Bảo đảm quyền lợi bầu cử khi công dân đang cách ly phòng, chống dịch COVID-19
Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, thực hiện hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những địa phương có công dân đang cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đã, đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, phương án bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.
Đồng thời bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của công dân cách ly trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.
Diễn tập bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu cách ly tập trung thị trấn Nga Sơn.
Là một trong những điểm “ nóng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khi tính đến ngày 17-5, huyện Nga Sơn có 65 trường hợp đang thực hiện cách ly tập trung tại công sở xã Nga Hưng cũ (39 người); công sở xã Nga Lĩnh cũ (25 người) và Bệnh viện Đa khoa huyện (1 người), phần lớn những trường hợp này liên quan đến bệnh nhân 3091. Đến ngày 26-5, những người đang thực hiện cách ly tập trung mới hoàn thành thời gian cách ly, trong khi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào ngày 23-5. Do đó, Ủy ban Bầu cử huyện Nga Sơn đã xây dựng phương án, chỉ đạo các tổ bầu cử chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch bảo đảm cho người đang thực hiện cách ly tập trung hay cách ly y tế tại nhà đều được tham gia bỏ phiếu bầu cử theo quy định.
Ông Lê Văn Dậu, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Toàn huyện có 162 khu vực bỏ phiếu. Đến nay, đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại các khu vực bỏ phiếu và cả trong các khu cách ly tập trung. Quan điểm của huyện là sẽ làm hết sức, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm quyền bầu cử của mọi cử tri. Mục tiêu quan trọng nhất lúc này là cử tri vừa được thực hiện quyền bầu cử, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Tại thị trấn Nga Sơn – nơi có một điểm cách ly tập trung cho các trường hợp F1 – những ngày này, các thành viên trong tổ bầu cử vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa phải rà soát di biến động cử tri, các trường hợp hết thời gian cách ly y tế tại nhà nhưng vẫn phải theo dõi sức khỏe, để chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, thành công. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Nga Sơn Trương Thị Hoài, trên địa bàn thị trấn có 47 cử tri trong khu cách ly tập trung, trong đó cử tri thuộc trường hợp F1 là 33 người và cử tri là cán bộ khung, lực lượng y tế, quân đội, công an phục vụ trong khu cách ly là 14 người. Ngoài ra, tính đến ngày diễn ra bầu cử, toàn thị trấn có khoảng 20 người vẫn đang trong thời gian cách ly tại nhà. Để bảo đảm quyền lợi cho các cử tri thuộc diện trên, căn cứ hướng dẫn chung của Trung ương, của tỉnh và huyện, ủy ban bầu cử thị trấn đã xây dựng kịch bản, phương án cụ thể cho việc tổ chức bầu cử tại điểm cách ly tập trung và cho các công dân đang cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, công tác rà soát danh sách cử tri, biến động đi và đến được cập nhật liên tục nhằm bảo đảm quyền lợi của cử tri. Thành viên trong các tổ bầu cử cũng đã được tập huấn kỹ cả về nghiệp vụ công tác bầu cử, về kiến thức, quy định phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, ngày 16-5 vừa qua, thị trấn đã tổ chức diễn tập bầu cử tại tổ bầu cử số 5, trong đó chú trọng kỹ năng và quy trình sử dụng hòm phiếu phụ bảo đảm an toàn tại khu cách ly tập trung và đối với các trường hợp đang cách ly tại nhà. Được biết, ngoài thị trấn Nga Sơn, hoạt động diễn tập bầu cử trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã được xã Nga Hải, Nga An và xã Nga Phượng triển khai thực hiện.
Không riêng huyện Nga Sơn, thực hiện hướng dẫn của Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6329/UBND-VX về việc hướng dẫn một số tình huống bầu cử do dịch COVID-19 có thể xảy ra trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, tại các địa phương, đặc biệt là những địa phương có công dân đang thực hiện cách ly tập trung, cách ly tại nhà như huyện Quảng Xương, Quan Sơn, thị xã Nghi Sơn… ủy ban bầu cử huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, phối hợp với ngành chức năng chuẩn bị tốt các điều kiện cho cuộc bầu cử trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là việc tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, tại khu vực cách ly tập trung nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Qua thống kê của ngành chức năng, đến hết ngày 17-5, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công dân đang thực hiện cách ly tập trung tại 39 khu vực cách ly, như Bệnh viên Phổi Thanh Hóa 36 công dân; khu cách ly tại huyện Quan Sơn 26 công dân, khu cách ly tại huyện Quảng Xương 30 công dân; tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Trường Đại học Hồng Đức có 106 công dân… Cùng với đó, toàn tỉnh có trên 4.000 công dân đang thực hiện giám sát y tế, theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà.
Video đang HOT
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Thuật, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tại các khu cách ly tập trung, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, niêm yết danh sách cử tri, người ứng cử, các quy định chặt chẽ, nghiêm túc trong quá trình bầu cử. Công dân trong khu cách ly được tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 dưới nhiều hình thức cả thông báo trên loa truyền thanh nội bộ và tuyên truyền trực quan. Đến thời điểm này, công dân ở các khu cách ly đã nắm được các quy định về bầu cử. Do vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tin tưởng công dân ở các khu cách ly trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện tốt quyền công dân của mình, để lựa chọn được người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Cũng theo Đại tá Thuật, tại khu cách ly, trong ngày bầu cử (23-5) sẽ sử dụng hòm phiếu phụ để tiến hành bầu cử, đồng thời thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Việc phát phiếu bầu cử cho cử tri và tổ chức để cử tri bỏ phiếu được thực hiện đúng theo quy định; đồng thời bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để công dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
Hiện, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn rất phức tạp, khó lường, vì vậy ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tầng lớp Nhân dân không chủ quan, lơ là, nhất là khi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đã cận kề. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải đề cao cảnh giác, có kế hoạch, chủ động, kịp thời triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn cho đại biểu và cử tri tham dự bầu cử; bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri trong cuộc bầu cử, kể cả những người đang thực hiện cách ly tập trung hay đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, cách ly tại nhà.
Kiên định thực hiện "mục tiêu kép", tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Tại Chỉ thị Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và kiên định thực hiện "mục tiêu kép", tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh...
Quản lý chặt chẽ các khu cách ly, phong tỏa, không để lây nhiễm chéo; Dập triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và kiên định thực hiện "mục tiêu kép", tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/ 2021; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khoanh vùng nhanh nhất các ổ dịch, truy vết thần tốc, xác định các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên diện rộng; quản lý chặt chẽ các khu cách ly, phong tỏa, không để lây nhiễm chéo; kịp thời tổ chức giãn cách xã hội khi phát hiệm ca nhiễm mới với phạm vi phù hợp; tăng cường khai báo y tế tại các cơ sở lưu trú; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; dập triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu cách tiếp cận mới phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 ở trong nước và trên thế giới; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 của nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin COVID-19 trong nước; sớm ban hành quy trình nhập khẩu và tiêm chủng vắc-xin COVID-19.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trong đó, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, xử lý hài hòa, có hiệu quả các cân đối lớn trong phát triển đất nước để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó chú trọng việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; phát triển nhanh nền kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; phát huy cả nội lực và ngoại lực; vừa xác định mục tiêu ngắn hạn, vừa tính đến mục tiêu dài hạn, bền vững; bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia và các cân đối vĩ mô khác.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu, tạo đà cho khôi phục kinh tế trong bối cảnh diễn biến mới của dịch COVID-19; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng mới, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hiện hành hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; kịp thời đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành chính sách hỗ trợ mới và kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để triển khai có hiệu quả, khả thi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tập trung triển khai ngay việc tháo gỡ khó khăn của các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp vướng mắc, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng tại các Nghị quyết của Chính phủ; triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng, tiến độ giải ngân thực hiện các dự án ngay từ đầu năm.
Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
Hạn chế tối đa hoặc dừng hoạt động lễ hội
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội Xuân gắn với an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hạn chế tối đa hoặc dừng các hoạt động lễ hội, tập trung đông người để giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo về việc trở lại trường của học sinh, sinh viên, việc tổ chức học tại trường gắn với phòng, chống dịch COVID-19 và việc chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến để bảo đảm chương trình học.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các địa phương để kịp thời có giải pháp phù hợp, hạn chế tình trạng thiếu lao động sau kỳ nghỉ Tết, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bộ Công an tiếp tục đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông, chạy xe quá tốc độ quy định; tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động công tác phòng ngừa cháy, nổ, nhất là tại lễ hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung: gieo cấy lúa vụ xuân ở Bắc Bộ bảo đảm khung thời vụ; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo vệ sản xuất; tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi đẩy mạnh công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, triển khai hiệu quả sáng kiến trồng mới 01 tỷ cây xanh, tổ chức phát động trồng cây tại các địa phương ngay sau Tết Nguyên đán; bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và dông lốc, mưa đá...
Đẩy mạnh chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc Đẩy mạnh thực hiện chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng và nhanh; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; kiên quyết không để dịch lây lan trên diện rộng... Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn...