Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng tới nền hành chính phục vụ
Xác định cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và khu vực, trong thời gian qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH. Ảnh: XC/Báo Tin tức
Giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, từ tháng 1/2019 đến nay, 100% doanh nghiệp đã giảm được thời gian và nhân lực để cập nhật và lưu trữ sổ bảo hiểm xã hội. Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, người lao động có quyền được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội. Do đó, doanh nghiệp không phải thực hiện lưu giữ, quản lý sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Để triển khai thực hiện quy định này, từ tháng 10/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rà soát và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đến hết năm 2018, ngành đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát và bàn giao 13,3 triệu sổ đến tận tay người lao động (đạt 99,28% tổng số người lao động đang tham gia).
Việc bàn giao sổ bảo hiểm xã hội giúp người lao động có đầy đủ thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của mình, đồng thời, hàng năm được cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi thông báo về mức đóng và thời gian tham gia bảo hiểm trong năm. Bên cạnh đó, người lao động có thể tự tra cứu thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của mình trên Cổng Thông tin điện tử bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Không chỉ giảm thời gian, nhân lực trong việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, từ năm 2018, doanh nghiệp còn tiếp tục được “hưởng lợi” khi không phải rà soát, lập danh sách đề nghị đổi thẻ bảo hiểm y tế hàng năm cho người lao động. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, thẻ bảo hiểm y tế của người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội gia hạn tự động. Những thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt, doanh nghiệp được cắt giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục đề nghị gia hạn thẻ, nhận thẻ, chuyển thẻ bảo hiểm y tế đến từng người lao động.
Các tiêu chí cần kê khai trong thủ tục đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, giản lược. Thành phần hồ sơ được đơn giản hóa, biểu mẫu kê khai được thiết kế lại theo hướng lựa chọn đánh dấu vào các ô có chứa nội dung phù hợp đối với thủ tục đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động mà không phải viết rõ nội dung như trước đây, bỏ xác nhận của người lập biểu và công đoàn cơ sở, chỉ yêu cầu duy nhất một chữ ký xác nhận của đơn vị trong danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe…
Những sửa đổi này cùng với việc bãi bỏ thành phần hồ sơ: bản sao Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản khám nghiệm hiện trường, đo đạc môi trường lao động có yếu tố độc hại (theo quy định tại Điều 57, 58 Luật An toàn vệ sinh lao động), sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đang làm việc bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, đã góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khi xử lý những công việc liên quan đến đề nghị giải quyết các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng cho người lao động.
Đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những bước đột phá trong tứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Video đang HOT
Từ năm 2017, ngành bảo hiểm xã hội bắt đầu triển khai hình thức kê khai nộp bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại, chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội. Theo đó, thời hạn nhận thông báo xác nhận hồ sơ giao dịch điện tử và thời gian chờ đợi chấp nhận việc hoàn tất hồ sơ đã được rút ngắn, chỉ còn tối đa 2 giờ trong ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử của tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, với việc đẩy mạnh phát triển hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp, việc thực hiện thông báo về quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của ngành đến người dân, doanh nghiệp ngày càng được rút ngắn về thời gian và đa dạng về hình thức, như gửi thư điện tử, tin nhắn văn bản.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức nâng cấp và cung cấp miễn phí phần mềm kê khai nộp bảo hiểm xã hội lên phiên bản web để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội từ ngày 12/8/2019. Theo đó, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần sử dụng phương tiện điện tử có kết nối internet là có thể thực hiện kê khai nộp bảo hiểm xã hội trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.
Cá nhân cũng có thể nộp hồ sơ đối với 8 thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, trường hợp thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp. Điều này giúp người dân có thể gửi yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính trực tiếp trên môi trường mạng, giảm thời gian đi lại, chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.
Với việc quy định cụ thể thời gian tối đa gửi thông báo chấp nhận đã hoàn tất việc nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử, đa dạng cách thức gửi thông báo tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và nâng cấp kê khai nộp bảo hiểm xã hội lên phiên bản web đã giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn trong việc thực hiện kê khai nộp bảo hiểm xã hội, qua đó góp phần giảm bớt tình trạng nghẽn mạng khi thực hiện, giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, cá nhân.
Theo Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh, năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội. Việc này rút ngắn thời gian thụ lý, giải quyết quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, việc đẩy mạnh chi trả qua tài khoản cá nhân của người lao động đã góp phần giảm thời gian của doanh nghiệp và người lao động khi doanh nghiệp nhận và trực tiếp chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích hợp để thực hiện dịch vụ công cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ ngày 09/12/2019, mọi cá nhân khi có yêu cầu cấp lại thẻ bảo hiểm y tế mà không thay đổi thông tin, chỉ cần có một thiết bị điện tử ( máy tính, điện thoại) có kết nối internet, truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia là có thể thực hiện đề nghị cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng hoặc mất.
“Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tích hợp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành bảo hiểm xã hội”, ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31-5-2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31-10-2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Năm 2020, tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng làm tiền đề cho các năm tiếp theo, cụ thể là xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; tập huấn, nâng cao năng lực cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trên tất cả các lĩnh vực vào phần mềm thống kê, rà soát. Đồng thời, rà soát và kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó ưu tiên nhóm quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Cập nhật thường xuyên các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bị bãi bỏ, hủy bỏ và có biến động chi phí tuân thủ trên phần mềm thống kê để theo dõi tình hình, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Tổ chức tiếp nhận, thu thập, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị, ý kiến của doanh nghiệp, người dân về các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, qua đối thoại, tham vấn để đề xuất những vấn đề cần ưu tiên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ hoặc thay thế các quy định.
Kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thông qua đánh giá tác động các quy định có phát sinh chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp, người dân và công tác thẩm định, thẩm tra trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng năm và tổng kết Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông để thông tin về những kết quả đạt được tới người dân, doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện Chương trình.
HIệp hội dệt may, da giày, thuỷ sản đề xuất trả lương người lao động dưới mức tối thiểu vùng vì dịch Covid-19 3 nhóm ngành dệt may, da giày và thủy sản hiện đang là các ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của 3 nhóm này đạt gần 80 tỷ USD, tạo ra gần 8 triệu việc làm trên cả nước. Trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, các ngành này mất đi nhiều thị...