Báo động xu hướng người trẻ chọn sống đơn độc: Những hệ lụy đáng lo ngại
Xã hội sẽ thiếu đi những người tràn đầy năng lượng cống hiến nếu ngày càng nhiều bạn trẻ chìm trong lối sống đơn độc, “lười” yêu đương, không muốn kết hôn…
Mất kết nối xã hội
Thú thật đã từng thích lối sống đơn độc, nhưng giờ đây Huỳnh Thanh Tú (27 tuổi), ngụ đường Trần Hưng Đạo, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM, cho biết nếu ai cũng độc hành như vậy sẽ mất đi nhiều tập thể vững mạnh.
Có người coi đơn độc là một quãng thời gian tạm thời để chữa những vết thương lòng. Nhưng đừng để sự đơn độc đó diễn ra quá lâu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy TẤN ĐẠT
Tú nói: “Trước đây vì thích đơn độc nên mình làm freelancer ( lao động tự do). Hằng ngày có thể ngồi ở nhà ôm máy tính đến 18 tiếng. Mình gần như mất kết nối với xã hội, bạn bè và kể cả người thân. Đến một ngày mình nhận ra rằng chẳng còn ai để chia sẻ nữa, cũng là lúc mình phải vào bệnh viện điều trị trầm cảm”.
Các mối quan hệ xã hội có vai trò rất lớn trong sự thành công của một con người. Đó được gọi là vốn xã hội. Vì vậy, khi ngắt những kết nối đó, bạn đã vô tình làm mất đi xác suất cao dẫn đến thành công của chính mình.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy
Anh Lê Thái Hồng (32 tuổi), giám đốc một công ty sự kiện với 30 nhân sự tại Q.8, TP.HCM, cho biết hằng ngày vẫn đau đầu vì giao tiếp giữa các thành viên trong tập thể gặp nhiều vấn đề. Theo anh Hồng, trong công ty, một nhóm 10 người ngồi cạnh nhau nhưng có những lúc tất cả đều nhắn tin thay vì trò chuyện trực tiếp. Không còn làm việc nhóm, họ thích độc lập để tránh xảy ra xung đột.
Chuyên gia tâm lý trị liệu La Hạ Giang Thanh, nhà sáng lập tổ chức giáo dục tâm trí Soul Retreats (TP.HCM), tin rằng người sống đơn độc quá lâu sẽ ảnh hưởng nhiều đến bản thân. Đặc biệt khi đau ốm sẽ không ai chăm sóc; xa hơn, trong tương lai, khi không còn khả năng lao động sẽ xảy ra những tình huống oái oăm.
Chị Giang Thanh tin rằng khoảng lặng của mỗi cá nhân là điều cần thiết. Nhưng người muốn đơn độc để chạy trốn nỗi buồn thì sẽ mãi quanh quẩn trong những cảm xúc tiêu cực, không có cảm hứng để làm gì.
Video đang HOT
“Rất nhiều người tài năng nhưng cô độc vì cái tôi quá cao, không có tinh thần làm việc nhóm, cũng không chủ động thoát khỏi sự một mình đó. Nếu quá nhiều người muốn đơn độc, trốn tránh hiện thực sẽ làm cho kinh tế, xã hội bị chững lại”, chị Thanh nói.
Chuyên gia Giang Thanh cho rằng nếu sống đơn độc một cách tiêu cực, người trẻ sẽ dần không muốn lắng nghe nữa. Họ luôn đề cao bản thân, không suy nghĩ cho người khác và không còn trách nhiệm. Hơn thế, họ sẽ không góp sức cho cộng đồng vững mạnh. Sự cô lập và cô đơn còn có thể gây hại cho sức khỏe não bộ, để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Sức khỏe suy giảm, thành công vụt mất
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh – trị liệu tâm lý, phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 (TP.HCM), cho biết vì sống quá đơn độc nhiều bệnh lý đã xảy ra với những người trẻ.
“Ít giao tiếp, vận động, nhiều người trẻ bị khó ngủ, thể chất sa sút. Nhiều bạn sống cô độc dễ luẩn quẩn với những suy nghĩ tiêu cực. Nguy hiểm hơn, có nhiều bạn trẻ còn không biết mình có vấn đề về tâm lý. Những trường hợp này nếu không được hỗ trợ kịp thời dễ dẫn đến những điều tồi tệ nhất, đó là từ bỏ cuộc đời”, bác sĩ Khuyên nhìn nhận.
Sự cô lập và cô đơn còn có thể gây hại cho sức khỏe não bộ, để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (Phân hiệu TP.HCM), cho rằng: “Nhiều bạn trẻ có cái tôi quá lớn. Họ độc lập, cá tính nên khi bày tỏ quan điểm với cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp chỉ khiến mâu thuẫn trở nên cao hơn. Chọn xu hướng sống cô độc một cách tiêu cực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Tách biệt với thế giới sẽ khiến hiểu biết không được mở rộng, đánh mất cơ hội phát triển bản thân”.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy đã gặp nhiều trường hợp cha mẹ bất an, than phiền, không thể tập trung vào công việc, nhiều năm tháng chỉ tìm cách thay đổi vấn đề nhưng vẫn không thể hóa giải việc con cái kết hôn muộn, thậm chí khẳng định sẽ không kết hôn. Những người đã không mở rộng mối quan hệ thì dù sau này có đổi ý cũng khó để kiếm được đối tượng phù hợp với mình.
Tiến sĩ Thúy nhận thấy có người coi đơn độc là một quãng thời gian tạm thời, dành không gian để chữa những vết thương lòng của mình. Nhưng cũng nhiều người trẻ sống cô độc lâu đến mức mất đi năng lượng, mất đi sự nhanh nhẹn, sáng tạo… Vì vậy, để không trở thành một người sống cô độc trong tiêu cực, người trẻ cần mở lòng, tìm người tin tưởng, có chuyên môn để nhờ sự giúp đỡ. Khi thấy không vui hay hạnh phúc phải nói ra. Bên cạnh đó, cha mẹ cần cẩn trọng nếu con cái có xu hướng đơn độc một cách tiêu cực, nên dành thời gian quan tâm đến con nhiều hơn.
“Các mối quan hệ xã hội có vai trò rất lớn trong sự thành công của một con người. Đó được gọi là vốn xã hội. Vì vậy, khi ngắt những kết nối đó, bạn đã vô tình làm mất đi xác suất cao dẫn đến thành công của chính mình”, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy khẳng định.
Người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone?: Những cái kết bất ngờ...
Vì thói quen lệ thuộc vào smartphone nên một số người trẻ răm rắp nghe theo những tư vấn, hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe mà chẳng màng đến hệ lụy có thể xảy ra.
Chỉ vì lạm dụng smartphone...
Một tối tháng 9, nhóm công nhân của Công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM, tổ chức đá bóng. Đỗ Mạnh Thương (26 tuổi) không may gặp chấn thương dẫn đến chân bị bầm tím, đau đớn. Có người khuyên nên nhanh chóng chở Thương đến Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức để kiểm tra. Có người lại đưa ra ý kiến nên kiếm điện thoại và "hãy tra Google!" để tìm cách xử lý vết bầm cho Thương.
Kết quả hiện ra trên smartphone khi tìm kiếm nội dung xử lý vết bầm là đường dẫn đến một video trên TikTok. Trong đó, "bác sĩ TikToker" hướng dẫn hãy chườm đá trực tiếp lên chỗ bầm. Cả nhóm lục tục làm theo; và không lâu sau, vùng da bầm tím có dấu hiệu bị bỏng lạnh, Thương liên tục kêu đau.
"Bác sĩ nói tôi bị bỏng lạnh là do chườm đá trực tiếp lên da. Cách xử lý này là không đúng, cần phải lót miếng vải mỏng giữa da và đá. Hóa ra video trên TikTok bày bậy", Thương kể.
Nhiều người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone Nguyên Trương
Đặng Thành Đạt (27 tuổi), làm việc ở nhà hàng tiệc Bạch Kim, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết cách đây không lâu, một đồng nghiệp gặp sự cố khi bị mảnh kính vỡ đâm vào chân.
"Mình biết cách xử lý tình huống này là cần đưa đồng nghiệp đi cơ sở y tế. Vậy nhưng chẳng hiểu sao, có lẽ là do thói quen "cái gì không biết hoặc còn lưỡng lự thì hỏi Google" nên tìm kiếm và làm theo. Lúc đó, mình không tin chính bản thân mà chỉ tin một bài hướng dẫn trên mạng. Mình lập tức rút mảnh kính ra khỏi chân người bạn. Máu chảy ra rất nhiều. Hoảng quá, mình vội vàng chở bạn vào trạm y tế gần đó", Đạt kể.
Đạt tiếp tục nói: "Bác sĩ trách mình tại sao lại rút mảnh kính ra khỏi vết thương. Điều đó chỉ làm vết thương trở nên nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng mất nhiều máu. Và cách xử lý đúng phải là nhanh chóng đưa đi cơ sở y tế". Rồi chàng trai này tự trách bản thân: "Giữa 2 phương án, dù biết cách đúng nhưng mình chọn làm theo cách sai chỉ vì... lạm dụng smartphone".
Anh Trần Vũ Mạnh (35 tuổi), làm việc ở Công ty CP bao bì nhựa Hoàng Gia, H.Bình Chánh, TP.HCM, nói vui: "Vì xem TikTok mỗi ngày quá 180 phút mà có lần tôi... suýt hại bạn thân".
Theo đó, bạn của anh Mạnh bị ngất xỉu. Dù quýnh quáng nhưng do thói quen hay xem những video hướng dẫn phòng, chữa bệnh trên TikTok nên anh chàng này vội tìm kiếm "cách xử trí người bị ngất xỉu". "Bác sĩ TikToker" bày cách cần nâng cao đầu người ngất xỉu và cho uống nước bò húc nên anh Mạnh làm theo.
"Có vài người mắng tôi vì làm như thế (nâng cao đầu - PV) là sai, dễ dẫn đến việc giảm máu lên não và làm cơ thể mất nước. Phải để người bệnh nằm đầu bằng, nâng hai chân lên, nới rộng quần áo... Kể từ đó, tôi xóa luôn TikTok", anh Mạnh kể lại.
Chia sẻ với phóng viên, rất nhiều người trẻ không ngại cho biết đã từng... tự hại bản thân chỉ vì lệ thuộc vào smartphone. Thậm chí có người "ôm hận" vì lời khuyên của các "bác sĩ TikToker", "chuyên gia YouTuber".
Chỉ nên tin "bác sĩ thật"
Bác sĩ Trần Duy Quang, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết trên TikTok hay YouTube có những nhà sáng tạo nội dung tự xưng là "bác sĩ".
"Những người này hướng dẫn nhiều cách để phòng, chữa bệnh. Ngạc nhiên là người xem cũng tin vào những video nói thao thao bất tuyệt không hề dựa vào cơ sở khoa học", bác sĩ Quang nói.
"Chẳng hạn có trường hợp bệnh nhân bị huyết áp cao nhưng không đi khám định kỳ mà dùng chung đơn thuốc của người khác. Tôi hỏi lý do vì sao lại không đi khám bệnh. Người này trả lời do con trai xem trên mạng, được... "bác sĩ YouTuber" hay "bác sĩ TikToker" nào đó bày là có thể xin toa của bệnh nhân khác về mua uống và tự điều trị tại nhà. Đây là cách sai lầm, nguy hiểm đến tính mạng vì mỗi bệnh nhân có những chỉ số huyết áp khác nhau, được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau", bác sĩ Quang chia sẻ.
Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn, Phòng khám đa khoa Duy Khang (TP.HCM), cho rằng: "Không thể phủ nhận một thực tế là nhiều người, trong đó có giới trẻ quá lạm dụng smartphone. Thắc mắc bất kỳ điều gì cũng nhờ smartphone để tìm câu trả lời. Với những tình huống đơn giản trong cuộc sống, "cái giá phải trả" có thể rẻ. Nhưng với những vấn đề liên quan đến sức khỏe, không thể tin răm rắp vào những kết quả từ YouTube, Google, TikTok, Facebook... hiển thị trên smartphone. Vì nếu tin vào những "bác sĩ mạng xã hội" có thể sẽ gặp "bác sĩ thật" ngoài đời".
Bác sĩ Tuấn kể một trường hợp nam thanh niên 28 tuổi đi tập gym và nghe lời "chuyên gia TikToker" đã ăn bột protein khô nhằm giúp việc tập luyện tốt hơn, cơ tăng nhanh hơn.
"Nhưng đó là cách sai lầm dẫn đến hệ lụy cực kỳ nguy hiểm. Lạm dụng việc ăn bột protein khô có thể khiến tim gặp vấn đề cũng như bị những chứng bệnh về hô hấp", bác sĩ Tuấn nói.
Theo bác sĩ Tuấn, khi gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sức khỏe, điều cần làm là hãy đến các cơ sở y tế và chỉ tin "bác sĩ thật". "Chứ đừng vì thói quen lệ thuộc vào smartphone mà dẫn đến trường hợp rước họa vào thân", bác sĩ Tuấn khuyên. (còn tiếp)
Người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone? Có quan điểm cho rằng sống trong thời buổi hiện đại, với những tiện ích mà công nghệ mang lại khiến cho người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone. Nhận định ấy liệu có đúng? Và nếu đúng thì có dẫn tới nhiều hệ lụy? Từ chuyện học... Một giáo viên dạy toán của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM,...