Bán HCV để mua ma tuý, nhà vô địch thế giới tự huỷ hoại cuộc đời
Chỉ đến khi đánh mất gần như tất cả những gì mình có, Flavio mới nhận ra cuộc sống ngoài kia tươi đẹp đến thế nào.
Ở tuổi đôi mươi, Flavio Donizete bước lên đỉnh thế giới cùng Sao Paulo. Gần một thập niên sau, anh vật lộn trong cuộc chiến với cơn nghiện chất cấm.
Flavio từng có tương lai rộng mở, nhưng đã đánh mất tất cả vì hàng cấm. Ảnh: Getty.
Nhà vô địch đóng thế
FIFA Club World Cup có thể không phải là một giải đấu được nhiều người hâm mộ đánh giá cao vì sự thiếu hấp dẫn của nó. Giải đấu được FIFA quảng cáo là sân chơi của những đội bóng mạnh nhất mỗi châu lục thường chứng kiến sự thắng thế của các nhà vô địch từ châu Âu.
Thế nhưng, Cúp vô địch thế giới các CLB từng chứng kiến vài cú sốc trong trận chung kết, nơi các đại diện Nam Mỹ hạ gục những nhà đương kim vô địch Champions League. Sao Paulo của Flavio là một trong số những CLB đã tạo nên bất ngờ đó.
Ngày 19/12/2005, Rafael Benitez nổi cơn điên với tổ trọng tài điều khiển trận đấu trên sân Yokohama International. Liverpool của ông vừa thất thủ 0-1 trước đội bóng bị đánh giá kém hơn là Sao Paulo ở trận chung kết FIFA Club World Cup.
Trong 15 năm qua, chỉ có 3 lần các CLB châu Âu để thua trong một trận chung kết FIFA Club World Cup. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, Flavio lao vào sân ăn mừng cùng các đồng đội. Anh chỉ là thành viên dự bị và không được sử dụng phút nào.
Thế nhưng, hậu vệ trẻ người Brazil vẫn được trao tấm huy chương vàng, và chính thức trở thành nhà vô địch thế giới cấp CLB.
Tấm huy chương vàng ấy quả thực là điều kỳ diệu với Flavio. Vì đúng vào cái hôm trước ngày đội một lên đường sang Nhật Bản thi đấu, hậu vệ này còn đang trên đường ra ga tàu để đến chơi cho một CLB khác theo dạng cho mượn.
Đang bước trên sân ga, Flavio được gọi lại để bay cùng chuyến với các đồng đội sang châu Á, sau khi 2 hậu vệ trụ cột liên tục gặp chấn thương. Những gì diễn ra sau đó anh sẽ không thể nào quên.
Falvio kể lại rằng ngay cả việc anh được chọn vào lò đào tạo của Sao Paulo cũng là một điều may mắn, khi các tuyển trạch viên gọi anh vào để thi đấu thay cho một người vắng mặt.
“Tôi chưa bao giờ đi đến nước nào xa như Nhật”, anh thổ lộ trên Globo. “Nó là một trải nghiệm chưa từng xuất hiện trong đời tôi, cứ như đang ở một thế giới khác”.
Nhưng vinh quang chứa nhiều may mắn của Falvio không tồn tại lâu. Anh được Sao Paulo đem cho mượn tới nhiều đội bóng khác, có cả Los Angeles Galaxy. Các chấn thương khiến vấn đề của anh tồi tệ hơn và hậu vệ này chính thức rời Sao Paulo vào năm 2009, khi hợp đồng của anh kết thúc.
Flavio, hàng dưới cùng đầu tiên từ phải sang, trong đội hình Sao Paulo vô địch FIFA Club World Cup 2005. Ảnh: Globo.
Video đang HOT
Cơn ác mộng mang tên “chất cấm”
Bi kịch thật sự của Falvio không đến từ những chấn thương hay các màn trình diễn trên sân cỏ. Những cám dỗ bên ngoài đường pitch, đặc biệt là hàng cấm đã khiến hậu vệ này bị huỷ hoại.
Rời Sao Paulo, Flavio đến đầu quân cho Nacional Atletico Clube, một CLB địa phương chơi ở hạng đấu thấp hơn. Những chấn thương khiến anh rời xa sân cỏ khá lâu và trong khoảng thời gian rảnh rỗi đó, cơn ác mộng kéo đến.
Đến năm 2010, ở tuổi 26, Flavio bắt đầu rơi vào vòng xoáy của chất cấm và các chất kích thích.
Flavio kể rằng xung quanh có đủ loại bạn bè. Có những người luôn rủ anh đến nhà thờ, quây quần bên gia đình và tập luyện. Cũng có những người chỉ muốn anh đi bar, uống rượu và chơi bời. Và Flavio đã chọn sai.
“Là một cầu thủ trong nhiều năm, tôi có tiền, tôi mua xe, tôi sửa lại nhà cho mẹ và thế là tôi bắt đầu nghĩ: ‘Tại sao mình không xả hơi tí nhỉ”, Falvio nhớ lại. “Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, tôi đã tập luyện như điên như khùng, và bây giờ muốn thư giãn. Tôi đến một hộp đêm, và bắt đầu uống rượu. Đó cũng là lúc tôi nghiện hàng cấm”.
“Tôi mất nhiều lắm, kể từ khi chơi ma tuý”, Flavio nói. “Ban đầu tôi chơi thuốc ít lắm, nhưng càng lúc nó càng khiến tôi lún sâu vào, và tôi đánh mất tất cả”.
Bao nhiều tiền kiếm được, hậu vệ sinh năm 1984 đổ hết vào ma tuý. Mỗi ngày trôi qua, cơn nghiện của anh lại càng nặng thêm. Không có chất kích thích, Flavio không sống được. Tấm huy chương vàng có được trên đất Nhật Bản, anh bán lấy 7.000 reais (3.500 USD).
“Hôm đó tôi ở nhà, lên cơn nghiện nhưng hết tiền. Tôi phải tìm bán một thứ gì đó”, anh kể lại. “Thứ gì có giá trị trong nhà tôi đã bán cả rồi, ngoại trừ tấm huy chương vàng năm 2005″.
Chú của Flavio giới thiệu anh với một người mua và họ đã chịu chi số tiền lớn để mua nó thời điểm đó.
Flavio giấu nhẹm khi được hỏi lý do tại sao lại bán kỷ vật quý giá đó. Anh xấu hổ.
Ma tuý khiến cuộc đời Flavio điêu đứng. Anh bước vào quán bar, chơi chán anh lại ra đường, uống rượu rồi chơi thuốc ở trạm xăng. Lâu lắm anh mới chịu về nhà. Có ngày tìm thấy đường về, anh lau dọn nhà tới 20 lần. Tất cả chỉ vì phê thuốc.
Sau khi tài sản quý giá cuối cùng là tấm huy chương vàng bị bán đi, Flavio rơi vào tuyệt vọng. Anh thử mọi loại chất kích thích kém chất lượng nhất có thể để thoả cơn nghiện. Anh bị sốc thuốc.
Gia đình và bạn bè là chỗ dựa giúp hậu vệ này vượt qua tất cả. Ảnh: Globo.
Làm lại
Điều khốn khổ nhất với Flavio sau đó là việc mất niềm tin từ người thân. Anh lừa dối họ nhiều lần để vay mượn tiền, và khi mọi chuyện đổ bể, không còn ai tin những gì Flavio nói.
Để cai nghiện, anh quyết định đến một thành phố khác sinh sống. Một chiến hữu cũng nghiện ngập đi cùng anh, nhưng rồi cậu bạn đó không chịu được, quay trở lại và mọi thứ chỉ càng tồi tệ hơn. Cơn đói thuốc ập đến và anh ta rơi vào con đường cũ.
“Tôi đến một nơi chẳng ai biết mình, tôi thay đổi và bắt đầu tập luyện trở lại. Tôi thử việc ở nhiều CLB địa phương”, anh nói.
Hernanes, người đồng đội nổi tiếng cùng trang lứa ở Sao Paulo, cho anh mượn tiền để cai nghiện. Cựu tiền vệ Inter và Juve giúp đỡ Flavio rất nhiều. Các đồng đội cũ cũng tìm giúp anh nhiều công việc, tạo cơ hội cho anh trở lại sân cỏ.
Tuy nhiên, không có điều thần kỳ nào xảy đến với sự nghiệp của Flavio. Mãi đến năm 2019, ở tuổi 35, anh mới được một CLB chơi ở giải hạng Hai Brazil, Portuguesa ngỏ lời.
Flavio giờ vừa chơi bóng, vừa giữ công việc của một người làm vườn. Anh bảo mình rất may mắn khi luôn có người thân, bạn bè bên cạnh.
Flavio bảo mình đã khóc khi thấy con gái lớn cầu xin bố đừng sống như thế này nữa. Vợ anh suýt bỏ đi nhưng đã chịu ở lại, và sinh cho anh thêm 2 đứa con gái. “Quay lại cuộc sống bình thường có lẽ là chiến thắng tôi tự hào nhất trong cuộc đời”, Flavio nói.
Nếu có một lời khuyên cho các cầu thủ trẻ, Flavio tin rằng họ hãy cẩn trọng với những người bạn xung quanh mình. “Các chiến hữu của bạn sẽ nói lên bạn là ai”, anh nói. Nhà vô địch thế giới 2015 giờ hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình, và vẫn nuôi giấc mơ tiếp tục ra sân thi đấu.
Tấm huy chương vàng bị bán đi năm nào, giờ đã quay về với chủ nhân của nó.
Carragher sai khi gọi Torres là cú lừa?
Về danh hiệu, Fernando Torres có sự nghiệp gần như trọn vẹn. Tuy nhiên, khoảng thời gian anh gắn bó với Chelsea lại dấy lên sự tranh cãi.
Khi khoác lên mình màu áo xanh của Chelsea, Torres thi đấu nhạt nhòa nhưng giành được hàng loạt danh hiệu cao quý như Champions League, Europa League hay FIFA Club World Cup.
Đó lại là những thứ Torres không giành được ở Liverpool, nơi anh thể hiện được những gì tinh hoa nhất của một trung phong cắm hàng đầu thế giới.
Những sự thật trớ trêu khiến nhiều người, trong đó có Jamie Carragher, đồng đội của Torres tại Liverpool, cho rằng Chelsea đã bị lừa khi phải bỏ ra tới 58 triệu euro để chiêu mộ tiền đạo không còn ở đỉnh cao sự nghiệp. Tuy nhiên, lúc đó, việc Torres ra đi là hoàn toàn hợp lý.
Torres chưa bao giờ hối hận khi gia nhập Chelsea. Ảnh: Pinterest.
Khát khao của Torres
Mùa đông 2011, Torres chính thức trở thành người của Chelsea. Anh vốn là mẫu tiền đạo mà Chủ tịch Roman Abramovich ưa thích. Đội chủ sân Stamford Bridge khi ấy là đương kim vô địch và có tiềm lực tài chính cũng như đội hình chất lượng.
Chelsea đủ sức cạnh tranh mọi danh hiệu. Đó chính xác là những gì Torres mong muốn. Anh khao khát được thi đấu ở tập thể mạnh, ghi bàn và nâng cúp.
Trong khi đó, Liverpool không khác gì con tàu lênh đênh giữa những cơn sóng dữ. Họ chia tay hàng loạt trụ cột như Xabi Alonso, Javier Mascherano, HLV Rafa Benitez cũng dứt áo ra đi. Câu lạc bộ nằm trên bờ vực phá sản và buộc phải đổi chủ.
"Comoli (Giám đốc Kỹ thuật cũ của Liverpool) đến nói FSG (chủ mới của Liverpool) có dự định đầu tư mới. Họ muốn mang về nhiều cầu thủ trẻ và xây dựng những thứ mới mẻ.
Tôi suy nghĩ cho bản thân mình rằng: Điều này cần đến 2, 3, 4 hay thậm chí là 10 năm mới có thể thành công. Tôi không còn nhiều thời gian. Tôi không có thời gian để chờ đợi. Tôi muốn giành chiến thắng. Giờ đây, 5 năm trôi qua, Liverpool vẫn đang ở vị thế như thời điểm tôi rời đi", Torres kể về khoảng thời gian chuẩn bị sang Chelsea với Simon Hughes, cây viết của Independent vào năm 2016.
Hạ gục Valdes và Barca là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Torres trong màu áo Chelsea. Ảnh: Getty.
Lời chia sẻ của Torres cho thấy khát khao chiến thắng trong anh lớn đến nhường nào. Đó là thứ khát khao giúp anh có sức rướn như vị thần Hy Lạp trong pha bóng vượt qua sự truy cản của Philipp Lahm rồi chích mũi giày tinh tế, mang lại chức vô địch EURO 2008 cho Tây Ban Nha. Đó là khát khao của người 2 lần vô địch châu Âu, một lần lên đỉnh thế giới.
Torres không bao giờ muốn dừng lại. Anh miệt mài tập luyện ở Chelsea để cố tìm lại bản năng sát thủ ngày nào. Sau mỗi buổi tập, anh vẫn ở lại để luyện dứt điểm.
"Fernando luyện dứt điểm cực kỳ chăm chỉ. Trong buổi tập chính, chúng tôi tập sút rất nhiều, nhưng anh ấy vẫn muốn tập thêm. Chất lượng các cú sút trong buổi tập của Fernando luôn rất tốt", trợ lý Steve Holland của Chelsea chia sẻ vào năm 2011.
Áp lực bủa vây tại Chelsea
Chăm chỉ là vậy, nhưng dường như Torres để những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình ở lại Anfield. Đôi khi anh lại khiến nhiều người xuýt xoa vì vài tình huống xử lý khéo léo. Tuy nhiên, đâu rồi vào đấy, sự tỏa sáng của Torres ở Chelsea cũng như niềm hy vọng anh sẽ trở lại của khán giả, chỉ là những vệt sáng le lói và nhợt nhạt. Áp lực của bản hợp đồng kỷ lục luôn đè nặng lên đôi chân và tâm lý Torres.
Sau 4 tháng và 13 trận, Torres mới có bàn thắng đầu tiên cho Chelsea. Từng có lúc cơn khát bàn thắng của anh kéo dài tận 11 giờ đồng hồ trên sân. Khi Didier Droga trở về thi đấu cho Bờ Biển Ngà tại CAN (giải vô địch châu Phi), anh cũng không thể nắm bắt cơ hội.
Tại Liverpool, Torres được ưu ái không kém gì Steven Gerrard. Có thể nói, nếu Gerrard là vua, thì Torres cũng là hoàng tử. Trên sân, chân sút người Tây Ban Nha được tạo điều kiện để ghi bàn. Anh từng cùng Gerrard tạo thành cặp song sát bậc nhất châu Âu.
Tại Chelsea, Torres chấp nhận việc trở thành một kép phụ. Anh thường xuyên dạt cánh, hoạt động rộng để phục vụ cho những cầu thủ khác. Khi đó, lối chơi của Chelsea xoay quanh bộ 3 Oscar - Juan Mata - Eden Hazard.
Ở Chelsea, Torres khiến những người yêu mến anh luôn chờ đợi vào sự hồi sinh không trọn vẹn. Ảnh: Getty.
Thậm chí, báo chí Anh cho rằng Torres bị cô lập ở Chelsea. Ngoài người đồng hương Mata và đội trưởng Lampard, các cầu thủ khác hiếm khi chuyền bóng cho "El Nino".
Suốt 172 trận thi đấu cho Chelsea, Torres ghi 45 bàn thắng, con số quá ít ỏi với tiền đạo hàng đầu. Carragher có thể đúng khi nói Chelsea đã bị Liverpool lừa, nhưng trên phương diện cá nhân, việc dứt áo ra đi là một quyết định dũng cảm.
Những cổ động viên Liverpool đã gọi Torres là kẻ phản bội và đốt những chiếc áo số 9 của anh. Sau tất cả, khi anh trở về Anfield, bài hát dành cho riêng anh vẫn được hát vang trên các khán đài.
Ricardo Kaka từng thừa nhận việc chuyển đến Real Madrid là sai lầm trong sự nghiệp. Torres cũng có tình cảnh như vậy, nhưng anh chưa bao giờ phát biểu tương tự. Với anh, Chelsea vẫn là điểm đến đáng nhớ trong sự nghiệp đầy rẫy vinh quang và cả nỗi buồn.
Aguero bảo vệ Messi, đáp trả lời chỉ trích từ người dân Argentina Tiền đạo Sergio Aguero đã lên tiếng bảo vệ người bạn thân Messi trước những lời chỉ trích sau mỗi thất bại của Argentina. Messi đã giành được mọi thứ cùng Barcelona bao gồm Champions League, La Liga, Siêu cúp châu Âu, FIFA Club World Cup, Cúp Nhà vua và Siêu cúp Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cầu thủ đang sở hữu 6...