Báo động tai nạn trên đường cao tốc: Đi bộ, chạy xe máy, đón xe khách trên cao tốc
Không khó để thấy hình ảnh người đi bộ, chạy xe máy, đón xe khách trên đường cao tốc.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cửa ngõ quan trọng với 20 triệu dân vùng ĐBSCL.
Phá rào chắn để đón xe khách
Anh Nguyễn Hữu Vinh, tài xế xe cứu thương từ thiện ở TP.Mỹ Tho ( Tiền Giang), hằng ngày chở bệnh nhân lên TP.HCM cấp cứu, cho biết từ khoảng 2 năm qua, khi di chuyển xe vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương rất dễ dàng trông thấy có xe dân sự chạy vào đường dừng khẩn cấp. Một số tài xế lên cao tốc còn vừa chạy vừa ngắm cảnh với vận tốc 30 – 40 km/giờ. “Chạy trên cao tốc mà tôi cứ thấy xe máy hoài, thậm chí phải tránh những người đi bộ vượt ngang tuyến chính cao tốc… Thực trạng như vậy thì sao mà không tai nạn, nghĩ sao mà dám chạy với vận tốc nhanh”, tài xế Vinh nói.
Đầu kéo container bị hư hại trong một vụ tai nạn trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An. Ảnh BẮC BÌNH
Video đang HOT
Theo ghi nhận thực tế nhiều ngày của chúng tôi, phản ảnh của tài xế Vinh là hoàn toàn chính xác. Thậm chí, tại khu vực cầu vượt số 10 (qua địa bàn H.Tân Phước, Tiền Giang), có nhiều người đã phá rào chắn cao tốc để vào tuyến chính đón xe khách từ hướng miền Tây lên. Đèn tại các trạm thu phí thậm chí có khi không đủ sáng, các vụ tai nạn, va quệt vào các trụ thu phí chậm được khắc phục. Các bảo vệ thường trực tại đây cũng thỉnh thoảng mới xuất hiện một lần khiến cho người điều khiển xe máy muốn “du ngoạn” trên đây cũng không có ai ngăn cản kịp thời. Không chỉ xe 4 chỗ thường xuyên đi sai làn mà cả xe khách 50 chỗ, container cũng sai làn liên tục… và đều không bị xử lý.
Di chuyển trên tuyến cao tốc, ít thấy có CSGT tuần tra lưu động trên tuyến như trước kia. Thời gian gần đây, CSGT thường chỉ có mặt ở một trạm cố định tại khu vực qua phía sau Trạm thu phí Chợ Đệm (hướng lên TP.HCM) rẽ vào đường Võ Trần Chí.
Quá trọng tải ở 13 cầu vượt
Theo các tài xế, vấn đề đáng lo nhất là hiện độ ma sát bám dính mặt đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã giảm độ sâu, nhiều đoạn trong trạng thái trơn trượt. Một vấn đề rất nghiêm trọng khác là trên tuyến cao tốc này có 13 cầu vượt sông, cầu cạn với tải trọng thiết kế 30 tấn nhưng từ lâu không kiểm soát tải trọng của các phương tiện đầu vào nên nguy cơ hư hỏng, sụp đổ các công trình cầu đột ngột… là hoàn toàn có thể xảy ra.
Một trăn trở khác của cánh tài xế là đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chỉ có 2 làn xe (mỗi bên) mà không có làn dừng khẩn cấp. Trong khi lượng phương tiện lớn di chuyển vô tội vạ từ tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương vào rất dễ gây tắc nghẽn giao thông. Thực tế ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vừa thông tuyến đã bị kẹt xe rất nghiêm trọng. Trong 15 ngày cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cho xe chạy trên toàn tuyến đã xảy ra ùn ứ phương tiện liên tục với thời gian “đứng bánh” rất lâu mà ngành chức năng, đơn vị quản lý dự án cũng không thể có giải pháp nào hữu hiệu.
Trả lời Thanh Niên, một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết việc tuần tra, kiểm soát trên các tuyến cao tốc đều không do đơn vị phụ trách mà thuộc Cục CSGT (C08) – Bộ Công an. Trong khi trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương không hạn chế mức trọng tải, loại phương tiện… được di chuyển vào nên dù CSGT Công an tỉnh Tiền Giang muốn phân luồng, điều tiết sẽ bị các tài xế phản ứng.
Một lý do nữa liên quan đến việc thu phí trên tuyến cao tốc này. Theo đại diện Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, từ khi trạm thu phí trên tuyến ngưng hoạt động, số phương tiện các loại đi vào đạt từ 30.000 – 40.000 lượt/ngày đêm, cao điểm như lễ – tết đạt 60.000 – 70.000 lượt/ngày đêm, tăng từ 30 – 40% so với thời điểm có thu phí. Cũng do lượng phương tiện quá đông nên tai nạn xảy ra cũng nhiều hơn.
Theo thống kê của C08, trong quý 1/2022, trên 2 tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông, làm 46 người thương vong. Trong đó, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55,7 km (hơn cao tốc TP.HCM – Trung Lương gần 16 km) xảy ra 30 vụ, làm 17 người thương vong, còn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương xảy ra đến 76 vụ, làm 29 người thương vong. Khoảng 75% số vụ tai nạn do tài xế điều khiển xe không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định; chuyển hướng không đúng quy định; không giữ khoảng cách an toàn; vi phạm tốc độ; tránh, vượt xe khi không đảm bảo an toàn; không chấp hành quy định về biển báo; xăm lốp bị thủng. 25% số vụ tai nạn còn lại do tài xế thiếu quan sát.
Theo tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, để đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và ngăn chặn sự xuống cấp các công trình, Bộ GTVT cần khẩn trương hoàn thành đề án thu phí trở lại đối với tuyến cao tốc này. Trong đó, cần kiểm soát chủng loại và tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông để tạo nguồn thu cho ngân sách và đảm bảo chi phí thực hiện quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, phát huy hiệu quả khai thác đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Một giải pháp quan trọng trước mắt để giảm bớt tình trạng ùn ứ phương tiện, ngăn chặn tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, theo các chuyên gia, trong thời gian tới là quản lý, giám sát sao cho các phương tiện ô tô từ 16 chỗ trở xuống đi làn trong (gần con lươn), các phương tiện còn lại đi làn giữa. Đặc biệt, các phương tiện quá trọng tải so với các cầu vượt phải được phân luồng di chuyển trên QL1.
Long An: Xe khách cháy rụi trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Đang lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, đoạn thuộc địa bàn tỉnh Long An, xe khách bất ngờ bốc cháy và trong phút chốc bị lửa thiêu rụi.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 19 giờ 45 ngày 11.12, xe khách loại 29 chỗ mang BS tỉnh Bến Tre, lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hướng từ Tiền Giang đi TP.HCM. Khi đến đoạn thuộc địa bàn xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, Long An, tài xế phát hiện phía sau xe có khói và lửa nên cho xe dừng trên làn dừng khẩn cấp, đồng thời dùng bình chữa cháy trên xe để dập lửa.
Hiện trường vụ cháy xe khách trên đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Ảnh LÊ LANG
Cùng thời điểm này, Đội tuần tra đảm bảo giao thông cứu hộ cứu nạn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang trên đường tuần tra. Phát hiện vụ việc, lực lượng tuần tra phối hợp chính quyền địa phương cùng tài xế xe khách dập lửa nhưng ngọn lửa bùng phát mạnh khiến việc chữa cháy bất thành.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Long An đã điều xe chữa cháy có mặt tại hiện trường để dập tắt ngọn lửa. Tuy nhiên, xe khách đã bị lửa thiêu rụi.
Tại thời điểm xảy ra cháy, trên xe không có hành khách. Hiện vụ cháy xe trên cao tốc Trung Lương - TP.HCM đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra nguyên nhân và thống kê thiệt hại.
Bỏ mặc cầu vượt, người đi bộ băng qua đường thách thức 'tử thần' Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, thành phố đã có 46 cầu vượt đi bộ được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng. Số cầu vượt này có trị giá đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng, nhưng điều đáng nói, vì nhiều nguyên nhân, rất nhiều cầu vượt đã không phát huy...