Bánh chưng ngọt vị Tết rất riêng
Mỗi người có một lý do riêng để thích Tết, riêng tôi chờ Tết để được ăn bánh chưng ngọt, món ăn khó có thể tìm được nơi đâu và một thời điểm nào khác trong năm.
Bánh chưng nào cũng cần gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, thịt mỡ. Tuy nhiên, bánh chưng ngọt không có dưa hành như câu đối Tết và cần thêm đường phên, thịt heo cũng cần nạc hơn.
Bánh chưng ngọt cầu kì hơn trong khâu gói khi đường phên phải là đường ngon, được cạo mỏng từ những tảng lớn, màu nâu sậm, vị ngọt đậm. Gói bánh chưng ngọt cần hoa hồi, chút vỏ quế, thế mới làm nên hương vị đặc biệt. Hoa hồi khô mua ở tiệm thuốc Bắc cùng vỏ quế được nghiền thành bột mịn rồi ướp với thịt, nước mắm, hạt tiêu. Đường phên gói đến đâu, cạo tới đó để tránh đường bị ướt.
Video đang HOT
Bánh chưng ngọt – một vị Tết rất riêng. Ảnh: Internet.
Gói bánh chưng ngon, nhà tôi không bao giờ đem ngâm gạo hay luộc đỗ trước. Bánh cứ thế gói, luộc kỹ, miếng bánh ăn mềm mát. Một bát gạo, một bát đỗ, vài lát thịt, một lớp dày đường phên, phủ thêm gạo, đỗ, gói chặt lá dong, lạt ống giang, chiếc bánh chưng đem luộc đến gần 12 tiếng sẽ được độ ngon nhất. Người ta gọi đó là “rền” bánh.
Bánh chưng mặn, người làm bánh cố gắng sao cho chiếc bánh bóc ra xanh từ trong ra ngoài, bánh chưng ngọt đơn giản hơn. Bởi màu bánh đã là màu nâu cánh gián của đường phên. Nhìn màu vỏ bánh cũng có thể phân biệt vị bánh bên trong.
Thông thường bố tôi sẽ gói đa phần bánh mặn. Bánh ngọt chỉ gói vài cái ăn chơi, mời khách cho phong phú món ăn ngày Tết. Bánh chưng ngọt, đậm đà vị mặn của gạo nếp, thịt heo xóc muối, vẫn ngọt ngào, lạ miệng với vị ngọt của đường phên, mùi thơm đặc trưng của hoa hồi, vỏ quế. Bánh chưng ngọt để được ít ngày hơn bánh chưng mặn. Sau này, muốn để dành sau Tết, gia đình tôi phải cho vào tủ lạnh tránh mốc hỏng bánh.
Nhiều gia đình nay đã mất thói quen gói bánh chưng. Ai cũng chọn mua ngoài chợ cho tiện. Gia đình tôi khác, bao năm qua không bỏ tục lệ gói bánh ngày cận Tết. Bố tôi nói, gói bánh để con cháu trong nhà học được phong tục cha ông. Giây phút gói bánh cũng là lúc cả nhà ngồi xôm tụ. Sáng mồng 1, lấy chiếc dây lạt xắn một góc bánh chưng, nghe cái thơm thơm, deo dẻo của vị bánh năm mới, thấy đúng khoảnh khắc của một cái Tết rất Việt Nam!
Theo Lao Động
Ngày Tết ăn dưa món
Theo quan niệm của mẹ tôi thì trong dịp xuân về, món bánh tét, bánh chưng không thể thiếu dưa món để ăn kèm. Dưa món là món dưa kết hợp nhiều loại trái củ: đu đủ xanh, cà rốt, củ cải, su hào, khóm, củ kiệu, đậu phụng, ớt tạo cho người ăn không nhàm chán lại hấp dẫn.
Để có hũ dưa món ăn tết đậm đà, mẹ tôi thường chuẩn bị đầy đủ vật liệu: củ kiệu mua về làm sạch trắng. Cà rốt rửa sạch gọi vỏ xắt phơi héo, khóm vừa chín gọt vỏ, cắt mắt, cắt thành miếng mỏng phơi héo. Củ cải và đu đủ ngâm qua nước muối, vớt ra phơi nắng một ngày cho héo, sấy khô. Đặc biệt đu đủ phải mua loại còn xanh, nếu mua ửng vàng khi làm thành dưa ăn không giòn, đậu phụng rang vàng. Nước mắm thường dùng nước mắm ngon, cho đường với tỉ lệ một phần đường, ba phần nước mắm, khuấy cho tan đường, đun thật sôi, vớt bọt, tắt lửa để nguội.
Mẹ tôi thường trang trí hũ dưa món rất đẹp mắt, ai nhìn vào cũng muốn ăn. Các loại củ bà cắt tỉa thành hoa, xếp các thứ trên vào keo, đổ nước mắm đường khi đã nguội vào rồi nén chặt bằng vỉ tre. Ngâm khoảng 1 tuần là ăn được.
Lúc này nước dưa trong vắt có màu vàng ánh, hột đậu phụng cũng trong veo, các sợi dưa cắn dòn tan, màu sắc miếng dưa tươi thắm, thơm ngọt.
Mẹ tôi bây giờ không còn nửa, nhưng mỗi lần xuân về, tết đến, chúng tôi thường làm hủ dưa món để nhớ mẹ và ăn ba bữa tết.
Theo LĐO
Rộn rã đón Tết ở Thái Lan Dù xa quê hương đã rất lâu, bà con Việt kiều ở Thái Lan vẫn không quên những nếp truyền thống xa xưa khi dịp Tết Nguyên đán đang về. Những ngày này tại vùng đông bắc Thái Lan thời tiết se lạnh, dễ chịu. Đây cũng là nơi tập trung đông bà con Việt kiều sinh sống từ mấy chục năm qua....