Bản thân là giảng viên nhưng mẹ Thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng ngậm ngùi thừa nhận lỗi lầm trong quá trình dạy con học
Vì cách dạy này của chị Phan Hồ Điệp mà Nhật Nam phải mất đến 3 năm để sửa chữa.
Được sự động viên của Nam, mình sẽ ghi lại những… lỗi lầm trong quá trình nuôi và dạy Nam với hy vọng sẽ giúp các bố mẹ có những lựa chọn tốt hơn cho con.
Những điều này chỉ khi đi qua ngoái đầu lại mới biết là mình đã sai ở đâu, đã lầm chỗ nào. Và rồi chặng đường tiếp theo có thể lại vẫn có vô số sai lầm.
Nhưng có sao đâu nếu mình thành ý. Nhưng có sao đâu nếu mình tin rằng, không chỉ trẻ con mà ngay cả bố mẹ cũng cần bề bộn để trưởng thành.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày nào giờ đã là tân sinh viên tại Mỹ.
VIẾT VĂN HOA MỸ
Hồi nhỏ, mình rất chú ý kèm cặp Nam môn văn. Vốn liếng đọc và viết của mình được đem ra sử dụng tối đa.
Và Nam thực sự thích viết, viết nhanh, viết tốt ( theo cảm nhận nói chung của mọi người).
Mình luôn hướng dẫn Nam cách triển khai, theo kiểu:
Ví dụ: Tả một người đi trong mưa
Hãy tả cảnh cơn mưa, chú ý các từ tượng thanh, tượng hình. Ví dụ như cơn mưa ào ạt, tiếng mưa rơi ầm ầm, mưa đan chéo mặt sân, những hạt mưa như nhảy múa…
Tả người trong mưa, bao gồm: Hình dáng bên ngoài (quần áo ướt sũng, bết vào người, tay cầm ô…), hoạt động (chạy, đưa tay vuốt nước trên mặt)…
Tả các cảnh vật xung quanh: Đất trời, những ngôi nhà, con đường ngập nước mưa.
Và với mỗi ý, mình luôn nói với Nam là em hãy viết cho thật đầy đủ, chi tiết. Ví dụ riêng tả cảnh mưa, em có thể triển khai thành 10 câu.
Ngoài ra mình luôn khuyến khích Nam nên dùng nhiều từ láy, từ tượng thanh, tượng hình, sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa.
Và mình sẽ ví dụ như: Từng hạt mưa rơi mà như nhảy múa trên mặt sân. Hạt mưa vừa đậu xuống sân đã vỡ tan thành các vụn nước li ti, trắng xóa. Mưa thánh thót rên mái nhà nghe như bản hòa âm rộn ràng của đất trời, đôi khi vút cao thanh thoát có lúc lại trầm ấm mênh mang…
Kiểu như thế.
Và Nam thường có cách triển khai rất tốt những gì mẹ dạy.
Nhưng hôm qua Nam bảo: Mẹ có biết không, em phải mất 3 năm để sửa lại cách làm văn mà mẹ dạy em.
Hả?, mình ngạc nhiên.
Nam kể: Thời kì đầu khi em học ở một trường bình thường, các thầy cô dạy Văn khen em quá trời. Tất cả các bài văn của em đều được đem ra để làm mẫu. Và em tin rằng mình viết rất tốt.
Video đang HOT
Nhưng đến khi em vào một trường tốt hơn thì mọi việc khác hẳn.
Khi ấy em vô cùng ngạc nhiên vì khi em viết rất dài, rất dạt dào cảm xúc thì điểm lại không cao như bạn chỉ viết có đoạn ngăn ngắn.
Và cô dạy Văn luôn nói với em: Nam, em hãy tiết chế lại, tập trung vào ý chính. Cô còn nói, nếu các bạn khác cô mong viết được 5 trang thì với Nam, cô mong em sẽ viết 3 trang.
Có hôm cô còn gọi em lên và hỏi: Nếu cô gạch đi cả một đoạn này thì em có cảm thấy không thoải mái không.
Tất nhiên là em không vấn đề gì. Và cô bắt đầu dạy cho em cách “tiết chế”.
Cô dạy một cấu trúc chặt của một bài luận. Cách triển khai ý cho rõ ràng nhưng không quá cầu kì, hoa mỹ. Quan trọng nhất là mình tìm ra được “câu khóa” cho đoạn mở bài với những ý tưởng mới mẻ sáng tạo sau đó, mình sẽ triển khai các ý thật chặt theo ý tưởng đó.
Một đoạn văn đẹp là đoạn văn với số từ miêu tả vừa đủ, không quá thừa thãi và không quá “loong coong”.
Giống như một bữa ăn, món ngon chỉ nên có một hoặc hai.
Vậy nên, với đoạn văn tả người đi trong mưa, mình chỉ cần tập trung vào các ý miêu tả về dáng vẻ của người đó, những hoạt động với nét đặc trưng trong mưa, trong đó có lồng cảm xúc của người miêu tả.
Kể từ đó, mỗi lần viết văn, để sửa lỗi sai của mẹ em sẽ:
1. Làm dàn ý thật chặt
2. Đọc lại bài ít nhất 5 lần. Mỗi lần lại đề ra mục tiêu là cắt bớt. Em sẽ cắt bớt từ rườm, cắt bớt đoạn không cần thiết. Sửa lại những chỗ diễn đạt ngây ngô.
Và với 5 lần em ngạc nhiên thấy bài sau khi sửa gần như khác hẳn bài ban đầu.
Mình nghe xong mà cảm động lắm ấy.
Cảm động vì Nam đã được học những thầy cô tốt. Và bản thân mình, thời gian gần đây, mình cũng nhận thấy những điều Nam nói là chính xác.
Mình cũng bắt đầu thấy sợ những bài văn mà toàn các từ rất đẹp, đọc lên nghe lanh canh nhưng sáo rỗng. Ví dụ để tả về cảm giác trống trải mà sử dụng một loạt những từ như: bần thần, lơ thơ, ngơ ngác, ngác ngơ…
Mình cũng thích hơn cách làm văn ngắn gọn, chân phương, mộc mạc.
Và mình cũng sợ tư duy đo bài làm văn dài để cho điểm cao của nhiều giáo viên.
Bài học rút ra là: Viết văn ngắn gọn nhưng súc tích, đủ ý. Các từ láy miêu tả dùng tiết chế. Không sử dụng các từ có nghĩa giống nhau chỉ để miêu tả về một sự vật. Viết dài không có nghĩa là tốt, là hay.
Vài nét về tác giả
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai – “thần đồng” Đỗ Nhật Nam – người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào”, “Những con chữ biết hát”, “Bố mẹ đã cưa đổ tớ”…
Theo Helino
Cậu bé lấy đồ của bạn bị bố mẹ dẫn tới đồn công an, dù hiệu quả bất ngờ nhưng chị Phan Hồ Điệp chỉ ra sai lầm tai hại
Chị Phan Hồ Điệp đã đưa ra những cách xử trí tinh tế trong trường hợp con lấy đồ của bạn.
Chuyện "cầm nhầm đồ" có thể xảy ra đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Khi gặp tình huống này, bố mẹ cần có cách xử lý thật khéo léo, tinh tế. Bởi nếu quá nóng giận, bố mẹ có thể khiến con bị tổn thương lòng tự trọng. Con chẳng những không sửa được thói xấu mà còn tiếp tục tái phạm.
Mới đây chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ câu chuyện về đôi vợ chồng xử lý khi con "cầm nhầm đồ" của bạn. Bố mẹ đã "thông đồng" với nhau, dẫn con trai lên đồn công an để dọa cậu bé sợ. Cách làm này tuy hiệu quả nhưng chị Phan Hồ Điệp vẫn chỉ ra những sai lầm tai hại, ảnh hưởng đến tâm lý con.
Bên cạnh đó, chị Điệp gợi ý cho cha mẹ những cách xử lý tinh tế hơn:
"Hôm nay cô giáo gọi điện cho bố A nói về việc A đã lấy của bạn cùng lớp một cái bàn chải đánh răng. A năm nay 7 tuổi. Bố A mặc dù bất ngờ nhưng khi A về, bố chỉ nghiêm giọng bảo: Bố đã nghe chuyện ở lớp của con rồi. Giờ con đi cùng bố đến đồn công an nhé!
Mẹ A núp trong nhà bấm bụng cười. Vì đó là kế hoạch hai vợ chồng vừa bàn. A run rẩy lên xe của bố. Bố chở đến đồn công an thật và dẫn vào gặp chú cảnh sát (là người quen của bố mẹ mà A không biết).
Cậu bé "cầm nhầm" đồ của bạn sau đó bị bố dẫn lên đồn công an (Ảnh minh họa).
Chú cảnh sát nhìn A rồi nói rất nhẹ nhàng: "Chú nói chuyện với cháu nhé! Đừng sợ!". A khe khẽ gật đầu.
- Tại sao cháu lại lấy bàn chải của bạn?
- Vì nó đẹp ạ - A lí nhí.
- Thế bây giờ, vì chú thấy đôi giày của cháu đẹp, chú lấy nó được không?
- Không ạ - A lắc đầu.
- Đúng rồi, ta không thể lấy một đồ vật ta thích nếu nó KHÔNG phải là của mình. Giờ cháu kể cho chú xem cháu còn lấy gì của bạn nữa không? Chú đang lắng nghe đây.
- Cháu... cháu lấy 20 nghìn của bạn M ạ.
Đến đây thì bố A sững người, bố không biết là con lấy tiền của bạn.
Chú cảnh sát bảo: Thôi được rồi, chú ghi nhận là cháu đã trung thực nên tạm thời chú chưa bắt cháu. Nhưng chú không muốn là cháu lại phải đến đây lần nữa, cháu hiểu chứ!
A gật đầu, nhìn chú cảnh sát đầy biết ơn. Rồi A lên xe bố chở về. Về nhà cả bố và mẹ đều không nhắc thêm một lần nào về kỉ niệm "đau thương" ấy của A.
A nhận được một bài học nhớ đời từ bố mẹ (Ảnh minh họa).
Bạn nghĩ gì khi đọc tình huống có thật trên? Bạn có thích cách giải quyết của bố mẹ A không?
Có rất nhiều bạn đồng tình, nói rằng: "Cũng ổn đấy chứ. Bố mẹ đã không cần phải quát nạt, la mắng mà vẫn đạt hiệu quả. A chắc chắn sẽ sợ và không tái phạm. Bố A cũng tuyệt vời giữ được bình tĩnh. Và cả mẹ nữa. Mẹ đã đứng đằng sau để sắp xếp mọi việc.
Lời của chú cảnh sát với A cũng rất văn minh mà vẫn đầy đủ những cảnh báo cần thiết".
Có nhiều bạn không đồng tình vì: "Làm như thế khiến A có thể bị chấn động tâm lý. Một đứa trẻ 7 tuổi phải đến đồn cảnh sát là một điều quá tệ". Ngoài ra, khi lớn lên phát hiện ra rằng người ta không thể đưa đứa trẻ đến đồn cảnh sát chỉ vì nó lấy cái bàn chải đánh răng, khi đó, A sẽ thấy bố mẹ mình không trung thực. Đó có thể là điều kiện để dẫn đến những hành vi không trung thực tiếp theo.
Còn bạn, bạn nghĩ gì? Trong trường hợp đó, bạn làm gì?
Kỉ luật con những lúc con gây ra hành vi xấu là đương nhiên. Nhưng kỉ luật thế nào để con nhận ra lỗi lầm mà vẫn không làm con tổn thương? Điều đó cần quá trình "tu tập" của bố mẹ. "Tu tập" để không nổi nóng đánh mắng, nói những lời làm tổn thương con.
"Tu tập" để bố mẹ tìm hiểu tâm lý lứa tuổi, những vấn đề mà con đang gặp phải. Ví dụ riêng với hành vi lấy đồ của bạn, những nguyên nhân có thể:
- Trẻ có kiểm soát hành vi kém và mong muốn hài lòng ngay lập tức.
- Trẻ muốn có sự chú ý của bố mẹ.
- Trẻ không được dạy rằng, ăn cắp là sai.
- Trẻ học từ người lớn và không bị bố mẹ nhắc nhở khi lấy đồ chơi nho nhỏ của bạn mang về nhà.
- Trẻ bị bỏ rơi.
- Trẻ đang bị lạm dụng và cần sự giúp đỡ.
- Trẻ muốn bày tỏ cảm giác lo lắng, tức giận hoặc xa lánh do bị thay đổi môi trường sống như bố mẹ ly hôn, chuyển trường...
- Trẻ muốn thử cảm giác hồi hộp, mạo hiểm, thử thách...
Với mỗi nguyên nhân lại có cách giải quyết khác nhau. Nhưng điều cơ bản vẫn là GẦN GŨI, yêu thương trẻ. Với trường hợp trên, sẽ tuyệt vời hơn nếu bố mẹ thực hiện các bước như sau:
1. Giữ bình tĩnh, tuyệt đối không gọi con là "đồ ăn trộm"- từ này thực sự khủng khiếp. Bố mẹ thẳng thắn nói rằng KHÔNG đồng tình với việc làm của con nhưng đừng thẩm vấn, giảng giải vào thời điểm đó.
2. Dạy con về sự sở hữu. Đặt các câu hỏi (như kiểu của chú cảnh sát trong câu chuyện).
3. Dạy con cảm nhận về cảm xúc của người khác: bạn bè sẽ thất vọng/ thiếu tin tưởng và không nghĩ con là cô bé/ cậu bé tuyệt vời như trước.
4. Để con được bày tỏ suy nghĩ, giải thích về hành động.
5. Củng cố những hành vi trung thực của con.
6. Nên mời những "diễn giả" là cảnh sát khu vực đến nhà hoặc đến lớp trò chuyện với bọn trẻ về những việc làm sai luật mà trẻ có thể mắc phải.
Kỉ luật tích cực là như thế. Nó khiến bạn cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bình an hơn".
Vài nét về tác giả
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...
Theo Helino
Chỉ với một câu hỏi, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam khiến người trẻ và phụ huynh phải 'giật mình': Chúng ta sợ thất bại hay sợ sự xoàng xĩnh? Một đứa trẻ luôn sợ thất bại thì chẳng thể nào khai phá được hết tiềm năng của mình. Nỗi sợ ấy sẽ khiến đứa trẻ tránh xa những hoạt động tập thể. Nỗi sợ ấy có thể khiến đứa trẻ không dám thi vào trường mình mong muốn, để rồi nhìn giấc mơ nuối tiếc vụt qua. Có những em biết dùng...