Báo cáo in SGK lỗ, lãnh đạo NXB Giáo dục vẫn nhận lương khủng
Trong 3 năm qua, quỹ lương cán bộ cũng như quản lý Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam liên tục tăng, có năm tăng 33% và 37%. 13 cán bộ lãnh đạo NXB này nhận lương trung bình 523 triệu đồng/năm.
Gian hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hội sách mùa thu 2018
Lương lãnh đạo hơn nửa tỷ đồng/năm
Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất (2015, 2016 và 2017) mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) công bố cho thấy, quỹ lương của đơn vị liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, tổng quỹ lương đã thực hiện chi trả năm 2015 là 59,3 tỷ đồng cho 292 lao động, mỗi lao động nhận trung bình 16,9 triệu đồng/tháng. Năm 2016, tổng quỹ lương của NXBGD tăng lên 71,8 tỷ đồng. Quỹ lương tăng mạnh nhưng số lao động lại giảm còn 285 người. Do đó, trung bình mỗi lao động tại đây nhận 21 triệu đồng/tháng. Đến năm 2017, tổng quỹ lương tăng lên 78 tỷ đồng, lao động tiếp tục giảm còn 257 người, trung bình mỗi lao động nhận 25,3 triệu đồng. Mức lương này cao hơn gấp nhiều lần thu nhập trung bình của nhân viên các đơn vị sự nghiệp công lập, thậm chí còn hơn cả thu nhập trung bình nhân viên một số ngành “hot” hiện nay như ngân hàng.
Trong số các công ty NXBGD đầu tư thì chỉ có 2 đơn vị lỗ năm 2014. Đến năm 2017 tất cả các công ty ngành Giáo dục này đều có lãi, lãi lớn nhất là Công ty CP Sách và thiết bị trường học TPHCM với 13,8 tỷ đồng lợi nhuận. Hàng năm, NXBGD đều nhận tiền cổ tức từ các công ty này từ 10-20%. Riêng Công ty CP In – phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Trị 4 năm liên tiếp có báo cáo thì đều chia cổ tức 0% dù năm 2016 và 2017 đã kinh doanh có lãi.
Tương tự, lương lãnh đạo của NXBGD cũng liên tục tăng và ở mức cao. Đơn cử năm 2015, quỹ lương dành cho các chức danh quản lý chỉ 4,5 tỷ đồng thì năm 2016 tăng mạnh lên 6,2 tỷ đồng và 2017 tăng lên 6,8 tỷ đồng. Với 5 thành viên HĐTV, 6 người ban Tổng giám đốc, 1 kế toán trưởng và 1 kiểm soát viên, tổng số lãnh đạo của NXBGD là 13 người. Chỉ tính riêng năm 2017, mỗi thành viên trong ban quản lý nhận trung bình hơn 523 triệu đồng/năm, tương đương 43,6 triệu đồng/tháng.
Để trả được lương cao như trên, trong 3 năm qua, hầu hết các chỉ số kết quả kinh doanh của NXBGD đều rất “đẹp” với tổng doanh thu liên tục tăng từ 1.041 tỷ đồng năm 2015 lên 1.147 tỷ đồng 2016 và 1.203 tỷ đồng năm 2017. Dù sản lượng sản xuất sách giáo khoa có năm trồi, năm sụt (2016 tăng rất mạnh, năm 2017 lại giảm nhẹ) song doanh thu vẫn tăng đều, tăng chắc qua các năm. Đáng chú ý nhất là chỉ tiêu lợi nhuận. Nếu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của NXBGD mới 32 tỷ đồng thì năm 2016 đã tăng mạnh hơn 2 lần lên 72,1 tỷ đồng và năm 2017 tiếp tục tăng hơn hai lần nữa lên 150,8 tỷ đồng.
Video đang HOT
Dù mảng kinh doanh chính là sách giáo khoa gây lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhưng thu nhập của lãnh đạo, CBCNV NXB Giáo dục Việt Nam vẫn tăng đều (Trong ảnh: Gian hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hội sách mùa thu 2018)
Lợi nhuận từ đâu đến?
Ngành nghề kinh doanh của NXBGD gồm in ấn, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, xuất bản các loại xuất bản phẩm như SGK, giáo trình, sách, tài liệu… Theo Báo cáo Công bố Thông tin gửi Bộ GD&ĐT, năm 2016 NXBGD xuất bản hơn 101 triệu bản, năm 2016 gần 109 triệu, 2017 hơn 107 triệu và 2018 là 110 triệu bản. SGK chiếm 60% doanh thu và gây lỗ hàng chục tỷ đồng/ năm do nguyên, nhiên vật liệu, nhân công, tiền in ấn, vận chuyển đều tăng. Cụ thể, năm 2015 mảng này lỗ 43,8 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng và năm 2017 lỗ 38,14 tỷ đồng.
Lỗ ở mảng kinh doanh chính song lợi nhuận vẫn tăng mạnh và tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng của doanh thu. Lý giải về “thắng lợi” này, lãnh đạo NXBGD cho biết: Đơn vị này “ngoài thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn thì nhờ hoạt động thoái vốn đầu tư đem lại lợi nhuận cao đột biến. Theo báo cáo của NXBGD, lợi nhuận năm 2017 đến từ hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ 240,9 tỷ đồng, từ doanh thu thuần hơn 1.111 tỷ đồng. Những khoản mang lại doanh thu và lợi nhuận bao gồm sách bài tập, sách tham khảo, giáo trình, từ điển…
Đáng chú ý, theo Đề án tái cơ cấu NXBGD giai đoạn 2014-2016, định hướng tới 2020 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, năm 2015 NXBGD đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại một công ty thu về 1,1 tỷ đồng. Tiếp đó, năm 2016, NXBGD tiếp tục thoái toàn bộ vốn đầu tư tại 2 công ty, thu về 14,97 tỷ đồng. Năm 2017, NXBGD tiếp tục thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty nữa, thu về 32,18 tỷ đồng. Được biết, trong năm 2018, NXBGD tiếp tục thoái vốn tại các công ty cổ phần khi Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2018 – 2023 được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tính đến 20/6/2018, NXBGD có 10 công ty con còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và đầu tư vào 11 công ty khác với số vốn chiếm hơn 50% vốn điều lệ.
Cao Sơn
Theo baogiaothong.vn
NXB Giáo dục liên tục bù lỗ hàng chục tỉ để in SGK?
Doanh thu từ SGK mỗi năm lên đến hàng nghìn tỉ nhưng NXB Giáo dục Việt Nam nói mỗi năm phải bù lỗ trên dưới 40 tỉ.
Chiều 21-9, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam thông tin về một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK).
"Mỗi năm lỗ trên dưới 40 tỉ"
Theo báo cáo được ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thông tin doanh thu từ SGK năm 2015 của NXB giáo dục là 656,6 tỉ đồng. Năm 2016 là 735,2 tỉ đồng. Doanh thu SGK năm 2017 là 703,9 tỉ đồng.
Báo cáo công bố thông tin 2017, tổng doanh thu trong ba năm này lần lượt là 1.041 tỉ, 1.147 tỉ và 1.203 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu từ SGK chiếm hơn 50% tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam.
Dù vậy, theo NXB Giáo dục Việt Nam, kết quả kinh doanh mảng SGK của đơn vị này liên tục lỗ hàng chục tỉ đồng. Cụ thể, năm 2015 lỗ 43,8 tỉ đồng. Năm 2016 lỗ 43,3 tỉ và năm 2017 lỗ 38,14 tỉ đồng.
Ông Bách chỉ rõ chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK đều biến động tăng, từ chi phí nguyên nhiên vật liệu, nhân công đến tiền công in trả nhà in, vận chuyển. Toàn bộ chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB phải tự hạch toán, cân đối, hoàn toàn không có trợ giá, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, SGK là mặt hàng được Bộ Tài chính quản lý giá. Từ năm 2011, giá bán không thay đổi và được công khai. Do chi phí đầu vào tăng cao, giá bán không đổi, doanh thu phát hành SGK vẫn không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản, phát hành SGK luôn lỗ.
Hàng năm, NXB phải sử dụng nguồn thu khác để bù lỗ cho hoạt động phát hành SGK trên 40 tỉ đồng. Điều này được cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế... kiểm tra và xác nhận.
Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thông tin với báo chí chiều 21-9
Hàng năm, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều lượt tặng sách cho thư viện trường học, các tủ sách dùng chung và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, NXB Giáo dục Việt Nam cũng hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo... nơi SGK được mua bằng nguồn vốn ngân sách để cung cấp cho học sinh vùng sâu, vùng xa.
"Lỗi viết vào sách là do giáo viên"
Về nội dung SGK thiết kế để viết vào hay không được báo chí quan tâm, ông Hoàng Lê Bách thông tin về cơ bản, SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách. Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển.
Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)...
"Đối với sách Toán dành cho học sinh tiểu học, đặc biệt là sách Toán 1, học sinh bắt đầu được làm quen với các số tự nhiên, các phép toán cộng trừ và các hình khối cơ bản. Với lứa tuổi này, học sinh chưa có kỹ năng viết, vẽ thành thạo. Bên cạnh đó, để có thể hiểu và khắc sâu kiến thức toán, cần đa dạng hóa các dạng bài tập và cách diễn đạt đề bài bắt buộc phải thiết kế các dạng "điền trống", "ghép cặp", "khoanh kết quả đúng",... để học sinh có thể dễ dàng thực hiện được trên vở ghi" - ông Bách phân tích.
Đáng chú ý, ông Bách cho biết các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989; sách Toán 1 xuất bản giai đoạn 1990 - 2002, đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên.
Tuy vậy, theo ông Bách, để tránh việc học sinh điền trực tiếp vào SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo trong các văn bản hướng dẫn giảng dạy.
Mặt khác, các tác giả đã có những khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên.
Về vấn đề sử dụng lại SGK, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm. NXB Giáo dục Việt Nam không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.
Với cách trình bày như hiện nay, theo thống kê của NXB Giáo dục thì có hơn 35% học sinh đã sử dụng SGK cũ. Bởi theo lãnh đạo NXB này thì theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả các học sinh đều sử dụng SGK mới, số lượng SGK cần in là khoảng 170 triệu bản. Trong khi đó, năm 2018 số lượng SGK được NXB Giáo dục Việt Nam phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng SGK cũ, SGK mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung...
Theo plo.vn
Lãnh đạo NXB Giáo dục: "Chúng tôi không muốn độc quyền, làm sách giáo khoa là nhiệm vụ chính trị" Những vấn đề "độc quyền", "tận thu", "SGK dùng một lần", "lãng phí nghìn tỉ"... đến khoản lỗ 40 tỉ đồng mỗi năm vì làm SGK được ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục trao đổi chi tiết với PV báo Lao Động. Ban lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam trong cuộc gặp chia sẻ...