Báo động tình trạng bạo lực súng đạn ở thủ đô của Bỉ liên quan tội phạm ma túy
Bỉ, “điểm nóng” về buôn bán ma túy quốc tế và cũng là trung tâm chính trị của Liên minh châu Âu (EU), là nơi hoạt động của hơn 100 mạng lưới tội phạm nguy hiểm nhất ở châu Âu.
Đây là cảnh báo của giới chức Bỉ đưa ra ngày 5/4, trong bối cảnh các vụ nổ súng trên đường phố gia tăng tại thủ đô Brussels.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Paul Van Tigchelt cho biết các băng nhóm ma túy đứng đằng sau sự gia tăng các vụ bạo lực súng đạn trên đường phố ở Brussels từ đầu năm đến nay. Chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, ở thủ đô của Bỉ đã ghi nhận 6 vụ nổ súng.
Ông Van Tigchelt cũng nêu lo ngại về việc các băng nhóm tội phạm đến từ thành phố ven biển Marseille của Pháp đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Brussels sau khi các thành viên của băng nhóm mafia Albania bị bắt giữ.
Theo truyền thông Bỉ, cảnh sát liên bang nước này đã bắt giữ khoảng 30 tên tội phạm trong chiến dịch truy quét quy mô lớn vào tháng 2/2022. Cảng Antwerp của Bỉ được xem là cửa ngõ chính để các tổ chức tội phạm tuồn ma túy vào châu Âu.
Cuộc họp báo, có cả sự tham gia của Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Annelies Verlinden, được tổ chức sau khi Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cùng ngày cho biết hiện có 821 mạng lưới tội phạm rất nguy hiểm đang hoạt động ở EU với trên 25.000 thành viên. Giám đốc Europol, bà Catherine De Bolle, các nhóm tội phạm có tổ chức ở EU chủ yếu tập trung vào buôn bán ma túy, lừa đảo, buôn người và rửa tiền.
Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh các phương tiện truyền thông của Bỉ trong những tháng gần đây đưa tin về các vụ nổ súng tại các khu mua sắm và khu dân cư ở Brussels khiến nhiều người bị thương. Trước đây tại Brussels hiếm khi xảy ra những vụ nổ súng như vậy.
Cũng liên quan đến tình hình tội phạm ở EU, cảnh sát Đức ngày 5/4 thông báo lực lượng chức năng nước này đã thu giữ 103 triệu USD tiền giả, với đích đến có thể là thị trường Mỹ.
Video đang HOT
Các nhà điều tra cho biết đã phát hiện 75 thùng chứa đầy tiền giả trong các cuộc đột kích tại một ngôi nhà ở thành phố Juebek và 2 cơ sở kinh doanh ở Hamburg. Các cuộc đột kích được thực hiện sau khi cảnh sát Đức nhận được tin báo từ các nhà điều tra Mỹ.
Số tiền giả này bị nghi ngờ là của một “người bán buôn ở Thổ Nhĩ Kỳ”, được cất giữ ở Đức trước khi vận chuyển đến Mỹ để lưu hành.
Theo luật pháp Đức, sản xuất và tiêu thụ tiền giả là hành vi phạm pháp.
Khối Benelux trong cuộc chiến chống ma túy
Vào ngày 1/10 năm ngoái, ba nước khu vực Benelux - Bỉ, Hà Lan, Luxembourg - đã ký kết hiệp ước về hợp tác cảnh sát liên quốc gia.
Thỏa thuận này nới lỏng hàng loạt rào cản về biên giới, bí mật thông tin tình báo, v.v... để giúp cảnh sát ba nước này có thể hợp tác điều tra hiệu quả. Đây là bước tiến mạnh nhất của các nước Bắc Âu đến thời hiện tại để đối mặt với cuộc chiến chống ma túy đang ngày càng trở nên căng thẳng.
Tình hình căng thẳng
Một trong ba vấn đề nhức nhối nhất trong cuộc bầu cử quốc hội Luxembourg tổ chức vào tháng 10 năm ngoái là tệ nạn ma túy. Cử chi nước này vô cùng lo lắng về tình trạng số người nghiện tăng mạnh trong khi tội phạm ma túy trở nên manh động hơn. Hơn 200 người đã tổ chức tuần hành tại thủ đô nhằm gây áp lực buộc chính quyền đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn. Theo bà Graziela Bordin, một trong những người tổ chức cuộc tuần hành: "Chúng tôi đã quá chán cảnh ở nhà lo lắng con cái mình có bị lôi kéo sử dụng ma túy không, ra đường thì sợ gặp bọn gangster... Nhiều cửa hàng ở địa phương không thể kinh doanh được vì bị mafia phá phách, đòi tiền bảo kê... Chúng tôi chỉ muốn được yên ổn mà sống".
Cảnh sát Hà Lan tại hiện trường vụ ám sát nhà báo điều tra Peter R. de Vries.
Việc trồng, buôn bán và sử dụng cần sa là hợp pháp ở Luxembourg, nhưng trong vài năm gần đây tội phạm có tổ chức đã tăng cường buôn lậu cocain, heroin và các loại ma túy mạnh vào nước này, từ đó đẩy số người nghiện tăng vọt. Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Vincent Van Quickenborne nói với phóng viên tờ Financial Times: "Mối lo ngại an ninh lớn nhất của Luxembourg cách đây bảy, tám năm là khủng bố. Vậy nhưng tội phạm ma túy còn nguy hiểm hơn khủng bố nhiều. Có đến hàng trăm nghìn đối tượng tội phạm ma túy "tay còn dính máu" đang hoạt động trên khắp Châu Âu".
Cũng cần nói thêm là gia đình ông Quickenborne vẫn đang sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát sau khi họ suýt nữa bị bắt cóc vào tháng 9/2022. 4 đối tượng và một xe van có mang theo vũ khí đã bị cảnh sát bắt giữ ở trước cửa nhà vị bộ trưởng.
Tình hình tội phạm ma túy ở Bỉ cũng chẳng kém phần căng thẳng. Cảng Antwerp tại miền Tây Bắc nước này đang là "cửa ngõ" cocaine cho cả châu Âu. Chỉ trong năm 2023 hải quan đã thu giữ 121 tấn cocaine ở cảng Antwerp, tăng 21% so với mức 110 tấn của năm 2022. Các cartel Nam Mỹ thường giấu cocaine trong các container chở hàng đông lạnh như cá, chuối hay dứa để buộc hải quan Bỉ phải rút ngắn quá trình kiểm tra, cho lô hàng xuất cảng sớm để tránh bị hỏng. Ngoài vấn đề thiếu nhân lực, hải quan Bỉ còn phải đối mặt với tính chất manh động của bọn buôn ma túy.
Vào ngày 3/11/2023, hải quan cảng Antwerp tịch thu 7,48 tấn ma túy giấu trong một lô hàng chuối Ecuador. Bởi vì nhà chức trách không có đủ lò đốt để thiêu hủy ngay một số lượng ma túy lớn như vậy nên hải quan đành phải tạm thời cho cocaine vào kho. Đến đêm hôm đó có 3 đối tượng trang bị vũ khí nóng leo rào vào cảng rồi uy hiếp nhân viên bốc dỡ hàng lấy chìa khóa mở cửa kho chứa ma túy. Các công nhân may mắn chạy thoát được đến văn phòng cảng, khóa cửa lại rồi gọi cho cảnh sát. Cảnh sát đặc nhiệm Bỉ phát hiện bọn tội phạm đang trốn chạy bèn lấy xe bọc thép đâm vào xe van của chúng. Kết quả là 7 đối tượng đặc biệt nguy hiểm bị bắt.
Không phải lúc nào cảnh sát Bỉ cũng chiến thắng. Ngay như trong tháng 12 vừa qua, một nhà kho chứa xe hơi lậu và vũ khí do hải quan tịch thu được đã bị thiêu rụi. Nhà chức trách tin rằng kẻ phóng hỏa là tội phạm có tổ chức với mục đích trả thù. Hiện cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Đồng thời chính phủ Bỉ cũng tuyên bố sẽ tăng cường thêm 200 cảnh sát và nhân viên hải quan đến các hải cảng, trang bị cho họ thiết bị chụp x-quang container hiện đại hơn, và rà soát nhân thân của khoảng 16.000 công nhân cảng.
Nước láng giềng của Bỉ là Hà Lan cũng đang đẩy mạnh các biện pháp chống ma túy. Tình hình trị an của họ tuy vậy còn mất kiểm soát nhiều hơn cả Bỉ và Luxembourg. Sau vụ ám sát nhà báo điều tra nổi tiếng Peter R. de Vries theo lệnh của trùm ma túy Ridouan Taghi vào tháng 7/2021, cả đất nước Hà Lan đang trong trạng thái nơm nớp lo sợ trước "bóng ma" cartel. Nhà báo điều tra Paul Vugts của tờ Het Parool viết: "Nhiều thanh niên ở Amsterdam đang xếp hàng để được "nhận hợp đồng" giết thuê cho các ông trùm. Một hợp đồng như vậy có giá khoảng 500 nghìn euro, bao gồm cả tiền mua xe hơi tẩu thoát".
Ước tính ở Hà Lan mỗi năm có khoảng 20 người bị giết vì có liên quan đến tội phạm băng đảng. Tình hình trở nên xấu đi sau một cuộc hỗn chiến băng đảng xảy ra vào năm 2012. Đấy là thời điểm tội phạm có tổ chức ở Bỉ có "đủ lông đủ cánh" để ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày. Vào năm 2016, một cái đầu người còn tươi máu được tìm thấy ở trước cửa quán cà phê ở Amsterdam. Nạn nhân là Nabil Amzieb, một tên gangster bị sát hại bởi băng đảng đối địch. Những vụ ám sát hay xả súng bừa bãi để thị uy như thế đã không còn trở nên hiếm gặp ngay ở một trong những thủ đô giàu có nhất châu Âu.
Không chỉ tội phạm mà ngay cả dân thường cũng bị ám sát. Bọn mafia gốc Morocco ở Hà Lan có một khẩu hiệu: "Wie praat, die gaat", nghĩa là "Ai nói, người đó chết". Từ luật sư, nhà báo đến những người dân thường, bất kỳ ai có thể ra làm chứng trước tòa để chống lại bọn tội phạm cũng bị sát hại. Trước nhà báo Peter Vries, Ridouan Taghi đã từng ra lệnh ám sát một nhân chứng cùng với luật sư Derk Wiersum trước khi họ có thể ra tòa chống lại hắn. Trước đó nữa là hai lần ám sát bất thành blogger điều tra tội phạm Martin Kok. Phải đến lần thứ ba thì Martin Kok mới bị bắn từ phía sau khi đang đi trên đường phố Amsterdam. Ridouan Taghi ra lệnh ám sát không biết bao nhiêu người trong khi hắn liên tục lẩn trốn giữa các nước vùng Vịnh. Mà ngay cả khi sau khi hắn bị giam giữ tại nhà tù tối mật Nieuw Vosseveld, Taghi vẫn có thể ra lệnh ám sát Peter Vries.
Không khó để tìm mua cần sa ở Hà Lan. Các quán cà phê ở Amsterdam bán một thứ cần sa quấn thành điếu với giá 3 euro. Các nhà vườn Hà Lan thì trồng cần sa gần như quanh năm, và năm nào họ cũng cho ra những giống mới có hàm lượng THC (chất gây ra cảm giác sảng khoái) cao hơn. Vậy nhưng tội phạm nước này không dừng lại ở cần sa. Ngoài việc buôn lậu cocaine và heroin từ Nam Mỹ, chúng còn bí mật sản xuất ma túy tổng hợp và bán tổng hợp từ thứ hàng mình nhập khẩu. Theo giáo sư tội phạm học Pieter Tops ở đại học Leiden thì: "Doanh thu một năm mà tội phạm Hà Lan thu về từ ma túy tổng hợp rơi vào khoảng 19,8 tỷ euro. Methamphetamine, ecstasy và fentanyl sản xuất ở Hà Lan được tiếng là giá cả phải chăng, nguồn cung lại sẵn nên cứ đưa ra thị trường là bán hết sạch".
Ông Frank Buckenhofer, giám đốc công đoàn hải quan Đức, nhận xét: "Hà Lan phải nói là "siêu thị ma túy" của cả châu Âu. Những kẻ chuyên nghiệp làm việc nhập khẩu, nuôi trồng, sản xuất và phân phối ma túy quy mô lớn đều ở tại Hà Lan... Lợi nhuận khổng lồ từ ma túy khiến tội phạm có tổ chức tại Hà Lan sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích của chúng. Chúng dám giết người giữa đường vào ban ngày cũng có nghĩa là chúng sẵn sàng tuyên chiến với chính phủ".
Nỗ lực của liên minh
Hiệp ước hợp tác cảnh sát được ba quốc gia vùng Benelux ký kết vào ngày 1-10-2023 cho phép các lực lượng hành pháp của họ được tự do qua lại biên giới nước láng giềng vì các mục đích như truy đuổi tội phạm, áp giải tội phạm, hay bảo vệ hàng hóa và nhân vật VIP. Cơ quan thi hành pháp luật cũng được tự do hơn trong việc trao đổi thông tin với những người đồng nghiệp láng giềng. Khi cảnh sát các nước hợp đồng tác chiến thì những quy định về hệ thống chỉ huy và bảo đảm bí mật thông tin được nới lỏng.
Ngay cả trong khối EU cũng chưa từng có hiệp ước nào mà các nước tham gia ký kết lại sẵn sàng từ bỏ nhiều chủ quyền như vậy. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề tội phạm ma túy ở ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Dilan Yesilgoz-Zegerius tuyên bố trước quốc hội nước này: "Chúng ta chưa bao giờ có nhiều tiền như tội phạm, nhưng sau khi ký kết hiệp ước với Bỉ và Luxembourg, chúng ta đã có đủ nguồn lực để tự tin đối đầu trực diện với tội phạm... Chúng ta không chỉ đang tấn công mafia ở bến cảng hay trên đường phố. Chúng ta sẽ đến từng cửa hàng, từng công ty bất động sản, từng văn phòng luật sư một để "bẻ chân rết" của chúng".
Những bọc tiền buôn bán ma túy bị cảnh sát Luxembourg bắt giữ.
Lực lượng phản ứng liên ngành, tức cơ quan chuyên điều tra tội phạm có tổ chức của chính phủ Hà Lan, mới đây đã công bố thành công của sự hợp tác với cảnh sát Bỉ để thu thập chứng cớ cho thấy một loại gallery tranh, công ty vận chuyển và thậm chí là doanh nghiệp bốc dỡ hàng hóa tại sân bay Schiphol (tại Amsterdam) có liên quan đến tội phạm có tổ chức. Một số ngân hàng sau cuộc điều tra chung này cũng đã bị phạm và cấm vận do tham gia rửa tiền.
Việc hợp tác không chỉ dừng lại ở ba nước vùng Benelux. Vào ngày 9/1/2024, cảnh sát Luxembourg và Đức đã phối hợp bắt giữ bắt giữ bốn kẻ buôn ma túy đang điều khiển chiếc xe chở container chứa đầy cocaine và tiền mặt qua lại giữa biên giới hai nước. Họ biết về những đối tượng này kể từ khi hải quan Pháp thu giữ được một chiếc xe container tương tự vào năm 2017. Công ty vận chuyển sở hữu chiếc xe đó đăng ký hoạt động tại Luxembourg. Nhờ sự chia sẻ thông tin giữa cảnh sát Pháp, Đức và Luxembourg mà họ đã tóm được không chỉ 4 đối tượng tội phạm (trong đó có cả ông trùm băng đảng) mà còn tịch thu 4 bất động sản và nhiều xe hơi tổng trị giá 9 triệu euro, một số tài khoản ngân hàng tổng trị giá 187 nghìn euro, và 26 nghìn euro tiền mặt.
Sau đó ít ngày vào rạng sáng 16/1, cảnh sát Bỉ đột kích vào 45 căn nhà và văn phòng ở Brussels và Antwerp để bắt giữ các đối tượng tội phạm. Chiến dịch này xuất phát từ phiên tòa đại án mở ngay vào buổi sáng hôm sau đó (17/1) để xét xử 120 đối tượng tội phạm buôn bán ma túy. Các đối tượng người gốc Bỉ, Albania, Colombia và Ai Cập phải đối mặt với hàng loạt tội danh cực kỳ nghiêm trọng, và một số trong đó như đối tượng Eriden Munoz Guerrero (một kẻ chuyên lái xe hạng sang cất giấu qua túy qua lại giữa Đức, Ý và Thụy Điển) đã thành khẩn nhận tội và cung cấp thông tin cho cảnh sát để được giảm án. Từ những thông tin này mà cảnh sát Bỉ đã thực hiện thành công 45 cuộc đột kích kể trên.
Một vấn đề lớn mà các nước Châu Âu đang phải đối mặt là những ông trùm lẩn trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Saudi Arabia, v.v... Rất khó để trục xuất thành công những đối tượng này về nước. Nguyên bộ trưởng tư pháp Luxembourg Vincent Van Quickenborne nói: "Bỉ ký kết hiệp ước dẫn độ với UAE từ năm 2021 mà đến nay mới chỉ dẫn độ thành công chưa đến 10 đối tượng về nước... Các đồng nghiệp của tôi ở Ý, Tây Ban Nha, Đức và Pháp đều giữ danh sách những đối tượng tội phạm đang lẩn trốn ở Dubai, nhưng làm thế nào họ cũng không khiến được UAE trục xuất chúng về nước".
Kế hoạch của ông Vincent Van Quickenborne và quan chức tư pháp các nước châu Âu khác là thành lập được mạng lưới hợp tác giữa cảnh sát và cơ quan công tố xuyên biên giới, sau đó sử dụng liên minh này để xúc tiến việc EU gây áp lực lên những quốc gia vùng Vịnh tuân thủ hiệp định dẫn độ. Họ đang tiến đến gần hơn mục tiêu này do Bỉ đang giữ chức chủ tịch luân phiên của hội đồng EU, nghĩa là Brussels có thể đề ra mục tiêu cho chính phủ các nước thành viên EU.
Mới đây bộ trưởng tư pháp các nước Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban nha đã gặp nhau ở Antwerp để bàn thảo về việc hợp tác chống tội phạm ma túy. Họ đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ việc khối EU thực hiện những hành động tập thể mang tính mạnh tay hơn để chống tội phạm. Bộ trưởng tư pháp Hà Lan Dilan Yesilgoz-Zegerius phát biểu sau cuộc hội thảo: "Chúng tôi không ảo tưởng rằng mình có thể xóa sạch toàn bộ tội phạm. Nhưng chúng tôi muốn khiến việc kinh doanh của tội phạm ma túy ở Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Đức và Pháp trở nên khó khăn đến mức chúng buộc phải dừng lại".
Cuộc chiến 'đẫm máu' giữa các băng đảng ma túy ở Marseille, Pháp Mùa du lịch đang sôi động ở Marseille, nhưng trong tháng 8 này nơi đây cũng rung chuyển bởi một cuộc chiến ma túy đẫm máu. Cảnh sát kiểm tra hiện trường quanh chiếc xe ô tô đầy vết đạn ở quận Estaque, Marseille, hôm 2/6/2023. Ảnh: Maxppp Bảy người đã chết kể từ đầu tháng, nạn nhân đều là đàn ông trong...