Bánh chưng đen xứ Lạng
Người Việt vốn quen với câu “Dưa hành, thịt mỡ, bánh chưng xanh”, thế nhưng đồng bào Tày ở Lạng Sơn lại thường gói bánh chưng đen…
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu, nắm nem,
Mải vui quên hết lời em dặn dò.
Đem vàng đi đổ sông Ngô…
Mấy câu ca dao xưa gợi nhớ về một xứ Lạng xưa, với những danh lam, thắng cảnh kỳ thú, cũng như về tình cảm quyến luyến của một người vợ trẻ miền xuôi dặn dò anh chồng – cũng còn rất trẻ – lên ngược, làm ăn trên xứ Lạng xa tít mù sương, mong anh đừng bao giờ “mải vui quên hết lời em dặn dò” để rồi “đem vàng đi đổ sông Ngô”!
Tuy nhiên, xứ Lạng không chỉ có cảnh quan kỳ thú, mà có còn một vốn liếng văn hóa ẩm thực phong phú, đậm đà hương sắc núi rừng. Lạng Sơn với trên 8000 km2 đồi núi vùng Đông Bắc, cùng 5 dân tộc anh em quần tụ từ nhiều thế kỷ, mỗi dân tộc có những món ăn riêng rất hấp dẫn. Tôi nêu lên nhận xét ấy không phải là “công thức” nói theo sách, mà là bằng trải nghiệm cá nhân của một người Tày sinh ra và lớn lên trên xứ Lạng.
Chiếm gần 79% dân số Lạng Sơn, dân tộc Tày – Nùng nơi đây thường sống gần đồi núi, nơi có nhiều lâm sản, thổ sản.
Video đang HOT
Mỗi độ xuân về, nhà nhà lại náo nức sửa soạn đón Tết cổ truyền, chăm chút cho mâm cúng tổ tiên. Với người Tày ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn, bánh chưng đen là món ăn không thể thiếu. Bánh được gói theo hình trụ dài, giống như bánh tét miền nam, bánh gù của người Giáy. Đặc biệt, bánh có màu đen quánh của tro quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy, tạo nên màu đặc trưng cho món bánh “hạ hỏa” của người Tày Bắc Sơn.
Để bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng mười âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm, đem về phơi khô, đốt thành tro, vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm.
Nếp phải chọn giống ngon nhất, hạt to tròn, đem vo thật kỹ, xóc với một chút muối tinh, để tạo vị đậm cho bánh. Công đoạn cầu kỳ nhất là trộn bột tro nếp với gạo, sao cho khi thử miết mạnh hạt gạo trên đầu ngón tay, thấy vẫn tròn vẹn màu đen nhánh, mới đem gói.
Nhân bánh là đỗ xanh trộn hành mỡ, hạt tiêu, thịt và được bọc trong lá dong rừng tươi. Bánh dài khoảng 30 cm, đường kính 6 – 7cm và dùng lạt dài cuốn chặt, làm lằn lên những khoanh bánh căng tròn.
Khi ăn, người ta lấy chính những sợi lạt quấn quanh thân bánh ấy để cắt, những khoanh bánh đen ánh, dẻo quánh, nhân bánh ở chính giữa chạy dọc theo chiều dài của bánh vàng ươm màu đỗ mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong thơm phức tỏa ra khiến cho ta chỉ nhìn thôi cũng thấy như đang thưởng thức món đặc sản ấy.
Mùi gạo nếp thơm quyện với mùi tro nếp khiến người ăn có cảm giác như đang được giao hòa cùng cỏ cây, ruộng đồng, cùng thiên nhiên hoang sơ miền Đông Bắc. Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường, do đó, có tác dụng “hạ hỏa”…
Bánh chưng đen được ưa chuộng không chỉ vì hương vị tinh tế, mà còn vì bánh để được rất lâu, đến hết tháng Giêng, vẫn thơm ngon.
Theo quan niệm của người Tày xưa, tài khéo léo khi gói bánh chưng đen là một tiêu chí để chọn nàng dâu. Bánh phải được gói chặt tay, tròn trịa, khi bóc ra, phải có độ quánh cao, đậm đà đủ vị.
Giờ đây, bánh chưng đen không chỉ được gói để ăn trong dịp Tết, mà còn trở thành một món “quà quê” sẵn có quanh năm của núi rừng xứ Lạng.
Theo DVT
Bảng lảng khói sương Hồ Ba Bể
Khỏa đôi chân trần xuống dòng nước mát trên chiếc thuyền độc mộc, tôi với cô bạn tán gẫu về đất trời cho đến khi cuộc nói chuyện bị đứt đoạn bởi tiếng thác nước đổ ầm ào phía trước.
Ảnh minh họa từ ONE/MILLION"s
Chiếc thuyền nhỏ như một chiếc lá tre thuôn dài lướt nhẹ trên mặt hồ phẳng lặng. Thảng hoặc, cơn gió khẽ khàng luồn qua tán lá rừng rậm rạp cũng chỉ đủ khiến mặt hồ khẽ lay động. Buổi sớm, cả đất trời vẫn còn đang khoác trên mình màn sương mỏng ngái ngủ. Sương là là gần mặt nước và cái lạnh len lỏi. Bốn đứa chúng tôi ngôi sát lại bên nhau, mỗi đứa hướng về một suy nghĩ vẩn vơ và lặng ngắm phong cảnh giống một thước phim quay chậm qua tầm mắt nhìn. Một chú chim bói cá bất chợt lao xuống lòng hồ và đập cánh rũ nước bay lên ngay sát mép thuyền.
Hừng đông! Sương dần tan khi vầng hồng phía cuối chân trời chầm chậm bò lan khắp bầu trời. Một mầu hồng lấn dần mảng trời tối và chẳng mấy chốc, cả mặt hồ ngợp trong sắc màu ấm áp. Những tia nắng đầu tiên xuyên qua lớp mây mù, tạo nên một đường sáng lấp lánh từ bầu trời xuống thẳng mặt hồ và muôn vàn những tia nắng khác cũng đang cùng lúc nhảy nhót. Cho đến khi màn sương mỏng không còn bảng lảng trên mặt hồ thì cũng là lúc mặt trời ló rạng. Nắng ấm thế chỗ cho cái lạnh buổi sớm. Con thuyền đã đi qua giữa lòng hồ xanh biếc và câu chuyện quanh chúng tôi bắt đầu rôm rả.
Chúng tôi quyết đinh ghé thăm hồ Ba Bể vào một chiều đông cách đó hai ngày. Sự thèm muốn được vẫy vùng trong khoảng trời đất rộng lớn, bao la và được thỏa sức ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp đã đưa đến quyết định chóng vánh. Sau hơn 4 tiếng đi đường, mọi bụi bẩn, mệt mỏi, bực bội, bí bức của cuộc sống thường nhật bị thiên nhiên tươi đẹp đóng cửa bỏ lại ngay từ bìa rừng.
Được bao bọc bởi một màu xanh vĩnh cửu của rừng núi và hồ nước, Ba Bể ngập tràn một màu xanh đến nhức mắt. Thiên nhiên vòng một bàn tay rộng lớn ôm trọn trời và đất, gói lại, tạo nên một Ba Bể tách biệt, thanh nhã và quyến rũ. Ở đây không có tiếng động cơ xe cộ qua lại, không có những cuộc cãi vã nhỏ to, chỉ có cánh rừng già với những loài động vật đáng yêu chạy theo bước chân người, chỉ có con thuyền xuôi dòng nước và những cánh chim bay lượn trên bầu trời xanh. Một bức tranh thủy mặc diễm tình mà bất cứ ai khi bước vào cũng trở thành một phần trong khung cảnh huyền ảo của chính nó.
Chúng tôi chọn một ngôi nhà sàn của người Tày làm điểm dừng chân. Tiếng xe máy vội tắt vì sợ làm hỏng mất cái không gian không tiếng động này. Sau bữa ăn tối với những món ăn độc đáo đậm chất núi rừng là một buổi đi dạo xuyên cánh rừng, xuyên không gian và thời gian trước giấc ngủ được ru bởi những tán cây rừng không ngớt rì rào.
Một vài ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những rặng cây xa xa, mái ngói thâm đen và lẫn với màu của cỏ cây. Những chú dê lấp ló trên núi, nhóp nhép cái miệng râu, ngoái đầu nhìn theo con thuyền. Trên thuyền có đủ cả đồ ăn thức uống vì chúng tôi dự tính sẽ xuôi thuyền trên lòng hồ trọn ngày. Thi thoảng, người lái thuyền khéo léo cập bến sát ven hồ để mấy đứa được thỏa sức chụp ảnh và đùa nghịch với đàn sóc tinh nghịch. Khi cái nắng đã oi ả hơn, chúng tôi trải đồ ăn, thường thức một bữa tiệc ngoài trời giữa thiên nhiên đẹp đẽ và ngả lưng trên những thảm lá khô ngắm nhìn ánh nắng đang nhảy múa dưới tán cây. Thích thú với những câu chuyện xa xôi.
Ảnh minh họa từ ONE/MILLION"s
Khỏa đôi chân trần xuống dòng nước mát lạnh bên dưới thân chiếc thuyền độc mộc, tôi với cô bạn tán gẫu những câu chuyện linh tinh về đất trời cho đến khi cuộc nói chuyện bị đứt đoạn bởi tiếng thác nước đổ ầm ào phía trước. Thác Đầu Đẳng đầu đông với những dải nước mảnh mai đã ở ngay trước tấm mắt. Lần trước khi đến với thác nước này, tôi đã được ngắm một dòng thác tung bọt trắng xóa ngoạn mục.
Một ngày không xe cộ, không tiếng động cơ, không có những câu chuyện đau đầu. Một ngày chỉ có tiếng chim hót rộn rã, tiếng lá khô xào xạc dưới đôi chân, tiếng dòng nước lách chách dưới mạn chèo khua. Chiều dần buông, một ngày trôi nhẹ nhàng và êm ả trên màu xanh Ba Bể.
Ảnh minh họa từ ONE/MILLION"s
Theo aFamily
Bánh Khẩu Thuy: Đặc sản riêng của Bắc Kạn Vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh Khẩu Thuy. Bánh tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản...