Báo động toàn cầu
Khóa họp lần thứ 57 của Ủy ban phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) vừa diễn ra ở Viên, Áo, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về quy mô của tội phạm ma túy trên thế giới.
Các con nghiện ma túy ngày càng trẻ hơn
1.500 đại biểu, đại diện các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức phi chính phủ đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và các khu vực trên thế giới đều thống nhất với nhận định, ma túy đang trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến tất cả mọi người; nó phá hoại xã hội, làm băng hoại đạo đức con người, sinh ra nhiều loại tội phạm khác nhau và gây ra dịch bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS…
Theo một báo cáo của LHQ, hiện trên thế giới có khoảng 27 triệu người nghiện ma túy nặng. Lạm dụng
heroine, cần sa, cocain và nhiều chất gây nghiện khác tiếp tục là nguyên nhân khiến khoảng 200.000 người chết/năm. Còn theo UNODC, cần sa là loại được dùng rộng rãi nhất với 224 triệu người ở độ tuổi 15-64 sử dụng trên khắp thế giới và châu Âu là thị trường tiêu thụ cần sa lớn nhất.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là số loại chất hướng thần mới đã tăng hơn 50%, từ 166 loại tại thời điểm cuối năm 2009 lên đến 251 loại vào giữa năm 2012. Như vậy, lần đầu tiên, số loại chất NPS trên thực tế đã vượt số chất NPS được quốc tế kiểm soát (234). Dù chưa được kiểm chứng độ an toàn nhưng do NPS được bán công khai, cả trên mạng internet, không ai có thể kiểm soát được số người sử dụng NPS. Cùng với đó là tình trạng người nghiện đang được “trẻ hóa” và tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng lan nhanh.
Về địa bàn sản xuất thuốc phiện, Afghanistan là nơi cung cấp lớn nhất thế giới. Có tới 93% tổng lượng cây thuốc phiện trên thế giới được trồng tại đây, cung cấp một khối lượng thuốc phiện khoảng hơn 3.000 tấn/năm. Từ Afghanistan, thuốc phiện theo các đường dây buôn lậu qua các nước Trung Á và Nga rồi sang các nước châu Âu. Một “điểm nóng” ma túy nữa là các nước Nam Mỹ, nguồn cung cấp chính cho thị trường Mỹ và Canada.
Không chỉ hủy hoại sức khỏe và lấy đi mạng sống con người, ma túy còn gây tác động nghiêm trọng đến xã hội. Do liên quan đến ma túy và buôn bán ma túy, hàng triệu người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã trở thành nạn nhân với cuộc sống hoàn toàn không bình thường, mất khả năng lao động, hoặc phải ngồi tù, thậm chí bị tử hình. Còn nạn buôn bán ma túy thì làm suy yếu hệ thống bảo vệ pháp luật, phá hoại quá trình phát triển kinh tế, xã hội; gây mất an ninh, ổn định tại của không ít quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy, triệt phá các băng nhóm ma túy đã trở thành vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến vô cùng khó khăn bởi siêu lợi nhuận mà buôn lậu ma túy đem lại. Theo thống kê của LHQ, trung bình mỗi năm, hoạt động buôn bán ma túy đã mang lại nguồn thu khoảng 320 tỷ USD cho các băng nhóm. Vì đồng tiền, các băng nhóm tội phạm bất chấp tất cả. Đã thế, dưới tác động của toàn cầu hóa, các tập đoàn buôn bán ma túy đa quốc gia cũng ngày càng lớn mạnh hơn, sự chống đối ngày một quyết liệt hơn.
Chính vì thế, ngăn chặn tội phạm ma túy cần phải có sự hợp tác trên quy mô rộng lớn hơn giữa các quốc gia và khu vực. Theo hướng đó, Khóa họp lần thứ 57 của Ủy ban phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) dự định sẽ đề cập đến Tuyên bố chính trị và Kế hoạch hành động nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy. Đây là nỗ lực mới nhất của thế giới trong cuộc chiến lâu dài với tội phạm ma túy.
Theo ANTD