Ban Quản lý đường sắt: Không còn cơ hội đổi vị trí ga C9 ở Hồ Gươm!
Ông Lê Trung Hiếu – Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số 2 không xâm phạm di tích hồ Gươm và không vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Ngày 21/8, ông Lê Trung Hiếu – Phó Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã chia sẻ với báo chí một số vấn đề liên quan việc Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số hai vi phạm di tích hồ Gươm.
- Ga ngầm C9 tuyến tàu điện số 2 có xâm phạm di tích hồ Gươm và vi phạm Luật Di sản văn hóa như nhận xét của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra không, thưa ông?
Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trong đó có vi trí nhà ga C9 (ga hồ Gươm) được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2008. Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử danh thắng hồ Gươm và Đền Ngọc Sơn. Còn trong quá trình trình cấp giấy chứng nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ở khu vực hồ Gươm lại không cập nhật vị trí đặt ga C9 (đã được quyết định trước từ năm 2008).
Nhà ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích, theo tôi nghĩ đây cũng là công trình mang tính chất phục vụ khu vực hồ Gươm. Do vậy, quan điểm của tôi là (người làm kỹ thuật), công trình này không vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Còn các chuyên gia trong buổi tọa đàm thì cho rằng đây là công trình giao thông, phục vụ gián tiếp cho khu vực này. Do vậy, họ cho rằng công trình này vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Hiện tại, UBND TP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến về vấn đề này theo đúng quy định.
Ông Lê Trung Hiếu – Phó Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội
- Quá trình chuẩn bị dự án các chuyên gia đưa ra hai phương án, trong đó có phương án hai không chạy qua khu vực hồ Gươm. Vậy tại sao TP Hà Nội lại chọn phương án một, phương án được cho là ảnh hưởng đến di tích?
Phương án hai ít tác động vào di sản nhưng lại tác động trực tiếp vào thân đê. Các cụ đã nói “nhất thủy, nhì hỏa”. Nên nếu tác động vào thân đê ngoài việc vi phạm Luật Đê điều (2006) nó còn nguy hiểm hơn rất nhiều, vì nó tác động, ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn của Hà Nội khi có thiên tai xảy ra.
Về mặt nguyên lý khi phát triển đường sắt đô thị phải tiếp cận được khu vực nhiều hành khách và tạo điều kiện cho họ tiếp cận khu vực tham quan, làm việc, học tập. Ngoài ra, phương án một, tuyến phần lớn đi ngầm giữa tim đường, nhà ga chủ yếu lấy đất cơ quan nhà nước, tránh GPMB nhà dân, ít tác động người dân nhất.
- Khi các chuyên gia chưa thống nhất như vậy, TP Hà Nội có tính đến phương án thay đổi vị trí đặt nhà ga C9 hay không?
Thực tế hiện nay không còn phương án nào đặt vị trí nhà ga C9 và đường ống tàu điện ngầm khu vực này. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga kế tiếp (ga C8 – đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 – đặt tại đường Hàng Bài).
Video đang HOT
Phương án một là vị trí đặt ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2
- Vậy TP Hà Nội sẽ tiếp thu quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội như thế nào?
Dự án chúng tôi đã nghiên cứu gần 15 năm. Trong thời gian hữu hạn của buổi tọa đàm, cùng với các ý kiến của một số chuyên gia chưa thể đại diện cho ý kiến của đa số chuyên gia có hiểu biết sâu về Quy hoạch đô thị cũng như đường sắt đô thị. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục giải trình thêm, báo cáo thêm các ý kiến Ủy ban để tạo sự đồng thuận.
Sụt lún, rung lắc không tác động đến di tích
- Những di tích quanh hồ Gươm tồn tại hàng trăm năm nay, kết cấu rất yếu. Điều đó khiến nhiều chuyên gia lo ngại trong quá trình thi công và vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ có những tác động tiêu cực đến di tích?
Trong quá trình thi công và vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2 ở khu vực hồ Gươm, có hai vấn đề chúng tôi tính toán kỹ đó là độ lún và rung lắc. Theo tính toán của chúng tôi, độ lún tối đa ở khu vực này chỉ từ 4-8,8mm. Đây là độ lún rất nhỏ, không ảnh hưởng đến di tích. Còn quá trình vận hành, các chuyên gia tính toán, khi ống hầm nằm sâu 15m thì các xung động không thể truyền lên mặt đất.
Phương án kiến trúc lối lên xuống của nhà ga C9
- Các chuyên gia đưa ra cảnh báo, khu vực hồ Gươm có nền địa chất yếu, dẫn đến những nguy cơ khó lường khi làm tuyến ống ngầm đường sắt đô thị và ga ngầm C9. Điều này có thể ảnh hưởng không chỉ đến di tích mà còn nhà dân trong khu vực, thưa ông?
Cả Hà Nội và TP HCM đều hình thành và nằm trong vùng châu thổ của 2 con sông, địa chất phức tạp. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán cụ thể với các thông số đã được đưa ra. Việc khoan khảo sát địa chất khu vực này cho thấy lớp địa chất yếu tương đối mỏng, còn lại là lớp cát rất mịn.
Từ những phân tích cụ thể, cho thấy lớp địa chất ở khu vực này là bình thường. Các biện pháp thi công hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được với lớp kết cấu địa chất ở đây. Việc tính toán kết cấu công trình cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành khai thác vận tải sau này.
- Dù tính toán lớp địa chất không đáng quan ngại và trong quá trình xây dựng, vận hành tàu điện không có tác động gì đến di tích. Nhưng các chuyên gia vẫn còn có những lo ngại nhất định. Vậy trong thời gian tới, TP Hà Nội có xây dựng các phương án để lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào hay không?
Công nghệ thi công các tuyến ngầm hiện nay tương đối hiện đại. Việc thi công đường ngầm bằng máy khiên đào có thể cân bằng áp lực trong lòng đất và đào đến đâu chúng tôi lắp đặt vỏ ống ngầm đến đó. Với công nghệ đó quá trình thi công kết cấu và áp lực trong lòng đất sẽ không thay đổi, dẫn đến không ảnh hưởng gì đến công trình xung quanh.
Các nhà khoa học đưa ra những cảnh báo với mong muốn không có tác động tiêu cực đến di tích quanh hồ Gươm. Theo ông, nếu không xây tàu điện ngầm ở khu vực này, có ảnh hưởng gì đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô hay không?
Dự án này hoàn toàn nhằm mục tiêu công cộng và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi luôn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chúng tôi áp dụng tất cả các biện pháp để không tác động đến môi trường, cảnh quan trong khu vực hồ Gươm trong quá trình thi công, cũng như khai thác tuyến tàu điện số 2.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong
Theo Dantri
Đường sắt đô thị số 2 Hà Nội xâm phạm không gian di tích Hồ Gươm(!?)
UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cảnh báo, tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP.Hà Nội (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) vi phạm hành lang bảo vệ di tích đặc biệt hồ Hoàn Kiếm; vi phạm luật Di sản văn hóa; xâm phạm không gian văn hóa, văn hiến Thủ đô.
Metro ngầm cắt khu phố cổ, ga C9 ngay chân Tháp Bút
UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có văn bản gửi UB Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, 1 trong 8 tuyến thuộc dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội.
Theo UB này, trong quá trình chuẩn bị dự án, Hà Nội đã nghiên cứu 2 phương án, trong đó phương án 1 có đoạn tuyến đi ngầm cắt qua khu phố cổ, dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia đền Bà Kiệu.
Sơ đồ các đoạn tuyến của đường sắt đô thị số 2 Hà Nội
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu, nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng đối với di tích, môi trường... thành phố đề xuất chọn phương án 1 và đã được các bộ, ngành liên quan chấp thuận, vì có nhiều ưu điểm như: tính khả thi cao, có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng dân cư, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga kết nối khác; phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 và các quy hoạch khu vực liên quan.
Phương án 2 (tuyến đường sắt chạy dọc theo đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và Lê Văn Hưu, sau đó kéo dài về phía Nam theo hướng phố Huế đến Đại Cồ Việt) không được lựa chọn do "vi phạm hành lang bảo vệ theo luật Đê điều, tuyến hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, vấn đề giải phóng mặt bằng, khai thác vận hành không hiệu quả, kết nối với các tuyến số 1 và số 3 phức tạp hơn, chiều dài đoạn hầm lớn, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao".
Xâm phạm không gian văn hoá thủ đô
Theo UB Văn hóa, Giáo dục, các chuyên gia cho rằng, lựa chọn phương án 1 sẽ vi phạm luật Di sản văn hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hóa trung tâm thủ đô, nhưng dự án lại chưa có báo cáo đánh giá tác động.
Tuyến ngầm đi qua khu vực phố cổ, đi thẳng vào khu vực trung tâm thành phố, có một phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm là vi phạm luật Di sản văn hóa.
Việc quy hoạch tuyến đường ngầm xuyên qua lòng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Bà Kiệu xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích.
Thêm vào đó, đường ngầm đi gần tứ trụ di tích đền Ngọc Sơn, cách chân Tháp Bút chỉ 1m, quá trình thi công và vận hành hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích, vi phạm điều cấm của luật Di sản văn hóa, do đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (Tháp Bút hiện bị nghiêng 3 độ), trong khi các phương án giảm thiểu tác động do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, vị trí thân ga và cửa lên xuống không hợp lý, có nguy cơ tác động không tốt về mặt xã hội với khu vực. Kích thước, quy mô thân ga quá lớn so với diện tích mặt bằng khu vực; vị trí thân ga, cửa lên xuống được bố trí quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm không hợp lý, do khu vực này vốn đã có mật độ giao thông lớn, với lưu lượng tăng thêm khoảng 6.700 người/ngày do ga ngầm tạo ra tiềm ẩn nguy cơ gây tắc nghẽn giao thông và phát sinh các vấn đề an ninh, xã hội khác...
Ngoài ra, quá trình thi công dự kiến kéo dài hàng năm, chưa tính đến phát sinh chậm tiến độ, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và đời sống người dân khu vực trung tâm.
Nguy cơ được cảnh báo về sự cố sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ... chưa được tham vấn cơ quan chuyên ngành trong khi Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và chuyên gia. Thực tế trên thế giới cho thấy các công trình đường ngầm và ga ngầm luôn đối mặt với sự cố nguy hiểm: sụt lún, thay đổi cấu trúc, thủy hệ... trong khi khu vực hồ Hoàn Kiếm được đánh giá có kết cấu đặc biệt, nền móng địa chất yếu.
Thêm vào đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm và chuyên gia về xử lý sự cố đường sắt đô thị, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, thiếu chủ động trong việc xử lý tình huống xảy ra sự cố.
UB Văn hóa, Giáo dục cho rằng, chọn hướng tuyến đường sắt theo phương án 1 cho thấy TP Hà Nội "chưa tuân thủ pháp luật di sản văn hóa, xâm phạm không gian văn hóa, văn hiến Thủ đô".
"Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu là di sản văn hóa đặc biệt và đặc sắc, nằm trong khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến nghìn năm của Thủ đô, không chỉ là di sản của TP Hà Nội mà là của quốc gia, là không gian văn hóa có một không hai của Việt Nam, cần được bảo vệ tuyệt đối theo luật Di sản văn hóa" - Văn bản của UB Văn hoá, Giáo dục nêu rõ.
UB này đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ; đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan hữu quan, chỉnh lý hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.
P.Thảo
Theo Dantri
Hình ảnh tàu Cát Linh - Hà Đông trên đường chạy thử Mới đây, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được đóng điện lưới quốc gia. Đoàn tàu chạy thử toàn tuyến, kiểm tra công tác vận hành trước khi đưa tàu vào chạy chính thức. Mới đây, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được đóng điện...