Bánh tằm rau mơ
Quê tôi ở miệt vườn nên mẹ tôi thường hay làm bánh tằm và bánh lá mít để đãi con cháu mỗi khi gia đình tụ họp về đông đủ.
Để có món bánh thơm ngon, mẹ tôi chọn loại gạo thật ngon đem ngâm với nước ấm độ hai tiếng đồng hồ, sau đó cho vào cối đá xay thành bột. Còn rau mơ tươi thì mẹ tôi rửa sạch, đâm nhuyễn hoặc xay, vắt lấy nước cốt rồi cho tất cả vào bột khuấy thật đều. Xong, đổ bột vào chảo nấu cho đến khi chín, sền sệt, bột chuyển sang màu xám xanh mới lấy ra, để nguội, bắt thành cục và cho vào khuôn ép từ từ. Công đoạn cuối cùng là hấp cho đến khi bánh chín, dỡ ra thơm phức.
Bánh tằm và bánh lá mít rau mơ bán tại chợ Bạc Liêu.
Video đang HOT
Ngoại tôi nói thời xưa bánh tầm thường làm bằng tay nên gọi là “bánh tầm se tay”. Đến đời mẹ tôi, bánh được ép bằng khuôn vừa nhanh vừa đẹp. Khi nào bột còn dư mẹ tôi nắn thêm bánh lá mít cũng ngon và hấp dẫn không thua gì bánh tằm. Mẹ tôi bảo món bánh tằm đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo tay, nhất là khâu khuấy bột phải nhanh nhẹn và đều tay, (tiếng nhà nghề gọi là lấy trùn). Đến lúc hấp bánh cũng phải giữ lửa cho đều. Có thế những sợi bánh mới chín mềm, dẽo, để vào miệng cảm thấy ngòn ngọt và thơm ngon.
Đến việc thắng nước cốt dừa cũng là một nghệ thuật. Dừa nạo vắt lấy nước cốt để riêng, phần nước dảo đem nấu, pha thêm chút bột gạo, muối, đường cho đến khi nước sôi vài dạo mới cho chén nước cốt vào và khuấy đều lên.
Món bánh tầm của mẹ tôi thơm ngon một phần nhờ chất béo của nước cốt dừa và vị chua cay của nước mắm trông rất bắt mắt. Đặc biệt là mùi thơm của rau mơ, một mùi thơm đặc trưng của loại rau vườn mà mẹ tôi bảo rất có vị thuốc, ăn vào có lợi cho sức khỏe, nhất là trẻ con và những người đau lâu ngày mới mạnh. Loại rau mơ nầy lá nhỏ, dài, màu xanh đậm, khác với lá mơ lông hình tròn, màu tim tím dùng ăn sống.
Khi nào có tôm, tép mẹ tôi bằm làm nhưn, nếu không chỉ chan nước cốt dừa, thêm chút rau thơm, dưa leo cũng cảm thấy ngon. Nhìn dĩa bánh màu xám xanh bốc lên mùi thơm phưng phức, ai nấy cũng phát thèm, chỉ nhìn thôi đã thấy ngon rồi! Chính cái chất ngọt, thơm, chua, cay, béo mà có người ăn đến no bụng vẫn còn muốn ăn.
Chỉ bánh tằm bột gạo và thứ rau mơ rất đỗi bình thường thôi mà nó đã trở thành một góc thiêng trong hồn tôi, đồng thời nó đã đi vào ký ức của nhiều người vì đó là món ăn mùi nhớ, một thứ hương vị và màu sắc đặc trưng, không giống với bất cứ một loại bánh nào.
Đã lâu lắm rồi, kể từ khi mẹ tôi qua đời, tôi không còn có dịp thưởng thức món bánh tằm rau mơ của mẹ tôi nữa. Bỗng một hôm, trên đường đi công tác ở Bạc Liêu, tôi may mắn gặp được một bà cụ bán bánh tằm và bánh lá mít rau mơ y hệt như món bánh tằm của mẹ tôi năm xưa, khiến lòng tôi dâng lên một cảm hoài và nỗi nhớ khôn nguôi.
Theo LĐO
Đơn sơ bún bì Nam Bộ
Đất Nam bộ là nơi sản sinh ra những món ăn lạ, dân dã, dễ làm. Bún bì là một trong những số đó, khá ngon và để lại trong lòng người ăn những dư âm khó tả.
Thường thì các món ăn khô kèm nước mắm người ta hay cho thêm bì như cơm tấm, bánh tằm, bánh mì để tăng thêm cái hương vị thơm tho, ngọt ngào và cũng vì cái lẽ đó mà món bún bì ra đời. Ở Sài Gòn chắc ít ai biết món ăn ấy nhưng khi về miền Tây mà nhất là Bến Tre bạn sẽ thấy bún bì được bán vào buổi sáng như một món điểm tâm gọn nhẹ, và không chỉ ăn sáng người ta còn làm để ăn trưa, ăn chiều như một món chính.
Để có một tô bún bì ngon trước tiên phải làm nên món bì ngon đã. Thịt để làm bì phải là loại thịt nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín và tùy theo cách làm của từng người mà thái sợi thật nhuyễn hay dùng kéo xấp thành từng sợi nho nhỏ. Cả da heo và thịt ram thái sợi sẽ hòa quyện vào nhau bởi một lượng thính gạo vừa đủ. Món chủ lực thứ hai là nước mắm, món này phải pha cho thật khéo, không quá nhạt mà cũng không quá mặn, vị ngọt phải đằm cho thật êm đầu lưỡi.
Ăn bún với nước mắm thì khi đi chợ bạn cũng nên chọn loại bún sợi nhỏ món bún mới ngon. Đầu tiên là cho vào tô một nhúm giá sống, gắp lên ấy một gắp bún, rải đều bì lên, cho thêm một ít rau thơm xắt nhuyễn, dưa leo bằm, và tùy theo sở thích mà người ăn cho vào lượng nước mắm vừa đủ nhưng với người sành ăn họ hay chan cho tô bún nổi nước thì mới chịu. Ăn hết tô bún thì húp luôn nước mắm, tận hưởng hết hương vị ngọt ngào thơm tho của món bún bì.
Ở quê thường thì bên hiên nhà nào cũng có một khoảnh rau nho nhỏ, vừa trồng chơi, vừa ăn những khi cần thiết. Rau vườn trồng rất thơm, loại nào mang hương vị đó không nhàn nhạt như vị rau thành phố và dù chỉ chấm nước mắm thôi cũng đủ ngon rồi, nên khi được kết hợp cùng món bún bì thì lại càng thêm sắc, thêm hương khiến người ăn nhớ mãi.
Theo PNO
Bánh tằm Cà Mau Làm bánh tằm tương tự như làm bún nhưng sợi bánh to hơn sợi bún một chút, bánh vừa dài vừa dai được gỡ ra rời rạc từng sợi một trước khi chan nước xốt, còn gọi là " nước cà"... Cà Mau không chỉ nổi danh với nghề dệt chiếu đã đi vào câu hát quen thuộc "nghe chiếu Cà Mau..." mà...