Bánh đập lề đường
Bánh thì để nguyên mà ăn chứ sao lại đập? Thế mà từ Đà Nẵng đổ vào đến tận Nha Trang, bánh đập đã thành thứ đặc sản. Những hàng quán bên lề đường phố thị, hay chợ quê, đều có bánh đập.
Trên dải đồng bằng miền Trung hẹp như một vòng eo thon, không hiểu sao Trời lại thương cho hạt gạo nõn nà, thơm thảo. Và người miền Trung tráng bánh thoăn thoắt điệu nghệ như thần. Một chiếc nồi căng khung vải hơi nước bốc nghi ngút. Chậu bột nước trắng ngần và đôi tay nhoay nhoáy múc bột, nhoay nhoáy tráng và những lá bánh mềm mại cứ nhấc từ vùng hơi nước ấy lên. Bánh dùng để phơi khô làm thành bánh đa nem (gọi theo kiểu Bắc) hay đơn thuần là bánh tráng (gọi theo kiểu Nam). Thứ phơi khô tráng dày mình còn để nướng.
Một lá bánh ướt vừa tráng đặt lên một chiếc bánh tráng nướng, thoa chút mỡ hành, gập đôi lại. Cùng là một thứ bánh, làm từ một thứ gạo, bánh đập là hai nửa vàng ròn và trắng mướt. Bánh đập đấy. Như cậu với mợ, như gái với trai. Tốt duyên vừa lứa. Thứ nhân duyên mang tên bánh đập lại được dầm trong mắm nêm mặn mòi chua ngọt như cuộc đời.
Bánh đập chấm mắm nêm là một món ăn dân dã của miền Trung nắng gió.
Mắm nêm làm từ thứ cá gì? Ủ bao lâu? Phụ gia những gì? Đừng hỏi, cứ ăn đi, tận hưởng hương vị đi. Tây Mỹ lần đầu còn kinh mùi vị, chứ quen rồi cũng bắt nghiện mắm nêm ấy chứ. Mà hay một nỗi là mỗi hàng bánh đập lại có vị mắm nêm khác nhau. Gia giảm tùy tay mà hàng này khác hàng kia chút ít. Tinh mồm là nhận ra ngay. Thế nên cứ hỏi người miền Trung xem. Có bà ăn quà bánh đập chung thủy hơn cả một mối tình, cũng chỉ vì vị mắm nêm.
Ở thành phố, hàng bánh đập lề đường cũng không to tát phô phang gì đâu. Lỏng chổng cái bàn gỗ, trên để trái ớt, nhánh tỏi dưới tấm bạt hay tấm nylon căng lên nơi hẻm nhỏ. Thêm chục nem, hay tré cùng chả lụa. Ăn cho sang mồm, chứ bánh đập chỉ nên ăn thuần là bánh đập chấm mắm nêm.
- Em Hà Nội vô hả? – Tôi từng được hỏi vậy khi ngu ngơ hỏi chị bán món gì bằng giọng Bắc kỳ chay.
- Dạ, vâng.
Video đang HOT
- Chị có hai thằng rể Bắc. Một thằng hắn khó ăn khó uống lắm. Thằng rể thứ thì món chi hắn cũng ăn. Hắn ăn như mình rứa, không kêu ca chi.
Chị kể quê chị Điện Bàn, vì yêu một anh mà lặn lội ra Đà Nẵng. “Lúc yêu thì đâu có nghĩ người ta ăn ở hai lòng ri? Chừ hắn vợ lẽ con thêm, chị mặc. Buôn bán qua ngày”.
Ngoài lề đường thì chỉ cần thế thôi, bẻ ra từng miếng bánh đập mà chấm với mắm nêm và gia giảm bằng việc nghe những tâm sự vụn. Vô nhà hàng cũng có bánh đập, ăn với heo quay hẳn hoi, nhưng đâu có ai ngồi trải lòng với mình? Vì chút cảm thông mà miếng bánh đập ngon ngọt thấm từ đầu lưỡi vào tận tim óc ấy chứ.
Hương vị món ngon miền Trung giữa lòng TP.HCM
Khu chợ nhỏ nằm trên con đường Trần Mai Ninh (quận Tân Bình) là nơi lưu giữ trọn vẹn hương vị mộc mạc, bình dị của ẩm thực miền Trung từ bánh thuẫn, bánh đập đến lòng xào nghệ...
Chợ Bà Hoa được mệnh danh là "Quảng Nam thu nhỏ" hay "miền Trung thu nhỏ" giữa lòng Sài thành. Đến đây, thực khách như sống giữa không gian ẩm thực, văn hóa của miền đất đầy nắng gió. Chợ có nhiều hàng ốc ngon, hương vị đậm đà níu chân thực khách. Món hải sản thường được chế biến sẵn và giữ nóng trên bếp than. Người bán hàng lý giải mỗi loại ngon nhất khi chế biến theo phương pháp riêng từ nướng, luộc, hấp đến xào me.
Từ xế chiều, sạp ốc hơn 20 món lại tỏa hương thơm lừng góc đường Trần Mai Ninh. Mỗi phần ốc giá từ 30.000 đồng đều có vị cay đúng điệu miền Trung. Món ăn chấm cùng nước mắm chua chua cay cay, đậm đà. Không gian chợ khá nhỏ, tại nhiều hàng, bạn chỉ có thể mua mang về.
Bánh đập, món ăn phổ biến ở Quảng Ngãi, là sự kết hợp thú vị giữa bánh ướt và bánh tráng nướng cũng xuất hiện ở khu chợ. Bánh ướt mềm, thanh mát bọc bên ngoài là lớp bánh tráng giòn rụm, điểm chút dầu phi, hẹ xắt nhuyễn. Bánh ăn kèm với mắm cái (mắm nêm) được pha chế cùng tỏi, ớt... đậm đà.
Tên gọi bánh đập ra đời bởi mỗi lần ăn, thực khách phải dùng tay đập bánh, tạo ra tiếng kêu vui tai. Không quá nhiều nguyên liệu cầu kỳ hay màu sắc bắt mắt, những miếng bánh đập dân dã vẫn khiến thực khách Sài thành thương nhớ. Giá món ăn từ 10.000 đồng/cái.
Không khó để bạn bắt gặp những món ăn miền Trung chế biến sẵn tại đây. Lòng xào nghệ vàng rực giòn giòn, béo béo nổi bật, hút mắt thực khách ngay lần đầu nhìn thấy. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn là mẹo vặt trị ho hiệu quả. Nguyên liệu chính là lòng già, hẹ, củ nghệ tươi, ớt. Để tăng thêm vị ngon, người ta thường dùng kèm bánh tráng nướng.
Bánh xèo, món bánh nổi bật với lớp vỏ vàng đều, là một trong những hương vị bạn không thể bỏ qua khi ghé chợ Bà Hoa. Kích thước bánh nhỏ, không quá ngọt như bánh xèo miền Tây. Vỏ giòn mềm, vàng ươm, phần nhân chứa giá đỗ, hành lá kèm hải sản, thịt lợn hoặc thịt bò. Người ta dùng món ăn này bằng cách trải bánh tráng ra, thêm bánh xèo, dưa leo, xoài xanh, rau sống rồi cuốn lại. Bạn sẽ cảm nhận trọn vị ngon khi chấm với nước mắm tỏi ớt pha sẵn.
Bánh thuẫn có màu vàng ươm, nở bung như hoa mai là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung. Nguyên liệu chính của món bánh gồm bột, trứng, đường, gừng giã nhuyễn. Người bán đổ bánh vào khuôn gang hay đồng ngay ở chợ và sấy khô để bảo quản.
Dạo một vòng, bạn sẽ ngỡ như đang đi trong một ngôi chợ ở miền quê Quảng Nam, bởi giọng Quảng đặc sệt của người bán hàng. Ngoài các món ăn hấp dẫn, thực khách có thể bắt gặp nhiều gia vị nấu món Trung như nén, hành tỏi, bột nghệ, sợi mì quảng, tương ớt, đậu phộng, mắm ruốc...
Bánh xèo xứ "Nẫu" Phú Yên Thương em thân phận bánh xèo / Tìm em, anh vượt cái đèo Cù Mông". Với người xứ "Nẫu", bánh xèo thân thuộc lắm, gần gũi lắm, như là nỗi nhớ niềm thương vậy đó. Lúc vui hân hoan bạn bè hay tụ tập lại đổ bánh xèo, vừa làm vừa xúm tụm chuyện trò rôm rả. Ngày Rằm hay mùng Một đầu...