Báo cáo Quốc hội xây dựng sân bay Long Thành, cần gần 1 tỷ USD trong 3 năm tới
Theo UBND tỉnh, trong báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình các bộ, ngành, Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai cần gần 22,5 ngàn tỷ đồng trong 3 năm (2018-2020) để thực hiện dự án.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản báo cáo Quốc hội về tiến độ đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, nguồn vốn được phân kỳ năm 2018 trên 1,5 ngàn tỷ đồng, năm 2019 là gần 9,95 ngàn tỷ đồng và năm 2020 gần 11 ngàn tỷ đồng.
Nguồn vốn cho Dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được Bộ Tài chính bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đồng Nai cũng bổ sung nguồn vốn trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo của UBND Đồng Nai, địa phương cần khoảng thời gian ít nhất 3 năm để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 để bàn giao cho chủ đầu tư.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động thực hiện các công việc liên quan đến trách nhiệm của tỉnh như quản lý đất đai, xây dựng, hoạt động sản xuất nông nghiệp trong phạm vi dự án, khảo sát, đo đạc, cắm mốc, tổ chức thống kê về tài sản, diện tích từng loại đất, số hộ dân bị ảnh hưởng…
Còn theo báo cáo của Bộ Giao thông Vân tải, Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội; tổ chức phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án.
Bên cạnh đó, ngày 10/11/2016, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong đó bố trí vốn cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 tỷ đồng để thực hiện việc bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Video đang HOT
Về nguồn vốn xây dựng sân bay, theo ACV gồm 2 nguồn chính. Trong đó, nguồn vốn nhà nước sẽ dùng để giải phóng mặt bằng, xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước tại sân bay. Còn nguồn vốn xã hội hóa sẽ dùng để xây dựng các công trình cung cấp dịch vụ thương mại như bảo dưỡng tàu bay, khu chế biến xuất ăn hàng không, khu xăng dầu hàng không.
Song song đó, ACV sẽ cân đối nguồn vốn tự có đảm bảo 50% tổng vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đối với các hạng mục chính như đường băng, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, ga hàng hóa, bãi đỗ ô tô, nhà để xe…Phần vốn còn lại ACV huy động từ nguồn vay, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu.
Để đảm bảo tiến độ khởi công dự án vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025, ACV đề xuất Chính phủ giao cho mình làm chủ đầu tư các hạng mục chính để sớm thu xếp vốn chuẩn bị đầu tư.
Theo đó, kế hoạch lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi kéo dài trong khoảng 1,5 năm, từ thang 6/2018-7/2019. Sau đó trình, thẩm định báo cáo vào tháng 7/2019-9/2019 trước khi trình Quốc hội thông qua dự án vào thang 10/2019.
Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt dự án vào thang 12/2019.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ
Hà Nội cưỡng chế giải phóng mặt bằng Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I
Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I được thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2007 nhưng đã 11 năm trôi qua dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, giảm hiệu quả nguồn lực đất đai.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đáp ứng yêu cầu thu hút nguồn lực đầu tư, ngày 11/9, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 28 hộ dân cố tình không bàn giao mặt bằng. Trong tổng diện tích gần 20.000 m2 đất nông nghiệp phải thu hồi của 28 hộ gia đình tại xã Tân Triều, có 12 hộ đang có công trình trên đất, còn lại là diện tích đất ao, vườn và đất trống.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì, ngày 26/10/2007, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định về việc thu hồi 357.910m2 đất tại xã Tân Triều giao cho Trung tâm Phát triển qũy đất (thuộc Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng) để tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chuẩn bị mặt bằng thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ diện tích đất Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I, phục vụ xây dựng nhà tái định cư.
Sau đó, ngày 5/10/2010, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư thực hiện dự án giải phóng mặt bằng và san nền sơ bộ Khu đô thị theo địa giới hành chính của huyện.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, căn cứ các văn bản pháp lý, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan giải phóng mặt bằng dự án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 369 hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng; đã tổ chức công khai phương án và chi trả tiền cho các hộ. Tuy nhiên, trong số đó vẫn còn một số hộ gia đình, cá nhân chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
"Có thể khẳng định, huyện đã hết sức cầu thị, nghiêm túc tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, trao đổi với các công dân, giải đáp mọi thắc mắc, khiếu nại liên quan đến chính sách đền bù. Song, vẫn còn nhiều hộ cố tình chống đối, không chấp hành quy định của pháp luật, buộc huyện và thành phố phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất," ông Cường khẳng định.
Theo thống kê, trong 97 hộ gia đình đã phê duyệt phương án nhưng chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng, các thửa đất nằm rải rác tại các ô đất mà thành phố giao cho nhiều chủ đầu tư khác nhau. Do vậy, việc cưỡng chế sẽ không triển khai đồng thời mà phải theo tiến độ của từng chủ đầu tư để đảm bảo sau khi cưỡng chế có đơn vị tiếp nhận, quản lý mặt bằng, tránh tái lấn chiếm.
Trước mắt, theo của đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thanh Xuân Bắc, huyện sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 triển khai tại các ô đất TT3, TT4, TT7A, một phần tuyến đường số 2, 3, 14, 23. Sau khi kiểm tra, rà soát, chỉ có 28 hộ nằm trong giai đoạn 1 mà công ty này đề nghị nên Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi 19.974,41m2 đất nông nghiệp.
Ghi nhận trong quá trình cưỡng chế giải phóng mặt bằng sáng 11/9, một số hộ dân đã tụ tập phản đối quyết định cưỡng chế của huyện, lực lượng chức năng đã mời người dân về Ủy ban Nhân dân xã Tân Triều giải thích, thuyết phục nhằm giúp người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Chị Cao Thị Hậu, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết, gia đình chị có hơn 1.000m2 đất được giao theo Nghị định 64 cũng nằm trong diện bị thu hồi phục vụ dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gia đình nhà chị chưa nhận tiền đền bù với lý do tại sao cùng một dự án mà có hộ được nhận đất ở tái định cư, có nhiều hộ thì không được tái định cư?
"Việc đó là không công bằng, yêu cầu các cấp lãnh đạo xã, huyện đối thoại với người dân và giải quyết xem ai đúng ai sai?" chị Hậu bức xúc nói.
Lý giải điều này, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì, Bùi Huy Hoàng cho biết, theo quy định cũ, dự án Tây Nam Kim Giang 1 được áp dụng chính sách hỗ trợ 60m2 đất ở đối với các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Nhưng từ năm 2014, theo chính sách mới của Luật Đất đai 2013 thì các hộ không được hỗ trợ bằng đất mà được hỗ trợ bằng tiền (bằng 5 lần giá đất nông nghiệp theo Quyết định 108/2009/QĐ-UBND).
Theo ông Hoàng, tại thời điểm năm 2013, ngay sau khi thành phố có Văn bản số 48/TB-VP ngày 24/5/2013 về việc tạo điều kiện cho các hộ dân có nguyện vọng bằng đơn sẽ được tiếp tục thực hiện theo cơ chế, chính sách cũ, huyện đã có Thông báo số 52/TB-HĐBTBTHT&TĐC ngày 3/9/2009 đề nghị các hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp chưa được nhận hỗ trợ bằng đất ở tại dự án khác, nếu có nguyện vọng được nhận đất ở gửi bản kê khai và cam kết về Ủy ban Nhân dân xã chậm nhất đến ngày 10/9/2013.
"Thông báo này đã được công khai niêm yết tại Ủy ban Nhân dân xã, Nhà văn hóa thôn Triều Khúc, đọc trên loa truyền thanh của xã và gửi thông báo đến từng hộ gia đình, cá nhân," ông Hoàng cho biết.
Mặc dù rất rõ ràng, công khai về chính sách nhưng ở thời điểm đó, chỉ có 73 hộ có đơn nên đã được phê duyệt phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng việc giao 60m2 đất ở. Đối với 82 hộ không phối hợp kê khai, không có đơn, huyện đã phê duyệt hỗ trợ bằng tiền.
Không đồng tình với phương án phê duyệt đó, các hộ dân liên tục tập trung đông người khiếu kiện đòi hỏi được phê duyệt lại chính sách hỗ trợ bằng đất ở. Trước tình hình đó, huyện đã đề xuất thành phố cho phép tiếp tục áp dụng chính sách giao đất ở đối với các hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp.
Trả lời đề nghị này, tại Văn bản số 115/BCĐ-NV3 ngày 15/3/2018, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố đã xác định rõ: "Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 chỉ quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng tiền, không còn quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng giao đất ở cho các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp."
Căn cứ hướng dẫn trên và Luật Đất đai năm 2013, lãnh đạo huyện Thanh Trì đã gặp gỡ trao đổi với các hộ dân thông báo việc áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng giao đất ở đối với các hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp là không có cơ sở để thực hiện.
Minh chứng cho khẳng định này là tại thời điểm tháng 4, 5/2017, một số hộ dân đã làm đơn khởi kiện lãnh đạo huyện cho rằng, huyện thực hiện sai các chính sách giải phóng mặt bằng thì tại các Bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đều kết luận yêu cầu của người dân về bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bằng đất dịch vụ là không phù hợp sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực...
Cũng theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường cưỡng chế sáng 11/9, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của 28 hộ dân đã được huyện thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy trình thủ tục do Nhà nước quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cưỡng chế và đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì cho biết, sau khi hoàn thành việc thu hồi đất đối với 28 hộ dân này, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tiếp tục cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ đã được phê duyệt nhưng chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Đồng thời, huyện cũng đề nghị thành phố chấp thuận địa điểm bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.../.
Theo Minh Nghĩa - Mạnh Khánh
Vietnam
Dân Thủ Thiêm nói về 4,3 ha đất thu hồi không đúng quy hoạch Kết luận về vụ Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ, việc tăng 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 là không đúng quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt khiến người dân Thủ Thiêm liên tục có nhiều khiếu nại trong nhiều năm qua. Niềm an ủi sau bao năm "tan nhà nát cửa"...