Bánh xèo tôm nhảy rau mầm Quy Nhơn
Bánh xèo là món ăn có mặt ở khắp miền Trung. Trong sự đa dạng của món ăn này, ở mỗi vùng đất, ta có thể tìm thấy một nét hấp dẫn riêng tùy vào cách chế biến của người xứ đó.
Bánh xèo Quy Nhơn có thể nói là ngon và đặc sắc vào bậc nhất, bởi nguyên liệu chế biến đơn giản hơn mà khẩu vị vẫn thật đậm đà.
Bánh xèo tôm nhảy rau mầm là một món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến với Quy Nhơn
Trong khi các vùng đất khác chế biến bánh xèo khá cầu kỳ với tôm, mực, thịt, trứng.. thì bánh xèo Quy Nhơn chỉ có tôm đất làm “nhưn”. Linh hồn của món bánh xèo Quy Nhơn cũng là từ yếu tố này.
Tôm đất để làm bánh xèo được người Quy Nhơn kén chọn lắm, phải là tôm của dòng sông Gò Bồi ngọt lịm, tươi rói, được đánh bắt mỗi buổi sáng tinh mơ từ những người chài lưới trong vùng. Con tôm này nhỏ nhưng chắc thịt, khi chín lên đỏ au đẹp mắt vô cùng, ăn vào ngọt lịm vị của nước sông, của đất bồi, của hồn quê xứ sở…
Rồi sau đó là bột gạo để làm bánh, nhất định phải được xay bằng cái cối đá cũ kỹ truyền đời trong gia đình, xay đến đâu đúc bánh đến đó thì bánh mới thơm mùi gạo mới, giòn rụm, mềm mịn, quyện với chút hương bột nghệ và nước cốt dừa, là tất cả hương vị đã đủ đầy. Chút hành lá xắt nhuyễn vừa làm đẹp thêm màu bánh, vừa thêm hương thơm cho từng cái bánh ngon lại càng ngon.
Nhiều nơi đổ bánh ở Quy Nhơn vẫn còn dùng bếp củi, khi chiên bánh thì dùng tóp mỡ chứ không dùng dầu ăn, nên cái bánh càng béo ngậy và chín giòn rất đặc trưng, cũng là bánh xèo nhưng lại không lẫn vào đâu được..
Bánh xèo Quy Nhơn được đổ trên bếp than hoặc củi, nên bánh chin giòn rụm và có mùi thơm ngon rất đặc trưng
Video đang HOT
Đổ bánh xèo Quy Nhơn thường dùng mỡ thay vì dùng dầu ăn, nên béo ngậy hơn
Nước mắm chấm cũng có thể nói là khâu vô cùng quan trọng. So với các vùng khác thì nước chấm của bánh xèo Quy Nhơn có phần đậm đặc hơn. Nước mắm cốt phải thật ngon, rồi pha với tỏi ớt giã thật nhuyễn, thật mịn, thêm nước cốt chanh và đường để càng dậy mùi.
Rau ăn với bánh xèo Quy Nhơn thì không thể thiếu rau mầm, loại rau non mướt hơi nhân nhẫn nhưng rất mát và bổ, cùng với chút xoài chua xắt nhuyễn, mới nhìn qua đã thấy không cưỡng được.
Rau mầm ăn với bánh xèo Quy Nhơn là một sự kết hợp độc đáo, tuyệt vời
Rau ăn kèm phải đủ cả rau mầm, xoài chua và dưa leo xắt nhuyễn
Ăn bánh xèo Quy Nhơn phải ăn với bánh tráng. Cái bánh tráng gạo nhúng mềm, trải lên đĩa, cuốn một nhúm rau mầm với xoài chua, bỏ lên cái bánh xèo nóng hổi, cuốn một cuốn thật chặt tay, chấm ngập vào chén nước mắm rồi cắn một miếng, niềm vui trên trời đất này có gì sánh bằng được ăn những món ăn dân dã mà ngon tuyệt vời như thế. Người thích vị đậm hơn còn ăn kèm với vài tép tỏi tươi đến từ vùng Lý Sơn, để hương vị càng nồng đượm hơn.
Ngày xưa đi ăn bánh xèo tôm nhảy rau mầm phải đến tận Mỹ Cang, cách Quy Nhơn 20km mới có một quán ăn nổi tiếng bán món này. Giờ món ăn này phổ biến khắp nơi ở thành phố Quy Nhơn, đặc biệt là một vài nơi ven biển. Cứ khi trời nhá nhem tối hoặc sắp lên đèn, đi ngang những quán bánh xèo tôm nhảy, nghe tiếng xèo xèo đổ bánh, tiếng gọi mời, tiếng khua của bát đũa và mùi thơm của bánh dậy lên thì khó lòng cưỡng được việc dừng chân thưởng thức một bữa ngon cho thỏa thích.
Theo tuổi trẻ
Mát lòng với bún và gỏi sứa
Gỏi sứa hấp dẫn người ăn bởi vị giòn dai của sứa, giòn tan của bánh tráng nướng cùng hương thơm các loại rau ăn kèm. Bát bún sứa bốc khói cũng là món ăn ngon miệng không thể bỏ qua.
Sứa là món ăn ngon, bổ, mát. Từ sứa, người ta chế biến ra rất nhiều món ăn khác nhau, nhưng phổ biến nhất là bún sứa và gỏi sứa.
Bún sứa
Sứa để làm bún là loại nhỏ bằng đầu ngón tay cái, màu trắng đục, mình dày, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Loại sứa này do ngư dân vớt tận các đảo xa. Các tiệm bán bún sứa ở Sài Gòn thường mua sứa sống từ Nha Trang, được ngâm trong nước biển mang vào Sài Gòn.
Sứa biển là nguyên liệu chính để người dân ven biển miền Trung chế biến nên những món ăn ngon như: bún sứa, gỏi sứa... Ảnh: Khánh Hòa.
Bún sứa ngon ở phần sứa đã đành, mà nước lèo cũng cực kỳ quan trọng, quyết định người ăn có nhớ mãi hay không.
Nước dùng được nấu bằng cá liệt, loại cá chỉ lớn chừng ba ngón tay với phần đuôi thắt lại trông như cái nơ, không xương nhỏ và ngọt lừ. Ăn vào thấy thanh và không ngán. Thành phần nước dùng còn có vị ngọt của chả cá tiết ra. Chả được làm từ các loại như cá thu, cá nhồng, cá mối, cá cờ... lóc xương lấy thịt quết đến nhuyễn và dai, sau đó vo thành viên nhỏ rồi hấp chín.
Vị ngọt thanh mát của bún sứa làm nên sự hấp dẫn riêng cho món ăn này. Ảnh: Khánh Hòa.
Bát bún sứa nghi ngút khói với lớp bề mặt đầy thịt sứa giòn và những khối nhỏ thịt nạc cá dầm rất thơm. Bạn sẽ thấy thêm ngon khi ăn kèm với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm... Chút ớt đỏ the cay sẽ tô điểm cho hương vị món ăn thêm đặc sắc. Khi thưởng thức, thực khách sẽ có cảm nhận trọn vẹn nước dùng ngọt thanh, sứa giòn giòn, mát lạnh và vị cay ở ớt.
Gỏi sứa
Tùy theo khẩu vị của từng người mà có thể chế biến gỏi sứa thành nhiều cách khác nhau. Gỏi sứa trộn với khế, chuối chát, cũng có thể trộn với xoài chua bằm sợi, hoặc bóp gỏi kèm các loại rau như: rau răm, hành tây, hành lá...
Món ăn rất dễ chế biến và không mất nhiều thời gian. Sứa là một loài thân mềm, rất dễ tan chảy thành nước nên khi mua về cần ngâm vào trong nước có pha lá ổi để sứa săn lại. Vị chát của lá ổi cũng giúp loại bỏ mùi tanh của sứa. Sau khi ngâm xong, rửa sứa thật sạch, thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn, chần qua nước ấm để sứa săn lại, vớt ra rổ và để ráo.
Gỏi sứa là món ăn ngon miệng và quen thuộc của người dân ven biển miền Trung. Ảnh: Khánh Hòa.
Các nguyên liệu bóp gỏi như xoài, khế... rửa sạch, thái sợi. Trộn đều với sứa, hành tây, hành lá thái nhỏ, tiếp đến là nước mắm tỏi ớt pha chua ngọt. Sau cùng là các loại rau húng quế, húng thơm, rau răm thái nhỏ, bày ra đĩa, rắc lên bên trên một ít đậu phụng rang. Món gỏi sứa được ăn kèm với bánh tráng nướng.
Bẻ miếng bánh tráng, xúc một ít gỏi, chấm vào chén nước mắm và thưởng thức, món ăn thơm ngon, hấp dẫn bởi cái giòn rụm của bánh tráng, thịt sứa dai, giòn, cùng với đó là vị chua của xoài, thơm ngon của các loại rau hòa quyện trong nước mắm đậm đà.
Ở Sài Gòn, hai món ăn này có bán nhiều ở các quán ăn miền Trung như quán Bún chả cá Lệ đường Đồng Nai (quận 10) hoặc quán Faifo - Lê Thị Hồng Gấm (quận 1)...
Khánh Hòa
Theo VNE
[Chế biến] - Canh bí ngòi nấu với tôm Món canh với vị ngọt tự nhiên từ bí ngòi và đậm đà từ thịt tôm, giúp bạn có món canh ăn kèm với cơm thật ngon trong thời tiết se lạnh của mùa thu. Nguyên liệu: - 1 quả bí ngòi - 200g tôm đất - Muối, hạt nêm (hoặc đường cát trắng), nước mắm - Vài nhánh hành lá, hạt tiêu....