Bánh tráng đập – món nghèo xứ Quảng
Bánh tráng đập hay còn gọi là bánh tráng đập dập là món ăn dân dã, rẻ tiền mà người con xứ Quảng Đà nào cũng biết và ưa thích.
Bánh tráng đập đơn giản, chỉ là một cái bánh tráng nướng mỏng được phủ lên bởi một lá mì được tráng thật mỏng, phết dầu phộng khử hành, nén thật thơm vào.
Tại sao có tên là bánh đập, đơn giản thôi, bởi vì bánh này trước khi ăn phải đập. Không phải đánh đập gì mà là dùng tay đập lên 2 thứ bánh tráng nướng và lá mì này. Phần bánh tráng nướng khi đập nhẹ lên sẽ vỡ ra và dính vào lá mì ướt… thế là bẻ miếng bánh khoảng 2 ngón tay, chấm mắm đưa vào miệng nhai vừa dòn, vừa dẻo, vừa thơm. Món này ăn ngon không chỉ nhờ bánh tráng mỏng giòn, lá mì tráng mỏng và hương thơm của dầu phộng khử quết vào mà còn nằm ở nước chấm.
Mắm nêm là thứ nước chấm dành riêng cho món ăn dân dã này. Mắm nêm phải là mắm cá cơm pha thật ngon với ớt tỏi, chanh, đường, chút dầu khử với hành phi… và phải có thêm tương ớt Hội An nữa mới đúng điệu.
Video đang HOT
Ở các vùng nông thôn ở Quảng Nam như Điện Bàn, Đại Lộc… người dân quê thích ăn loại bánh tráng đập to và dày hơn (trên 30 cm), có người còn mang ra ruộng… để ăn uống nửa buổi lấy sức làm việc tiếp. Và ở Sài Gòn, nhiều quán ăn cũng bán bánh đập na ná kiểu này.
Bánh tráng đập chỉ có ở những quán ven đường làng, ngõ xóm, hoặc được các bà mẹ quê, quảy (gánh) đôi thúng nhỏ đi bán dạo trên các nẻo đường quê, góc phố. Khách ăn cũng không cần ngồi ghế, bàn sang trọng chỉ cần một chỗ ngồi mát mẻ, sạch sẽ bên vệ đường một tay vừa nắm bánh, vừa bưng chén mắm, tay kia vừa bẻ bánh, vừa chấm và đưa lên miệng ăn ngon lành. Món ăn tuy dân dã, rẻ tiền nhưng được nhiều người ưa thích.
Ai đó đi Đà Nẵng thích ăn món này có thể ghé hẻm 144 Hoàng Diệu ăn thử. Ngon nhất là ăn ở quán Bà Già (ở Cẩm Nam, Hội An). Vào đó ăn bánh đập, chè bắp, hến xúc bánh tráng nữa thì ngon lịm. Quán Bà Già, có ông già tráng bánh, bà già chạy bàn phục vụ bên dòng sông Hoài êm đềm… ăn từ ngày còn đi học đâu dễ gì quên.
Theo PNO
Những quán ăn xứ Quảng ngon ở Sài Gòn
Bánh bèo chén Trần Mai Ninh, mì quảng Trần Quang Diệu hay cơm gà Phó Đức Chính... là những gợi ý cho bạn khi muốn thưởng thức ẩm thực xứ Quảng giữa Sài Gòn.
Cơm gà Tam Kỳ - Chỉ là món cơm nhưng sự tỉ mỉ, khéo léo trong cách chế biến, nêm nếm gia vị đã tạo nên sự quyến rũ rất riêng của món ăn này. Ngoài phần thịt gà xé phay mềm, dai, ngọt thì phần cơm của món ăn cũng rất đặc biệt. Cơm là sự pha trộn giữa gạo tẻ và nếp, hai thành phần đó được trộn lẫn để tạo nên hạt cơm vừa mềm, dẻo lại thoang thoảng hương thơm rất hấp dẫn. Địa chỉ: 21 Phó Đức Chính, quận 1; 58 Cao Thắng, quận 3; 43B1 Chu Văn An; quận Bình Thạnh.
Mì Quảng - Món ăn đươc chế biến từ sợi mì làm bằng bột gạo, ăn hơi mềm và dai. Ăn kèm thường là sườn non, gà, tôm... Nước lèo được nấu từ xương lợn, thịt gà, tôm, cá lóc. Phải nấu sánh và rất ít, chỉ đủ thấm quyện vào từng sợi mì, làm mềm những món rau ăn kèm. Địa chỉ: Quán Mì xứ Quảng 190 Nguyễn Văn Thủ, quận 1; quán Phú Chiêm - 52D Trần Bình Trọng, quận Bình Thạnh; quán 85 Trần Quang Diệu, quận 3; Mì Quảng Mỹ Sơn - 262 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận; 7 Kỳ Đồng, quận 3; Mì Quảng Sông Trà - 7/25 Thành Thái, quận 10; quán Thu Bồn - 86 Đồng Đen, quận Tân Bình.
Bánh bèo xứ Quảng - Có hình dáng và cách chế biến rất giống bánh bèo chén xứ Huế, nhưng điểm hấp dẫn của món ăn này lại đến từ phần nhân khi được làm bằng tôm xay nhuyễn trộn với thịt heo ba chỉ cắt hạt lựu, hành lá... được nêm nếm gia vị vừa ăn. Địa chỉ: 64, 68, 76 Trần Mai Ninh, quận Tân Bình.
Bún cá ngừ um - Đây là món ăn quen thuộc của người dân ở dải đất miền Trung nắng gió nói chung và của người xứ Quảng nói riêng. Tuy không quá cầu kỳ nhưng lại là món ăn hấp dẫn mà những ai đã ăn một lần thì không bao giờ quên được cái vị đậm đà, cay nồng của nó. Địa chỉ: quán Hội Quảng - 7 Phan Xích Long, phương 3, quận Phú Nhuận.
Các món cơm gia đình - Nếu muốn thưởng thức bữa cơm gia đình đầy đủ các món ăn xứ Quảng, bạn có thể ghé đến quán Đo Đo với các món cá kho dưa; cá nục hấp cuốn bánh tráng, lòng heo xào nghệ... Địa chỉ: 10/14 Lương Hữu Khánh, quận 1.
Tép đồng um - Trong những ngày nắng nóng, món tép đồng ăn kèm với bánh tráng, rau sống như khế chua, xà lách, diếp cá, húng thơm, tía tô, húng quế, dưa leo... cùng chén nước mắm hơi cay tuy bình dị nhưng luôn được ưa thích vì sự thanh mát, ngon miệng. Địa chỉ: quán Tôm Tép - 168/28 Nguyễn Cư Trinh, quận 1 hay 290 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.
Bún mắm nêm - Thành phần món ăn đơn giản với bún và mắm cùng một ít rau sống. Món ăn này được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt luộc, chả bò, tai heo, heo quay... Địa chỉ: Quán Hội Quảng - 7 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.
Cao lầu phố Hội - Khác với món mì Quảng nổi tiếng và được nhiều người ưa thích, cao lầu khá lạ và có rất ít quán bán món ăn này ở TP HCM. Một bát cao lầu đầy đủ gồm có sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, thịt lợn thái lát và ít nước dùng. Nước dùng của cao lầu chính là nước tiết ra từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, đun trên bếp, nước dùng có vị hơi ngọt, đậm đà và thơm ngon. Địa chỉ: 77/13A Huỳnh Tịnh Của, quận 3 hay 139 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1.
Hến trộn, don, bánh đập - Đây là những món ăn chơi dân dã của người dân xứ Quảng nhưng luôn có một sức hấp dẫn đối với thực khách. Địa chỉ: quán Phú Chiêm - 52D Trần Bình Trọng, quận Bình Thạnh; quán Faifo - 139 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1; quán Hội Quảng - 7 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.
Theo VNE
Nhớ món thịt heo ngâm ngày tết Trong những ngày tết, các món ăn như bánh tráng cuốn rau sống, bánh chưng, bánh tét... có thêm món thịt heo dầm nước mắm, thì hương vị món ăn càng thêm thơm ngon, đậm đà hồn quê hương xứ sở. Nhớ lại ngày ấy, miền Trung xứ Quảng quê tôi còn nghèo xơ xác với đất đai khô cằn trong nắng gió....