...
Theo Bộ Y tế, từ ngày 8 - 16.3, 15.865 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 tại 12 tỉnh, thành phố; ghi nhận 14 ca phản ứng nặng cần xử trí tại cơ sở y tế, trong đó, 8 ca phản ứng phản vệ (7 ca phản vệ độ 2 và 1 ca phản vệ độ 3). Các ca phản vệ đều được xử trí kịp thời, hiện có sức khỏe ổn định. Riêng trường hợp phản vệ độ 3, xuất hiện 8 giờ sau tiêm, với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run, co quắp, tê bì tay, hiện sức khỏe đã ổn định.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chẩn đoán xử trí phản vệ:
Mức nhẹ (độ 1), phản vệ chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như: mề đay, ngứa, phù mạch.
Mức nặng (độ 2), có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan: mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp có thể tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
Mức nguy kịch (độ 3), biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn, trong đó có biểu hiện ở đường thở (tiếng rít thanh quản, phù thanh quản); thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở; rối loạn ý thức (vật vã, hôn mê, co giật); về tuần hoàn (sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp).
Mức độ 4 với biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Tâm sự cô giáo Hải Dương trở thành người đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19
Xử trí khẩn cấp
Hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chẩn đoán xử trí phản vệ cũng khuyến cáo: "Mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự". Do đó, phản vệ thực sự là phản ứng dị ứng cần được xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.
Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu để cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ 2 trở lên.
Người bị phản vệ cần ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên (nếu có); cần được tiêm hoặc truyền adrenalin (theo phác đồ, liều phù hợp); người bệnh nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng trái nếu có nôn; thở ô xy; ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng (nếu ngừng hô hấp, tuần hoàn)...
Nhân viên y tế cần nhanh chóng hội ý với các đồng nghiệp, tập trung xử lý, hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, hồi sức và/hoặc chuyên khoa dị ứng (nếu có). Tại các điểm tiêm chủng đều được trang bị hộp chống sốc và nhân viên y tế được tập huấn về xử trí các ca phản ứng sau tiêm.
Lý do phản ứng phụ sau tiêm vắc xin có thể là dấu hiệu tốt Khi vắc-xin Covid-19 được tiêm trên toàn thế giới, ngày càng nhiều người phàn nàn về các tác dụng phụ, đặc biệt là sau liều thứ 2. Những phản ứng phụ có thể xảy ra Các triệu chứng điển hình gồm đau cánh tay, đặc biệt ở chỗ tiêm và các dấu hiệu toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu và đau cơ....