Bao giờ Hà Nội xử lý hết ô nhiễm môi trường làng nghề?
Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường 80 làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2030 với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, vậy đến khi nào sẽ xử lý hết ô nhiễm môi trường làng nghề tại Hà Nội?
Nhiều cơ sở sản xuất ở huyện Hoài Đức nằm cạnh các con mương bốc mùi hôi thối.
Số lượng làng nghề lớn nhất cả nước
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, cả nước hiện nay có trên 5.000 làng nghề. Trong số khoảng 160 làng nghề đã phân loại thì có 90 làng nghề là loại ô nhiễm nghiêm trọng, 60 làng nghề ở mức độ cần phải kiểm soát.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 vừa rồi cho biết, hiện chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và 20,9% số làng nghề có thu gom chất thải rắn công nghiệp.
Hà Nội hiện là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Huyện Hoài Đức có số làng nghề kỷ lục, với 53 làng thì có đến 51 làng nghề, với hơn 8.300 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh, trong đó có 12 làng được công nhận làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, đứng đầu trong danh sách gây ô nhiễm tại Hà Nội phải nói tới làng nghề chế biến nông sản tại các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế thuộc huyện Hoài Đức. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm này, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000m3/ngày/làng nghề.
Video đang HOT
Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất nên các các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.
Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.
Vì vậy, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải, trở thành các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.
Năm 2020 xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm
Thực hiện Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030″, Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề”. Theo đó, năm 2019, rà soát, đánh giá phân loại 128 làng nghề. Năm 2020, rà soát đánh giá phân loại 107 làng nghề; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề trong giai đoạn 2018 – 2020, tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương…
Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 – 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Một thực tế cho thấy, việc xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả dù có đầu tư lớn. Cụ thể, như huyện Hoài Đức, Hà Nội, năm 2002, xã Minh Khai đã đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải, công suất 120 m3/ngày, đêm nhưng lại đặt sai vị trí nên đành phải “đắp chiếu” ngay sau đó; Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng có tổng mức đầu tư 231,5 tỷ đồng, thực hiện đầu tư trong thời gian 2014 – 2016, song đến nay vẫn ở giai đoạn thi công; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, công suất thiết kế 20.000 m3/ngày, đêm được đưa vào vận hành vào tháng 10/2016 để xử lý nước thải làng nghề của các xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế.
Kể từ khi nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đi vào hoạt động, nước thải của 10 thôn với hơn 2.500 hộ dân ở Miền Làng (là khu vực trong đê sông Đáy) đã được thu gom, xử lý.
Lam Hạnh
Theo PLVN
Nạo vét, xử lý ô nhiễm tại di tích Hào Thành cổ Vinh
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh Lê Sỹ Chiến giao Công ty CP quản lý và phát triển hạ tầng đô thị xây dựng kế hoạch vận hành, nạo vét mương thoát nước khu vực Hào Thành cổ; Khẩn trương tổ chức trục vớt rác thải trôi nổi; nạo vét bùn thải tồn đọng, giảm lượng bùn tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm nghiêm trọng tại di tích hào Thành cổ Vinh
Liên quan đến nạn ô nhiễm hào thành cổ Vinh mà báo Tiền phong phản ánh, ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh đã giao Công ty CP quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh báo cáo tình hình vận hành các công trình thu gom nước thải khu vực Hào Thành cổ Vinh từ khi tiếp nhận đến nay, đồng thời xây dựng kế hoạch vận hành, bảo trì và nạo vét mương thoát nước khu vực Hào Thành cổ năm 2020; Khẩn trương tổ chức trục vớt rác thải trôi nổi trên bề mặt mương Hào Thành cổ; nạo vét bùn thải tồn đọng, giảm lượng bùn tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới việc thoát nước khu vực.
Rác thải ùn ứ tại cống thoát nước Hào Thành cổ Vinh.
Ngoài ra, UBND TP Vinh cũng giao các phường Quang Trung, Đội Cung, Cửa Nam tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp hộ dân lấn chiếm hành lang, vỉa hè xung quanh khu vực Hào Thành. Nghiêm cấm các hộ dân trồng rau, để vật liệu rác thải, dọc theo vỉa hè bao quanh Hào Thành cổ, vứt rác hoặc để rác thải rơi xuống lòng hào. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ cảnh quan khu vực.
Ông Trần Văn Trí - Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, ô nhiễm Hào Thành cổ là có thật. Phường đã có văn bản chỉ đạo các khối dân cư và người dân thực hiện việc đổ rác đúng nơi quy định, không xả thải xuống lòng hào; Đề nghị với công ty hạ tầng đóng cửa cống giữ nước, dâng nước cao lên để hạn chế mùi hôi thối. "Vào thứ 7, chủ nhật, phường huy động hàng trăm người từ các lực lượng để vớt rác thải do người dân vô ý thức ném xuống dưới hào. Cụ thể, phường mua hàng chục cái vợt, thuê xuồng đẩy rác về hai bên, cứ mỗi tháng sẽ thực hiện một lần ra quân. Đồng thời, đề nghị Công ty hạ tầng một tuần vớt rác một lần", ông Trí nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Phong - Phó Giám đốc Kỹ thuật Ban QL Tiểu Dự án phát triển đô thị Vinh cho hay: "Các hộ dân cứ nghĩ sau khi xây dựng xong Hào Thành cổ thì nước bẩn sẽ hết, thay vào đó nước sạch nhưng không phải thế. Lượng nước bẩn pha loãng vẫn chảy vào hào bình thường. Mực nước trong hào phụ thuộc vào lượng mưa lại không thu gom rác thải trực tiếp tại các hộ gia đình nên lượng nước thải pha loãng nằm ở trong hào, thời tiết ít mưa, lượng nước thải sẽ cô đặc dần và bốc mùi hôi thối. Người dân còn xả rác xuống lòng hào thành, tập kết rác gần hào. Nếu như để hào thành lý tưởng thì phải có nguồn nước sông vào và ra chứ không một chiều như hiện tại. Một thực tế nữa là mương nước cấp 2, cấp 3 của địa phương chưa đạt".
Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Cũng theo ông Phong, thời gian tới, dự án mà thành phố và tỉnh đang xúc tiến tiếp theo từ vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) để giảm thiểu ô nhiễm, đơn vị đề xuất thành phố làm thí điểm và mở rộng hệ thống cống thu gom rác thải. Trong chương trình, WB sẽ đầu tư cho phường Cửa Nam còn các phường lân cận Hào Thành cổ như Đội Cung, Quang Trung thì thành phố sẽ bố trí kinh phí đầu tư.
CẢNH HUỆ
Theo TPO
Lào Cai: Nhức nhối vấn nạn ô nhiễm tại KCN Tằng Loỏng Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 3 KCN và 1 khu thương mại - công nghiệp. Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 9.414,2 tấn/ngày đêm, tập trung chủ yếu tại KCN Tằng Loỏng. Hoạt động sản xuất tại KCN Tằng Loỏng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Dân khốn khổ vì ô nhiễm KCN...