Báo chí trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến nhiều ngành nghề. Báo chí Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc trong xu thế hội nhập mạnh mẽ.
Sự phát triển công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ truyền thông xã hội vừa tạo ra thách thức, vừa tạo cơ hội cho những người làm báo Việt Nam.
Áp lực phải thay đổi
Với sự bùng nổ internet, đặc biệt là tốc độ truy cập ngày càng nhanh, vài năm trở lại đây, truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ với bất kỳ ai cũng có thể đăng thông tin lên mạng xã hội. Do đó, truyền thông xã hội được cho là một trong những cách thức truyền thông mới được đề cập nhiều trong vài năm gần đây. “Truyền thông xã hội dựa trên sự giao lưu, chia sẻ thông tin trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến với sự kết nối hai hay nhiều cá nhân và được lan truyền nhanh chóng. Đây là sự khác biệt giữa truyền thông xã hội với các phương tiện thông tin truyền thống – nơi các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp giữ vai trò hạt nhân, kết nối truyền thông và đưa tin”, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Gian trưng bày các ấn phẩm của TTXVN tại Hội báo toàn quốc 2019.
Trong một xã hội “mở”, truyền thông xã hội gắn với hoạt động truyền thông không chính thức, gắn với việc đưa ra quan điểm riêng của cá nhân và một vấn đề nhóm người quan tâm. Truyền thông xã hội lan truyền nhanh chóng và có tính tương tác cao giữa những người tham gia. Do đó, sự phát triển truyền thông xã hội phụ thuộc lớn và môi trường internet. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ quan báo chí, thậm chí đảo lộn và thay đổi môi trường truyền thông hiện nay.
“Nghiên cứu về những tác động đến báo chí truyền thống năm 2019 cho thấy cho thấy: 22% tác động bởi truyền thông xã hội; 20% đến từ nguồn nhân lực; 19% bị tác bởi tin giả; 8% từ áp dụng công nghệ… Điều đó cho thấy truyền thông xã hội đang có chi phối rất lớn đến báo chí truyền thống hiện nay. Khảo sát tại một số trường đại học cho thấy nhiều bạn trẻ tiếp cận thông tin chủ yếu qua mạng xã hội, thậm chí không nghe đài, không đọc báo in, không xem truyền hình”, ông Cao Hoàng Nam, Điều phối viên trưởng Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.
Các nghiên cứu của chương trình cho thấy với tác động của truyền thông xã hội, thông tin lan truyền mang tính cá nhân hóa. Với công nghệ đường truyền 5G đang thử nghiệm với khả năng tải dữ liệu gấp 4 lần hiện nay. “Đồng thời, phương tiện đầu cuối (smartphone) với nhiều tính năng, xu hướng đọc báo trên điện thoại sẽ ngày càng phổ biến. Thay vì đọc tin, người dùng sẽ chuyển hướng xem video, thoại hơn là đọc sẽ là xu hướng. Đây còn gọi là thời kỳ của báo chí di động”, ông Cao Hoàng Nam nhận định.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) nhận định: Thời đại thông tin số đã cho phép con người từ khắp nơi trên trái đất có thể kết nối chia sẻ ý tưởng và làm việc cùng nhau. Mọi người không còn chỉ ràng buộc bởi tin tức do báo chí chính thống cung cấp mà họ tự tạo ra tin. Công chúng trở thành nhà truyền thông cho chính họ và những cộng đồng mà họ chia sẻ ý tưởng. Bên cạnh những lợi thế của thời đại thông tin số mang lại cho sự phát triển của báo chí thì nhà báo cũng như các cơ quan báo chí phải đương đầu với thách thức số hóa và sự mất quyền độc tôn là người “gác cổng” thông tin trong xã hội.
Bên cạnh đó, “nhà báo người máy” hay “trí tuệ nhân tạo-AI”, hoặc “báo chí tự động” không còn là khái niệm mới mà thực tế đã trở thành một tác nhân làm thay đổi nghề làm báo truyền thống đã được hình thành trong khoảng 4 thế kỷ nay. “Với đà này, sự suy giảm báo in hiện hữu khi công chúng truyền thông đã quá quen với việc lấy thông tin trên điện thoại di động hay máy tính bảng, vừa thuận tiện, gọn nhẹ vừa nhanh chóng và đầy ắp thông tin. Với những thách thức của báo chí truyền thống trong hai thập kỷ qua, từ báo miễn phí đến sự xuất hiện của báo điện tử, rồi mạng xã hội, và nay là sự xuất hiện của “nhà báo” robot khiến các nhà báo lo lắng về tương lai của nghề nghiệp”, PGS, Tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng chia sẻ.
Đánh giá về sự thích ứng của báo chí Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Hồ Quang Lợi cho rằng một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Thay vào đó, nhiều khi, nhà báo cần phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”.
Video đang HOT
“Việc sử dụng mạng 5G sắp tới tại Việt Nam sẽ có lợi không chỉ riêng đối với báo chí, truyền thông mà còn tác động tích cực đến nhiều ngành kinh tế. Đối với ngành báo chí, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ bởi công chúng đã thay đổi thói quen tiêu thụ báo chí. Các cơ quan báo chí cần áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong qui trình tác nghiệp tin tức của nhà báo như thu thập và phân tích dữ liệu, viết và xuất bản tin tức trong thời đại công nghệ số. Các cơ quan báo chí lớn, đa phương tiện, đa nền tảng sẽ có nhiều lợi thế hơn các cơ quan báo chí nhỏ bởi họ có tiềm lực để xây dựng các kênh truyền thông mới vươn tới khán giả, độc giả”, PGS, Tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng đánh giá.
Nội dung giữ vai trò quyết định
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê, ông Lê Quốc Vinh chỉ ra thực trạng mạng xã hội hiện nay và cho rằng: Đặc tính của báo chí truyền thống hiện nay là thông tin bị động. Báo chí không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ, nhưng có thể cạnh tranh về tính pháp lý, độ tin tưởng, chính xác của thông tin. Để có thể là kênh thông tin được lựa chọn, tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với mạng xã hội, báo chí phải cùng lúc đạt được ba yếu tố: Có chất lượng cao (có tính xác thực, trung thực, độc lập cao), tạo ra được cơ chế trong bảo vệ tác quyền, các giải pháp thu từ người đọc với bài viết chất lượng.
Đứng ở góc độ đào tạo, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí tuyên truyền) cho rằng: Báo chí không còn vai trò cung cấp thông tin độc tôn mà còn có cả sự tham gia của mạng xã hội. Tuy nhiên, báo chí hơn truyền thông xã hội ở giá trị thông tin và thông tin được kiểm định. Do đó báo chí khai thác lại thông tin từ truyền thông xã hội cần có chọn lọc.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, trong “cuộc đua” về thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội với vô van tin giả, tin chưa được kiểm chứng thì báo chí truyền thống đang năm giữ nhiều lợi thế, đặc biệt người đọc đang hướng tìm thông tin được kiểm chứng, toàn cảnh và có sự bình bình luận sắc sảo. Do đó cơ quan báo chí phải đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác.
“Để sàng lọc được thông tin thì người làm báo cần rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu khoa học – công nghệ, mà còn cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, hiểu biết, vốn nghề, xác định tâm thế dấn thân. Bên cạnh cập nhật kiến thức làm báo của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà báo phải thường xuyên tự bồi đắp kiến thức, viết về lĩnh vực gì thì phải nắm chắc lĩnh vực đó”, ông Hồ Quang Lợi nhận xét.
Còn ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để báo chí phát triển hơn. Từ khi xuất hiện truyền thông xã hội, báo chí đã thay đổi, nhanh hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên, để có chỗ đứng trong lòng độc giả thì nội dung chất lượng vẫn là yếu tố hàng đầu để có người đọc thường xuyên, trung thành. Nội dung muốn được người dân quan tâm tìm đọc là những vấn đề đời sống. Internet là cuộc cách mạng thông tin và muốn làm chủ thì báo chí không chỉ làm chủ công nghệ mà cả vấn đề nội dung.
Theo Báo Tin Tức
Làm báo thời cách mạng 4.0: Vượt qua những 'bức tường' khổng lồ
Chris Hayes, tác giả kiêm người dẫn chương trình truyền hình của hãng tin nổi tiếng MSNBC, tóm gọn tương lai của báo chí trong dòng tweet với câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu không có mô hình kinh doanh đạt lợi nhuận nào cho tin tức kỹ thuật số?
Đó là một cuộc khủng hoảng". Làm báo thời cách mạng 4.0 sẽ đứng trước những "bức tường' rào cản khổng lồ, với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nếu biết cách vượt qua, phía trước sẽ là biển rộng thông tin và cơ hội phát triển". Báo chí VN chắc chắn không thoát khỏi quy luật đó. PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam về làm báo thời cách mạng 4.0 hướng tới nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay.
Độc giả ở đâu thì ta ở đó
Thưa ông, ông có nhìn nhận gì về những thuận lợi và thách thức của báo chí nước ta trong thời đại công nghệ số, công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay?
"Đang có một thuật ngữ là "ngộ độc thông tin" - khi có quá nhiều thông tin độc hại, tin thật thiệt, tin giả, khiến nhiều độc giả kinh sợ, thậm chí có người không muốn đọc tin nữa. Nguy hiểm hơn là với sự phát triển của công nghệ, các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể sản xuất ra tin giả với số lượng khủng khiếp".
Không chỉ báo chí Việt Nam mà báo chí nước ngoài cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức. Khi báo in suy giảm, nhiều nhà nghiên cứu cũng như lãnh đạo các cơ quan báo chí đều khẳng định rằng phải đi theo con đường kỹ thuật số, phải đầu tư cho nội dung số thì báo chí mới có thể tồn tại bằng nguồn doanh thu mới và tiếp cận độc giả trên các nền tảng mới. Thậm chí người ta đánh giá rằng các cơ quan báo chí lâu đời có khả năng tụt hậu trước sự xuất hiện của nhiều công ty truyền thông thành thạo với công nghệ, biết cách sử dụng thuật toán để tạo ra nội dung thu hút người xem, và những công ty truyền thông này thậm chí có lợi thế khi bắt tay với nhiều ông lớn công nghệ như Facebook để thử nghiệm những tính năng mới mẻ.
Thực tế cho thấy những phỏng đoán này chỉ đúng một phần. Quả thực độc giả ngày nay xa rời các nền tảng truyền thống như báo in, truyền hình nên các cơ quan báo chí muốn tiếp cận đối tượng của mình thì không còn cách nào khác là đi theo đường lối "độc giả ở đâu thì ta ở đó" - phải có mặt trên máy tính, thiết bị di động, truyền thông xã hội hoặc các ứng dụng nhắn tin, và tương lai là những thiết bị đeo trên người hay các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói, thực tế ảo... Oái oăm là nỗ lực sản xuất nội dung cho nền tảng kỹ thuật số không song hành với nguồn thu quảng cáo. Mặc dù chi phí quảng cáo kỹ thuật số ngày càng tăng lên, nhưng theo số liệu vào năm 2018 của eMarketer, đến gần 60% rơi vào túi Google và Facebook, kế đến là Amazon với 4%. Vậy là hàng tỷ trang web, trong đó có các cơ quan báo chí, chỉ có thể cạnh tranh phần ít ỏi còn lại.
Các cơ quan báo chí - bên cạnh việc cải thiện chất lượng nội dung để lấy lại niềm tin của người dùng và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới - cũng áp dụng rất nhiều biện pháp đa dạng hóa nguồn doanh thu, từ việc xây dựng các chiến dịch nội dung có tài trợ, tổ chức sự kiện, tận dụng lợi thế riêng để trở thành đại lý quảng cáo, cấp phép thương hiệu sản phẩm, hoặc tham gia thương mại điện tử, kinh doanh dữ liệu, cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, thậm chí đầu tư vào các ngành nghề khác.
Một khó khăn nữa là tình trạng hỗn loạn về thông tin, đặc biệt là trên mạng xã hội. Đang có một thuật ngữ là "ngộ độc thông tin" - khi có quá nhiều thông tin độc hại, tin thật thiệt, tin giả, khiến nhiều độc giả kinh sợ, thậm chí có người không muốn đọc tin nữa. Nguy hiểm hơn là với sự phát triển của công nghệ, các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể sản xuất ra tin giả với số lượng khủng khiếp. Nên đây cũng chính là thời điểm rất phù hợp để các cơ quan báo chí khẳng định vị thế của mình bằng những nội dung chân thực, công bằng và cân bằng.
Hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đang chuyển dần sang phát triển đa phương tiện, đa nền tảng nhưng lại chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của loại hình này? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong một thời gian dài, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam quan sát sự đổi thay của báo chí thế giới với thái độ rất thong thả, luôn có suy nghĩ rằng những gì xảy ra trên thế giới thì còn lâu mới đến Việt Nam, nhanh thì cũng phải dăm năm hoặc thậm chí lâu hơn. Nhiều cơ quan báo in nhận thấy phải chuyển dần sang nền tảng số nhưng chỉ coi bộ phận báo điện tử như một đơn vị nhỏ và hoàn toàn không có chiến lược rõ ràng, không có đầu tư thỏa đáng.
Chiến lược làm báo điện tử của nhiều báo khá đơn giản, chỉ cần đầu tư một hệ thống quản trị nội dung (CMS) vừa vừa, thêm vài thiết bị phần cứng như máy ảnh hay máy quay video, vậy là yên tâm có nội dung digital. Cũng có báo trăn trở với chuyện lượng truy cập, thuê hẳn chuyên gia SEO về hướng dẫn phóng viên, biên tập viên, cũng có những đơn vị khá tích cực, áp dụng từ việc tăng nội dung video đến tính năng live-stream trên Facebook vốn rộ lên một thời gian.
Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Báo chí thế giới lên tục chuyển từ phương thức này sang phương thức khác, từ chiến lược ưu tiên website (web-first) đến thiết bị di động (mobi-first) rồi tới ưu tiên cho thông tin lên mạng xã hội (social-first), chuyển từ chiến lược tăng lượng truy cập sang tăng mức độ tương tác rồi đến thu hút sự trung thành của độc giả để biến sự trung thành đó thành việc đăng ký thuê bao trả phí lâu dài. Rồi các xu hướng báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo... Và đi cùng là những chiến lược nội dung ngày càng đa dạng, kết hợp đủ loại công nghệ mà hôm nay có thể đúng, ngày mai đã không còn hợp thời, nhưng quan trọng là báo chí thế giới thử nghiệm liên tục nhiều chiến lược nội dung khác nhau kết hợp với công nghệ truyền thông.
Công nghệ là một phần quan trọng
Khi nói đến cách mạng 4.0 và báo chí người ta thường nói đến làm báo bằng trí tuệ nhân tạo, làm báo bằng robot. Điều này giúp hoạt động tác nghiệp báo chí nhanh chóng hơn, nhưng cũng gây ra áp lực đối với nhà báo trước lo ngại robot có thể thay thế con người trong nhiều khâu làm báo?
- Áp dụng công nghệ hiện đại, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo hay Internet vạn vật (IoT), vào quy trình làm báo là xu hướng đang xảy ra rộng khắp và không thể đảo ngược. Tuy nhiên trong tương lai gần, báo chí robot (robot journalism) chủ yếu sẽ được áp dụng cho các lĩnh vực thể thao, thông tin tài chính và báo cáo doanh nghiệp hoặc những tin tức tổng hợp. Máy móc sẽ đảm trách những công việc lặp đi lặp lại, thường là vụn vặt, giải phóng thời gian cho các nhà báo để họ có thể tập trung vào các bài phân tích, bình luận, phóng sự điều tra...
Máy móc cũng có thể hỗ trợ cho các nhà báo rất nhiều, chẳng hạn nó có thể quét hàng ngàn, hàng vạn trang hồ sơ hay sục sạo vào khối dữ liệu khổng lồ để phát hiện những giao dịch bất thường, những điểm giống nhau trong hàng loạt vụ tai nạn hay giết người, từ đó chỉ ra manh mối cho các nhà báo.
Báo chí là một hoạt động sáng tạo bao gồm nhiều công đoạn, sự tham gia của nhiều người và liên quan đến nhiều đối tượng. Máy móc có thể đến lúc thông minh đến mức độ viết tin văn bản giống như người dựa trên những dữ kiện có sẵn, nhưng chưa thể hình dung robot có thể viết những bài phóng sự điều tra cầu kỳ, tạo ra những sản phẩm nội dung đa phương tiện phức tạp...
Vậy báo chí cần thay đổi nội dung như thế nào để thu hút độc giả?
- Xét về nội dung, để thu hút độc giả, khán thính giả thì chẳng có cách nào khác là phải có chất lượng cao, truyền đạt những thông tin chính xác, trung thực, những kiến thức hữu ích giúp người dùng có thể ra những quyết định đúng đắn cho công việc và cuộc sống của họ. Đương nhiên, nội dung phải được trình bày hấp dẫn mới thu hút được người dùng - vốn xao lãng vì có quá nhiều kênh cung cấp thông tin mới mẻ, cả chính thống và phi chính thống. Đương nhiên, công nghệ sẽ là một phần quan trọng của mỗi tòa soạn vì không có công nghệ thì nội dung hay cũng khó mà đến được với độc giả.
Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT-TT
Lo về "dòng trạng thái"
Với sự phát triển của công nghệ, người làm báo hiện nay đang bị tác động, "rung lắc" hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ việc lọc thông tin, tìm sự thật khó như hiện tại. Nhiều sự việc chỉ 2-3 tiếng đã có hàng triệu bình luận, nhưng có khi hai ba hôm sau lại đảo chiều. Có một vấn đề nguy hiểm, là nhiều nhà báo không đủ thời gian để suy nghĩ khi mà áp lực đưa tin điện tử ngày một nhanh. Bên cạnh đó, nhiều nhà báo dùng mạng xã hội để chia sẻ bài viết để tiếp cận độc giả, bản thân họ cũng chơi Facebook, để tăng lượt like, share, một số cũng dùng những status câu view. Bên cạnh tích cực, lại có một hiện tượng là trong bài viết đăng báo thì nội dung không có vấn đề nhưng dòng trạng thái của nhà báo lại viết khác, giật gân để hút cộng đồng. Đây cũng là điều đáng lo ngại.
Ông Trần Bá Dung - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
Nhà báo phải tự mình vươn lên
Cuộc các mạng 4.0 mang lại rất nhiều thuận lợi cho người làm báo Việt Nam. Điển hình như kỹ năng làm báo được phát huy dựa trên nền tảng internet kết nối rộng rãi, phong phú, thực và ảo. Tuy nhiên, cuộc cách mạng 4.0 cũng mang lại những thách thức nhất định đòi hỏi người làm báo phải tự thích ứng với môi trường đa phương tiện, đa dạng về phương thức biểu đạt, đặc biệt là tính tương tác với công chúng của người làm báo phải nhanh hơn, nhà báo phải hiểu biết rộng rãi hơn, có kiến thức phong phú hơn. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình làm báo khiến cho nhà báo nếu không tự mình vươn lên, không thành thạo việc sử dụng các trang thiết bị thông minh, các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại thì không làm báo được.
Theo dân việt
Nhà báo và chuyện ứng xử với mạng xã hội Với sự phát triển của truyền thông xã hội và báo chí kỹ thuật số, tầm ảnh hưởng của người làm báo với lợi thế nắm bắt thông tin nhanh nhạy, truyền tải đến công chúng ngày càng tăng cao. Thế nhưng gần đây, có tình trạng một số nhà báo hoặc người mang danh nhà báo sử dụng mạng xã hội (MXH)...