Báo động tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp dạng ATS
ATS là từ viết tắt của Amphetamine type stimulant (các chất kích thích thần kinh nhóm Amphetamine), là những chất ma túy được tổng hợp ra từ các tiền chất, có cấu trúc hóa học tương tự nhau trên cơ sở khung Amphetamine, có tác dụng kích thích nhất thời hệ thần kinh trung ương, gây hưng phấn, ảo giác và hoang tưởng; khi dùng quá liều, có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc dẫn đến tử vong như hôn mê, co giật, chảy máu não… Hiện nay, loại “ma túy điên” này đang được tìm cách sản xuất với mức độ ngày càng tăng.
PHÁT HIỆN NGÀY CÀNG NHIỀU VỤ SẢN XUẤT ATS
Hiện nay, do áp lực từ các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề buôn bán, sử dụng và sản xuất bất hợp pháp các chất ma túy với xu hướng ngày càng phức tạp. Tình hình mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp ATS (Amphetamine, Methamphetamine, Ecstasy…) đã lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, nhu cầu về các loại hóa chất phục vụ cho ngành công nghiệp, y tế cũng ngày càng tăng. Số lượng đơn vị xuất nhập khẩu, sử dụng, buôn bán tiền chất tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2001 chỉ có 103 công ty được cấp phép xuất nhập khẩu 11 loại tiền chất gồm 52.000 tấn và 185.000 lít, đến năm 2011 đã có 347 công ty được cấp phép xuất nhập khẩu 38 loại tiền chất gồm 1.370.392 tấn và 6.008.254 lít. Những tiền chất này được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp như: Acetic Anhydride, Acetone, Acetic acid, Potasium Permangante, Phenyl Acetic acid, Safrole, Isosafrole… hoặc dùng trong y tế như Ephedrine, Pseudoephedrine, nor – Pseudoephedrine… Trong những hóa chất đó, nhiều loại chính là tiền chất để sản xuất, điều chế ra ma túy bán tổng hợp và ma túy tổng hợp (MTTH). Để đáp ứng nhu cầu, ngoài việc buôn bán, vận chuyển từ nước ngoài về qua nhiều đường, thời gian gần đây cùng với sự bùng nổ thông tin, bọn tội phạm còn tìm công thức sản xuất các loại ATS trên internet rồi mua hóa chất có sẵn trên thị trường để sản xuất MTTH nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Video đang HOT
Ma tuý tổng hợp giấu trong thùng loa
Ở Việt Nam, nếu như những năm trước đây chỉ phát hiện vài vụ sản xuất MTTH như vụ đối tượng Trần Kỷ Điền, người Đài Loan (Trung Quốc) cùng đồng bọn sản xuất 234kg Methamphetamine – loại MTTH được từ tiền chất Ephedrine vào năm 1992 tại TPHCM; vụ Trịnh Nguyên Thủy sản xuất 140kg heroin, loại ma túy bán tổng hợp từ thuốc phiện, bằng cách sử dụng tiền chất Acetic Anhydride và các hóa chất khác vào năm 2004 ở một khách sạn tại Hà Nội, thì thời gian gần đây, công an các địa phương đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ sản xuất ATS với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điển hình, ngày 12-4-2010 Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bắt giữ Phan Văn Chung (SN 1965, từng sinh sống tại Czech), thu 5,26 gram MTTH nhóm Methamphetamine dạng đá. Chung khai đã ba lần cùng đồng bọn sản xuất “hàng đá” tại một vài địa điểm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ngày 8-10-2010, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TPHCM bắt Nguyễn Bá Thủy (SN 1969), thu 193 gram MTTH dạng đá do Thủy sản xuất trong một khách sạn tại Nha Trang, Khánh Hòa khi đang trốn truy nã. Tháng 1-2011, CATP Hà Nội bắt bảy đối tượng, thu 4,424 gram Methamphetamine dạng đá, nhiều nguyên liệu, dụng cụ, hóa chất dùng để sản xuất MTTH. Các đối tượng khai sản xuất năm lần khoảng 300 gram Methamphetamine tại bốn điểm ở quận Hà Đông, Thanh Xuân và Tây Hồ (Hà Nội). Gần đây nhất, ngày 9-7-2011, Phòng 4 – Cục CSĐT tội phạm về ma túy và Công an Thanh Hóa đã triệt xóa điểm tổ chức sản xuất MTTH dạng đá với quy mô lớn ở xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, bắt giữ đối tượng Lê Sĩ Thiệu (SN 1973, là Việt kiều Czech về thăm quê) và vợ là Lê Thị Thanh, thu 38 gram MTTH nhóm Methamphetamine dạng đá và 380 gram ma túy cùng loại đang trong quá trình tinh chế sản phẩm, 11 thùng nguyên liệu, 94kg thuốc Tiffy Flu đã bóc vỏ cùng nhiều dụng cụ, phương tiện phục vụ việc sản xuất trái phép MTTH. Để khám phá thành công chuyên án này, lực lượng chức năng đã phải dày công theo dõi, giám sát và phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để bắt các đối tượng với đầy đủ tang vật, nguyên liệu, dụng cụ, phương tiện và cả bản ghi chép quy trình công nghệ sản xuất, điều chế Methamphetamine từ thuốc Tiffy. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận những tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép các chất ma túy trên được chúng mua tại thị trường tự do. Gần đây, Cảnh sát Úc phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, thu giữ 400kg Ephedrine. Với số tiền chất này, bọn tội phạm có thể điều chế ra 1,5 triệu viên Methamphetamine. Tình trạng buôn bán, vận chuyển các loại tiền chất dạng phối hợp, nhất là tiền chất Pseudoephedrine có trong thành phần các loại tân dược gây nghiện đang gia tăng. Điển hình là vụ Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất và Cục CSĐT tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ 193kg (419.750 viên) Tripolidin và Pseudoephedrine – loại tiền chất dùng để sản xuất MTTH Methamphetamine.
Thành phần chính của thuốc Actifed – chất Pseudoephedrine,
là tiền chất ma túy
CẦN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT TIỀN CHẤT
Trong những năm qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc thất thoát tiền chất và điều tra bắt giữ các vụ phạm tội liên quan đến tiền chất. Tuy nhiên, hoạt động quản lý tiền chất trong thời gian qua cho thấy các cơ quan chức năng chủ yếu tập trung vào khâu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, còn việc kiểm soát hoạt động mua bán, sử dụng tiền chất đến khâu cuối cùng vẫn chưa được chặt chẽ. Các cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được tiền chất từ khâu nhập khẩu vào Việt Nam sau đó bán lại cho các công ty khác nhưng hoạt động mua bán tiếp theo của các đơn vị, cá nhân và đường đi cũng như mục đích sử dụng của các loại tiền chất này vẫn chưa kiểm soát được. Thậm chí, trên thị trường hiện nay có nhiều tiền chất được buôn bán một cách tự do như: Sunfuric acid, Clohydric acid, Acetone… Tại TPHCM, chỉ cần ra chợ Kim Biên là có thể mua dễ dàng đủ loại hóa chất; còn tại Hà Nội, khi cần tìm loại hàng hóa này, người có nhu cầu được chỉ ngay đến phố Hàng Hòm. Đây chính là kẽ hở cho các đối tượng phạm tội về ma túy lợi dụng để sản xuất, điều chế trái phép ma túy tại nhiều nơi trong cả nước. Cách đây ít lâu, Cục CSĐT tội phạm về ma túy – Bộ Công an còn phát hiện đường dây mua bán tiền chất chuyển sang Australia để sản xuất MTTH. Đường dây này hình thành từ hai đối tượng Việt kiều Australia là Nguyễn Quang Trung và Phan Đình Tài. Một tổ chức tội phạm ở Australia đã bắt mối với Trung, Tài và đặt mua nguồn thuốc Actifed nhằm sản xuất ma túy. Biết ở Việt Nam thuốc Actifed được bán bình thường ở các hiệu thuốc, Trung, Tài và đồng bọn đã mua 15.980 hộp Actifed của Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 (quận 1, TPHCM) rồi tập trung lại, xay thuốc thành bột mịn, đóng vào các vỏ bao để chuyển sang Australia. Trước đó, vụ Nguyễn Bá Trí gửi bột thuốc Actifed sang Australia cho con trai. Như vậy, có thể thấy hiện nay tội phạm ở nước ngoài đang có xu hướng lợi dụng địa bàn Việt Nam để thu gom tiền chất chuyển sang sản xuất ma túy. Đây là tình trạng đáng báo động, đòi hỏi việc quản lý tiền chất ở Việt Nam phải được siết chặt hơn. Bên cạnh đó, theo ông Trần Đức Phong – Vụ trưởng Vụ 1C, Viện KSND tối cao – quá trình điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này cũng gặp khó khăn do các đối tượng thường cấu kết với Việt kiều hoặc người nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội và vận chuyển tiền chất ra nước ngoài để sản xuất MTTH nên việc điều tra để mở rộng vụ án, truy tố và xét xử chưa được triệt để, nhất là những đối tượng chính của vụ án là người nước ngoài hoặc đối tượng đang ở nước ngoài. Những thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm cũng ngày một tinh vi như: dùng bao mát xa đóng gói bột thuốc hỗn hợp có chứa tiền chất, dùng chứng minh thư giả để mua và gửi tiền chất ra nước ngoài, thậm chí việc mua bán tiền chất chỉ cần giao dịch qua điện thoại, email… Trong khi đó, pháp luật về loại tội phạm này còn nhiều vướng mắc dẫn đến khó khăn khi xử lý. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý tiền chất, đại tá Nguyễn Kiên, Chánh văn phòng thường trực phòng chống tội phạm ma túy – Bộ Công an, cho rằng ngoài việc khẩn trương bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, kiểm soát tiền chất; trang bị đủ lực lượng, phương tiện cho công tác này; tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm về quản lý, sử dụng tiền chất, một biện pháp cũng rất quan trọng là tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho lực lượng làm công tác kiểm soát tiền chất, những doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến tiền chất, trong quần chúng nhân dân để nâng cao nhận thức về tiền chất và ngăn ngừa thất thoát tiền chất vào sản xuất MTTH bất hợp pháp.
Theo CATP
Món ăn tăng lực cho tim
Ngoại trừ bẩm sinh, còn lại, những bệnh tim mắc phải la do trong quá trình sống và làm việc liên quan nhiều đến ăn uống.
BS Đào thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: "Những món ăn buộc tim làm việc quá sức gồm: những món chứa nhiều chất béo, chứa nhiều đường đơn, nhiều đạm. Ngoài ra, các chất kích thích thần kinh trung ương như cà phê, thuốc lá, thực phẩm chức năng làm tăng hoạt động của hệ thần kinh đồng thời kích thích cơ tim hoạt động như: chất tăng lực, cafein".
Ảnh: SS
Do đó, hằng ngày cần ăn nhiều acid béo không no để hỗ trợ hoạt động của tim mạch như: dầu mè, dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu hướng dương... Tuy nhiên, dầu dù tốt đến đâu, nếu nấu lâu trên bếp, các mối liên kết hóa học cũng vỡ và hình thành chất mới. Vì thế, khi nấu nướng nên cho dầu vào sau cùng. Như vậy, các món có lợi cho tim mạch là các loại trộn dầu giấm. Có thể dùng rau và cả trái cây để trộn, bữa ăn vừa ngon mắt hơn, vừa nhiều sinh tố và chất béo có lợi cho cơ thể. Các món đề nghị gồm: bắp lể lấy hạt hấp chín, rau xà lách, cà chua trộn dầu giấm; các loại đậu đen, đậu đỏ, đậu bo, nấm hấp chín trộn xà lách, gỏi vịt trộn bắp cải, hoa chuối, gỏi gà... Các món gỏi trái cây trộn xốt trứng gà cũng tốt cho tim mạch như: táo, lê, dưa hoàng kim, dâu tây trộn với muối, chanh, một chút sữa và xốt trứng gà. Không ăn những món chiên ngập dầu ở nhiệt độ cao, vì chúng chứa nhiều chất béo, không tốt cho sức khỏe. Trong bữa cơm hằng ngày nên có "hàng kèm" là món canh rau các loại có tác dụng ngăn cản hấp thu chất béo tại thành ruột như: đậu bắp hấp, mướp luộc, canh rau mồng tơi, canh măng khô...
Bên cạnh những chất béo no có hại thì chế độ ăn nhiều bột đường cũng góp phần làm mệt tim. Vì thế, cần tránh ăn những gói snack bởi thành phần của chúng chỉ có hương liệu, bột, muối và dầu chiên. Các loại khoai tây chiên đóng hộp cũng chứa nhiều dầu và muối, buộc tim phải lao động cật lực. Nên hạn chế ăn các món có mùi thơm quyến rũ như: bắp rang bơ (nhiều chất béo no và đường), bánh bông lan, bánh kem bơ... Mỗi tuần nên ăn cá từ hai đến ba lần. Chẳng hạn các món cá điêu hồng nấu riêu, cá hồi nướng, cá chẽm xốt cà chua, cá chẽm chưng tương, cá điêu hồng nướng, cá trích xốt cà, cá ngừ nấu với thơm, cà... Theo BS Đào Hữu Trung - Bệnh viện tim Tâm Đức TP.HCM, cân hạn chế ăn món kho vì những món kho thường mặn mới ngon miệng (ăn nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới cao huyết áp). Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như: thịt bò, thịt heo...
Nên ăn uống đều đặn, không ăn lượng thực phẩm nhiều hơn so với nhu cầu. Bởi, khi ăn quá nhiều, tim phải co bóp liên tục để cung cấp máu giúp hệ tiêu hóa làm việc. Không ăn trước giờ ngủ vì như thế là "bóc lột" sức lao động của trái tim.
Tập thể dục nhẹ nhàng và kéo dài để phát triển cơ tim và mạch máu. Sự vận động nhanh và mạnh chỉ tăng cơ, không tăng mạch máu nên tim to ra nhưng thiếu máu nuôi.
Theo PNO