Bản quyền truyền hình V-League: Lãng phí đến bao giờ?
Ở các giải đấu lớn trên thế giới, bản quyền truyền hình luôn là miếng bánh béo bở, mang về số tiền khổng lồ cho BTC giải. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề này khiến nhà tổ chức không khỏi chạnh lòng.
Vừa qua, thông tin một đơn vị truyền hình Việt Nam bỏ ra tới 5 triệu USD để mua bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 khiến tất cả phải “choáng”. Vẫn biết AFF Cup là giải đấu được người hâm mộ quan tâm khi đội tuyển Việt Nam đang là đương kim vô địch, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình cho rằng, đơn vị truyền hình trên đã bị ép giá, và mua bằng mọi giá.
Thực tế, ngay cả Đài truyền hình quốc gia là VTV cũng đã “nói không” với mức giá mà đối tác đưa ra. Tuy nhiên, có vẻ như muốn chơi trội, đơn vị trên đã sở hữu gói bản quyền truyền hình giải đấu mà đến giờ vẫn chưa chắc 100% sẽ tổ chức, do đại dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á.
Việt Nam mua bản quyền AFF Cup 2020 với giá cao, dù giải đấu này chưa chắc diễn ra đúng thời điểm
Cũng cần phải nhắc lại, chính đơn vị này đã từng sở hữu bản quyền truyền hình V-League vài năm trước, nhưng đã xảy ra tranh chấp với Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ( VPF).
Sau khi ngồi ghế cao nhất ở VPF, Chủ tịch HĐQT là ông Trần Anh Tú quyết định đơn phương chấm dứt hợp vì “đối tác không thực hiện đúng theo các điều khoản đã cam kết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của VPF”.
Theo tìm hiểu, đơn vị trên không cung cấp bất cứ hồ sơ nào liên quan đến việc quyết toán doanh thu và chia lợi nhuận cho VPF. Ngoài ra, hợp đồng nhiệm kỳ cũ VPF ký với đối tác có hiệu lực đến năm…2022, trong khi VPF chỉ được VFF giao quyền khai thác hình ảnh V-League đến hết năm 2018.
Trước khi dính vào vụ lùm xùm này, đối tác của VPF cũng chưa làm được gì để giúp V-League thu được tiền từ bản quyền truyền hình. Có thể nói, công tác truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, và đặc biệt là người xem, thực sự rất tệ.
Đây là điều mà bóng đá Việt Nam cần phải học hỏi Thái Lan hay Malaysia. Hai quốc gia này đã làm rất tốt khâu hình ảnh, thậm chí sẵn sàng chi tiền để gây sự chú ý.
Video đang HOT
Nhưng ở Việt Nam, 100% các trận đấu của V-League tuy đã được truyền hình trực tiếp nhưng bản quyền truyền hình chỉ được giao dịch theo dạng “hàng đổi hàng”, chứ chưa thu được tiền mặt. Đơn vị sở hữu bản quyền chỉ đặt ra mục tiêu trực tiếp 100% số trận, nhưng lại không quan tâm tới người xem muốn gì. Đó là chưa kể nhiều đơn vị báo chí muốn hợp tác để cùng đẩy mạnh hình ảnh V-League, đã bị làm khó, bị hạn chế, hoặc phải trả tiền rất cao.
Bản quyền truyền hình V-League đang bị lãng phí nhiều năm qua
Đó là thất bại về mặt truyền thông. Dĩ nhiên, thất bại chung về bản quyền truyền hình V-League cũng có nhiều lý do khác. Chẳng hạn như các CLB không có sự đầu tư để mua những cầu thủ nổi tiếng như Hải Phòng từng mua ngôi sao Brazil Denilson năm 2009.
Bên cạnh đó, sự thiếu chuyên nghiệp của V-League cũng kéo tụt giá trị bản quyền truyền hình. Gần như mùa giải nào chuyện pháo sáng, bạo lực sân cỏ, những tiếng còi méo hay nghi án tiêu cực cũng xuất hiện, khiến người xem ngán ngẩm. Các đội bóng thì không quan tâm đến vấn đề sân bãi, khán đài, các phòng chức năng… theo đúng tiêu chuẩn của AFC.
Khi sản phẩm không có chất lượng tốt, hình ảnh cứ xấu xí thì việc các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh bản quyền không mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Điều này trái ngược hoàn toàn với việc những đơn vị này vào cuộc đua đấu giá bản quyền truyền hình các giải đấu như AFF Cup, Euro, World Cup, Ngoại hạng Anh…
V-League phải thay đổi, và những đơn vị đang tạo ra sản phẩm truyền hình cũng phải thay đổi. Nhưng có lẽ đó chỉ là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, bản quyền truyền hình vẫn như một món hàng đi cho không ai lấy, lãng phí vô cùng. VPF chỉ mong các trận đấu được phát trực tiếp, khiến đối tác “làm cao”. Và, khi nhà tổ chức giải, các CLB chưa thể đảm bảo về một sản phẩm chất lượng với đối tác, thì đối tác cũng chỉ làm cho có.
Nói tóm lại, câu chuyện bản quyền truyền hình V-League không có màu sắc kinh doanh, càng không thấy lợi nhuận về kinh tế. Đây là điều mà chính VPF trăn trở, rất muốn thay đổi, nhưng khó cải thiện vì nhiều yếu tố.
Vì sao ông Park và VFF không xung đột bản quyền hình ảnh?
DJ Management không bỏ qua cơ hội tiếp nhận và khai thác quảng cáo từ hình ảnh của chiến lược gia Park Hang-seo ở thị trường Việt Nam lẫn Hàn Quốc một cách trực tiếp.
Chưa có một con số cụ thể về giá trị hình ảnh của ông Park nhưng thu nhập từ quảng cáo của nhà cầm quân này ngày càng tăng. Giá trị hợp đồng của ông Park phản ánh được tầm ảnh hưởng và thương hiệu cá nhân ông tạo nên sau thành công với bóng đá Việt Nam từ sau vòng chung kết U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc.
VFF và ông Park Hang-seo thu về hàng trăm tỷ đồng từ bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam trong 3 năm trở lại đây. Ảnh: Thuận Thắng.
Chủ động bảo vệ hình ảnh ông Park
Cho dù cột mốc lịch sử đó đến một cách bất ngờ cách đây 2 năm nhưng công ty quản lý DJ Management đã chuẩn bị đón đầu thành công. "Chân ướt chân ráo" đến Việt Nam và thất bại sau thương vụ bản quyền truyền hình K.League 1, Giám đốc điều hành Lee Dong-jun đã rút ra không ít kinh nghiệm để nắm bắt thị trường Việt Nam.
Một văn phòng đại diện lập tức được thành lập ở Hà Nội trước khi cơn bão truyền thông ập đến. Nhân viên chủ yếu lo việc giấy tờ, sắp xếp lịch làm việc nhưng sau này, họ là nơi tiếp nhận hàng loạt hợp đồng quảng cáo gắn với hình ảnh ông Park Hang-seo. Số tiền này được thống kê là lớn hơn nhiều so với mức lương 25.000 USD/tháng trong 2 năm đầu tiên của ông.
Nếu như các cầu thủ nổi tiếng sau đó theo một cách khác thì vị thế của ông Park được định giá ở một phân khúc khác. Lý do đơn là về tuổi tác, tính cách và vị trí của ông khác xa so với các học trò. Giá trị của ông vì vậy mà tăng lên. Một đơn vị truyền thông nói với Zing.vn mức phí cho vị huấn luyện viên trưởng người Hàn Quốc này trong các hợp đồng quảng cáo, sự kiện truyền thông... không thua kém bất kỳ một ngôi sao hạng A nào tại Việt Nam.
Và các hợp đồng đến trực tiếp văn phòng đại diện thay vì thông qua Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Một agency (công ty quảng cáo) nhận được đơn hàng từ văn phòng một hãng hàng không Hàn Quốc ở Việt Nam kết nối đến DJ Management. Một ngày sau, công ty đại diện ông Park làm việc trực tiếp với công ty mẹ ở Hàn Quốc. Họ không mất phí môi giới, không phải làm các thủ tục phức tạp.
CLB Hà Nội ra quy định họ là đơn vị duy nhất sở hữu, quản lý hình ảnh các cầu thủ và chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ thu nhập nào cầu thủ từ hình ảnh cầu thủ. Ảnh: Quang Thịnh.
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh mới đây chia sẻ với truyền thông về việc chia sẻ quyền lợi bản quyền hình ảnh của ông Park: "HLV trưởng đội tuyển Việt Nam như ông Park, trong hợp đồng với VFF luôn quy định rất rõ về việc chia sẻ quyền lợi quảng cáo dựa trên sự phân biệt giữa tư cách cá nhân với HLV trưởng ĐTQG".
Thỏa thuận rõ ràng
Tháng 4/2018, ông Park chính thức trở thành đại sứ thương hiệu cho một sản phẩm sữa. Sau đó một tháng, ông ký hợp đồng đại diện cho thương hiệu xúc xích. Nhiều hình ảnh quảng cáo của ông Park tránh xuất hiện có liên quan đến thương hiệu của đội tuyển Việt Nam. Ông chủ yếu mặc áo vest để đảm bảo không xâm phạm quyền lợi với đối tác của VFF là agency Dentsu.
Trước khi ông Park đặt bút ký hợp đồng gia hạn thêm 3 năm, theo nguồn tin của tờ Chosun, hợp đồng đại diện thương hiệu trung bình trong 6 tháng của ông đã lên đến 300 triệu won (tương đương 270.000 USD), còn giá trị hợp đồng 1 năm là 500 triệu won (450.000 USD).
Các bên liên quan chưa từng có xung đột trong chuyện khai thác hình ảnh của ông Park. Đối tác của VFF có nghĩa vụ tìm quảng cáo trên danh nghĩa hình ảnh đội tuyển và HLV Park Hang-seo. Trong khi đó, công ty quản lý của ông Park khai thác hình ảnh đơn thuần của ông miễn không liên quan đến các đội tuyển Việt Nam.
Cả hai phía đều hiểu rõ bài toán kinh tế và giá trị hình ảnh của ông Park. Tuy nhiên, khái niệm này với các CLB và cầu thủ còn tương đối mơ hồ, không phải nhà quản lý và chủ thể cầu thủ nào cũng nắm rõ về tính pháp lý. Việc CLB Hà Nội vừa ban hành quy định về chia sẻ và quản lý hình ảnh cầu thủ là bước đi phát triển nhưng còn phải tranh luận nhiều để đảm bảo quyền lợi cầu thủ.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng của CLB TP.HCM đang là tuyển thủ đắt show quảng cáo và nhiều người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội nhất Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh.
Một quan chức khác của VFF cho rằng, chuyện hình ảnh cầu thủ với CLB Hà Nội gần đây nhìn có vẻ mới với các đội bóng nhưng với góc độ HLV đội tuyển quốc gia với VFF thì có những quy định và khung rất rõ ràng trong hợp đồng. Ngay cả các trợ lý HLV, tuyển thủ khi tham gia quảng cáo cũng được VFF xác định rõ tư cách. Vì vậy, vấn đề bản quyền hình ảnh ở cấp độ đội tuyển là chuyện bình thường.
Theo báo cáo tài chính năm 2019 của VFF được công bố đầu năm 2020, doanh thu tăng 150%, thu về được 240 tỷ đồng và vượt chỉ tiêu đề ra khoảng 160 tỷ. Lợi nhuận thu về tăng 747% so với mục tiêu đề ra. Giá trị hình ảnh đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park tăng đáng kể, thu hút nhiều nhà tài trợ, hợp đồng quảng cáo.
VFF khẳng định chưa từng có trường hợp bản quyền hình ảnh ông Park bị xâm phạm trong thời gian qua. Đơn vị này cũng nhấn mạnh việc chia sẻ quyền lợi từ hình ảnh của cầu thủ, HLV đều dựa trên sự thỏa thuận thống nhất bằng văn bản của các bên.
Hải Phòng từng suýt có được Obafemi Martins Không chỉ đưa nhà vô địch World Cup 2002 - Denilson về sân Lạch Tray, Hải Phòng từng ấp ủ muốn có cả ngôi sao Obafemi Martins, người từng chơi cho Inter Milan. Tháng 6/2019, Hải Phòng bất ngờ đưa nhà vô địch World Cup 2002 - Denilson về với sân Lạch Tray. Đây có thể xem là một thương vụ "bom tấn"...