Bánh vo – vị ngon khó quên của người Hà Tĩnh
Mấy ai về mảnh đất Hà Tĩnh mà khi ra đi không nhớ miếng kẹo cu đơ, bánh đa vừng, bưởi Phúc Trạch hay mực nhảy Vũng Áng.
Người dân Cẩm Xuyên cũng vậy, dù có đi đâu xa, làm gì cũng nhớ mãi hương vị dân dã như chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ của món quà quê mang tên bánh vo.
Bánh vo là thức quà xuất hiện từ rất lâu đời ở khắp các vùng quê ở huyện Cẩm Xuyên. Món bánh được làm từ bột gạo trắng dân dã, mộc mạc, thấm đượm hồn quê này đã gắn bó với nhiều người dân nơi đây. Gạo phải được ngâm từ đêm hôm trước rồi xay mịn, sau đó quấy liên tục để bột dẻo, quánh, mịn.
Có đến hơn 30 năm làm bánh Vo, bà Nguyễn Thị Vân (57 tuổi, thôn 5, xã Cẩm Thăng) chia sẻ: Món bánh vo tuy đơn giản, dễ làm nhưng cũng mất 4 tiếng cho tất cả các công đoạn.
Nếu giáo bột là công đoạn khó nhất vì đòi hỏi người làm bánh phải đánh đều tay, bột được đều, sánh và không bị cháy, thì vắt bánh lại là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo. Mẻ bột sau khi để nguội sẽ được vắt tròn, tạo nên những chiếc bánh nhỏ nhắn, có màu trắng tinh của bột.
Bánh sau khi được vắt xong sẽ được cho vào nồi để hấp, thời gian hấp mỗi mẻ bánh từ 30-45 phút. Muốn bánh được chín đều, giữ được mùi thơm của gạo, người làm bánh phải cho đều lửa để bánh không bị chín quá. Như vậy sẽ giữ được mùi thơm của gạo quê đặc trưng vùng đất Cẩm Xuyên.
Để có thể hấp chín những chiếc bánh, những người làm bánh vo như bà Vân phải dùng chiếc nồi cỡ lớn mới có thể đựng hết được. Công đoạn này yêu cầu lửa phải to, vì vậy người nấu cũng phải theo dõi thường xuyên để tránh bánh bị cháy.
Video đang HOT
Gia vị đi kèm với bánh vo thường được sử dụng gồm bột canh, hành lá, mỡ lợn (dùng mỡ lợn sẽ có mùi thơm hơn, béo hơn). Sau khi bánh chín nóng, người ta sẽ dùng hành lá rắc lên những chiếc bánh để tạo hương vị thơm ngon, không có cảm giác ngấy của bột và thêm nữa là màu xanh của hành lá sẽ làm nên nét hấp dẫn cho từng chiếc bánh
Người ta khoái ăn bánh vo với bát nước mắm đủ vị. Ăn miếng bánh mềm dẻo, người ta cảm nhận được hương vị thân quen của bột gạo ngon, vị thơm, bùi của gia vị.
Món quà quê này thường được bán ở các chợ quê của Cẩm Xuyên như chợ Trường (xã Cẩm Thăng), chợ Gon (xã Cẩm Phúc), chợ Gọ (xã Cẩm Nam) với giá 10 chiếc/ 5.000 đồng. Bình dị, dân dã lại thơm ngon, bổ dưỡng, những chiếc bánh vo đã trở thành một phần ấu thơ của nhiều đứa trẻ sống tại mảnh đất này.
Bên những chiếc bánh vo, mỗi người trong gia đình, trong thôn xóm thật đầm ấm tình thân trong những câu chuyện làm ăn, chuyện gia đình, trồng trọt. “Nhiều khi chúng tôi ăn bánh vo thay cơm, không đòi hỏi phải có nhiều thức ăn mà cũng ngon, no bụng, rẻ tiền. Chả thế mà nhiều khi đi đâu xa quê, thứ quà bánh khiến lòng day dứt muốn về chỉ có thể là món bánh vo này mà thôi” – chị Đặng Nguyệt Nga (xã Cẩm Thăng) chia sẻ.
Những đặc sản Hà Tĩnh "nghe đã nghiện"
Hà Tĩnh có biển Thiên Cầm, có Ngã Ba Đồng Lộc, có bài hát dặm, có câu ví đò đưa... Và Hà Tĩnh còn có một rổ đặc sản kết tinh những gì tinh túy nhất của mảnh đất này mà chỉ nghe thôi đã khiến ai nấy đều thèm.
Được "nếm trọn" đặc sản Hà Tĩnh mới thực sự hiểu về đất Hà Tĩnh thân thương.
1. Kẹo Cu Đơ
Kẹo Cu Đơ hẳn ai cũng một lần nghe đến và đã từng nếm thử. Bọc bên trong thứ vỏ sần sùi, tròn tròn như chiếc gương là vị ngọt bùi thuần khiết của mật mía, vị cay gây gây của gừng kèm theo sự giòn tan của lạc. Cắn miếng kẹo vừa dẻo vừa dải vừa thơm nồng và nhâm nhi cùng một ly trà nữa thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn.
2. Bánh đa vừng
Bánh đa vừng thì nhiều vùng đều có nhưng bánh đa ở Hà Tĩnh được làm hoàn toàn bằng gạo ngon, không pha thêm ngô như nhiều nơi khác. Nổi tiếng nhất ở Hà Tĩnh là bánh đa vừng chợ Tỉnh, chợ Cầy và chợ Hội. Bánh đa ở những vùng này dầy, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen, ăn vừa béo, thơm, vừa giòn, không ngán.
Ăn bánh đa kèm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay cay thì tuyệt cú mèo.
3. Gỏi cá đục
Vùng đất biển mang đến một món ăn mang nét văn hóa riêng là gỏi cá đục. Cá đục dài, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loại cá bống nước ngọt. Cá đục thịt chắc, vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có, được chế biến thành nhiều món ngon, trong đó gỏi cá đục là món ăn xuất sắc nhất. Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải kèm với rau thơm và cá loại lá sung, lá xoài non... cùng với xoài xanh, chuối xanh thái lát mỏng. Khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị cay, vị chua, vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.
4. Hến sông La
Hến là món ăn phổ biến của mọi gia đình ở vùng ven sông La. Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng, canh hến nấu rau tập tàng, cơm trộn nước hến cộng thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao.
Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước hến nóng hổi, đậm ngọt, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ.
5. Ram bánh mướt
Ram theo tiếng Hà Tĩnh chính là món nem rán, bánh mướt chính là món bánh cuốn, bánh ướt. Ram mướt là thức bánh kết hợp hài hòa hai loại khác nhau, vừa giản dị, vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy. Cuốn ram với bánh mướt, chấm với nước mắm tỏi ớt sẽ cảm nhận được một hương vị không thể chê vào đâu được.
6. Bánh bèo
Bánh bèo bạn có thể nghe đến ở khắp các miền đất nước như Huế, Nghệ An, Quảng Bình..., là một loại bánh dân dã, bình dị. Ở Hà Tĩnh, bánh bèo được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô. Ăn kèm bánh bèo với rau thơm, chấm với nước mắm chua ngọt pha thêm tương ớt thì ngon tuyệt hảo.
Bánh bèo bạn có thể ăn nóng hay nguội đều được. Khi ăn nóng kèm nước mắm cay trong những ngày trời se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dài, giòn mang vị đậm đà.
7. Mực nhảy Vũng Áng
Vùng biển Vũng Áng Hà Tĩnh nổi tiếng là một vùng biển đẹp, là khu kinh tế sầm uất với rất nhiều loài hải sản tươi ngon... Đặc biệt mực ở đây rất to và được chế biến ngay khi vừa đánh bắt xong nên người dân ở đây gọi là mực nhảy. Mực nhảy có thể luộc, xào, hấp hay gỏi đều có vị tươi, ngon, thơm rất đặc trưng, khác hoàn toàn so với các loại mực ở vùng biển khác trên cả nước.
Mê mẩn với những món đặc sản của miền đất 'Hà Tĩnh mình thương' Mấy ai về mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng gió này khi ra đi mà lại không thương nhớ miếng kẹo cu đơ, bánh đa vừng hay bưởi Phúc Trạch, mực Vũng Áng. Theo VietQ